Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

"Mão" là "mèo" hay là "thỏ"?

 "MÃO": KHÔNG đồng nghĩa "MÈO", cũng KHÔNG nghĩa là "THỎ"!



* Ý thức tự chủ: nước sông không phạm nước giếng. 

/1/ 

Theo thứ tự địa chi (gồm 12 chi): Tí 子, Sửu 丑, Dần 寅, Mão (Mẹo) 卯, Thìn 辰, Tị 巳, Ngọ 午, Mùi 未, Thân 申, Dậu 酉, Tuất 戌, Hợi 亥. 

Lưu ý (không ít người bị nhầm lẫn): chi Tí (子) không mang nghĩa là con chuột, mà ở đây con vật "cầm tinh" biểu tượng của chi Tí là con chuột (âm Hán-Việt là "thử" 鼠). 

Cũng rứa, chi Thìn (辰) không mang nghĩa là con rồng, mà ở đây con vật "cầm tinh" của chi Thìn là con rồng (âm Hán-Việt là "long" 龍). 

/2/ 

Tên của 12 chi là bất biến, không đổi. Khi kết hợp thiên can (gồm 10 can), ta có, năm 2023 gọi là "Quí Mão" (âm Hán-Viêt của 癸卯). Bên Tàu cũng vẫn là "Quí Mão" (tiếng Tàu Bắc Kinh đọc /Guǐ Mǎo/). 

Chi "Mão", ở VN dùng con vật cầm tinh là mèo; trong khi bên Tàu chi "Mão" lại dùng thỏ làm con vật cầm tinh. Tức "MÃO" không mang nghĩa "mèo" hoặc "thỏ" gì hết trơn, cùng gọi "MÃO" nhưng mỗi xứ dùng con vật "cầm tinh" khác nhau! 

/3/ 

Có điều này rất thú vị: 

- Tên gọi 12 chi (Tí, Sửu, ...., Tuất, Hợi) đều là âm Hán-Việt, NHƯNG khi gọi tên các con vật biểu tượng, người Việt GỌI BẰNG NAM ÂM (thuần Việt) là: Chuột, Trâu, Cọp, Mèo, Rồng, Rắn, Ngựa, Dê, Khỉ, Gà, Chó, Heo (Lợn).

- Nếu dùng âm Hán-Việt để gọi tên các con vật, theo thứ tự, sẽ phải là: Thử (鼠), Ngưu (牛), Hổ (虎), Miêu (貓), Long (龍), Xà (蛇), Mã (馬), Dương (羊), Hầu (猴), Kê (雞), Cẩu (狗), Trư (豬). 

NHƯNG người Việt chúng ta gọi "năm Chuột" chớ không gọi "năm Thử" / gọi "năm Rồng" chớ không gọi "năm Long" / gọi "năm Dê" chớ không gọi "năm Dương" / gọi "năm Gà" chớ không gọi "năm Kê" / gọi "năm Heo" (hoặc "năm Lợn" tùy phương ngữ Nam hoặc Bắc, đều thuần Việt) chớ không gọi "năm Trư". 

Chỉ duy có một con vật, cầm tinh của chi Dần, lẽ ra cần đọc theo Nam âm là "cọp" (hoặc "hùm", tùy phương ngữ, đều thuần Việt) cho đồng bộ hết thảy! Bỗng dưng... đọc theo âm Hán-Việt là "hổ". Sao kỳ cục dữ rứa? Sao không rập ràng nhứt quán chi hết? 

/4/ 

Có một số báo cho rằng người Việt chọn "cầm tinh" của chi Mão là mèo thì... không hợp lý. Họ lý luận ở bên Tàu (lẫn Hàn, Nhựt), cầm tinh là con thỏ. 

Họ giải thích: chi Mão (卯), người Tàu đọc là /mǎo/. Mặt khác, người Tàu đọc ký tự 貓 (âm Hán-Việt "miêu") cũng là /mǎo/ => Thành thử người Việt nhầm lẫn, tưởng bên Tàu "Mão" với "Miêu" cùng một thứ, nên chọn cầm tinh là "con mèo" luôn (!). 

Cho đến nay vẫn chưa có một giả thuyết nào đủ thuyết phục vê con vật cầm tinh khác nhau, "mèo" / "thỏ", cho cùng một chi Mão. 

/5/ 

Ồ, mắc gì phải lấy Tàu làm hệ qui chiếu? 

Quí bạn có biết: chi Mùi dùng con vật cầm tinh là "con dê", ở Tàu (ở VN cũng vậy); trong khi đó, Nhựt Bổn họ dùng "con cừu" làm vật biểu tượng đó đa! 

Mỗi xứ sở có cách dùng có thể khác nhau. Nước sông không phạm nước giếng, có sao đâu! 

Quí bạn còn nhớ, để chỉ việc lên ngôi vua, tiền nhân người Việt chúng ta bao đời đều dùng chữ "đăng quang". Trong khi người Tàu dùng "đăng cơ" (登基, đọc là /dēng jī/, người Nhựt dùng "tức vị" (即位 , đọc là /sokui/). 

Nước sông không phạm nước giếng. 

Mắc gì phải gọi theo Tàu là "đăng cơ"? 

Đăng nhận xét

0 Nhận xét