Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

Sức mạnh kỳ lạ, bền bỉ của "Bàn tay cầu nguyện"

SỨC MẠNH KỲ LẠ, BỀN BỈ CỦA “BÀN TAY CẦU NGUYỆN”

Bức tranh này, kỳ thực chỉ là một khảo hoạ (bản vẽ nghiên cứu) chuẩn bị cho một bức tranh thực sự, có từ thế kỷ 16. Điều kỳ lạ, là ngay từ lần đầu tiên ra mắt công chúng, vào năm 1871, trong triển lãm giới thiệu các tác phẩm của Albrecht Dürer (1471-1528) ở Vienna, bức khảo hoạ này đã nhanh chóng được nhìn nhận như một tác phẩm độc lập, và hơn thế, trở thành một biểu tượng quốc tế cho lòng mộ đạo, trở thành nguồn cảm hứng cho vô số sáng tác nghệ thuật đại chúng...


Ngày nay, người ta có thể nhìn thấy nó ở khắp mọi nơi, trên các áp phích, được xăm lên người, được khắc trên bia mộ, v.v... “Không nghi ngờ gì nữa, đó là bức vẽ nổi tiếng nhất trên thế giới"-Andrew Robison, một nhà nghiên cứu nghệ thuật chuyên viết về Albrecht Dürer đã nói như thế.

Bản vẽ này, Albrecht Dürer thực hiện bằng bút lông và mực in trên giấy màu xanh lam năm 1508. Đó là một khảo hoạ chuẩn bị cho một bức tranh lớn tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria cho một nhà thờ ở Frankfurt.  Trong bức tranh đã hoàn thành, đó là bàn tay của một sứ đồ đang nhìn lên Đức Trinh Nữ Maria lên trời.  


Từ thế kỷ 19, ở khắp nơi, người ta lan truyền câu chuyện, “Bàn tay cầu nguyện”, là bàn tay người anh của Albrecht Dürer. Chuyện kể, Albrecht Dürer và anh trai, ai cũng muốn đi học trường nghệ thuật, nhưng gia đình nghèo, chỉ đủ tiền cho một người đi học. Cuối cùng người anh, đã quyết định hy sinh đi làm thợ mỏ để em mình, Albrecht Dürer, được đi học. Khi đã thành danh, về thăm anh, Albrecht Dürer phát hiện đôi tay của anh trai mình đã bị tàn phá bởi phải làm việc lâu năm trong hầm mỏ và không thể vẽ được nữa. “Bàn tay cầu nguyện"được Albrecht Dürer vẽ là để ghi ơn người anh của mình.

Câu chuyện đó, khiến ai nghe cũng xúc động. Nhưng thực ra, chỉ là giai thoại. Jeffrey Chipps Smith, tác giả cuốn "Dürer" và là giáo sư Nghệ thuật Châu Âu tại Đại học Texas Austin, cho biết: "Đó là chuyện bịa. Thực tế, chẳng có mỏ nào ngay xung quanh Nuremburg, quê hương của Dürer”

Giai thoại, dĩ nhiên có sức hấp dẫn của nó. Nhưng, chỉ là hấp dẫn những người nhẹ dạ. “Chắp tay cầu nguyện” của Albrecht Dürer, có nhiều giá trị nội tại để trở nên nổi tiếng:

Trước hết, đó là một tác phẩm nghệ thuật đẹp, tinh tế. Mặc dù bản vẽ chỉ nhằm mục đích nghiên cứu, nhưng đã được thực hiện một cách tỉ mỉ. Đó là phong cách làm việc của Albrecht Dürer. Rất nhiều khảo hoạ của Albrecht Dürer còn lại được đón nhận như tác phẩm độc lập...

Thứ hai, bàn tay này có sức hấp dẫn chung. Chắp tay là một biểu tượng chung gắn liền với bản tính nhân loại về lòng thương xót. Bàn tay cầu nguyện đó, có thể là của bất cứ ai. Thiên tài đáng chú ý của Dürer là cho mọi người một hình ảnh đại diện biểu cảm...


 Cuối cùng, “Bàn tay cầu nguyện” có một chiều kích tinh thần đáng kinh ngạc. Các đường vân và ngón tay có kết cấu trở thành hình chóp Gothic dẫn mắt lên trên. Thêm vào đó, bản vẽ cọ sắc sảo, chính xác và độc đáo với màu trắng trên nền xanh lam. Điều này làm cho đôi tay bừng sáng với ánh sáng đầy vẻ Thánh thiêng. Trong một bản phác thảo đơn giản, chúng ta thấy một điều gì đó có ý nghĩa phổ quát hơn. Chúng ta thấy câu chuyện của chúng ta. Chúng ta thấy sự bất lực của mình và cầu xin lòng thương xót. Chúng ta thấy lòng thương xót của Đức Chúa Trời trong Đấng Cứu Thế, Đấng khẩn cầu cho chúng ta từ trên cao.

Ngày nay, “Bàn tay cầu nguyện” được đặt tại Bảo tàng Albertina ở Vienna, Áo. Do tính mong manh và lâu đời của bản gốc, người xem thực tế, chỉ được xem một phiên bản của bản vẽ.

Nguyên Hưng

(Trích từ sổ tay nghệ thuật Công giáo-2014)

 

Đăng nhận xét

0 Nhận xét