ĐỂ XUÂN THẮM NỤ HỒNG RI
Nguyễn Vương (Khánh
Hòa)
“Tỉnh
lại đi H’Xuân, hoa hồng ri nở rồi”… Tiếng hét của
nó cứ lặng dần đến khi chỉ còn nghe thều thào giữa mùa đông miền núi. Lúc này
những giọt nước mắt không còn chảy trên mi nó nữa, vì H’Xuân chẳng nghe được lời
yêu thương của nó giữa đêm vắng. Thời gian như ngưng lại khi chứng kiến cảnh
chia ly giữa nó với người con gái bản Mèo. Cơn mưa tuyết đang rơi nặng hạt trên
vùng Tây Bắc vào dịp cuối đông, khiến cảnh vật trước mắt nơi nó đang ôm lấy
H’Xuân nằm bất động, bị bao phủ bởi một màu trắng tinh. Cuộc chạy trốn đã kết
thúc, mọi người cũng chết lặng bởi trong sự ra đi của H’Xuân trên cánh đồng hoa
hồng ri. Cứ dịp cuối năm, khi đồi ngô và những cánh ruộng bậc thang đã thu hoạch
xomg, H’Xuân cũng như bao cô gái H’Mông khác đang chuẩn bị cho lễ hội sẽ diễn
ra vào đầu năm. Chiếc váy nhiều tầng truyền thống cũng được H’Xuân đính thêm những
hạt cườm đủ màu sắc, chiếc vòng cổ đã được chủ nhân khắc thêm vạch của mùa hoa
hồng ri mới. Cái lạnh khủng khiếp của vùng Tây Bắc dịp cuối đông như cắt vào da
thịt, nhưng chẳng thấm vào đâu so với nỗi đau mà nó đang phải chịu, bởi trái
tim của H’Xuân không còn nhịp đập trên rừng hồng ri đã căng nụ, đang chờ nắng
xuân để khoe sắc.
H’Xuân sinh vào dịp bản làng đang trói lợn, xẻ thịt
trâu chuẩn bị cho mùa lễ hội đầu năm, nên tên nàng cũng được gọi theo mùa của
tiết trời. Là cô gái thuộc bản Mèo trên vùng núi đá Đồng Văn, quê hương của
H’Xuân được biết đến như là vùng đất thơ mộng đối với người xứ lạ. Nằm cheo leo
trên núi đá giữa các tầng mây, những ngôi nhà của người H’Mông cũng trở nên bí ẩn
bởi nhiều nét văn hóa đặc sắc bên cạnh những hủ tục vẫn còn tồn tại. Theo phong
tục của bản làng, từ lúc lọt lòng mẹ H’Xuân đã được kết ước cho con trai trưởng
bản. Từ những người lớn tuổi nhất của bản đến những cô gái tuổi thanh xuân cũng
chẳng biết tục “bắt vợ” ấy có nguồn gốc từ đâu. Họ chỉ thấy từ lúc con người xuất
hiện trên mảnh đất này, thì cứ mỗi mùa xuân đến, đám con trai trong bản làng lại
đến bắt những cô gái đang tuổi trăng tròn về làm vợ. Đây được xem như một nét
văn hóa để phân biệt bản Mèo với các dân tộc khác ở miền xuôi. Cũng có lúc
H’Xuân tự hỏi, tại sao dân bản lại bị chi phối bởi một điều mà nghe qua đã thấy
phi lý, nhưng rồi câu trả lời như một định mệnh của những người con gái bản
Mèo.
Với ước mơ sẽ trở thành cô giáo nơi bản Mèo, sau khi
tốt nghiệp phổ thông, H’Xuân đã xuống thành phố để học sư phạm. Và chính nơi
đây, nàng đã nảy sinh tình cảm với một chàng trai thủ đô, dù đã có kết ước hôn
nhân với con trai của trưởng bản. Ngày H’Xuân bước chân vào cổng trường đại học,
một chân trời hoàn toàn mới lạ xuất hiện trước mắt cô gái vùng cao. H’Xuân đã dần
khám phá ra ngôn ngữ của trái tim, nó rất khác với những gì nàng biết về tình
yêu được định sẵn bởi gia đình và dòng họ nơi bản Mèo.
Chính nét đẹp dịu dàng của cô gái miền sơn cước đã
làm tim nó xao xuyến ngay từ lần gặp đầu tiên. Ngơ ngác nhìn trong giây lát, nó
kịp nhường ghế cho H’Xuân ngồi khi giảng đường đã kín chỗ. Cứ thế, mỗi một mùa
xuân trôi qua thì tình yêu của nó dành cho H’Xuân lại ngày càng thắm thiết, bởi
nét độc đáo của con người và văn hóa của vùng núi Tây Bắc xa xôi, nơi mà nó
chưa một lần đặt chân đến. Từ lúc được làm quen với cô gái bản Mèo, “trái tim
mùa đông” của nó đã biết rung động trước những điều bình dị trong cuộc sống,
như tia nắng mùa xuân sưởi ấm đất trời sau những ngày đông giá lạnh. Mùa xuân ấy,
không phải là mùa theo quy luật thời gian, cũng chẳng phải mùa xuân của không
gian với mây xanh và nắng ấm, nhưng là mùa xuân của hai trái tim khi hòa cùng một
nhịp. Tình yêu với nó không chỉ là cảm xúc của ngôn ngữ được nói ra, nhưng còn
là sự chấp nhận những nghịch cảnh, như cánh hoa hồng ri chỉ khoe sắc đỏ thắm
sau những ngày đông đơm nụ. Gia đình nó không thể chấp nhận đứa con trai duy nhất
của dòng tộc quý phái ở thành phố, lại có tình yêu với một cô gái dân tộc miền
núi. Mẹ nó chẳng thể nuốt nổi món canh ngô và rau dại mà H’Xuân đã nấu. Bố nó tỏ
ra khó chịu với mùi thum thủm của món thịt trâu rừng gác bếp do H’Xuân mang biếu.
Còn em gái nó thì lại nhìn bộ trang phục truyền thống H’Xuân đang mặc, như người
từ kỷ nguyên trước đã xuyên thời gian bước vào thế giới hiện đại. Về phần mình,
nó cũng chẳng lấy làm hối tiếc khi từ bỏ con đường doanh nhân tương lai, để
cùng người nó thương mến trở về vùng núi, nơi những mái nhà tranh thấp thoáng
trong sương chiều. Nó cũng rời xa màu trắng tinh khôi của Hà Nội mỗi mùa hoa sữa
nở, để về với cánh đồng hoa hồng ri màu hồng phấn thơ mộng bên con suối mùa nước
trong. Từ ngày đến với bản Mèo để sống và yêu người con gái miền sơn cước, nó
đã từ bỏ cây đàn ghi-ta để tập thổi sáo trúc, kèn bè, hay hòa nhịp cùng đàn môi
trong những đêm mùa xuân. Những bài ca âm vang mùa thu Hà Nội được nó thay thế
bằng lời nỉ non của bản Mèo, như tiếng gọi tình yêu mà nó đã dành cho H’Xuân.
Nơi đó, nó sẽ nói cho mọi người biết đến một tình yêu đích thực khi tôn trọng tự
do của trái tim. Thế nhưng, chừng ấy thời gian gắn bó với bản Mèo cheo leo bằng
nghề dạy học, nó đủ hiểu sức mạnh vô hình của tục lệ “bắt vợ” cổ hủ ấy đã đi
vào tiềm thức của biết bao thế hệ. Còn với H’Xuân, từ ngày được gặp nó, nàng đã
quyết lòng vượt qua tập tục hôn nhân khắt khe của bản Mèo để yêu nó. Lòng nàng
tràn ngập hân hoan, bởi mùa xuân mới trong tâm hồn mà H’Xuân đang tận hưởng.
Những ngày cuối đông, khi đám con trai của bản đến bắt
H’Xuân về làm vợ, nó đã nói về luật tự do hôn nhân, nhưng họ nghe như một điều
xa lạ đối với bản làng. Giọng nó đã khàn đi vì những đêm thức trắng bên bếp lửa,
mong người dân bản Mèo hiểu những truyền thống cần lưu giữ và những hủ tục cần
được loại bỏ. Nó chẳng còn sợ hãi trước lời đe dọa và hành động bạo lực của đám
trai bản, dành cho kẻ dám thay đổi thói tục của núi rừng. Những người yêu mến
nó, một thầy giáo từ miền xuôi, cũng chỉ biết im lặng trước tục “bắt vợ”. Trong
sự cảm thông với tiếng thở não lòng, cụ già của bản thốt lên: “Cái bụng tao mến
mày… Thôi, mày về miền xuôi đi thầy giáo”. Một cậu học trò cũng an ủi nó: “Đừng
yêu cái H’Xuân nữa thầy giáo, nó đã là vợ của người ta từ ngày mới sinh rồi”.
Cũng có những giọt nước mắt đang lau vội lúc quay lưng, khi họ chứng kiến nhiều
ngày qua H’Xuân và nó chẳng thể nuốt được vài hạt ngô hầm. Những đêm thức trắng
bên căn phòng nhốt người nó yêu trong tiết trời giá lạnh, nó càng thương H’Xuân
và những người con gái của bản Mèo khi tình xuân chẳng thể đến. Những lời yêu
thương nó viết cho H’Xuân được luồn qua khe hở của song cửa, mang lại hy vọng về
một ngày nào đó tình yêu sẽ thắm nồng, như nhành hoa hồng ri mùa nắng xuân.
Thế rồi đêm cuối mùa đông định mênh cũng đến… Mẹ của
H’Xuân đồng cảm với cảnh làm vợ thiếu tự do đã trói buộc và giết đi bao mộng ước
của bà, nên mở cửa để nó dẫn nàng tiến về cánh đồng hoa hồng ri nơi cuối bản.
Nó cầm tay dẫn nàng bước đi trong màn đêm lạnh giá, khi cơn mưa tuyết đang phủ
trắng cả vùng núi đá miền Tây Bắc. Hơi thở của nó tạo thành những làn khói trắng
đục, sưởi ấm cho cơ thể người con gái bản Mèo đang lạnh dần trong màn đêm. Trên
đôi vai gầy, nó cõng H’Xuân đi qua ngọn núi đá giữa những hàng ngô đã rũ ngọn
vì mưa tuyết và những cánh ruộng bậc thang đang trơ gốc sau mùa gặt. Bất chợt,
nó dừng lại bởi giọng nói yếu ớt của H’Xuân xen lẫn tiếng gió rít trên cánh đồng
hoa hồng ri đang căng nụ. Người con gái núi rừng ấy muốn nằm nghỉ trên cánh đồng
hoa, bởi sức đã kiệt sau những ngày dài nàng cương quyết từ chối làm vợ theo
quy ước của bản Mèo. Nó rùng mình khi biết rằng: H’Xuân sinh vào mùa hoa hồng
phấn, và như bao cô gái H’Mông, nàng cũng ao ước được chết trên cánh đồng hoa
mùa ngát hương thơm. Hơi thở ngắt quãng và yếu dần của H’Xuân làm nó hốt hoảng
bởi những cơn đau tim dồn dập xảy đến. Siết chặt lòng bàn tay với bông hoa màu
hồng phấn yêu thích của người con gái núi rừng, nó lặng đi trong đêm tối. Bên
kia con suối, những ngọn đuốc của đám trai bản làng thắp sáng cả cánh đồng hoa
hồng ri trong mưa tuyết. Tuy nhiên, những giọt nước mắt đã thay thế cho tiếng
hò la vang dội trong đêm vùng núi, bởi ai cũng biết một người con gái của bản
làng vừa nằm xuống. Cô gái đầu tiên của bản đã dám sống và chết để hoa hồng ri
được tỏa hương. Bản Mèo hôm ấy đã quyết định: Từ nay lễ hội “bắt vợ” chỉ được
diễn ra cho những đôi uyên ương khi họ tự do đáp lại mùa xuân của tình yêu.
Mùa xuân năm nay, lời ca nỉ non của bao chàng trai
và điệu múa mà những cô gái đang hòa nhịp trong phiên chợ tình, lại thêm thắm
thiết dưới cánh đồng hoa hồng ri đang mùa nở rộ. Hương thơm đồng hoa được hạt nắng
và gió xuân thổi bay đến tận chân trời.Từ phía rặng núi, mặt trời đã chiếu tỏa
ánh dương lên cánh đồng mênh mông hoa hồng ri như vẫy gọi mùa xuân đến trên khắp
bản làng. Và cứ mỗi dịp đầu xuân, người bản Mèo lại thấy có một chàng trai trên
tay cầm bó hoa hồng thắm, đứng giữa cánh đồng cất tiếng tha thiết gọi: “Hoa hồng ri đã nở rồi đó H’Xuân”.
0 Nhận xét