CHA TÔI
Matta Trần Thị Liên (Dòng Phaolô thành Chartres)
Tôi lớn lên ở
vùng quê Hà Tĩnh, mảnh đất của “chảo lửa túi mưa”, của bão táp và lũ lụt. Gia
đình tôi theo nghề đánh bắt cá của tổ tiên. Cha tôi là lao động chính nuôi mẹ
và 7 anh chị em chúng tôi. Với ông, sông nước là cả cuộc đời mình. Ngày trước,
gia đình tôi sống lênh đênh trên thuyền, không có một căn nhà cố định. Ngày nào
cha ra khơi, mẹ con tôi chuyển đồ đạc lên sống ở cái trại mà trước đó dựng tạm
để nuôi gà. Sau này, cha sửa lại và chúng tôi ở cố định luôn trên đó, một cái
trại chông chênh trên mé sông.
Cha tôi là người
đàn ông của biển cả, da đen sạm và thân hình vạm vỡ. Ông luôn xuất hiện với chiếc
áo bạt và cả người nồng nặc mùi biển. Ông có một chiếc thuyền riêng, là tài sản
lớn nhất và cũng là phương tiện nuôi sống cả gia đình. Những ngày đó, tôi luôn
háo hức đợi thuyền của cha cập bến. Những thúng ruốc đầy tràn, tươi rói. Mẹ và
các chị sẽ mang đi bán hoặc đổi lấy gạo, lấy thóc. Tôi háo hức còn vì một lí do
khác: Tôi là út nên luôn được cha thương cách đặc biệt. Lần nào đi biển về cha
cũng mua quà cho tôi, khi thì cây mía, lúc thì cái bánh chưng. Cha còn mang
theo bao nhiêu là nước khe, thứ nước mát rượi, ngọt và trong lành như chính
tình thương cha dành cho tôi từ sâu thẳm trái tim. Thứ tình cảm ấy cha ít khi
thể hiện nhưng tôi vẫn luôn cảm nhận được. Mỗi lần đưa quà, cha luôn nói đùa:
“Chăm cho nó, để sau này nó nấu nước chè cho mà uống”.
Ngày ấy nhà tôi
chẳng có điện, cũng không có nước để sinh hoạt. Đó là những ngày thật sự vất vả.
Chúng tôi chở nước từ trên làng cách đó 2 cây số. Ánh sáng là những ngọn đèn dầu
leo lét giữa mênh mông là nước, là ruộng. Vì ở hẳn trên thuyền nên gia đình tôi
sống chung với bão lũ theo đúng nghĩa đen của nó. Cha luôn là người chèo chống,
tìm chỗ an toàn nhất để thuyền neo đậu. Cũng chính ông là người chống chọi với
dòng nước xoáy để bảo vệ gia đình, con thuyền và cả đồ nghề. Trong tâm trí, tôi
vẫn còn nhớ hình ảnh hai cha con chèo thuyền trở về nhưng nước chảy siết quá,
phải giữ mũi thuyền lần theo bờ mà về. Cả những khi lưới còn chưa kịp kéo lên,
cha phải ngâm mình trong dòng nước chảy siết, đục ngầu để cứu lấy đồ nghề… Còn
nhiều lắm những kỷ niệm sẽ chẳng bao giờ phai nhạt trong tôi. Mỗi tối cả gia
đình tôi đều quây quần bên nhau, dâng lên Chúa những lời kinh tiếng hát. Dù có
phong ba bão táp, cha luôn dạy chúng tôi tin tưởng vào bàn tay quan phòng của
Thiên Chúa tình yêu. Mãi sau này, khi chị gái tôi tìm được bến đậu, cha tích
góp xây một căn nhà gần nhà thờ. Dầu vậy, cả nhà tôi vẫn sinh hoạt trên trại,
chỉ về nhà vào ngày Chúa Nhật và các ngày lễ quan trọng.
Gia đình tôi cứ
sống êm đềm như thế, chúng tôi dần khôn lớn và các anh chị đều được cha mẹ dựng
vợ gả chồng. Cho tới một ngày, bão ập xuống thật sự, đó không phải là cơn bão
thiên nhiên mà là cơn bão tinh thần. Ngày 19.12.2013, mẹ tôi - người giữ lửa của
gia đình đột ngột ra đi sau một cơn tai biến. Sự mất mát ấy khiến tất cả chúng
tôi đều bàng hoàng và đau đớn. Mẹ ra đi lúc mà gia đình tôi đã đi vào ổn định,
kinh tế khấm khá hơn. Ai cũng thương tiếc mẹ, nhưng khi nhìn về thực tế cuộc sống,
chúng tôi lại lo lắng nhiều cho cha.
Cha luôn được mẹ
chăm sóc chu đáo và tận tình. Mới sáng tinh sương, mẹ đã chuẩn bị cơm nước cho
cha đầy đủ. Ông chỉ thích uống nước chè xanh, cũng không ăn gì khác ngoài cơm.
Cha tôi là người mà trong kí ức tôi, luôn rất gia trưởng và nghiêm khắc. Cha
nói một là một, hiếm có ai thay đổi được ý kiến của ông. Cha tôi rất ít khi vào
bếp. Tôi còn nhớ có một lần, tôi và mẹ đang đi làm giữa sông, tôi phải chèo
thuyền về để tắt bếp ga vì cha không biết phải làm sao. Vậy mà hơn 30 năm chung
sống, cha mẹ vẫn sống hòa hợp và yêu thương nhau. Trong mắt tôi, chẳng có ai
chiều cha như mẹ, cũng không ai thương và hiểu cha như mẹ.
Tất cả chúng tôi
đều tưởng rằng cha sẽ sống thật sự khó khăn nếu như không có mẹ. Nhưng có vẻ
chúng tôi đã nhầm, một sự nhầm lẫn rất may mắn nhưng cũng đau đớn lòng. Giờ
đây, nhìn sự thay đổi nơi cha mà chị em chúng tôi ai cũng cay sè sống mũi. Trải
qua những khó khăn ban đầu, cha tôi trở nên một con người mới, nhã nhặn hơn, chịu
khó hơn, và có chút trầm tư hơn. Nhìn sự thay đổi ấy, đôi lúc tôi muốn ứa lệ.
Giờ đây, cha biết tự bật báo thức để đi làm lúc 1-2h sáng mà không có mẹ gọi.
Cha tôi cũng tự nấu cho mình một ấm nước chè, hay lo lắng cắm nồi cơm trước nếu
con cái về muộn. Cũng là cha tôi đấy, nhưng ông có thể ăn mì tôm hay bánh ướt mỗi
sáng, những thứ mà trước đó cha chưa khi nào dùng. Và lạ lùng thay, chẳng than
trách một lời dù chúng tôi có đi làm về muộn. Người đàn ông ấy không la mắng
khi cháu quấy khóc, nhưng bồng lên và dỗ dành… Một sự thay đổi mà tất cả chúng
tôi đều vui mừng nhưng mắt tràn lệ. Có một điều mà tôi không biết nhưng cũng
không dám hỏi, vì tôi sợ nghe câu trả lời. Đó là kể từ lúc mẹ rời xa, tôi không
còn nghe cha kể về những cơn đau dạ dày của ông. Đọng lại tất cả, chúng tôi
thương cha nhiều lắm.
Cha tôi bây giờ,
của 6 năm kể từ ngày mất vợ, vẫn ở vậy với chúng tôi, vẫn là điểm tựa để chị em
chúng tôi dựa vào mỗi lúc trở về. Giờ không được sống gần cha, nhưng tôi vẫn
luôn háo hức mỗi khi về hè về tết, để nghe ông tâm sự về cuộc sống và nhìn thấy
những thay đổi nơi ông. Những lúc nghe cha kể về những khó khăn của phận gà trống,
tôi cố gắng kiềm chế những giọt nước mắt chờ chực tuôn rơi. Tôi yêu cha và kính
nể ông. Tôi sẽ là một bông hoa tỏa hương trong cuộc đời này để cha luôn an tâm
và vui vẻ, để mỗi lúc gọi điện về được nghe giọng cười tràn đầy sinh lực của
ông sau câu hỏi: “Cha có nhớ con không?”…
1 Nhận xét
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóa