HOA CỎ MAY
Thu Đình
(ĐH Quy
Nhơn)
Bóng chiều nghiêng đổ trên đê làng. Yến
vẫn ngồi một mình bên bãi cỏ may màu xám bạc, tim tím xao xác cả cõi lòng. Những
cơn gió thu trở mình se sắt làm từng trảng cỏ may rủ nhau cùng chín. Yến đăm
đăm nhìn từng bông cỏ may ngậm đầy hạt đương phất phơ trong gió và hình như
chúng đang thì thầm với Yến rằng: Đừng chờ
đợi nữa. Đừng như loài cỏ may chúng tôi. Thủy chung, chờ đợi đến tàn tạ, héo
úa, thế là hết cả thời thanh xuân tươi đẹp. Câu chuyện ấy Yến đã nhiều lần
nghe mẹ kể, đã từng cùng với Thiên và Trường bàn luận cùng nhau trên đê làng suốt
một thời tuổi thơ, và cả sau này khi cả ba đã trưởng thành. Vậy mà, không hiểu
sao mỗi lần nghĩ đến chuyện tình hoa cỏ may, Yến vẫn thấy ngậm ngùi, xúc động.
Có lẽ Yến sẽ không đợi Thiên nữa. Yến sẽ rẽ cuộc đời mình sang trang mới. Yến
không muốn mình giống cô gái trong chuyện tình từng nghe kể, cũng không muốn
mình giống như mẹ từng chờ ba. Mẹ đã đợi chờ đến khi tóc đã pha sương, niềm tin
đã cạn kiệt mà ba Yến vẫn không về.
Mãi miên man với những ý nghĩ mông lung
thì giọng trầm trầm, âm ấm của Trường gọi cô quay về hiện thực. Trời đã xâm xẩm
tối từ lúc nào. Cả cánh đồng và con đê làng hun hút, duy chỉ mình Yến ngồi lặng
lẽ. Đôi mắt Trường nhìn Yến đầy yêu thương, lo lắng. Tay Trường nhấc đôi quang
gánh chất lưng chừng rạ đặt lên vai mình, mắt hướng về Yến thúc giục:
- Về đi Yến! Trời sắp tối rồi.
Anh quảy gánh rạ rảo bước đi trước, thi
thoảng vẫn ngoái nhìn lại xem Yến như thế nào. Cả hai bước im lìm trên con đường
làng quanh co trong buổi chiều muộn. Trường thương Yến đến nao lòng. Suốt mười
năm nay, tình cảm của Trường dành cho Yến, Yến hiểu rất rõ. Nhưng cô vẫn im lặng,
vì muốn chờ Thiên trở về để lời hẹn ước giữa hai người trở thành hiện thực. Mười
năm trôi đi. Thanh xuân của Yến cất giấu trong những ký ức ngọt lịm, những ngày
cùng Thiên ngồi trên đê làng trong những tối trăng thanh. Mỗi khi nỗi nhớ Thiên
quay quắt, cô lại vin vào những kỷ niệm ấy để an ủi lòng mình.
- Yến vào nhà đi!
Trường đặt gánh rạ giữa sân rồi chào Yến
ra về. Yến không nhìn Trường. Cô chỉ nói lời cảm ơn rồi lặng lẽ bước vào nhà.
Bữa cơm chiều của mẹ con Yến đơn giản chỉ
vài con cá mương kho nước cà muối trường và nồi canh rau muống luộc. Bà Xuân, mẹ
Yến bới cơm cho con rồi thủ thỉ:
- Ăn đi con! Ăn đi còn có sức mà làm việc.
Cứ rầu rĩ mãi cũng không thay đổi được gì đâu.
Yến dạ một tiếng, nâng lấy chén cơm rồi
khẽ và một miếng. Nhưng nỗi buồn nặng trĩu chắt ra thành hai hàng nước mắt, lã
chã rơi xuống chén cơm còn hôi hổi nóng trên tay Yến, khiến bà Xuân càng cảm thấy
thương con.
- Mẹ thấy thằng Trường nó thương và đợi
con cũng lâu lắm rồi. Nó thật thà, chân chất, hiền lành. Gần 30 tuổi, nó vẫn
chưa ưng ai vì nó muốn chờ con.
- Con biết, nhưng…- Yến ngập ngừng.
Bà Xuân cắt ngang:
- Mẹ biết con muốn tiếp tục chờ thằng
Thiên. Nhưng đã mười năm rồi còn gì. Nếu nó còn yêu con thì phải liên lạc với
con chứ. Đường này, bặt vô âm tín. Con gái có lứa có thì. Đời mẹ đã lỡ. Mẹ
không muốn con cũng khổ như mẹ.
Yến bỏ dở chén cơm, đứng dậy bước vào
phòng. Cả đêm trằn trọc không ngủ được. Cô nghĩ đến lời khuyên của mẹ, nghĩ đến
Thiên, đến Trường. Cả đời mẹ chỉ toàn nỗi buồn. Mẹ chấp nhận lấy ba Yến trong sự
phản đối quyết liệt của ông bà nội. Cả hai rời quê đến lập nghiệp ở một vùng đất
mới. Vì hoàn cảnh nghèo khó, ba Yến quyết định đi làm ăn xa khi Yến chưa đầy một
tuổi, và rồi ông đã không quay trở về. Yến là niềm an ủi duy nhất trong suốt những
năm tháng cô đơn của mẹ. Mẹ ở vậy nuôi Yến bằng nghề may quần áo, dăm ba sào ruộng.
Mẹ vẫn chờ ba về dẫu bà biết rằng ba sẽ chẳng bao giờ về nữa. Yến thương mẹ
nhưng tình yêu lại khiến trái tim cô yếu mềm. Yến nghĩ đến Thiên, người mà Yến
đã lựa chọn và quyết định khép cửa trái tim mình, kể từ khi Thiên quyết định đi
du học theo sự sắp xếp của gia đình.
Yến, Thiên và Trường là ba người bạn
thân từ thời chăn trâu, học chung trường làng. Bước vào cái tuổi biết yêu, biết
nhớ, cả Thiên và Trường đều dành tình cảm cho Yến. Nhưng rồi Yến đã chọn Thiên.
Trường không trách Yến. Trái lại anh còn vun đắp cho hai người bạn thân của
mình. Nhà Trường nghèo. Học hết lớp 12, Trường nghỉ học để ở nhà làm ruộng,
nuôi hai em nhỏ thay ba mẹ đau yếu. Yến cũng vậy. Nhà có hai mẹ con, Yến thương
mẹ đơn chiếc nên cũng quyết định nghỉ học khi vừa tốt nghiệp 12. Ngoài việc đồng
áng, hàng ngày, cô cũng tập tành may đồ cùng mẹ. Chỉ có Thiên là tiếp tục theo
con đường học hành. Thiên học giỏi, lại sinh ra trong một gia đình có điều kiện.
Ba mẹ Thiên muốn con trai sau này sẽ trở thành niềm vinh dự cho cả nhà nên cho
Thiên đi du học nước ngoài sau khi vừa tốt nghiệp đại học. Ngày Thiên đi du học,
Yến buồn chẳng nói nên lời. Trái với sự lo lắng của Yến, Thiên củng cố niềm tin
cho người yêu bằng một viễn cảnh tương lai tươi sáng:
- Nếu yêu Thiên thực lòng, Yến hãy chờ
Thiên một thời gian. Sau khi học hành xong xuôi, sự nghiệp vững vàng, Thiên sẽ
trở về. Chúng ta sẽ tổ chức đám cưới, sẽ sinh con và sống hạnh phúc.
Tựa mình vào bờ vai vững chãi của người
yêu, Yến vẫn canh cánh một nỗi sợ vô hình:
- Yến sợ tình yêu của bọn mình sẽ giống
như chuyện tình hoa cỏ may.
Suy nghĩ chợt lóe lên trong đầu Yến rồi
chợt tắt lịm khi Thiên nhìn người yêu, mỉm cười:
- Thời đại này rồi chứ đâu phải như ngày
xưa đâu mà Yến sợ. Hãy cứ tin tưởng ở Thiên.
Đôi tay Thiên ôm lấy tấm thân mảnh dẻ của
Yến vào lòng mình. Anh nhẹ nhàng đặt cái hôn ấm nồng lên má người yêu khiến cô
đỏ bừng khuôn mặt dưới trăng, trông càng thêm đẹp.
Thời gian đầu xa cách, tình yêu Thiên
dành cho Yến được gửi gắm trong những cánh thư ngập tràn nỗi nhớ thương. Yến lấy
đó làm nguồn động lực để khích lệ bản thân mình tiếp tục chờ đợi. Ba năm sau
đó, gia đình Thiên cũng chuyển vào Nam sinh sống. Những lá thư của Thiên gửi về
bỗng vơi dần rồi mất hút. Lo lắng, bồn chồn, nhớ thương người yêu đến quay quắt,
Yến vẫn nhủ lòng đợi. Trên đê làng, những thảm cỏ may vẫn cứ neo giữ kỷ niệm và
lời hứa tình yêu Thiên dành cho Yến, để rồi cứ đúng vào mùa cỏ may thay áo, Yến
lại ra bờ đê ngồi ngắm hoa, dặn lòng mình tiếp tục chờ đợi.
Mười năm nay, Trường vẫn âm thầm che chở,
là nơi để Yến bộc bạch tâm sự mỗi khi nhớ Thiên. Trường chăm chỉ lại khéo tay.
Việc gì cũng làm gọn ghẽ. Từ việc lợp lại mái nhà đến sửa sang điện, nước… Mỗi
lúc mẹ con Yến gặp khó khăn, Trường đều sang làm giúp. Mẹ Yến xem Trường như
con cái trong nhà. Có lần bà Xuân nói với con gái:
- Mẹ không ghét bỏ hay muốn chia cắt
chuyện tình cảm của con với thằng Thiên. Nhưng thằng Trường nó thật lòng với
con bấy lâu nay. Nó thương con bằng tình yêu trong sáng, không một chút vụ lợi.
Con nay đã gần 30 rồi. Cái tuổi nó đuổi xuân đi. Liệu mà tính con ạ!
Suốt đêm, Yến đã suy nghĩ rất kỹ cho hạnh
phúc đời mình.
Buổi sáng, Yến đang ngồi may đồ thì Trường
đem sang quả bưởi vừa hái trong vườn nhà. Bà Xuân bảo Trường vào nhà uống nước
hẵng về. Trường định từ chối thì Yến bước ra sân mời với:
- Trường vào nhà đi.
Trường gật đầu, gượng bước. Bà Xuân chỉ
ngồi với con một lúc rồi viện cớ bận việc ngoài vườn nên đứng dậy đi, chỉ còn Yến
và Trường ngồi đối diện nhau. Trong khi Trường ấp úng chưa biết nói gì thì Yến
mạnh dạn:
- Mình làm đám cưới đi Trường!
Trường ngỡ ngàng trước lời đề nghị của Yến
nhưng trong lòng anh vui sướng ngập tràn.
- Yến… Yến nói thật lòng chứ?
Trường nhận ra nụ cười hiếm hoi trên
gương mặt Yến sau một thời gian dài buồn bã, ủ rũ.
Đám cưới của Trường và Yến được tổ chức
sau đó ba tháng. Ngày cưới của Yến, có một người khách lạ đi chiếc xe ô tô con
về làng nhưng chỉ đậu từ xa. Ngắm nhìn nụ cười rạng rỡ của cô dâu đi bên người
bạn thân của mình, anh chỉ mỉm cười. Anh ghi vài dòng chữ, bỏ vào chiếc phong
bì kèm theo chút tiền mừng cưới, rồi nhờ một đứa trẻ gần đó đem bỏ vào chiếc hộp
hình quả tim trên bàn cưới.
Đêm đến, khi Yến và Trường cùng ngồi bóc
quà cưới thì bất ngờ đọc được mấy dòng chữ của Thiên: “Thiên xin lỗi vì đã không trở về bên Yến và để Yến phải chờ đợi quá
lâu. Khi biết mình mang trọng bệnh, Thiên không muốn sẽ là gánh nặng cho người
con gái mình yêu. Thiên tin Trường sẽ đem lại hạnh phúc trọn vẹn cho Yến. Chúc
hai bạn mãi hạnh phúc. Thiên”.
0 Nhận xét