Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

MUỐI MÀ NHẠT ĐI... - JB. Nguyễn Văn Ninh

MUỐI MÀ NHẠT ĐI...

JB. Nguyễn Văn Ninh  

(Tp.HCM)

Hôm nay đọc báo, bất ngờ đọc được tin anh nhảy xuống sông cứu cô gái, chung quanh là một đám đông nhốn nháo, tự nhiên tôi rùng mình. Không phải vì quá lo lắng cho anh hay cô gái, dù sao thì mọi chuyện đã thành công, anh cứu được cô gái. Điều khiến tôi rùng mình bởi một ý nghĩ chợt đến, nếu ở vào trường hợp của anh, liệu tôi có nhảy xuống không?

Ngày bé hay đi tắm sông, cũng hay nhảy từ trên cao xuống. Tuy vậy, đó phải là khúc sông an toàn, không có cọc chông lồi lõm. Tôi rùng mình khi nghĩ rằng lúc nhảy xuống cứu cô gái đó, sẽ có những tảng đá, những cọc nhọn, những gốc cây lô nhô… Thật khủng khiếp với những thứ tôi mường tượng ra!

Tôi tưởng tượng ra đủ thứ rủi ro rình rập mình nếu nhảy xuống cứu cô gái. Thật bi hài! Nếu là thực tế thì có lẽ cô gái đã bị người đưa đò Charon trong thần thoại Hy lạp đem đi trước khi tôi suy nghĩ xong. Nói dông dài mãi có lẽ cũng phải đi đến một kết luận cuối cùng: Trong trường hợp là chàng trai, tôi không chắc mình sẽ dám nhảy xuống để cứu cô gái. Chỉ mong sao lúc đó tôi sẽ hành động theo một bản năng tiềm ẩn sót lại đâu đó. Mong thay!

Tự hỏi nếu không dám nhảy xuống cứu cô gái, mà tôi là một phần tử trong cái đám đông đứng nhìn và la hét khi chứng kiến một cô gái giãy dụa chờ chết, đâu là điều khác biệt giữa chúng tôi và chàng trai? Sẽ có rất nhiều đáp án ngoài chuyện biết bơi hay không. Vì chàng trai kia can đảm, chàng trai kia yêu người, có lòng trắc ẩn. Và chúng tôi, ngược lại, là những kẻ nhát đảm, không yêu người đủ... Điều đó hoàn toàn có cơ sở. Điều đó có thể đúng, nhưng không hiểu sao tôi bỗng bồi hồi. Có lẽ có một lý do khác nữa, một lý do nào đó ẩn sâu trong cái bề ngoài là vô cảm, là nhát đảm, là tính toán đó.

Trong tác phẩm “Giết con chim nhại” của nhà văn Harper Lee, có kể về một vụ kiện giữa người da trắng và người da đen. Quan tòa đã xử người da đen thua kiện chỉ vì anh ta không đưa ra được bằng chứng khách quan chứng minh mình vô tội. Ai cũng thấy rành rành đó là một bản án bất công. Khi quan tòa tuyên án anh chàng da đen có tội, có một số cô cậu bé đến xem vụ xét xử đã bật khóc nức nở.

Dill là một cậu bé tinh nghịch, lì lợm, dám bỏ nhà đi bụi đời vì ba mẹ không quan tâm đến cậu. Còn Jem luôn cố gắng trở nên một quý ông bản lĩnh như bố mình. Cậu mong muốn sẽ làm một luật sư tốt như bố vậy, và cậu luôn chứng tỏ cho em gái cậu thấy điều đó. Đứng trước sự bất công đó, hai cậu bé luôn tỏ ra mạnh mẽ cuối cùng đã phải bật khóc.

Xã hội miền Nam nước Mỹ những năm 1930 vẫn còn phân biệt chủng tộc. Một người da trắng kiện một người da đen, nếu người da đen không có bằng chứng rõ ràng để biện hộ thì anh ta thua kiện là điều hết sức bình thường. Cả một xã hội vận hành theo ý thức hệ đó. Có những người thấy rõ là bất công nhưng họ không đấu tranh, họ chấp nhận một cuộc sống như nó vốn là. Hòa theo nó. Chảy theo nó. Lâu dần không còn sức phản kháng nữa. Họ như những thứ lềnh bềnh trôi trên một dòng sông. Nhẹ nhàng. Lơ đãng. Vô tư lự. Hời hợt. Mặc dòng đời cuốn đi đâu thì đi, miễn sao họ vẫn trôi chứ không bị chìm. Phải, chỉ vậy thôi, chỉ cần họ không bị tổn hại, chỉ cần họ an toàn. Cuộc sống như thế nào họ không quan tâm. Thế nên họ không khóc.

Tôi hay đa phần đám đông xôn xao trên cầu cũng vậy. Không phải là họ không còn xúc động nhưng bản năng hành động của một con tim có thể đã bị tê liệt từ lâu. Bởi một lối sống tìm kiếm sự an toàn, luôn “phòng ngự”. Một lối sống an nhàn, hời hợt, không thao thức, khắc khoải với những giá trị đẹp của cuộc đời. Có lẽ câu nói của Elie Wiesel ứng với đa phần đám đông trong trường hợp này: “Trái ngược với yêu không hẳn là ghét mà là sự hời hợt”.

Chàng trai là một người tốt. Chính anh đã chia sẻ trên báo Tuổi trẻ rằng: “Cứu sống được mạng sống con người là tôi vui rồi”. Những kinh nghiệm sống đầy nhiệt huyết mỗi ngày đã giúp anh hành động mà chẳng chần chừ tính toán thiệt hơn. Một trái tim luôn đập với những khắc khoải, được nuôi dưỡng bởi niềm say mê, nhiệt huyết với cuộc đời, hẳn đã giúp cho chàng thanh niên kia dễ dàng quyết định nhảy xuống dòng sông cứu cô gái hơn.

Nói về những thao thức khắc khoải với cuộc đời, hình như đao to búa lớn quá. Nhưng gượm đã… Khắc khoải đó cũng chính là tấm lòng của một người mẹ ngày ngày đi bán vé số cho con ăn học, chỉ mong sao nó thoát được cái nghèo đeo bám. Đó cũng là nỗi lòng của một người thầy tìm mọi cách để dạy dỗ những đứa học trò sao cho thật tốt. Một cậu bé mỗi ngày cố gắng chăm chỉ học hành để được lãnh thưởng. Một tội nhân mong sao đến ngày được tự do để làm lại cuộc đời... Vâng, khắc khoải đó, đơn giản thôi, chỉ cần là một tâm hồn luôn thao thức để làm những điều tốt đẹp, mang lại ý nghĩa cho ơn gọi cuộc đời mình.

Luôn khắc khoải, phải chăng là không yên, là luôn tìm cách vươn lên mà không chấp nhận thực tại? Nói đến chuyện thao thức khắc khoải với cuộc đời, chợt nhớ lại lời kinh cầu thánh Martinô: “Xin cho con biết bắt chước các nhân đức ngài mà yên vui trong địa vị Chúa đã đặt”.

“Yên vui trong địa vị Chúa đã đặt”, những người để cuộc đời mình trôi lềnh bềnh trên dòng đời có thể bám vào đó và biện hộ cho mình. Thế nhưng, không phải vậy! Thánh Martinô không hề là một người “yên vui” theo kiểu đó. Nếu ngài chấp nhận cái yên vui đó, thì sao cả cuộc đời ngài lại dính vào những phiền phức rắc rối khi giúp đỡ những người nghèo, và ngay cả thú vật? Hết lần này lượt nọ, cha bề trên đã can ngăn ngài đón những người nghèo vào tu viện, vì gây ra sự lộn xộn, nhếch nhác trước những vị khách sang trọng, quý phái đến thăm tu viện. Thánh Martinô vốn đạo đức thánh thiện nhưng lại chấp nhận để người khác la rầy vì cho rằng ngài làm phiền, gây lộn xộn cộng đoàn. Một cách tự nhiên, điều đó thật khó chịu. Ngài đã vâng lời bề trên, nhưng bằng mọi cách ngài vẫn cứ mang lấy những rắc rối khi cứ lo cứu giúp những người nghèo. Ngài yên vui trong ơn gọi làm một tu sĩ sống khó nghèo, khiêm nhường, nhỏ bé. Nhưng ngài cũng không hề “yên vui” tí nào khi say mê ý nghĩa cuộc đời mình trong ơn gọi nâng đỡ những người khốn cùng.

Đọc lại lịch sử Giáo hội Việt Nam, có một thế hệ các bậc cha anh kiên cường và trung tín. Các ngài có một lý tưởng và đã cháy hết mình với lý tưởng đó. Khâm phục quá. Tất nhiên rồi. Nhưng khâm phục để làm gì, mình có đáng gì đâu để khâm phục các ngài, chỉ thấy lòng hổ thẹn hơn. Mà lời Chúa Giêsu vẫn vang vọng giữa đời: “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại?” (Mt 5, 13).

Đăng nhận xét

0 Nhận xét