Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

Vài ghi chú về phương pháp ... (của tác giả bộ sách "Nghệ thuật Công giáo")

 VÀI GHI CHÚ VỀ PHƯƠNG PHÁP...



Từ khi nhận lời cộng tác với Ủy ban nghệ thuật Thánh Công giáo (tháng 11 năm 2011), 6 tháng sau, tôi đã xuất bản được tập đầu tiên về nghệ thuật Công giáo. Và sau 6 tháng nữa, tôi đã hoàn tất tập sách thứ hai. Với hai tập sách này, một cách cơ bản, tôi đã bao quát được các chủ đề chính của nghệ thuật Công giáo. Ngoài ra, các ghi chú bên lề khi thực hiện hai tập sách này, đã bật ra nhiều vấn đề mới, và chúng trở thành một những chủ đề mở rộng và đào sâu cho các tập sách mới mà tôi cũng đã thực hiện được...

Phương pháp làm việc của tôi như thế nào, là vấn đề nhiều người đã hỏi. Do trả lời, sẽ phải dài dòng nên tôi tạm cho qua, chứ không hề có ý định giấu giếm. Đợt này, chuẩn bị tái bản sách “Nghệ thuật Công giáo”, đang “có hứng”, tôi ghi chú chút về vấn đề này để trả lời chung. Tôi hy vọng, nó cũng có ích cho ai đó...

Để viết những bài về NTCG như đã viết, tôi phải làm những gì và tôi đã phải vận dụng những sở năng, sở học nào? Có thể nói ngắn gọn như sau:

Một, tôi phải xác định mục tiêu: viết cho ai đọc và viết để làm gì? Cụ thể ở đây là: để mọi người có ý niệm rằng, a/nghệ thuật đã gắn liền với đời sống tôn giáo như thế nào; b/có thể dùng nghệ thuật để rao giảng “Lời Chúa” và các tín điều tôn giáo hay không, và trong thực tế lịch sử nó đã diễn ra như thế nào? c/ nghệ thuật, cuối cùng, có vai trò và vị trí như thế nào trong đời sống tôn giáo hiện tại…?

Hai, từ các mục tiêu trên, nguyên tắc viết của tôi là: a/ bám sát các chủ đề phụng vụ; b/ qua từng chủ đề phụng vụ, cho thấy, nghệ thuật đã đáp ứng như thế nào-qua từng thời kỳ, và qua những tác phẩm xuất sắc nhất; c/ để mọi người làm quen với những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc nhất…   

Ba, để thực hiện đúng các mục tiêu và nguyên tắc vừa nêu, trước từng chủ đề, ví dụ, trước chủ đề Thánh Têrêsa,  tôi phải làm các phần việc: 

a/ tìm hiểu về bản thân chủ đề: có mấy Têrêsa, Têrêsa này là người nào? Cuộc đời và công nghiệp? (Tôi phải tìm đọc trên internet và sách. Từ đây, sẽ xác định các “từ khóa” để tìm kiếm tiếp) 

b/ xác định với chủ đề này, trong nghệ thuật, đã có những gì? Với Têrêsa thành Avila, tôi search: “Têrêsa Avila”, trước tiên, ở mục “tìm hình”. Kết quả hiển thị, cho tôi thấy bước đầu, có thể nên chọn tác phẩm nào? Để chọn, trước hết, tôi phải nhận diện được, từng tác phẩm hiển thị thuộc dòng nào? Của tác giả nào? (Điều này cần: thứ nhất, phải am hiểu lịch sử mỹ thuật; thứ hai, phải biết rõ đặc điểm từng dòng, từng tác giả; thứ ba, phải cảm nhận ngay được ý nghĩa và giá trị tác phẩm…) 

c/ lập hồ sơ quản lý thông tin về các tác phẩm có liên quan đến chủ để: thứ nhất, đưa hết các hình ảnh thu thập được vào một tệp hồ sơ riêng; thứ hai, phải tiếp tục search tìm, để biết, trước từng tác phẩm có được, người ta đã viết và đánh giá như thế nào? Chúng có vị trí như thế nào trong lịch sử, và đã có những đóng góp gì trong thế giới nghệ thuật?; thứ ba, rà soát lại bộ hồ sơ, để xác định các “từ khóa” mới có liên quan để search tìm tiếp, với cách này, chỉ cần mất chút ít thời gian, tôi đã có thể khai thác hết nguồn tài nguyên tư liệu có trên internet… Đến đây, xem như tôi đã làm chủ được vấn đề…

Cuối cùng, là lựa chọn cách viết: a/ nếu cách lý giải chủ đề có thay đổi theo thời gian, tôi chọn cách điểm tác phẩm theo dòng lịch sử; b/ nếu cách lý giải chủ đề có khác nhau theo những cách nhìn khác nhau, tôi chọn cách điểm tác phẩm bằng phương pháp so sánh theo chiều đồng đại; c/ nếu trong chủ đề, có những tác phẩm thật xuất sắc, tôi chọn cách diễn dịch ý nghĩa, phân tích giá trị tác phẩm trên cơ sở qui chiếu về bối cảnh cùng các qui ước về văn hóa, thể loại và phong cách ẩn đàng sau… v.v…

Dĩ nhiên, trên đây chỉ là khái lược, nhưng cũng đủ để rút ra mấy điều:

Thứ nhất, tôi phải biết rõ mục tiêu.

Thứ hai, tôi phải nắm vững các kỹ năng tìm kiếm thông tin, tư liệu. Nói chung là kỹ năng tự nghiên cứu…

Thứ ba, để có thể đánh giá và xử lý được thông tin, tôi cần phải: a/ có kiến thức vững chắc về lịch sử nghệ thuật b/ hiểu rõ các vấn đề có liên quan đến nghệ thuật, quyết định ý nghĩa, giá trị của tác phẩm nghệ thuật-từ môi trường văn hóa, xã hội đến cách thức tư duy chi phối…; c/ nắm vững các phương pháp phân tích, diễn dịch tác phẩm… d/ có chủ kiến rõ ràng về nghệ thuật: “nghệ thuật không phải là để minh họa các câu chuyện trong Kinh Thánh hay các tín điều tôn giáo, mà là biểu hiện kết tinh và là suối nguồn nuôi dưỡng đức tin tôn giáo…”-khi khẳng định một giá trị nghệ thuật là khẳng định một đóng góp của nghệ thuật Công giáo vào kho tàng văn hóa nhân loại. Theo tôi, cần ý thức và xác tín điều này, vì, quyền lực “tuyệt đối sẽ dẫn đến tha hóa tuyệt đối”, khi chỉ thấy khía cạnh minh họa của nghệ thuật, chúng ta có thể phá hỏng tâm hồn giáo dân, khiến họ không thực sự hiểu nghệ thuật là cái gì nữa. Trong lịch sử nghệ thuật Công giáo, có rất nhiều bài học: ví dụ, sự hấp dẫn đến mức huyễn hoặc của nghệ thuật Baroque ở thế kỷ 17 đã giúp Giáo hội giành được phần thắng trước các phong trào ly khai đương thời, nhưng lại là nguyên nhân dẫn đến sự hời hợt của đức tin tôn giáo về sau, làm lung lay nền tảng văn hóa của bản thân đạo Công giáo ở ngay cái nôi của mình…    

Những điều tôi vừa trình bày, chỉ mới là một khía cạnh nhỏ, một phần việc nhỏ. Tuy vậy, rõ ràng, nếu không có kiến thức mang tính hệ thống, không đã từng tiếp xúc rất nhiều với nghệ thuật, thì sẽ không làm được.

NGUYÊN HƯNG 

(Hình: Để viết bộ sách “Nghệ thuật Công giáo”, ngoài nguồn tư liệu có sẵn trên Internet, tôi phải đọc tham khảo rất nhiều. Những cuốn tôi giới thiệu ở đây đều là sách hay, anh chị em nào có điều kiện nên tìm đọc thêm...)
















Đăng nhận xét

0 Nhận xét