Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

“Maria, mẹ của lòng thương xót” của Janet McKenzie

 “MARIA, MẸ CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT” CỦA JANET McKENZIE


“Maria, mẹ của lòng thương xót” là một bức tranh khổ lớn Janet McKenzie vẽ cho nhà nguyện trong Đại học Carlow ở Pittsburgh, năm 2016.

Tranh có cấu trúc hình diện đơn giản: Đức Mẹ đang giang tay trong áo choàng rộng để chở che, bao bọc những người chung quanh mình.

Điểm đáng chú ý, là sự đa dạng-mang tính tượng trưng-của những người chung quanh.

Sự quan tâm của Đức Mẹ dành cho chúng ta thể hiện trên khuôn mặt biểu hiện hướng nội và đôi mắt nhắm nghiền. Vầng hào quang tỏa sáng làm sáng rõ khuôn mặt thánh thiện và mạnh mẽ của Người...

Các nhân vật phía trước, tượng trưng cho một phần nhân loại. Người phụ nữ lớn tuổi cúi đầu ở phía trên bên trái nghiêng về phía Đức Mẹ là một người da đỏ, và đối diện với bà là người phụ nữ trẻ có tổ tiên gốc châu Á. Người đàn ông đang quỳ cầu nguyện đại diện cho cả người da trắng, mà dáng dấp dường như có liên quan đến Do Thái giáo. Một đứa trẻ đang đứng khép tay cầu nguyện trong bộ trang phục trùm kín, đại diện cho người Hồi giáo. Và, người phụ nữ quỳ gối cầu nguyện đại diện những người da đen trên thế giới. Đứng giữa tranh, phía trước, là một em bé Maya đến từ Guatemala, người đại diện cho người bản địa và châu Mỹ Latinh.

Trong tranh, tất cả đều nhắm mắt-nhìn vào bên trong tâm hồn mình-ngoại trừ đứa trẻ đang nhìn chúng ta. Cô bé hồn nhiên với sự tinh khiết của mình. Đó là biểu tượng của hy vọng vào tương lai...

Sự đa dạng của các thành phần người chung quanh như vậy, không phân biệt chủng tộc, giới tính, lứa tuổi và tôn giáo, ngụ ý về sự không phân biệt trong lòng thương xót của Đức Mẹ.

Đức Mẹ trong tranh như vậy, đã trở thành ngọn hải đăng nồng nhiệt chào đón và dẫn dắt niềm hy vọng cho mọi người. Sự nhắm mắt của tất cả, như lời mời gọi cầu nguyện và suy tư tĩnh lặng...

Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên, bức tranh hoàn thành và được chuyển đến trường Đại học Carlow ở Pittsburgh một tuần sau vụ xả súng ở San Bernardino, California cùng với sự gia tăng của tình cảm chống người Hồi giáo, chống người nhập cư. Sự xuất hiện của bức tranh thật đúng lúc. Sheila Carney, thư ký cho hiệu trưởng của trường đại học đã mô tả sự xuất hiện của bức tranh: “Khi nhìn thấy bức tranh, chúng tôi đã rất ngạc nhiên. Có gì đó như là phép lạ. Trong lúc sự sợ hãi và cả lòng căm thù thể hiện qua sự phân biệt và bạo lực, chúng tôi đã gặp gỡ hình ảnh Đức Mẹ trong sự chở che đầy bao dung. Qua bức tranh, chúng tôi thấy sự hiện diện an ủi và tìm lại được tiếng nói chung cho sự tha thứ và hoà giải...!”

Nguyên Hưng

(Trích từ sổ tay nghệ thuật Công giáo-2017)


Đăng nhận xét

0 Nhận xét