Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

"Cây gia phả của Chúa Giêsu" của Sieger Koder - Một ví dụ xuất sắc về nghệ thuật Công giáo hiện đại

 “CÂY GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU” CỦA SIEGER KODER (1925-2015)-MỘT VÍ DỤ XUẤT SẮC VỀ NGHỆ THUẬT CÔNG GIÁO HIỆN ĐẠI...


Sieger Köder (1925 -2015) là một linh mục và nghệ sĩ Công giáo người Đức. Ông được xem là họa sĩ người Đức nổi tiếng nhất về nghệ thuật Thiên chúa giáo của thế kỷ 20. Giáo hội Công giáo ở Đức công nhận ông là một “nhà truyền giáo bằng hình ảnh” đầy màu sắc, mạnh mẽ và hết sức thuyết phục.

Vẽ, ông không minh họa các câu chuyện trong Kinh Thánh. Ông thể hiện các suy tư thần học của mình, và biểu hiện các xúc cảm cá nhân. Với ông, nghệ thuật là hiện tại. Và Thiên Chúa cũng là hiện tại.

Ông vẽ rất nhiều tranh tôn giáo. Mỗi bức tranh tôn giáo của ông, đều đặt ra những vấn đề hiện tại trong sự đón nhận Tin Mừng với một góc nhìn thấu đáo và tinh tế. Bức tranh “Cây gia phả của Chúa Giêsu” tôi giới thiệu ở đây là một ví dụ.

Trung tâm của tranh là hình ảnh một thân cây. Thân cây tượng trưng cho mối quan hệ thống nhất liền lạc của một “gia đình đức tin”. Bức tranh cho chúng ta biết rằng Đức tin của chúng ta không tự nhiên có. Nó được lưu truyền và đến với chúng ta qua nhiều thế hệ. Nó ăn sâu vào cuộc sống của những người đi trước chúng ta hàng thế kỷ, thậm chí hàng thiên niên kỷ trước.

Bức tranh này, trước hết, nói về lời hứa của Đức Chúa Trời với dân tộc Israel. Việc thực hiện những lời hứa của Chúa Trời có thể được so sánh với sự lớn lên của một cái cây. Trong trường hợp của một số cây qua nhiều thế hệ, phải mất một thời gian rất dài cho đến khi hoàn thành sự phát triển từ hạt đến cây lớn. 

Trong tranh, chúng ta thấy Ápraham.  Ông đứng đó như một thân cây vững chắc mà từ đó phần còn lại của thế giới sẽ mở ra. Lắng nghe và cầu nguyện, ông mở lòng mình tin tưởng và tin cậy. Giống như một gốc cây, ông là cha của “gia đình đức tin”-một người được ban phước trở thành phước lành cho nhiều người.

Phía trên bên tay phải của Ápraham, chúng ta thấy cháu trai của ông là Giacốp cùng hình ảnh ám chỉ giấc mơ của ông về chiếc thang lên thiên đàng, qua đó ông giao tiếp với Đức Chúa Trời và nhận được phước lành của Ngài. Ông ước mơ sẽ luôn có một nấc thang hy vọng trên đó có thiên đường vĩnh phúc...

Phía trên tay trái của Ápraham, chúng ta thấy Đavít, vị vua với cây đàn trên tay như đang hát một khúc thánh vịnh-tạ ơn và ngợi khen Thiên Chúa...

Giữa Giacốp và Đavít, ở trung tâm phía trên Ápraham, là Môise. Người đã dẫn dắt cả một dân tộc về vùng đất hứa, đến với tự do và đi đến “một giao ước” với Đức Chúa Trời. Trong tranh, ông giơ cao hai phiến đá khắc “10 điều răn của Chúa”. Môise cho chúng ta sự chắc chắn: Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta Lời của Ngài. Chúng ta đã có Lời của Chúa. Chúng ta chỉ cần giống như Môise, giữ lấy Lời này... 

Phía sau Môise là Gioan Tẩy giả. Chúng ta nhìn thấy ông với một cánh tay dang rộng. Ông tuyên bố: “Chúa đã đến gần”. Với ngón tay của mình, ông chỉ vào NGÀI: “Chúa đó. Hãy xem, người tỏa sáng từ trên cao! Hãy chuẩn bị mở cửa đón Chúa!”...

Người lặng lẽ nhất trong tranh là Thánh Giuse, chồng của Maria, một nhân vật rất khiêm tốn trong số những người vĩ đại. Chúng ta thấy ông chắp tay trong sự cầu nguyện thành khẩn. Ông là người tin tưởng tuyệt đối lời Chúa và thực hiện Lời Chúa một cách tận tụy. Thánh Giuse hiện diện như một nhân vật rất nhạt, và rất nhỏ. Nhưng trước Chúa ông thực sự quan trọng và lớn lao...

Phía sau “thân cây” là núi đồi có màu xanh lục sẫm lấp lánh màu xanh lam và sáng dần lên về phía trên nối với màu xanh lam tươi sáng của bầu trời. Ở đó, trên ngọn cây, chúng ta thấy Đức Trinh nữ Maria, mẹ của Chúa Kitô, mặc áo màu xanh của thiên đàng. Người nổi lên như một đám mây nhẹ nở ra trong xanh: Người nâng Chúa Hài Đồng trên tay-niềm hy vọng từ Abraham và dòng dõi của ông cho đến đời đời...

Đức Chúa Trời đã chọn Maria để có “đứa con này”-người sẽ được gọi là “Con của Đấng Tối Cao”. Điều này một lần nữa cần phải được suy ngẫm. Đức Chúa Trời thực hiện những lời hứa của Ngài khi chúng ta quyết tâm chờ đợi, hy vọng và hợp tác. Sự ra đời của Chúa, thực tế, không có gì ngoạn mục như những người đương thời mong đợi. “Một đứa trẻ là do con người sinh ra”, một đứa trẻ của một người phụ nữ giản dị được sinh ra tại một thị trấn nhỏ của Bethlehem, trong hoàn cảnh nghèo khó và ít người biết đến...

Đứa trẻ này một ngày nào đó sẽ cho thấy Thiên Chúa là như thế nào: một Thiên Chúa khiêm nhường, Người hướng về loài người chúng ta trong tình yêu không thể hiểu nổi...

Đứa trẻ đến từ Maria, được Maria ôm ấp, dang rộng vòng tay. Từ muôn thuở đã trở thành con người đến với chúng ta một cách cởi mở...

Chúa Hài Đồng dang tay: chúc phúc? Hay mời gọi: “Tất cả những người đang phải vất vả với những gánh nặng của mình đến với ta”. Hay, chẳng phải đó chính là hình ảnh của Thập Tự Giá rồi sao? Có phải cánh tay dang rộng của Chúa Giêsu là một dấu hiệu cho thấy số phận của ngài sẽ đến?

Chúng ta thấy: Mẹ Maria mang Chúa Con đến bằng hai tay, ánh mắt hướng về chúng ta. Và Chúa Con cũng nhìn về chúng ta. Ngài là sự cứu rỗi đến từ Đức Chúa Trời. Bí mật này được gợi ý vén mở trong bức tranh: thân, cây, chồi, hoa-liên quan đến sự cứu rỗi ngày càng tăng của Đức Chúa Trời trong lịch sử, từ bóng tối đến ánh sáng, từ lời hứa đến sự mặc khải, từ cây gia đình đến cây cứu rỗi. Đôi mắt nhắm nghiền của Giacốp trở thành đôi mắt đang nhìn. Giuse tỉnh dậy sau giấc mơ và hiểu rằng: “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta”...


Hoạ sĩ cho biết: “Việc nhìn vào cây phả hệ trong Kinh thánh của Đấng Cứu thế không bao giờ thôi làm tôi kinh ngạc. Vì tổ tiên của Chúa Giêsu hoàn toàn không phải là hình mẫu hay thánh nhân trong mọi việc. Họ cũng giống như chúng ta: người đơn giản, người tội lỗi. Chưa hết: sự cứu rỗi như vậy đến từ loài người. Giáo hội cũng phát triển từ loài người...”

Trong tranh, chúng ta thấy những người của Mùa Vọng Cựu Ước đang trên đường với một lời hứa và khao khát sự cứu rỗi, khao khát sự ra đời của một Đấng Cứu Rỗi.  Chúng ta nghe những cái tên trong Kinh thánh: Ápraham, Giacốp, Môise, Đavít, Giăng, Giuse, Maria.

Và chúng ta, có thể thêm tên của chúng ta vào đó. Tại sao không? Chẳng phải tất cả chúng ta trong tâm hồn, cũng đang hướng về Chúa Giêsu, cũng đang tin tưởng vào sự cứu rỗi cho tất cả mọi người...?”

NGUYÊN HƯNG 

(Trích từ sổ tay nghệ thuật Công giáo-2015)

Đăng nhận xét

0 Nhận xét