“VỤ THẢM SÁT NHỮNG NGƯỜI VÔ TỘI” CỦA DANH HỌA PETER PAUL RUBENS (1577-1640)
Biến cố ấy xẩy ra thế này: “Khi Chúa Giêsu ra đời tại Bêlem, miền Giuđê, thời vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Ðông đến Giêrusalem, và hỏi: “Ðức Vua dân Do thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Ðông, nên chúng tôi đến bái lạy Người”.
Nghe tin ấy, vua Hêrôđê bối rối, và cả thành Giêrusalem cũng xôn xao” (Mt 2,1-3). Tin Mừng thánh Matthêu chương 2 trong các đoạn kế tiếp thuật lại rằng vua Hêrôđê ác độc tìm cách biết nơi rõ ràng để thủ tiêu Hài đồng Giêsu. Nhưng, được mộng báo, các nhà chiêm tinh sau khi đã gặp Hài Ðồng Giêsu tại Bêlem thì họ đã không trở lại gặp Hêrôđê nữa, mà đã đi lối khác mà về lại xứ của họ (Mt 2, 7-12).
Tin Mừng thánh Matthêu chương hai viết tiếp: “Thánh Giuse được sứ thần Chúa hiện ra báo tin, nên Ông đang đêm đã đưa Mẹ Maria và Chúa Giêsu trốn qua Ai Cập cho đến khi Hêrôđê băng hà” (Mt 2,13-15).
Hêrôđê thấy mình bị đánh lừa, nên đùng đùng nổi giận, sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bêlem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cận kẽ các nhà chiêm tinh (Mt 2, 16-17).
Biến cố này, đã trở thành chủ đề lớn, hấp dẫn nhiều hoạ sĩ lao vào thể nghiệm. Hầu hết, đều cố gắng làm thế nào để diễn tả được hết cái bầu không khí náo động, phi lý và hết sức tàn bạo của nó...
Trong rất nhiều tranh vẽ về chủ đề này, bức tranh khổ lớn “Vụ thảm sát những người vô tội” của Peter Paul Rubens vẽ năm 1611, được nhiều nhà phê bình cho là đáng chú ý nhất.
Người ta không biết, bức tranh ban đầu được vẽ theo sự ủy thác của ai, nhưng từ cuối thế kỷ XVII, bức tranh đã trở thành một phần của Bộ sưu tập Liechtenstein ở Vienna, Áo, cùng với một bức tranh khác của Rubens, “Samson và Delilah”. Các bức tranh được đóng dấu gia đình Liechtenstein và được ghi lại trong bộ sưu tập cho đến thế kỷ 19.
Có một khoảng thời gian trống, người ta không biết bức tranh được chuyển nhượng như thế nào, bởi chúng được thực hiện bởi các nhà sưu tập ẩn danh. Mãi đến năm 2002, nó mới được George Gordon, một chuyên gia về tranh Flemish và Hà Lan tại Sotheby's ở London, phát hiện trong một phiên đấu giá. Trong phiên đấu giá này, vào ngày 10 tháng 7, bức tranh đã được mua với giá 49,5 triệu bảng Anh (117 triệu đô la Mỹ) bởi doanh nhân và nhà sưu tập nghệ thuật người Canada tên Kenneth Thomson.
Sau cuộc đấu giá, bức tranh đã được cho mượn treo tại Phòng trưng bày Quốc gia, Luân Đôn mấy năm. Đến năm 2008, Kenneth Thomson đã tặng bức tranh cho Phòng trưng bày Nghệ thuật Ontario ở Toronto, và nó được treo ở đó cho đến ngày nay.
Theo nhiều nhà phê bình, bức tranh này, là thành quả mấy năm học hỏi của Rubens ở Ý từ năm 1600 đến năm 1608, nơi ông tận mắt quan sát các tác phẩm của các họa sĩ Baroque Ý như Caravaggio. Những ảnh hưởng này được nhìn thấy trong bức tranh này thông qua kịch tính tuyệt đối và sự năng động đầy cảm xúc của hình ảnh, cũng như màu sắc phong phú, mạnh mẽ...
Cũng theo nhiều nhà phê bình, nguồn cảm hứng trực tiếp dẫn Rubens đến chủ đề này, dường như có liên quan đến các cuộc thảm sát ở Antwerp-quê hương ông-trong khoảng thời gian đó. Chỉ trong một năm sau 1609, các xung đột tôn giáo bùng nổ, hơn 8.000 tín hữu Công giáo, đã bị giết bởi những người theo chủ nghĩa Calvin...
Vào cuối đời, giữa năm 1636 và 1638, Rubens đã vẽ bức tranh thứ hai về “Cuộc thảm sát những người vô tội”. Bức tranh này thuộc bộ sưu tập nghệ thuật của Alte Pinakothek, ở Munich và vẫn được lưu giữ ở đó cho đến ngày nay. (Xem ảnh tranh dưới phần cmt)
*
Peter Paul Rubens là một nghệ sĩ người Flemish. Ông được coi là nghệ sĩ có ảnh hưởng nhất của truyền thống Flemish Baroque. Các tác phẩm giàu năng lượng của Rubens tham chiếu các khía cạnh uyên bác của lịch sử cổ điển và Kitô giáo. Phong cách Baroque độc đáo và vô cùng nổi tiếng của ông nhấn mạnh đến sự chuyển động, màu sắc dữ dội và sự gợi cảm đầy kịch tính...
Bức thứ hai, Rubens vẽ vào mấy năm cuối đời-khoảng giữa năm 1636 và 1638. (Bức tranh này được lưu giữ tại Alte Pinakothek, Munich từ năm 1706)
(Trích từ sổ tay nghệ thuật Công giáo-2014)
0 Nhận xét