Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

HOA TRONG SỎI ĐÁ - Ngô Trung Hậu (Tiền Giang)


HOA TRONG SỎI ĐÁ

Ngô Trung Hậu (Tiền Giang)

Kết quả hình ảnh cho hoa trong sỏi đá

Nguyệt bỏ cái điện thoại xuống bàn, tháo cặp mắt kính xuống, uể oải nhìn đồng hồ rồi nhìn ra ngoài đường. Đường sá vắng tanh không một bóng người. Đã gần 3 giờ sáng, giờ này thiên hạ đang say giấc nồng, mấy ai còn ra đường làm gì. Công việc của một y tá trực đêm như cô thật đơn giản đến mức nhàm chán: Hết tám chuyện với đám bạn “cú đêm” trên điện thoại cho qua thời gian thì chơi game giải sầu, đôi khi lại chúi đầu vào những đoạn clip hài để rồi tự cười một mình, rồi nghe nhạc… Tất cả những việc đó chỉ để chống chọi cho qua một đêm trực dài lê thê. Bác sĩ Hưng cùng ca trực có lẽ đang say giấc mộng vàng. Nguyệt ngáp dài. Thật là chán! Thôi rán chút nữa, hết ca là cô có thể về và ngủ bù cho ngày cuối tuần rồi…
“Két…két…két…”
- Từ từ đã chứ! Làm cái gì vội vậy cha? Máu thấm cả áo mới của tôi rồi nè…- Một giọng nữ bực bội vang lên vì chiếc xe thắng gấp làm cô ta bị ngã chúi đầu.
- Cô ơi, cứu người như cứu hoả mà chần chừ sao được chứ! Mạng người đấy…
Một người đàn ông trung niên khoảng chừng 40 tuổi, bồng vội một đứa trẻ khoảng hơn 10 tuổi từ tay cô gái, rồi chạy nhanh vào phòng khám. Cô gái tỏ vẻ hơi khó chịu vì máu của nạn nhân nhuộm đỏ áo khoác bên ngoài, vấy cả vào cái áo hàng hiệu mới tinh mà có lẽ cô ta mới mua mấy ngày trước…
- Ê, ê… Ông kia, đi đâu đấy?
- Dạ… Phòng cấp cứu…
- Ở bên này kia mà!- Nguyệt cau có đưa tay chỉ.
Cô đưa tay nhấn chuông… Mấy phút sau, ánh điện phòng cấp cứu sáng lên…
- Người nhà của cô đó hả?- Nguyệt hỏi khi thấy cô gái đang đứng nhìn theo người đàn ông.
- Làm gì có đâu chứ! Tôi còn không quen ông ta nữa là…
- Vậy còn đứa trẻ kia?
- Lang thang ngoài đường. Chắc nó bị xe tải tông. Ông ta chạy xe ôm, còn tôi là khách. Khi chúng tôi đến nơi thì nó đã nằm lăn ra đó rồi. Không có ai ở đó cả… Đúng là làm ơn mắc oán! Tự dưng lại rước hoạ vào người… Hỏng cả bộ đồ mới của tôi. Còn mất cả giờ ngủ nghỉ nữa… Lẽ ra giờ này tôi đã có thể ngủ ngon một giấc rồi… Làm cả đêm, mệt muốn mờ cả mắt ra đấy!
Cô gái che miệng, ngáp dài… Phản ứng của cô gái, Nguyệt không thấy lạ. Ở cái thành phố hoa lệ này tập trung đủ hạng người khắp mọi miền đất nước, đâu có mấy người quen biết nhau. Hơn nữa, người ở đây mạnh ai nấy sống, hàng xóm khít vách mà đôi khi cả tuần cũng chẳng còn thấy mặt nhau nữa chớ nói gì đến chuyện quen biết. Nhưng người đàn ông kia, cớ gì phải đi lo chuyện thiên hạ làm gì? Ông ta có quen thằng nhóc kia đâu, việc gì phải lo lắng, quan tâm tới nó như vậy…
- Ông đóng viện phí 250.000đ nhé!- Nguyệt nói khi thấy người đàn ông từ phòng cấp cứu trở lại.
- Ơ, nhiều thế kia à? Tôi cứ tưởng sau khi ra viện mới đóng chứ!- Người đàn ông bối rối.
- Cứ tạm đóng trước đã, phần còn lại sẽ thanh toán sau.- Nguyệt gắt.
- À, ra là vậy…
Người đàn ông lần mò trong túi áo, lấy ra một xấp tiền nhăn nheo.
- Cô ơi, cô có tiền không? Cho tôi mượn thêm một ít… Tôi chỉ còn ở đây 112.000đ thôi.- Ông ta quay qua cô gái đi cùng.
- Cái gì? Cho ông mượn tiền nữa hả? Tôi có nghe lầm không đấy?- Cô gái cau mặt, quắc mắt lên nhìn người xe ôm.
- Thì…thì… coi như là tôi nợ cô vậy. Tôi sẽ trả lại cho cô đầy đủ mà. Ngày nào tôi lại chẳng đón khách ở quán nơi cô làm việc chứ. Cứu người quan trọng hơn… Coi như tôi năn nỉ cô vậy. Coi như cô làm phúc giúp cho thằng bé tội nghiệp.- Anh xe ôm ôn tồn, nhưng giọng như nài nỉ, van xin.
- Tôi mắc với nợ nhà ông thì có! Tự dựng xui xẻo. Đang yên đang lành… Nếu không thì giờ tôi đã ngủ một giấc ngon lành rồi! Làm đêm hôm khuya khoắt mới có được ít tiền. Bộ áo mới tôi phải dành dụm bao lâu mới mua được, giờ dính đầy máu, coi như bỏ… Bây giờ còn hỏi mượn tiền nữa hả?
- Thôi, coi như tôi xin cô vậy. Tôi vốn đâu có quen thằng bé đâu. Giống như người Samari trong Kinh Thánh vậy, tôi mong cho nó sống. Còn lại thì mọi chuyện tính sau… Tôi chạy xe kiếm sống nhưng cũng đi lễ mỗi ngày đó cô ạ! Chúa dạy chúng ta phải yêu thương kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét mình. Nhưng thằng bé đâu đến nỗi là kẻ thù đâu! Dù sao, mạng người cũng quan trọng cô ạ… Chúa đã yêu thương chúng ta đến nỗi chết trên thập giá, và Người cũng mong mỏi chúng ta phải yêu thương nhau. Yêu người sẽ được người yêu lại. Chúa sẽ thương xót cho những ai kính sợ Chúa…
- Thôi đi “cha” ơi! “Cha” đừng có giảng đạo cho con nữa. Con nhức đầu lắm rồi…
Cô gái bực bội nhìn ông xe ôm một lúc, định nói gì đó, nhưng lại thôi. Cô móc tiền trong túi ra.
- Thôi, coi như bữa nay ông may mắn. Chỉ mình tôi là xui xẻo!
- Cảm ơn cô nhiều nhé! Chúa sẽ chúc lành cho cô. Thôi, tôi đi đóng viện phí đây…
Cô gái trẻ đưa mắt nhìn theo anh xe ôm. Với anh, cô chỉ có thể tạm gọi là “biết” chứ chưa “quen” được, vì anh thường hay đứng đón khách ở gần quán bar nơi cô làm việc, và cô cũng có hai lần làm khách hàng của anh. Lúc anh hỏi mượn tiền viện phí, cô đã định không cho, nhưng vừa nãy nhìn thấy xâu chuỗi Mân Côi trên tay khi anh cởi chiếc áo khoác ra quấn cho thằng bé, và sợi dây chuyền có hình thập giá cùng với mấy lời “giảng” về người Samari mà cô đổi ý. Cô nhớ trước đây nhiều năm, khi còn rất nhỏ, ở vùng quê nghèo xa xôi với những đợt gió nóng nung người mùa hạ và những cơn rét run của mùa đông, cô đã từng được đi lễ nhà thờ. Nhưng cái nghèo, cái khổ, cái đói ăn đã đưa cô và gia đình lạc trôi khỏi quê hương. Cô còn nhớ mang máng những bài hát du dương, những điệu múa uyển chuyển của buổi chiều dâng hoa, những buổi học giáo lý chuyền tay nhau mấy viên kẹo me chua ngọt, những cú “đạn chỉ thần công” chính xác vào mấy cậu bạn “khó ưa” làm chúng nó giật nảy người. Cô nhớ hình ảnh chiếc áo đầm trắng tinh mà cô đã từng được mặc trong ngày được Rước Lễ lần đầu… Những hồi ức của tuổi thơ cứ lần lượt quay về. Cái ông xe ôm “dở hơi, xui xẻo” hay “giảng đạo” kia đã vô tình giở lại trong cô những trang nhật ký cuộc đời đã bị ố vàng theo năm tháng. Cô đã chạy theo vòng xoáy của mưu sinh, đã quen với những sự lọc lừa, cạnh tranh nơi cái thành phố nhộn nhịp này. Những điệu múa gợi cảm, mùi nước hoa và những thỏi son môi loè loẹt, những cốc bia mà cô phải cố gắng uống một hơi cạn sạch để nhận được cái gật đầu, nụ cười và chút tiền boa của những đại gia lắm tiền nhiều của. Dù chưa đến nỗi “bán phấn buôn hương” để “mua vui cũng được một vài trống canh”, nhưng đó cũng là một nghề gần như mạt hạng. Hôm nay, cô bị lôi vào một chuyện chẳng đặng đừng, nhưng anh xe ôm đã trả lại cho cô một điều còn quý giá hơn: Cô nhớ ra mình là một người có đạo…
- Hay quá, coi như xong phần viện phí.- Ông “cha” xe ôm kia đang quay lại.
- Đóng tiền rồi đấy à!- Cô liếc mắt nhìn, kèm theo nụ cười nhạt cho có lệ vì vẫn còn xót cho bộ áo mới, giờ đã bị thấm loang lổ vết máu.
- Cô cứ yên tâm! Tôi sẽ đền cho cô bộ đồ khác, sẽ đưa cô về tận nơi yên ổn, sẽ trả nốt phần tôi nợ cô lúc nãy.- Anh nói và nở nụ cười hiền lành.
- Gớm thật! Hiểu được người khác nghĩ gì kia à?
- Này, cô có biết gần đây có tiệm cầm đồ không?- Ngồi xuống độ mấy phút, anh ta lại hỏi.
- Lại có chuyện gì nữa đây! Sao tự dưng lại hỏi tiệm cầm đồ?- Cô gái tò mò.
- Tôi định đem cầm chiếc xe máy để lấy chút tiền…
Thấy người đối diện có vẻ ngạc nhiên. Anh hắng giọng rồi nói tiếp:
- Mấy ngày qua ế khách quá… Hai đứa con nhỏ ở nhà lại đến lúc phải đóng tiền trường rồi, lại mấy bữa nay trở trời, mẹ tôi bệnh nên cần tiền mua thuốc… Giờ còn thêm cậu bé vừa mới vào cấp cứu chắc cũng tốn không ít tiền đây. Cậu ta lang thang, làm gì có người thân. Tôi cầm xe lấy tạm chút tiền xoay xở rồi tính sau vậy.
Cô gái trẻ chăm chú nhìn người đàn ông mới quen. Chỉ vì muốn giúp đỡ cho một người xa lạ, mà có thể sẵn sàng đem cầm cố cả đến cái phương tiện duy nhất có thể mưu sinh để nuôi sống gia đình sao? Việc gì anh ta phải làm thế? Đưa nạn nhân đến bệnh viện đã là tốt lắm rồi, giờ lại còn muốn trả viện phí cho một người xa lạ. Đời này còn có người như vậy sao?
- Cũng đành vậy thôi cô ạ! Chắc không còn cách nào khác. Giúp người thì giúp cho trót vậy. Cùng là những người nghèo khổ cả thôi mà…- Anh nói, ra chiều tư lự.
- Cầm xe thì dễ rồi, nhưng sau đó thì sao? Anh lấy gì chuộc lại? Hay ta thử tìm cách khác…
Hai người cùng im lặng. Mấy con muỗi thấy có được dịp may nên đến chào đón các vị khách mới đến. Cô gái cũng đăm chiêu. Cô cũng là người nghèo mà, vì miếng cơm manh áo, chứ bản thân cô cũng đâu có muốn làm cái nghề tiếp viên ấy đâu. Cô cũng phải sống tha phương, phải rời xa vùng quê êm đềm của tuổi thơ với những ngày lễ Chúa nhật nghiêm trang, xa đám bạn để lưu lạc vào chốn phố thị xô bồ này. Cô như đang nghe thấy một cái gì đó vang lên, từ nơi sâu thẳm cõi lòng mình…
- Sao không nhờ người giúp thử? Mấy người kia kìa… Biết đâu họ có cách giúp cho thì sao?
Anh xe ôm nhìn nhóm ba người phụ nữ mới đến, giọng như thể vui mừng:
- Ồ, may quá! Nhìn trang phục là biết ngay các dì phước rồi. Có thể các có cách gì chăng…
Cô gái trẻ nhìn theo người đàn ông đang đi nhanh đến đó. Các dì có một phòng riêng để xem mạch và bốc thuốc miễn phí cho người nghèo trong bệnh viện này. Hồng, tên cô gái trẻ, làm sao không nhận ra các dì được chứ? Dù đã lâu không đến với Chúa, cũng không đi lễ nhà thờ, nhưng những chiếc khăn lúp, nụ cười hiền lành của các soeur ở xứ đạo quê nhà dường như đã trở thành những ký ức không thể nào phai nhạt. Thỉnh thoảng, ở chốn Sài thành hoa lệ này, Hồng cũng thấy thấp thoáng những tấm áo trắng thiên thần đó những lúc đi ngang qua ngôi thánh đường ở gần khu xóm trọ. Hôm nay, trong tình cảnh này, những gợi nhớ đó lại trở nên gần hơn, mạnh mẽ hơn. Nó cứ như những đợt sóng nhỏ từ ngoài khơi xa, lan vào bờ cát đầy sỏi đá của tâm hồn cô, rồi vỡ vụn ra, dâng lên, cao hơn, xa hơn vào sâu thẳm con tim vốn đã nguội lạnh sau bao năm vắng Chúa. Nó cứ như một dòng nước mát chảy tràn, rồi thấm sâu vào tận những ngõ ngách của con suối tâm hồn bị sa mạc hoá lâu ngày, đã khô cháy nứt nẻ. Cô thấy nhớ da diết giáo xứ quê hương, nhớ những lời ca, tiếng hát bổng trầm của thánh lễ ngày Chúa nhật, nhớ đến vị cha xứ già gương mẫu năm xưa không biết năm nay vẫn còn hay đã mất…
- Tốt quá rồi! Vậy là không phải cầm cái xe nữa. Tạ ơn Chúa!- Anh xe ôm đã quay trở lại với nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt lam lũ phong trần.
- Không phải tới tiệm cầm đồ nữa hả? Các dì nói sao?- Hồng cũng cảm thấy vui lây với người bạn đồng hành.
- Đúng rồi! Các dì nói họ có quỹ chung do một số mạnh thường quân tài trợ giúp người nghèo để phát thuốc chữa bệnh. Các dì dùng quỹ đó để giúp đỡ và chăm sóc cho cậu bé đến khi ra viện. Sau đó, có thể sẽ tìm cách để gởi cậu vào một mái ấm tình thương của các thầy dòng, để cậu không phải đi lang thang mà còn được học một nghề nào đó phù hợp. Tôi không cần phải cầm đồ, vẫn có thể đón khách mỗi ngày và đưa cô về nhà bình an.- Anh bật cười vui vẻ.
Hồng cũng bật cười. Đúng là chuyện đời. Làm người tốt cũng phải có lúc được báo đáp chứ!
- Chúng ta về thôi! Phần còn lại, cứ để Chúa và các dì lo hết. Tôi sẽ giải thoát cho cô về nhà an giấc… ban mai!
- Được đấy! Tôi cũng sẽ giải thoát cho anh món nợ, không phải đền bộ đồ mới nhé. Coi như giúp cho người tốt một lần. Chúng ta không ai nợ ai…
- Nhưng chưa đến lúc phải đường ai nấy đi nhé! Tôi còn đưa cô về nhà nữa mà…
Phúc, anh xe ôm tốt bụng, cười thật tươi. Anh cảm thấy cô khách hàng của mình cũng không đến mức chua chát, khó gần như hồi đêm…
Hồng cảm thấy cõi lòng bình yên đến lạ lùng khi ngồi sau xe của Phúc sáng nay. Cô thấy lòng khoan khoái như người vừa mới ra khỏi mê cung, hay người tìm được lối về sau những ngày lạc đường chốn rừng thiêng nước độc. Cô thì thầm hát một bài mà cô tưởng chừng mình đã quên từ lâu… “Bao năm trôi qua, hồn con lạc bước đi xa. Quên bao ơn Cha, trầm kha bể đắm bao la… Nay con ăn năn, hồi tâm thống hối bao lỗi lầm, đền bù bất xứng bao năm, quyết tâm trở về Cha lành…” (Hãy trở về - Ngọc Kôn).
Cô sẽ về nhà, ngủ một giấc cho lại sức, và sau đó sẽ suy nghĩ rồi tìm một công việc khác phù hợp hơn. Cô sẽ không phải đi sớm về khuya, không cần phải gồng mình uống cạn những cốc bia để chiều lòng người khác. Có thể chiều nay cô sẽ đi lễ nhà thờ…
Đường phố đã dần trở nên tấp nập hơn và vầng hồng bắt đầu xuất hiện, chiếu những tia nắng đầu tiên báo hiệu một ngày Chúa Nhật an bình…

Đăng nhận xét

0 Nhận xét