Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

"Calvary" - một bức tranh gây nhiều tranh cãi của Nikolai Ge

 “CALVARY”-MỘT BỨC TRANH GÂY NHIỀU TRANH CÃI CỦA NIKOLAI GE (1831-1894)



Nikolai Ge bắt đầu vẽ bức “Calvary” này năm 1893. Năm sau, 1894, ông mất đột ngột trước khi tác phẩm hoàn thành.

Chưa hoàn thành, nhưng bức tranh đã gây sốc lớn cho người xem:

Thứ nhất, bức tranh không có cái vẻ đẹp bi tráng, thánh thiêng như bao bức tranh khác cùng chủ đề. Tất cả, trông nhếch nhác, nặng nề...

Thứ hai, chủ đề “Calvary”, nhưng hoạ sĩ chọn thời điểm và cách thể hiện quá khác thường. Chúa Jesus dường như đang bị phán xét cùng hai tên trộm cướp. Không có Thập Tự Giá (có không rõ ràng), không có hình ảnh Đức Mẹ, Thánh John, và những người thân khác. Chung quanh chỉ là những hình bóng người không rõ ràng như là những thế lực mù quáng, ngay cả cánh tay chuyên quyền độc đoán chỉ thẳng vào Chúa như kết tội cũng giấu mặt. Còn Chúa Jesus, trông đau khổ và tuyệt vọng tột cùng...

Rất nhiều năm sau nữa, bức tranh chưa hoàn thành này, vẫn gây nên nhiều tranh cãi. Không ít người yêu thích, và đứng về phía tác giả. Ý chung:

Thứ nhất, đừng để thành kiến chi phối. Bức tranh là một cố gắng lớn của tác giả nhằm thể hiện những suy tư đạo đức sâu sắc. Ở trung tâm của bức tranh là Chúa Jesus và hai tên trộm. Mỗi nhân vật trong tranh đều có những nét tính cách riêng. Vì vậy, tác giả thực hiện một cuộc đối thoại với khán giả, ẩn ý một cách tinh tế về những gì đang xảy ra và kể về tâm trạng của từng nhân vật. Con Thiên Chúa đang tuyệt vọng với tình thế bi đát nơi thân phận con người của mình. Người bị kết án một cách oan uổng. Từ phía sau lưng của Chúa Jesus, một tên tội phạm nhìn ra với hai tay bị trói. Không có dấu hiệu của sự ăn năn, anh ta há hốc miệng và mở to mắt kinh hãi. Bên phải là một thanh niên, năm xưa là tướng cướp. Anh ta đứng lặng lẽ, ngậm ngùi-ra chiều hối cải. Ba nhân vật, là ba trạng thái tâm lý rất khác nhau...

Thứ hai, phần lớn người xem cảm thấy xót thương và cảm thấy mình có lỗi, trước hình ảnh Chúa chịu nhục hình hay đang bị đóng đinh trên Thập Tự Giá. Ít ai cảm thấy, cái tình cảnh bị tử hình chung với “phường trộm cướp”-như một “kẻ lừa đảo”-mới là điều đau đớn và “bất ngờ” nhất đối với Chúa Jesus ở tư cách là một con người. Các môn đồ đều đã trốn chạy. Đối với những con người lương thiện theo chân Chúa, kinh nghiệm bị kết tội này còn kinh khủng, bi đát hơn thực tế nhục hình hay chịu đóng đinh. Và đây cũng là một thực tế bất cứ ai cũng cần ý thức để điều chỉnh lương tri chính mình...

Thứ ba, sự “bỏ bê hình thức và lạm dụng màu sắc tương phản” của tác giả, có lý của nó. Có lẽ đó là kỹ thuật duy nhất giúp thể hiện cảm xúc và suy tư của người nghệ sĩ. Đương thời, người ta quen nhìn Nikolai Ge như một hoạ sĩ Tân Cổ Điển, Hiện thực hay Lãng mạn. Với tác phẩm này, người ta bất ngờ, bởi hoạ sĩ, đã bước vào thế giới nghệ thuật Biểu hiện.

Thứ tư, nhìn chung về tác phẩm, một nhà phê bình Nga đã viết: “Vẽ tranh này, Nikolai Ge được truyền cảm hứng bởi ý tưởng về tính cách đạo đức, không phải thể hiện câu chuyện trong Kinh Thánh. Vì vậy, ông đã miêu tả Chúa Jesus như một biểu tượng của sự từ bỏ chính mình, nhân danh sự cứu rỗi linh hồn con người. Cả cuộc đời của mình, Nikolai Ge hy vọng rằng nhờ nghệ thuật, nhân loại sẽ tỉnh táo lại và thế giới sẽ được cứu chuộc...”

Bức tranh hiện được lưu giữ tại Phòng trưng bày State Tretyakov, Moscow.

Nguyên Hưng

(Trích từ sổ tay nghệ thuật Công giáo-2015)


Đăng nhận xét

0 Nhận xét