Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

NGƯỜI "KÉM VĂN CHƯƠNG" THƯƠNG NGƯỜI "NGẠI TÍNH TOÁN" - Lucia Trần Thanh Bình (Đà Nẵng)

NGƯỜI "KÉM VĂN CHƯƠNG" THƯƠNG 
NGƯỜI "NGẠI TÍNH TOÁN"

Lucia Trần Thanh Bình  (Đà Nẵng)

Kết quả hình ảnh cho chúa jesus

Chiều nay tan học từ trường về, chẳng hiểu sao lòng nó cứ bồi hồi, bất thần không yên. Nó đi đi lại lại, làm mấy việc tầm phào không ý thức. Thế rồi trong vô thức đó, nó chợt nhớ bâng quơ rồi nghĩ xấu đi, chột dạ: “Hay ở nhà có xảy ra chuyện gì bất trắc”. Nó cố lắc đầu thật mạnh như muốn rũ bỏ tất cả những suy nghĩ không hay ra khỏi đầu… Cũng đã lâu, kể từ ngày vào lại cộng đoàn sau kì nghỉ hè, nó chưa một lần gọi về cho thầy, cho mẹ. Vì công việc nhiều nên thầy mẹ bận? Hay do lịch học của nó quá dày?… Tất cả dường như chỉ là những lời biện minh khô cứng không chút thuyết phục. Bất giác, nó nhấc điện thoại lên gọi cho mẹ. Tiếng chuông điện thoại reo lên lần thứ nhất, thứ hai, rồi thứ ba… Hồi chuông đã dứt mà không một ai bắt máy. Nó lo lắng gọi thêm một lần nữa nhưng vô vọng. Nó sững người, tim đập nhanh, nỗi lo lắng bây giờ lên đến tột độ. Nó cố gắng bình tĩnh để gọi cho chị gái nó. Chị nó lấy chồng xứ láng giềng nên mọi việc chị luôn lo toan đảm đương cả hai bên nội ngoại. Vừa nghe giọng chị, nó nôn nao không kịp chào hỏi chị:
- Chị ơi, ở nhà có chuyện chi à? Sao e gọi cho thầy mẹ không được? Thầy mẹ có khỏe không chị?- Nó tua một hơi dài không để chị kịp trả lời.
- Thầy mẹ ta xưa nay ốm yếu em cũng biết rồi, chỉ là không tới mức như em lo lắng đâu. Do là mẹ mới ‘lên chức’ thư kí hội Legio của giáo xứ nên đi họp suốt, còn bố Nghiêm giáo lí viên thì lo ôn bài cho lớp giáo lí sắp thi cấp giáo hạt, thành thử ra điện thoại ‘ế’ đó mà!
Rồi chị cười, trêu nó: “Thương thì về mà chăm”… Nó mỉm cười, lòng nhẹ nhõm. Chị cũng cười, rồi hai chị em nói với nhau về hai “ông bà ốm yếu” đó.
Ngày còn nhỏ, nó cứ thích hỏi thầy mẹ về cái thời yêu đương của hai người. Rồi mỗi lần nghe kể là nó lại phá lên cười. Thầy nó kể: “Thời đó làm gì có điện thoại để mà nhắn tin, mà tán tỉnh, đâu có xe cộ mà hò hẹn. Gặp nhau và quen nhau khi đi làm thuê, lúc hai đứa vừa qua tuổi đôi mươi. Thầy hỏi chứ: Thế có yêu không? Thấy mẹ mày cứ thẹn thẹn không chịu nói, thầy đành chịu thiệt rước bả về làm dâu nội mày”… Thầy của nó hay khôi hài lắm, nó cười hết nấc. Mà mẹ cũng chẳng chịu thua, trả đòn: “Ông lấy được tui như vớ được vàng thì có”.
Nghe đến đây nó chợt nghĩ: Mẹ đi bộ từ nhà ngoại vào đây, chặng đường dài hơn những 5km để thành gia thất. Một đám cưới không đàn, không nhạc, không xe, không hoa, không một lá thiệp hồng. Mẹ đâu được khoác lên mình bộ áo cưới thì chắc hẳn chưa một lần điểm trang. Nhưng nó không dám hỏi thêm bởi sợ mẹ sẽ tủi thân.
Mấy hôm trước ngày nó vào Đà Nẵng nhập học, hằng đêm khi tưởng chừng cả nhà đã đi vào giấc ngủ, nó vẫn nằm tỉnh bơ, mắt mở to và lắng nghe những âm thanh xung quanh mình. Nó lắng nghe tiếng côn trùng rả rích như đang hòa tấu khúc giao mùa, tiếng lá cây ngoài hiên xào xạc. Không gian của một vùng quê yên tĩnh đến mức nó nghe được tiếng vỗ cánh của côn trùng, tiếng tích tắc của kim đồng hồ và nghe thấy cả nhịp tim đang run rẩy của nó. Không gian là thế nhưng thời gian cứ trôi nhanh làm nó phát sợ. Phải, nó đang lo lắng cho tương lai, cho những tháng ngày nơi đất khách quê người. Nghĩ tới lúc phải rời xa ngôi nhà này, nơi nó sinh ra và lớn lên, đối với nó, mười tám năm đã chôn sâu trong lòng của một người con gái những dư vị thiêng liêng không gì có thể đánh đổi. Nước mắt nó cứ thế lăn dài theo dòng cảm xúc chẳng thể cản ngăn.
Chợt nó nghe thấy tiếng mẹ thì thầm với thầy: “Thầy nó ngủ chưa?” - Thầy: “Chưa”… Nó chột dạ, thì ra không chỉ mình nó chưa ngủ mà thầy mẹ cũng chưa vào giấc. Tiếng mẹ thở dài, nghe chất chứa bao nhiêu là phiền muộn: “Ngày kia con nó lên thành phố rồi, ông coi răng rồi xoay xở tiền cho con. Cái tủ lạnh thì để khi mô khấm khá hơn rồi mua cũng được, để tiền cho con nó đi”. Thầy chỉ trả lời “ừ!” cộc lốc rồi im lặng. Biết là thầy ít nói, nó cũng chẳng lạ. Chỉ lạ là tại sao nội kể ngày xưa thầy lại đạt học sinh giỏi văn mấy năm liền không biết nữa! Một người đàn ông trầm mặc, ít nói, nhưng cứ mỗi lần anh chị em chúng tôi làm sai việc gì là ổng giảng cho đến nơi đến chốn. Tuy thầy nó chỉ là một người nông dân chân lấm tay bùn, nhưng kiến thức giáo lý cũng như văn hóa trong thầy là cả một kho tàng, mà chính nó phải trầm trồ và thán phục mỗi lần ngồi nghe thầy kể. Thầy luôn nhắc nhở anh chị em nó phải yêu thương nhau trong tình yêu của Chúa, dù hoàn cảnh có túng thiếu hay khá giả.
Trong xóm nó, gia đình nào cửa nhà cũng đã khang trang, tiện nghi và đủ đầy. Những ngôi nhà lớn đua nhau mọc lên san sát che khuất ngôi nhà của gia đình nó. Ngôi nhà của nó nhỏ, xây vào những năm 80 bằng đá, gỗ và tường vôi trắng đã rạn nứt, cứ mỗi độ mưa bão về là dột thấm nước từng vũng. Mẹ bảo hè này chưa sửa sang lại được nhà cửa thì cũng phải sắm cho được cái tủ lạnh, chứ nắng nôi thế này thức ăn không để lâu được. Nó vui, cả nhà vui, bé An còn đi “khoe” với mấy đứa hàng xóm là nhà con bé sắp mua tủ lạnh. Vậy mà chỉ vì dành dụm cho nó đi học, thầy mẹ đành “để sau”. Nhà nó nghèo, nghèo chắc phải “nhất nhì xóm”, nhưng nó chưa bao giờ buồn về điều đó. Trái lại, nó luôn cảm thấy tự hào và hạnh phúc, bởi trong ngôi nhà nhỏ bé đơn sơ đó luôn rộn vang tiếng cười, ấm nóng tình yêu thương của thầy mẹ và anh chị em nó dành cho nhau. Thế nhưng giây phút này, trong đêm thâu, đêm cuối cùng của tuổi mười tám, nó nằm trong ngôi nhà này, thấy thương cho thầy mẹ, cho gia cảnh nhà nó đến kì lạ. Đưa tay lên miệng cố nén lại những tiếng nấc, nó như nghe được tiếng thổn thức trong thâm tâm của thầy mẹ đang lo lắng, trăn trở cho nó.
Thế rồi, ngày nhập học cũng đến, ngày nó phải rời chăn gối quê nhà lên thành phố. Hôm đó, trời bỗng đổ mưa giông, lòng nó se lạnh làm trái tim thêm buốt giá. Út An với mẹ đưa nó ra bến bắt xe, nó thì cứ trở ra trở vào để chào thầy đi học nhưng thầy nó đi đâu rồi không thấy. Những lời thầy nói chiều qua còn văng vẳng bên tai nó: “Vào đó con nhớ giữ gìn sức khỏe, học cho tốt. Các có chỉ dạy gì thì vâng lời. Phải luôn ngoan ngoãn, thật thà thì ai cũng thương”… Thế rồi nó đi mà chẳng gặp được thầy. Mẹ còn nói vui: “Chắc tìm góc mô đó ngồi khóc rồi!”. Nó đã từng thấy thầy khóc, một lần bà nội nó mất và một lần chị nó lên xe hoa về nhà chồng. Nhưng chỉ là vô tình nhìn thấy chứ thầy nó luôn tỏ ra mạnh mẽ và vô lo. Người đàn ông ấy là thế, lam lũ, bươn chải nhưng luôn là người trụ cột mẫu mực, một giáo lý viên thâm niên đầy nhiệt tâm, và là người cha, người chồng tận tụy mà ai ai cũng phải hết lời khen ngợi.
- Con ra đến đây được rồi, mẹ với Út về đi!- Nó nói những lời dối lòng đó trong nghẹn ngào, trong sự luyến lưu khôn xiết.
- Đợi con lên xe rồi mẹ về chứ vội chi...
Rồi xe đến… Nó bước những bước chậm rãi, nặng nề, đôi dép nó mang hôm nay sao mà dày dặn đến thế! Phải chăng lòng nó nặng, lòng nó vấn vương dáng dấp người mẹ yêu quý của nó đang đứng đó, lưu luyến từng đêm tâm sự mỏng của nó với bé An… Nó nhớ tất cả những dự vị tuổi thơ của nó nơi làng quê này.
Tiếng mẹ nói với theo: “Lên nhanh đi kẻo bác tài đợi con”… Mẹ có hay nó yếu lòng khôn tả, giây phút đó nó chẳng muốn rời xa. Bác tài rú ga thật mạnh, xe chuyển bánh, nó quay đầu lại nhìn mẹ với Út đang xa dần sau làn khói xám xịt màu. Tay mẹ giơ lên, vẫy vẫy, rồi hạ xuống một cách chậm chạp. Nó bỗng òa lên khóc như một đứa trẻ, làm cả xe nhốn nháo đưa mắt qua lại hỏi nhau rồi cười phá lên như hiểu ra vấn đề. Riêng nó nước mắt đầm đìa, nó vẫn không rời mắt nhìn mẹ vẫn đứng đó, vẫn đang dõi theo nó cho đến khi xe khuất hẳn sau dãy núi. Trong tiếng nấc nghẹn ngào, nó thổn thức: “Con đi nhé!”
Nó nhớ đến ngày trước, những đêm cùng mẹ với bé An đi nhà thờ, rồi theo mẹ đọc kinh hội Legio, tiếng cười đùa của 3 mẹ con làm vang lên cả một khu xóm. Tuổi thơ của nó bên mẹ còn gắn liền với những “trận mưa roi” kinh hoàng vì cái tội không chịu ngủ trưa mà la cà, chạy nhảy. Giờ đây, khi lục lại trong tiềm thức xa xăm, nó mủi lòng mà thốt lên: “Người đời chẳng đánh bằng roi như mẹ đâu”.
Có một lần vô tình nó thấy được tấm hình hồi mẹ còn xuân xanh. Nếu không có ghi tên trong hình thì nó cũng chẳng nhận ra cô gái xinh đẹp đó là mẹ. Mái tóc dài rẽ ngôi mới duyên dáng làm sao, nụ cười và ánh mắt ấy trìu mến thì cũng hết lời! Không son phấn, nhưng người phụ nữ ấy đã làm cho lòng nó chạnh lòng da diết. Thế mà giờ đây, trải qua cái nắng cái gió của miền Trung, và nhất là nỗi cơ cực trong gia đình, đã điểm trang cho mẹ những vết chân chim ngày một dài sâu, còn lớp da thịt trên người và trên khuôn mặt mẹ nhường chỗ cho xương và gân xanh… Nó thương biết mấy người phụ nữ ấy! Ngồi ở một nơi xa, nó tự thầm thì trong tâm tưởng mà lòng nghẹn đắng.
Một ngày, hai ngày, ba ngày… rồi một năm. Giờ đây nó đã là sinh viên năm hai của trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, lưu trú Dòng Thánh Phaolô. Nhiều người bảo nó đã trưởng thành hơn rất nhiều. Thầy mẹ tự hào về nó lắm, tự hào đến mức “kiêu ngạo” mỗi lần ai đó bàn hỏi về nó. Tuy vậy, nó vẫn luôn cảm thấy mình có lỗi. Nó thương cho thầy cho mẹ, ở cái tuổi phải được an dưỡng, được nghỉ ngơi thì họ lại phải gồng mình lên để nuôi hai chị em ăn học, rồi còn lo cho các anh chị và lũ cháu thơ. Tuổi 60, thầy mẹ lại phải đau khổ, sầu não khi anh chị nó ganh đua nhau, trách cứ nhau. Nghe chị kể lại mà nó đau lòng khôn tả. Phải chăng cái lợi ích vật chất, đã lấy đi tình yêu thương đùm bọc lẫn nhau vốn có của anh chị em nó thuở nào? Cái cuộc sống tiện nghi đã làm mờ nhạt đi sự ấm cúng, đủ đầy yêu thương ngày trước? Một chút hờn, một chút trách anh chị, nhưng nó cảm thấy thương nhiều hơn, thông cảm nhiều hơn, và vì thế chưa một giờ kinh nguyện nào nó quên cầu nguyện cho thầy mẹ và cho gia đình nhỏ của các anh chị.
Có thể người ta bảo, nhờ nó vào ở trong nhà dòng nên hiểu biết và trưởng thành hơn nhiều. Riêng nó, nó chưa bao giờ công nhận điều đó, bởi nó mãi mãi không thể biết được tại sao thầy nó “kém văn chương” vậy mà lại là học sinh giỏi văn. Và mẹ nó tính toán yếu như vậy, toàn là tính “lỗ vốn” không thôi, lại là người quán xuyến nội trợ, tính toan trong ngoài. Để rồi, họ thương nhau, thương đoàn con nhiều bất toàn và giới hạn này, thương cho đến khi sức tàn lực kiệt, cả khi con cái trở mặt làm ngơ… Thầy mẹ nó “khờ”, nhưng nó tự hào biết bao về “đôi vợ chồng khờ” đó. Một từ “thương” không thể diễn tả hết nỗi lòng nó muốn gửi đến thầy mẹ: “Người đàn ông kém văn chương và người đàn bà ngại tính toán”.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét