Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

MỜI GỞI BÀI CỘNG TÁC CHO MỤC ĐỒNG 23

MỜI GỞI BÀI CỘNG TÁC CHO MỤC ĐỒNG 23

* Hiện nay MỤC ĐỒNG 22 “Dòng sông chữ Việt” đã dừng nhận bài về chủ đề này, chuẩn bị “chốt lại” bản thảo để gởi xin giấy phép và bắt đầu tiến hành dàn trang trình bày. Ngay sau đó, sẽ tiếp tục đọc chọn bài cho MỤC ĐỒNG 23 “Tháp chuông và Bến nước”, mời quý CTV bắt đầu gởi bài cho chủ đề này để kịp phát hành vào đầu tháng 8/2022 (Vì thế số này sẽ dừng nhận bài vào giữa tháng 6/2022). Xin giới thiệu trước “Lời mở đầu” của tập này như “gợi ý” về những nội dung chính để quý tác giả dễ hình thành ý tưởng cho bài viết. Ngoài ra, cũng có thể viết về những câu chuyện “sống Đạo giữa đời” của người Công giáo. Rất mong quý tác giả sớm gởi bài cộng tác để không bị “lỡ đò” (Cần gởi ít nhất trước 2 tháng so với thời gian dự kiến phát hành).


+ Lời mở đầu MỤC ĐỒNG 23 +

THÁP CHUÔNG VÀ BẾN NƯỚC


Tháp chuôngbến nước ư? Liệu có thể đặt cạnh nhau được không?

Tháp chuông là hình ảnh tôn giáo, biểu tượng của chốn thánh thiêng, uy nghiêm và tôn quý. Bến nước lại là hình ảnh của cuộc sống thường ngày, là chốn con người gặp gỡ quây quần giữa cõi hồng trần đa tạp vần xoay. Tháp chuông hướng mình theo chiều cao. Bến nước trải mình theo chiều rộng. Cùng với gốc đa và sân đình, bến nước là biểu tượng của đời sống làng quê mộc mạc, rất thuần Việt. Tháp chuông lại mang ít nhiều dáng dấp của một nền văn hoá khác, có vẻ Tây lắm! Hội nhập với nhau được chăng?

Được chứ! Hãy nghe thử một câu hát vọng lên từ làng quê Việt Nam thế này: “Làng tôi xanh bóng tre, từng tiếng chuông ban chiều, tiếng chuông Nhà thờ rung” (Văn Cao, Làng tôi). Thật bình yên và linh thánh, phải không? Thấp thoáng sau luỹ tre làng, tháp chuông đã hoà mình trở nên một phần của bức hoạ đồng quê yêu dấu. Trong tiếng rì rào của luỹ tre xanh, tiếng chuông vọng ngân mỗi chiều như một giọt cứu độ tự trời cao gởi xuống làm thánh lên cả một cõi hồng trần! Tiếng chuông nhà thờ là tiếng lòng của một tôn giáo có khởi đầu với một Người, đã từ bỏ tháp ngà tự trời cao vời vợi để dìm mình vào giữa bến nước cuộc đời. Ấy là tôn giáo nhập thế. Có Đạo trong đời. Có đời trong Đạo.

Mục Đồng tập 23 với chủ đề “Tháp Chuông và Bến Nước” là tuyển tập những bài viết về những mẫu chuyện đời thường của người trẻ Công Giáo trong môi trường văn hoá và xã hội Việt Nam. Họ là những người trẻ, có một tuổi thơ vui đùa bên bến nước làng quê. Tuổi thơ của họ cũng đã được nuôi dưỡng trong tiếng chuông đạo hạnh. Rồi họ lớn lên, xuôi mình theo dòng chảy của nhịp sống hiện đại, lạc trôi qua bao bến nước cuộc đời. Cuộc đời bao là bến nước. Biết bến nào đục, biết bến nào trong? Liệu họ có giữ được mãi trong lòng mình dư âm của tiếng chuông linh thánh năm nào? Liệu âm vang của tiếng chuông có đủ để cảnh tỉnh và giúp họ gạn đục khơi trong giữa bao bến nước cuộc đời hỗn mang đa tạp?

Tháp chuông đặt cạnh bến nước có được không? Được lắm chứ. Và cần lắm chứ. Tháp chuông hướng con người lên cao theo chiều dọc. Bến nước hướng con người gặp gỡ con người theo chiều ngang. Cần có đủ cả hai chiều kích thì người ta mới sống được trọn vẹn niềm tin của một tôn giáo nhập thế.

Nếu bến nước gần gũi với con người trong đời sống vật chất và văn hoá, tháp chuông nuôi dưỡng và giúp con người lớn lên trong đời sống tâm linh. Chỉ cắm cúi trong những bến nước cuộc đời, người ta dễ lạc mất mình lắm. Cần biết ngẩng đầu nhìn lên để lòng mình được hướng về trời, để đời mình tìm được một hướng đi và một lẽ sống. Chỉ cần ngẩng đầu nhìn lên, bao vất vả gồng gánh nặng nề bên bến nước cuộc đời sẽ trở nên nhẹ nhàng và thanh thoát. Những tạp nhạp sẽ được thánh hoá. Những niềm đau sẽ được cứu độ.

Xin hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong tuyển tập Mục Đồng 24 “Những Ánh Sao Đời Thường”, viết về những giá trị văn hoá và thiêng liêng của dịp Lễ Giáng Sinh.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét