Banner top

Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

VỀ MẰNG LĂNG NGHE CHUYỆN VỊ THÁNH TRẺ - Võ Thị Phương

 VỀ MẰNG LĂNG NGHE CHUYỆN VỊ THÁNH TRẺ

Võ Thị Phương  

(Phú Yên)


Từ trung tâm thành phố Tuy Hòa theo quốc lộ 1A, chỉ với 35km hướng ra phía Bắc, bạn sẽ nhìn thấy một ngôi nhà thờ cổ kính và tráng lệ với hơn 100 năm tuổi - nơi sản sinh ra vị Á Thánh Tử Đạo tiên khởi của Giáo hội Việt Nam: Nhà thờ Mằng Lăng.

Nằm phía trước bên trái nhà thờ từ cổng vào, bạn có thể nhìn thấy một ngọn đồi nhân tạo phủ cỏ xanh mướt, bên trên là một bức tượng lớn bằng đồng mô phỏng hình ảnh Á thánh Anrê Phú Yên, bên dưới ngọn đồi là một hang động nhỏ được tô đắp công phu, là nơi trưng bày những hình ảnh, bài viết về vị thánh trẻ tuổi cùng với cuốn sách có tên gọi “Phép giảng tám ngày”  bằng chữ quốc ngữ đầu tiên của giáo sĩ Alexandre de Rhodes (quen gọi là Cha Đắc Lộ).

Ngày Chúa nhật, từ hang động bước ra, nếu du khách hỏi chuyện một em học sinh giáo lý: “Vị Á thánh này là ai? Tại sao nơi đây lại trở thành điểm hành hương thu hút nhiều khách trong và ngoài nước?”, có thể em ấy sẽ đọc cho nghe bài trường ca năm chữ mở đầu như sau:

“Cây lành sinh trái ngọt

Đất thánh trổ người hiền

Trên quê hương Phú Yên

Có anh hùng tuổi trẻ

Dâng đời làm của lễ

Cho rạng rỡ danh Cha

Từ thuở Việt Nam ta

Đang trên đà Nam tiến”(1)

Á thánh Anrê Phú Yên sinh vào khoảng năm 1625 gần trị sở dinh Trấn Biên (nay thuộc thôn Hội Phú, xã An Ninh), là con út của một người phụ nữ đạo đức tên thánh là Gioanna. Từ nhỏ, anh được học biết về Chúa Giêsu. Mặc dù chưa được rửa tội, tình yêu Chúa lớn dần từng ngày trong anh. Rồi một cơ duyên đến với anh, khi Cha Đắc Lộ tới truyền đạo tại nơi anh sinh sống. Năm 1641 anh được chính thức trở thành con Chúa qua bí tích rửa tội với tên thánh Anrê. Sau đó, anh được tham gia vào nhóm thầy giảng (giáo lý viên) của Cha Đắc Lộ và được đưa ra Hội An để học trường các thầy giảng. Mặc dù trẻ tuổi nhất, anh đã thành một học viên xuất sắc, một trong những trợ thủ đắc lực nhất của Cha Đắc Lộ trong việc hình thành chữ Quốc ngữ. Ngày 31 tháng 7 năm 1643, cùng với một số đồng bạn, anh nguyện tận hiến phục vụ Giáo hội suốt đời.

Việc truyền đạo gặp rất nhiều khó khăn do quan niệm cho rằng đạo Công giáo là “bàng môn tả đạo” cần phải bị diệt trừ. Cuối tháng 7 năm 1644, quan Nghè Bộ trở lại tỉnh Quảng Nam, nơi có nhóm thầy giảng đang được đào tạo. Mang theo sắc lệnh của chúa Nguyễn cấm truyền bá đạo Kitô trong nước, nhà quan quyết định hành động, trước tiên là chống lại các thầy giảng. Ông đã bắt giam một thầy giảng già 63 tuổi cũng tên là Anrê. Hai ngày sau, 25 tháng 7 năm 1644, ông ra lệnh cho lính tới nhà Cha Đắc Lộ lùng bắt một thầy giảng khác tên là Inhaxiô. Nhưng thầy Inhaxiô đã đi làm việc tông đồ, lính chỉ tìm thấy thầy Anrê trẻ. Để khỏi trở về dinh quan bộ tay không, lính đánh đập thầy Anrê, trói thầy lại, rồi giải xuống thuyền đem về dinh quan trấn thủ. Lính thưa với quan rằng họ không tìm thấy thầy Inhaxiô, nhưng đã bắt được một "thầy giảng khác giống như vậy, vì suốt cuộc hành trình, anh ta luôn nói về đạo Kitô và khuyến khích họ theo Đạo".

Nghe vậy quan tìm mọi cách làm cho thầy Anrê "từ bỏ cái đạo điên rồ đó và bỏ lòng tin". Nhưng chàng thanh niên can trường ấy trả lời quan rằng mình là Kitô hữu, và rất sẵn sàng chịu mọi khổ hình chứ không từ bỏ đạo mình tuyên xưng, nên xin quan cứ tùy ý, chàng vui lòng đón nhận. Chàng xác tín rằng: “Vì đức tin, càng chịu khổ đau chừng nào thì càng chết vinh quang chừng ấy”. Tức giận vì sự bất khuất của thầy Anrê, không hề sợ hãi trước những lời đe dọa, quan truyền đóng gông và giải thầy vào ngục.

Buổi chiều ngày 26 tháng 7 năm 1644, thầy bị giải qua các phố ở Kẻ ChàmQuảng Nam và đưa ra pháp trường xử chém. Xin không nhắc lại những lời dũng cảm đầy yêu thương của người giáo lý viên trẻ tuổi nói với bà con đồng đạo và lương dân, đã được Cha Đắc Lộ ghi lại trong bút ký “Cái chết vinh quang”. Chỉ xin ghi lại ấn tượng mãnh liệt chấn động linh hồn tôi, do chi tiết kỳ diệu đến khó tin mà vị giáo sĩ đã kể: Người lính hành quyết cầu Trời tha tội, rồi đâm gươm từ sau lưng ra trước ngực người thanh niên đang quỳ gối, nhưng đến nhát gươm thứ ba rút ra, anh vẫn quỳ yên bất động. Một người lính khác chém mạnh một nhát vào cổ bên trái vẫn không làm anh ngã xuống. Người ấy lại chém một nhát nữa ở phía trước, cắt đứt cuống họng, làm ngả hẳn đầu, chỉ còn dính sơ vào một chút da. Vị giáo sĩ trân trọng và quả quyết viết tiếp: “Người thanh niên thánh thiện này, như trên đã nói, vẫn không ngớt đọc Thánh danh Chúa Giêsu. Ngay khi đầu thầy đã rời khỏi cuống họng, và nằm ngả trên vai bên phải, tôi nghe thấy rõ ràng tên cực trọng Giêsu ấy phát ra từ vết thương nơi cổ, cùng một giọng giống hệt như từ cửa miệng phát ra lúc trước. Tôi nghe thấy thế rất rõ ràng, và tất cả những người gần tôi lúc ấy đều nói như vậy, vừa vui mừng lại vừa kinh ngạc”

Nói đến Anrê Phú Yên, là nói đến một người trẻ mười chín xuân xanh can trường sống chết vì Chúa Giêsu. Nói đến Anrê Phú Yên, là nói đến một mẫu gương về các kỹ năng sống cho giới trẻ. Nói đến Anrê Phú Yên là nói đến sự dấn thân phục vụ dân Chúa của các giảng viên giáo lý. Như thế, nói đến Anrê Phú Yên là nói đến một cuộc đời đã hoàn thành.

Mằng Lăng - quê hương của Á thánh Anrê Phú Yên - đã sớm thành một xứ đạo kỳ cựu trên vùng đất mới. Rồi cuối thế kỷ XIX đã mọc lên ngôi nhà thờ chúng ta vừa kính viếng, trải hơn 100 năm qua, vẫn sừng sững chào đón những vị khách từ xa đến. Xin kính cẩn dâng lên nén hương lòng, nguyện xin vị “Á Thánh của quê hương này” chuyển cầu ơn bình yên cho con dân của Chúa, nhất là trong giai đoạn toàn cầu đang chống chọi với đại dịch Covid-19.


(1) Lm.Trăng Thập Tự, Trường ca Anrê Phú Yên.

(2) x. Giáo sĩ Đắc Lộ, Glorieuse mort, trang 54-60 - trích lược theo Phạm Đình Khiêm trong Người Chứng Thứ Nhất, Tinh Việt Văn Đoàn, 1959, trang 155-158.

 

Đăng nhận xét

0 Nhận xét