Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

"Chúa Giêsu trong Vườn Cây Dầu" (Christ in the Garden of Olives) - một tuyệt tác của Delacroix

 “CHÚA GIÊSU TRONG VƯỜN CÂY DẦU”-MỘT TUYỆT TÁC CỦA EUGÈNE DELACROIX (1798-1863)

Delacroix, được coi là hoạ sĩ vĩ đại nhất của thời kỳ Lãng mạn ở Pháp, có lẽ được biết đến nhiều nhất với bức tranh “Nữ thần Tự do dẫn dắt nhân dân-Liberty Leading the People” (1830) vô cùng nổi tiếng.



Chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng “Thế kỷ ánh sáng”, thể hiện sự đề cao tự do, “cái tôi cá nhân”, chủ trương tách rời niềm tin tôn giáo khỏi tri thức con người, và có nhiều phản ứng chống đối cực đoan hàng Giám mục Công giáo ở Pháp đương thời v.v..., nên Delacroix thường được hiểu như là “bạn của Voltaire”-một người có khuynh hướng hoài nghi, vô thần...

Với các nhà nghiên cứu nghệ thuật công tâm và cẩn trọng, thì cái “thường được hiểu” đó chỉ là định kiến, thậm chí là xuyên tạc. Riêng số lượng 120 bức tranh và hơn 220 bức vẽ mô tả các chủ đề tôn giáo như “Pietà” hoặc “Chúa Kitô trên cây thánh giá” v.v... mà hầu hết đều có giá trị như sự khởi đầu cho phong cách nghệ thuật tôn giáo hiện đại đã chứng minh thực tế hoàn toàn ngược lại. Qua tranh, có thể nhận thấy sự đồng cảm và quan tâm lâu dài của Delacroix đối với tôn giáo. Ông không chỉ tìm thấy trong tôn giáo những câu chuyện và hình tượng để thúc đẩy trí tưởng tượng của mình-như nhiều người đã nói nhiều như vậy.

Năm 1885, tức 22 năm sau khi nghệ sĩ qua đời, nhà phê bình nghệ thuật Ernest Chesneau đã kết thúc tiểu luận công phu của mình bằng nhận định: “Khi một người xem xét các chủ đề tôn giáo mà Delacroix đã  thực hiện trong suốt cuộc đời vẽ tranh của mình, trước con số khổng lồ và giá trị thẩm mỹ cũng như tư tưởng, người ta phải kết luận rằng, Delacroix không chỉ mơ mộng mà còn có một tâm hồn tôn giáo. Các bức tranh tôn giáo của Delacroix đã bộc lộ các trải nghiệm thẩm mỹ như một dấu hiệu của tâm linh. Cụ thể hơn, tư tưởng của ông có dấu hiệu chịu ảnh hưởng bởi các nền thần học tiến bộ xuất phát từ cuộc phục hưng tôn giáo nhanh chóng một cách đáng kinh ngạc vào những thập kỷ đầu của thế kỷ 19.”

Trong tất cả các tranh chủ đề tôn giáo của Delacroix, nổi tiếng nhất, là bức “Chúa Giêsu trong vườn cây dầu-Christ in the Garden of Olives” vẽ năm 1824-lúc đó ông mới 26 tuổi. Đây cũng là bức tranh chủ đề tôn giáo có kích thước lớn nhất của ông-294cm x 362 cm. Qua thời gian, bức tranh này, đã được xem là một tuyệt tác của Delacroix, của nghệ thuật Công giáo thời Lãng mạn nói chung.

Chủ đề “Chúa Giêsu trong vườn cây dầu” là chủ đề quan trọng trong nghệ thuật Công giáo, đã hấp dẫn rất nhiều hoạ sĩ tham gia thể hiện, trong đó có nhiều danh họa, và đã có rất nhiều tác phẩm thực sự xuất sắc.

*

Khung cảnh của “tường thuật” này thật là đặc biệt: Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi đến vườn Cây Dầu sau Bữa Tiệc Ly. Con đường đến vườn Cây Dầu, được cảm nhận, là con đường đến gần Sự Khổ Nạn và cái chết của Chúa Giêsu. Người đến đó để cầu nguyện. Khác với mọi lần chỉ muốn một mình “nơi thanh vắng”, lần này, trong vườn Cây Dầu, Người đã bảo Thánh Phêrô, Giacôbê và Gioan ở gần hơn với Người. Gần hơn, nhưng cả ba vị Môn đồ đều ngủ vì mệt mỏi. Chúa Giêsu cũng vẫn cầu nguyện “một mình”-với Chúa Cha. Theo Thánh Sử Marcô: “Người đem ông Phêrô, ông Giacôbê và ông Gioan đi với Người. Người bắt đầu cảm thấy đau buồn và lo sợ. Người bảo ba ông, ‘Linh hồn Thầy buồn rầu đến nỗi chết được. Các con hãy ở lại đây và tỉnh thức.’” (14,33-34). Những lời mà Chúa Giêsu nói với ba môn đệ, cho thấy Người cảm thấy sợ hãi và đau khổ thế nào trong “Giờ” này, sự cô đơn cuối cùng và sâu thẳm mà Người trải qua trong giờ phút mà kế hoạch của Thiên Chúa đang được thực hiện. Sự sợ hãi và thống khổ của Chúa Giêsu gồm tóm tất cả sự kinh hoàng của con người trước cái chết của mình, sự chắc chắn của việc không thể tránh được nó và nhận thức được sức nặng của sự dữ đang ăn mòn sự sống của chúng ta.

Sau khi yêu cầu ba môn đệ ở lại đó canh thức trong cầu nguyện, “chỉ một mình” Chúa Giêsu hướng về Chúa Cha. Thánh Sử Marcô kể lại rằng “Đi xa hơn nữa, Người sấp mình xuống đất mà cầu xin cho mình khỏi phải qua giờ ấy, nếu có thể được” (Mc 14:35). Chúa Giêsu sấp mình xuống đất, là một tư thế cầu nguyện diễn tả sự vâng phục Thánh Ý của Thiên Chúa, tin tưởng phó thác cho Thiên Chúa. Rồi Chúa Giêsu xin Chúa Cha rằng, nếu có thể được, thì xin cho Ngưởi qua khỏi giờ này. Đó không chỉ là sự sợ hãi và thống khổ của một người trước khi chết, nhưng còn là một biến động nội tâm của Con Thiên Chúa, Đấng thấy sức nặng của sự dữ khủng khiếp mà Người phải tự mình gánh lấy để thắng vượt nó, để tước đi quyền lực của nó.

Chúa Giêsu tiếp tục cầu nguyện: “Abba, Lạy Cha! Mọi sự đều có thể được đối với Cha, xin cất chén này khỏi con. Nhưng xin đừng theo điều con muốn, mà theo điều Cha muốn!” (Mc 14:36). 

Trong lời khẩn xin này, có ba đoạn được tỏ lộ. Trước hết có hai dụng ý trong lời mà Chúa Giêsu thưa cùng Thiên Chúa:“Abba, Lạy Cha” (Mc 14:36 a). Chúng ta biết rằng Abba là từ Aram được một em bé dùng để gọi cha nó, và như thế nó diễn tả mối liên hệ của Chúa Giêsu với Thiên Chúa Cha, một mối liên hệ ân cần, yêu thương, tin tưởng và phó thác. Trong phần giữa của lời cầu khẩn là yếu tố thứ hai: ý thức về sự toàn năng của Chúa Cha – “Mọi sự đều có thể được đối với Cha” – giới thiệu một lời cầu xin mà trong đó một lần nữa bày tỏ thảm kịch của ý chí nhân loại của Chúa Giêsu khi trực diện với cái chết và sự dữ: “xin cất chén này khỏi con”. Nhưng chính câu nói thứ ba của lời cầu nguyện của Chúa Giêsu là câu nói quyết định, trong đó ý chí nhân loại hoàn toàn tuân theo ý chí Thiên Chúa. Thực ra, Chúa Giêsu kết luận bằng cách mạnh mẽ thưa rằng: “Tuy nhiên, xin đừng làm theo điều con muốn, mà làm theo điều Cha muốn.” (Mc 14:36 c).

*

Hầu hết các tranh vẽ về chủ đề này trước Delacroix, đều cố gắng thể hiện đầy đủ các tình tiết gay cấn câu chuyện trong Kinh Thánh, và nhấn mạnh vào sự cô đơn, thống khổ đến cùng cực của Chúa Giêsu. Bên cạnh, ba môn đồ đang ngủ mê man, từ phía xa, Giuđa đang dắt quân dữ đến bắt Chúa. Các Thiên thần phải đến nâng đỡ, vỗ về Chúa Giêsu. Cách thể hiện như vậy, khiến người xem nhói lòng, phải “thức tỉnh”...

Phía sau, là hình ảnh Giuđa dắt quân dữ đến bắt Chúa Giêsu...


Dalecroix khác hẳn. Ông chọn thời khắc Chúa Giêsu đã kết luận “Tuy nhiên, xin đừng làm theo điều con muốn, mà làm theo điều cha muốn”, và nhấn mạnh vào niềm tin: chỉ trong việc làm cho ý muốn của mình phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa, thì con người đạt được sự cao cả đích thực của mình, trở thành “thần linh”; chỉ khi ra khỏi chính mình, chỉ khi ở trong lời “xin vâng” với Thiên Chúa, thì ý muốn được hoàn toàn tự do mới được hiện thực. Chính trong sự tín thác, Chúa Giêsu đã tự cứu chuộc cái phần con người-vốn dĩ yếu đuối-nơi mình. Qua việc chuyển ý muốn nhân loại sang ý muốn của Thiên Chúa, con người đích thực được phục sinh, và vì thế nhân loại được cứu chuộc...

Trong tư thế vươn dậy, Chúa Giêsu đã vung tay xua đuổi các Thiên thần  đang thể hiện các cảm xúc u sầu, đau xót-cũng yếu đuối như con người-bên cạnh...

Cách thể hiện với tư tưởng như vậy, Delacroix đã hiện đại hoá chủ đề này trong nghệ thuật Công giáo. Và chính vì lẽ đó, càng về sau, người ta phải thừa nhận, đây là một tuyệt tác mà Delacroix đóng góp cho nghệ thuật Công giáo. Và xa hơn, chứng minh sự tồn tại một đời sống tâm linh tôn giáo thuần thành nơi chính Delacroix...

Delacroix vẽ bức tranh này cho nhà thờ thánh Phaolô ở Paris, và vẫn còn được lưu giữ ở đó cho đến ngày nay.

“The Good Samaritan” vẽ năm 1849, cũng là một bức tranh chủ đề tôn giáo rất nổi tiếng của Delacroix...

Bức “Liberty Leading the People” vẽ năm 1830 vô cùng nổi tiếng của Delacroix...



NGUYÊN HƯNG 

(Trích từ “Nghệ thuật Công giáo”)


Đăng nhận xét

0 Nhận xét