Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

LỜI CỦA TRÁI TIM - Lê Quang Trạng

 LỜI CỦA TRÁI TIM

Lê Quang Trạng
(An Giang) 


Từ trong vùng ký ức hiện ra, một khung cảnh cũ. Nơi đó có ngôi làng ven sông, có ngôi thánh đường vươn ngọn tháp chuông vào bầu trời cao thăm thẳm. Mỗi chiều, khi vừa tan học về, Thành cùng Trân hay đến thánh đường chơi. Trân không biết Chúa là ai, cũng không biết Công giáo là gì. Thành nói không sao, để Thành nói cho Trân nghe… Bây giờ, những điều Thành nói năm xưa Trân không còn nhớ nhiều nữa. Hình như Trân đã quên gần như tất cả, hay đã bỏ rơi dọc con đường mưu sinh và thù hận mấy mươi năm qua. Duy nhất một điều, Trân không bao giờ quên. Một điều duy nhất!

Vùng ký ức lại mở ra, hai đứa trẻ cảm mến nhau tự lúc nào, sau những buổi chiều chuông thánh đường đổ dài trên từng hàng cây, nhánh lá xứ quê. Một bữa nào đó, Thành nói: “Mai mốt Thành sẽ nói với má cưới Trân nha”. Trân đỏ mặt cười: “Dạ, anh đi đâu thì em sẽ đi theo đó”. Lời nguyền yêu đương của thời trẻ dại, đẹp đẽ biết bao nhưng thường thì sẽ không thành hiện thực sau một bức rào nào đó.

Sau đó không lâu thì có đoạn, Trân vừa khóc vừa lay vai Thành hỏi: “Vì sao? Vì sao mình phải chia tay? Thật ra là có bức rào nào?”. Thành lặng im không nói được. Thật ra, làm sao để Trân có thể hiểu được, chỉ vì một sơ suất trong chuyện bài bạc và làm ăn thua lỗ của cha, mà người ta đã vùi thân cha trên một cánh rừng nào đó. Họ đến xiết nhà và dọa, sẽ không để yên nếu không đủ tiền trả họ. Mẹ biết, mẹ vẫn thường khóc với Thành: “Cha con có nợ người ta thật sự, thì làm sao mình có thể trốn tránh mà không trả hở con”… Mẹ Thành dần suy sụp. Chỉ mấy đêm thôi mà mẹ già trông thấy.

Lúc Thành nói lời chia tay Trân, cũng là lúc mẹ Thành đã ra người nửa điên nửa dại. Thành biết, mình khó có thể đem lại hạnh phúc cho Trân. Mẹ Thành qua đời ở bệnh viện, sau lần bà phóng ra giữa đường lúc nửa đêm, và chiếc xe chở gỗ thì không tài nào thắng kịp. Thành sụp đổ hoàn toàn. Và nỗi đau ấy anh chỉ biết nương tựa vào nơi Chúa.

Hôm đưa mẹ về đất Thánh, Trân đứng khóc bên góc nhà thờ. Thành biết giọt nước mắt ấy không giống như nước mắt của nỗi đau vừa mất một người thân. Mà đó là giọt nước mắt nhìn thấy tình yêu mình đang bấp bên như con thuyền đang lênh đênh trên biển, không biết sóng gió bất ngờ khi nào và bờ bến ở nơi đâu… Thành biết, hai chữ bình yên, là thứ mà người ta cần có để sống được trên đời…

Thành tìm mọi cách né tránh Trân trong khi cô vẫn không ngừng tìm cách gặp Thành. Cứ mỗi lần gặp được là mỗi lần cô khóc như muốn trút cạn cả sông lẫn biển. Ngày tốt nghiệp sắp đến, Thành ôm di ảnh của cha và mẹ gửi ở nhà cậu, ngôi nhà sàn rách nát hướng mặt ra sông. Thành không dự lễ tốt nghiệp, Thành cầm tấm bằng nhận trước đó, lên xe…

Xe dừng trước cổng tu viện, Thành chần chừ hồi lâu mới bước vào. Trước khi bước qua cánh cổng. Thành nguyện với lòng rằng, Thành phải bỏ giọt nước mắt lại bên ngoài và phải đem đến sự an yên cho những người khác nữa. An yên đâu ở đâu xa. An yên đã đến với Thành trong suốt những ngày trong tu viện. Thành dần dần quen với không khí an lành bên vòng tay của Chúa cho đến ngày anh được thụ phong linh mục.

Hôm ấy, Thành bất ngờ khi thấy Trân đứng ở dưới thánh đường, tay cầm hoa, bước đến: “Em đã hứa, thì em sẽ làm cho bằng được, dù anh đi bất cứ nơi đâu, em cũng sẽ đi theo”. Thành cười nhẹ, Trân như có vẻ khó chịu trước nụ cười của Thành. Dường như Trân không hiểu nụ cười Thành mang ý nghĩa ra sao, hay Trân muốn ngay lúc ấy, Thành phải khóc vì cảm động …

* * *

Không ai hiểu được Trân nghĩ gì, nhưng sau đó ít lâu, khi cha Thành được chỉ định về coi xứ ở miệt Rạch Ròi - xứ xa hẻo lánh, nằm sâu trong mấy con kênh rạch, thì Trân cũng lục đục đi theo. Bằng mọi giá, Trân mua cho bằng được miếng đất gần nhà thờ. Trân mở một quán rượu. Dân ở Rạch Ròi hẻo lánh, buồn cũng nhậu, mà vui cũng nhậu. Từ ngày có quán của Trân mở, dân nhậu ở xứ này như có một trụ sở ban hội. Hễ hứng lên là đến nhậu, bất kể ngày hay đêm.

Cha Thành bắt đầu thấy dường như đất Rạch Ngòi cũng say theo men rượu của Trân. Khi cứ ít hôm, lại nghe có một vụ chồng đánh vợ, cha đánh con. Và điều ấy hiện hữu ở việc cánh đàn ông ngày một thưa dần mỗi bận lễ chiều. Họ tập trung vào “lễ nhậu” ở quán Trân. Quán đã đăng bảng rồi, “lễ nhậu bắt đầu lúc chuông đổ, giảm giá năm chục phần trăm”…

Vất vả lắm, Cha mới khuyên răn con chiên của mình được. Tình hình có vẻ ổn lại thì bề trên có lệnh điều cha đi coi xứ ở một nơi khác. Cha thở phào vừa nhẹ nhỏm vừa lo. Nhưng khi đến xứ Chợ Điệm không lâu, thì Trân cũng nhổ quán theo đến. Lần này Trân không mở quán nhậu, mà Trân lại mở quán đèn mờ. Trân quy tụ về đây những cô nàng áo quần hở lưng, hở rốn. Cha lại bắt đầu bị một cơn đau đầu mới khi ngày nào cũng có một vài thanh niên đến xưng tội vướng phải điều răn thứ Sáu. Cha thấy có điều gì đó không ổn, khi điều răn thứ Sáu lại xuất hiện ngày một nhiều hơn. Hôm rồi trong xứ lại xảy ra một vụ đánh ghen, mà người của xứ đánh một cô gái trong quán của Trân đổ máu. Ít hôm sau lại có việc hai thanh niên đánh nhau sau khi gặp ở quán của Trân, suýt chút nữa là có người chết.

Đêm. Cha khó mà dỗ được giấc ngủ, cứ mở mắt nhìn lên ảnh Chúa: “Xin Người cho con được vững vàng và cùng xứ vượt qua nghịch cảnh này”.

Nghịch cảnh có vẻ trớ trêu hơn, khi mấy hôm sau đó Trân xin Cha cho mình được là con của Chúa. Cha vừa mừng trong lòng nhưng cũng vừa âu lo. Không biết Trân có cải tà quy chánh thật, hay đang có ý gì đây. Cha ra điều kiện rằng, Chúa chỉ đón nhận những đứa con thật sự hướng thiện và đến với Người. Tức là Trân nên thay đổi nghề đi, nghề gì mà ảnh hưởng xấu đến nhiều người thì nghề đó không lương thiện được. Trân “vâng dạ” và dẹp quán xá, để được cha sở rửa tội, dạy giáo lý, trở thành con của Chúa. Nhưng sự việc bắt đầu phức tạp hơn, khi vừa là con Chúa xong thì Trân lại mở quán trở lại. Cứ mỗi lần đến tòa giải tội, Trân lại đem biết bao tội tình ra để kể với cha sở ngồi sau vách gỗ mà Trân biết chắc đó là Thành. Lần nào cũng vậy, trước khi nói rõ tội mình, Trân luôn hỏi vu vơ: “Người phụ lời hứa với con, dồn con vào đường cùng như vậy, mặc dù con chưa bao giờ bội ước, thì sao, thưa cha!”.

Đắn đo lắm, Cha Thành mới đem chuyện của mình lên tâm sự cùng bề trên: “Nếu không có sự trợ giúp của bề trên, chắc rằng con khó mà vượt qua được”. Nhưng bề trên nói rằng: “Con có nghĩ, đó là sự sắp đặt của Chúa, mà Người muốn con phải vượt qua”. Cha Thành giật mình, như lòng vừa nghe thấy một điều gì đó vừa thân quen vừa thiêng liêng, rất lạ.

Cha về xứ, chiều hôm đó là buổi lễ xưng tội. Người xưng tội cuối cùng là Trân. Cha nghe giọng Trân, lòng bắt đầu tự trấn an bằng một câu Kinh Thánh. Lần này Trân không kể lễ tội như lần trước nữa. Trân nói nhẹ nhàng: “Thành…”. Cha Thành im lặng. Hồi lâu, Trân nói tiếp: “Nếu mai tôi chết, Thành có điều gì muốn nói với tôi hay không?”. Cha bình lặng, cố mở mối rối ở lòng mình ra. Hồi lâu, rồi cha tháo tấm khăn các phép, nói: “Tôi xin lỗi Trân”. Cha nói tiếng của lòng mình, chính tiếng nói của Thành , “người phàm tục”. Nhưng cha biết, thể nào sau câu nói đó, Trân cũng sẽ bù lu bù loa cho coi.

Không như cha nghĩ, Trân không khóc, cũng không cười. Trân chỉ nói một câu: “Cầu Chúa sẽ luôn bên Thành như Thành đã vững lòng bên Chúa bấy lâu nay. Bây giờ tôi đã biết, Chúa không bỏ rơi Thành, và hy vọng Người cũng không bỏ rơi tôi”. Cha chợt thấy giọng Trân khác lạ. Và chờ mãi vẫn không thấy Trân lên tiếng nữa. Trân đã đi khỏi tòa giải tội từ khi nào rồi…

Từ hôm đó, không ai thấy Trân đâu nữa. Cho đến sáu năm sau. Một bức thư của dòng nữ tu cách đó hai trăm cây số gửi đến cha Thành, coi xứ Chợ Điệm. Thư báo rằng, một người trong dòng của họ vừa qua đời. Người ấy tên Sáu Trân, không rõ quê quán nơi đâu, chỉ biết người này từng nói là bạn của cha nên chúng con kính báo với cha hay.

Cha tức tốc thu xếp việc ở xứ và đến nhà dòng, ngay lúc nhà dòng sắp đóng nắp áo quan. Nhà dòng cho cha biết rằng, Trân đã lưu lạc đến đây sau khi cô bị tạc axit cháy gần hết khuôn mặt. Cô đến đây và xin tá túc ở nhà kho của dòng. Hàng ngày cô lo việc bếp núc và chăm sóc các sơ lớn tuổi. Cho đến hôm qua, nhà nguyện của dòng bị chập điện phát hỏa. Trong lúc hoảng loạn, mọi người không thấy Trân đâu, nhưng khi lửa đã tan, mọi người tìm được Trân nằm sấp ở dưới tượng Đức Mẹ ngã trên bục giảng. Lạ thay, bức tượng Đức Mẹ đã che cho Trân không bị lửa táp lấy. Nhưng Trân đã ngộp và qua đời, trên tay vẫn còn cầm chắc một bình chữa lửa chưa kịp mở khóa…

Cha lặng người, bước đến gần áo quan, nhìn vào bên trong tấm kính. Không cách nào cha nhận ra Trân, kể cả những câu chuyện mà nhà dòng kể, cha vẫn chưa tin Trân là người như vậy. Vẫn không sao hiểu được hết hành động của Trân. Nhưng bằng tình yêu của Chúa, cha tin, những điều khó hiểu hơn cả vậy vẫn có thể xảy ra trên đời.

Cha thầm nói, như nói với Trân: “Cảm ơn Trân!”

Đăng nhận xét

0 Nhận xét