Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

Đừng hoảng loạn! - Tranh “Chúa Giêsu trên biển Galilê - Christ on the Sea of Galilee” của Delacroix

 ĐỪNG HOẢNG LOẠN...!

“Con thuyền Giáo hội đang hứng chịu bao nhiêu phong ba bão táp sắp chìm đến nơi, vậy mà Chúa Jesus vẫn tỉnh bơ nằm ngủ như không có chuyện gì xảy ra...!”



Cái tình huống trong chủ đề “Chúa Jesus trên biển Galilee”, cũng tương tự như vậy. Và trong nghệ thuật, các họa sĩ, đã lựa chọn một trong hai cách xử lý chủ đề:
- Cách thứ nhất, thể hiện hình ảnh Chúa Giêsu đứng uy nghi trên thuyền “ra lệnh” cho bão tố ngưng lại nhằm nhấn mạnh quyền năng của Chúa. Cách này vừa vặn tầm kỳ vọng của số đông tín hữu.
- Cách thứ hai, thể hiện Chúa Jesus vẫn an nhiên nằm ngủ như không có gì xảy ra khi chung quanh sóng gió vẫn dữ dội và mọi người đang hoảng loạn. Cách này, nhấn mạnh vào bài học Tân Ước về đức tin: khi bị đánh thức bởi các môn đồ kinh hãi của mình, Chúa Jesus đã mắng họ vì họ thiếu tin tưởng vào Sự Quan Phòng...

Delacroix đã vẽ ít nhất sáu bức tranh về chủ đề “Chúa Jesus trên biển Galilee-Christ on the Sea of Galilee” này trong năm 1853. Và ông đã chọn cách tiếp cận thứ hai. Theo nhiều nhà phê bình mỹ thuật, cách tiếp cận này của Delacroix, thể hiện một đức tin tôn giáo thuần thành và mạnh mẽ hơn hết: luôn tin vào Thiên Chúa-vốn hiện hữu bên mình-cho dù có chuyện gì xảy ra...!

*

Vào những năm 1830, các tầng lớp lao động ưa thích hình tượng Chúa Jesus như là vị cứu tinh của người nghèo hoặc là Mục tử nhân lành; các nhà hoạt động chính trị và những người theo chủ nghĩa tự do đã phổ biến một hình ảnh của Chúa Jesus là người lãnh đạo của quần chúng bị áp bức; tầng lớp tư sản ưu tú, có học thức ưa thích hình ảnh Chúa Jesus là người anh hùng thánh thiện, u buồn, đơn độc. Delacroix cũng như các họa sĩ Lãng mạn chủ nghĩa khác đã ủng hộ khuynh hướng sau cùng. Và họ tin rằng, đó là triết lý Công giáo tiến bộ và nhân đạo nhất. Ở đây, rõ ràng, ý thức về tự do cá nhân đã có tác động sâu rộng đến các chủ đề và biểu tượng của nghệ thuật Công giáo. Các họa sĩ tập trung sự chú ý vào nhân tính của Chúa Jesus và vào các chủ đề nhấn mạnh đến đức hạnh của Người Công giáo thay vì các chủ đề mang tính giáo điều hoặc bí tích. 

Những bức tranh như thế này của Delacroix, ngay từ khi mới ra đời, đã được giới trí thức và các nhà thần học cấp tiến trong giáo hội Công giáo ở Pháp, ủng hộ. Họ cảm nhận được trong các tác phẩm của ông một thứ gì đó có thẩm quyền và siêu việt: một năng lượng có ích và sống động truyền qua màu sắc rực rỡ, nét vẽ biểu cảm và các hình tượng có độ nén tinh tế và sâu sắc... Nó có tác dụng rất lớn trong việc thúc đẩy một ý thức quan trọng của thời đại: Nhân tính, đó là tự do tính.


Nguyên Hưng

(Lược trích từ sổ tay nghệ thuật Công giáo)


Đăng nhận xét

0 Nhận xét