Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

Ai là người Việt đầu tiên theo Công giáo?

 CHI TIẾT TRONG LỊCH SỬ 

Ai là người Việt Nam đầu tiên theo đạo Thiên Chúa ? Và có thể bắt đầu bằng câu hỏi này, vấn đề về việc đạo Thiên Chúa ảnh hưởng đến lịch sử Việt Nam có thể sáng tỏ thêm. Lịch sử đôi khi bừng sáng bởi những chi tiết, Tư Mã Thiên là bậc thầy trong thủ pháp này khi viết Sử ký.



Đó là Đỗ Hưng Viễn, một vị quan dưới triều Lê Anh Tôn (1556-1573). Thời này tuy đã có những tu sỹ đến Việt Nam nhưng họ chỉ làm mục vụ cho những người phương Tây hoặc thủy thủ từ các thuộc địa theo đạo Thiên Chúa trên những con tàu đến Việt Nam buôn bán chứ chưa truyền đạo - cuốn “Những người châu Âu ở nước An Nam” của Charles Maybon chép rất chi tiết.

Cha Poncet trong tập “Đô thành hiếu cổ” có viết : “Hung Vien, L’un des premier Annamites sinon le premier, convertis au catholicismes”- Hưng Viễn, một trong những người An Nam đầu tiên, nếu không muốn nói là đầu tiên, cải sang đạo Công giáo.

Cha Poncet căn cứ vào tài liệu nào ? Đó là gia phả của họ Đỗ làng Bồng Trung, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, gần Trường An và Lam Kinh, nơi mà các vua Lê chạy về sau khi bị nhà Mạc cướp ngôi.

Điều này được khẳng định bởi Cha Cadière, người đã có tới 250 công trình nghiên cứu về Việt Nam và Tàu, ông đã được họ Đỗ đưa cho cuốn gia phả này, trong đó chép : “Đỗ Công Biền đậu Cống sinh thi Hương năm Kỷ Dậu, đời vua Chính Trị (Lê Anh Tôn) năm thứ 7, được phong (liệt kê các tước hiệu) ....Con đầu là Viên Đức, con thứ là Hưng Viễn theo đạo người Hòa Lan”.

Với những khảo cứu căn cứ trên nhiều nguồn tư liệu, Cha Cadière khẳng định, Hưng Viễn đã theo đạo Thiên Chúa ở Macau hoặc quần đảo Nam Dương. Vào thời kỳ ấy, vua Lê Anh Tông bắt được một chiếc tàu của người Bồ Đào Nha, trên tàu có mang theo một lá thư của một tu sỹ gửi cho nhà vua, ngài đã thả chiếc tàu và cử một vị quan mang thư trả lời đến thuộc địa của người Bồ Đào Nha. “Người Việt ấy sang một xứ đạo ở thuộc địa Bồ Đào Nha, theo đạo Công giáo ở xứ ấy rồi trở lại nước nhà, thờ phượng cây Thánh Giá một cách công khai. Nhà vua đã được nghe tố cáo rõ ràng về việc ấy”- tư liệu này chép.

Gia phả họ Đỗ chép: “Đỗ Hưng Viễn được phong chức Phụ quốc Thượng tướng quân, Tiết chế, Nam quân Đô đốc, Kỳ quân công có con trưởng là Đỗ Viên Mãn theo đạo Hòa Lan không được thờ phụng tổ tiên phải giao lại việc hương hỏa cho em là Đỗ Viên Chính”

Có một chi tiết thật thú vị, người truyền đạo cho Đỗ Viên Mãn lại chính là Cha Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ), Cha có kể lại mình đã làm phép Rửa cho cả gia đình một ông quan lớn, chỉ có ông này là không, nhưng trước khi chết ông cũng xin làm phép rửa. Có thể tin điều này vì thời gian Cha Đắc Lộ ở Kẻ Chợ (Thăng Long) trùng với thời gian ghi trong gia phả họ Đỗ . Trong con cháu của Đỗ Viên Mãn có một người làm Linh mục, đó là Cha Jacques Đỗ Năm, bị giết thời cấm đạo của vua Minh Mạng năm 1838. ngày 21 tháng 5 năm 1900 Giáo Hoàng Leon XIII đã ghi tên ông vào danh sách các Thánh tử vì đạo.

Tại Trường An, Thanh Hóa còn một làng gọi là làng Gia Tô, một nền đất gọi là nền Gia Tô, một cái giếng cũng gọi là giếng Gia Tô dù không còn ai là Ki tô hữu. Nó có liên hệ đến một câu chuyện về một bà công chúa tên là Mai Hoa (còn gọi là bà chúa Chè)tên thánh là Flora Marie em gái vua Lê Anh Tông, được vua đề nghị gả cho cho một giáo sỹ kiêm võ quan người Y Pha Nho (Tây Ban Nha) là Ordunez de Ce’vallos, tất nhiên là một giáo sỹ, De Ce’vallos không thể kết hôn, Công chúa Mai Hoa đã lập một nhà tu kín ở gần cung điện nhà vua ở Trường An. Nhiều người vẫn coi đây chỉ là truyền thuyết không đáng tin cậy, nhưng xin nhớ, các vua Lê thời đó đã muốn liên kết với phương Tây để đánh lại nhà Mạc, vua Lê Thần Tông có một cung phi là người Hà Lan hiện vẫn còn tượng thờ ở Điện vua Lê thì chuyện công chúa Mai Hoa có thể đáng tin.

Cha Cadière có một nhận định rất sâu sắc : “Chúng ta vừa thấy việc khảo cứu về gia phả họ Đỗ đã chỉ dẫn cho chúng ta biết những gốc tích đạo Thiên Chúa ở Việt Nam. Và những lời chú giải sau này cho chúng ta thấy rằng những tài liệu như thế còn có thể cho chúng ta những chỉ bảo quý báu về lịch sử toàn quốc của nước Việt Nam”.

Quả vậy, trong gia phả họ Ngô nhà tôi chẳng hạn, có rất nhiều chuyện có tác động sâu sắc đến lịch sử của thời đại ấy mà không hề được chép trong chính sử. Hay có những sai sót về niên đại giữa chính sử và gia phả mà không được giải thích, thường thì (hầu như luôn luôn) người ta chỉ chấp nhận chính sử mà gạt bỏ những nguồn khác.

Việc này cần cái tâm cũng như trình độ của người làm sử, chỉ một chi tiết trong gia phả họ Đỗ : “Năm Chính Trị (Lê Anh Tông) thứ 15, Đỗ Biều được phong tước Lương Khê nam”. Tất cả các bộ chính sử đều chép niên hiệu Chính Trị chỉ có 14 năm. Ai đúng ?

Cha Cadière đã lục tung các tư liệu cũ, thì ra trong Cang Mục có chép: :Tháng Giêng năm Nhâm Thân (1572) vua Lê Anh Tông làm lễ tế Giao có đánh rơi cái lư trầm. Triệu bất tường nên các quan đề nghị thay đổi niên hiệu, thay năm Chính Trị thứ 15 bằng niên hiệu Hồng Phúc thứ nhất”, thêm nữa, ngày 22 tháng Giêng năm Quý Dậu (1573) nhà vua băng hà do Trịnh Tùng sát hại, trong dân chúng ít người biết những chuyện này nên niên hiệu “năm Chính Trị thứ 15” vẫn được dùng rất lâu sau này.

Cha Cadière kết luận :

“Dù sao, cuốn gia phả của nhà họ Đỗ cho phép chúng ta nghĩ rằng : Mặc dù thời gian hay phá hoại và người ta hay nhầm lẫn, những tập di bút tư gia, không nói gì đến của các nhà thế gia mà kể cả những nhà dân tầm thường cũng chứa những kho tàng quý giá kể cả về phương diện lịch sử, gồm đủ các chi tiết về nước Việt Nam”. 

Ông viết thêm :

“Chúng ta hãy chúc mừng cho những người Việt Nam, lần đầu biết cởi bỏ cái tính sợ người ngoài để mắt đến, khư khư giữ kín những tập bút ký gia đình, chịu đem ra cống hiến vào lợi ích của toàn thể quốc gia”.

Lịch sử luôn có những bất ngờ thú vị như vậy.


Ngô Nhật ĐĂNG

Chương 15: Học giả Cadière và tập san Đô Thành Hiếu Cổ - Nam Kỳ Lục Tỉnh (google.com)

Facebook 

Đăng nhận xét

0 Nhận xét