BÓNG CẢ
JB.
Nguyễn Phi Long, S.J.
(Học
viện Thánh Giuse - Dòng Tên Việt Nam)
Thùng…
thùng… thùng
Tiếng trống trường
vang lên báo hiệu giờ kiểm tra môn văn giữa học kì kết thúc. Cô giáo đứng gần
bàn của tôi liền dùng cây thước mà gõ lên mấy tiếng cộp cộp để đánh thức tôi dậy.
- Nãy giờ em
không làm được gì hả?- Cô giáo nhìn vào giấy thi và ngạc nhiên hỏi.
- Dạ… dạ… thưa
cô… em không biết viết gì hết trơn!
Đề bài kiểm tra
văn hôm đó là: “Em hãy kể những điều tốt
đẹp đã có với ba của mình”. Yêu cầu của đề văn chỉ đơn giản là kể về một điều
gì đó rất gần gũi quen thuộc, nhưng mà sao với tôi nó lại trở nên xa lạ quá!
* * *
Tôi sinh ra và lớn
lên ở một khu phố lao động vùng ngoại ô ven biển. Cái nắng, cái gió và cái mặn
mòi của biển dường như thấm vào từng thớ thịt của tôi. Mọi người thường bảo rằng
đây là khu phố của dân lao động. Thỉnh thoảng tôi cũng nghe thấy đám thằng Tòng
gọi nhóm chúng tôi là đám “con nhà mái
tôn”. Má tôi làm nghề bán hàng ăn, còn ba tôi thì làm tài xế lái xe tải.
Trong cái xóm nghèo này, có lẽ tôi là đứa may mắn nhất vì chỉ có mình tôi là được
gọi bằng cái tên “thằng út”, vì chỉ
có tôi là có anh có chị.
- Út à… Về
ăn cơm! Làm cái gì bên nhà bác Bảy từ sáng tới giờ chưa về nữa vậy?- Má tôi gọi
giật ngược từ phía bên kia hàng dâm bụt.
- Dạ... a…a…a…ạ!
Con về liền, con đang chơi ô ăn quan…
Nhỏ Thảo mặt buồn
xo nhìn tôi với đôi mắt óng ánh như thể ai đó đánh cắp mất hai vì sao sáng trên
bầu trời! Nghe má của tôi gọi về ăn cơm, nó liền hỏi:
- Vậy xíu nữa
anh có qua chơi tiếp không?
- Có chứ, tao mà
về luôn thì mày chơi với ai…
- Dạ, nếu vậy
anh ăn cơm xong là nhớ qua chơi với em nha!
- Ừ… ừ…
Tôi “ừ” một tiếng
cho lẹ chứ tôi đâu chắc là mình có được đi chơi nữa hay không. Cứ bình thường,
tôi chỉ được đi chơi buổi sáng thứ Bảy thôi, còn sau ăn trưa là phải ở nhà ngủ
để chuẩn bị cho buổi học giáo lý lúc 2 giờ chiều.
Trưa định mệnh ấy,
tôi ăn cơm sao cho thật nhanh để mong còn thời giờ mà qua chơi với nhỏ Thảo tiếp.
Với lại trong cái xóm nghèo này, ngoài thằng Tùng với thằng Toản cuối xóm, thì
tôi thương nó nhất. Đơn giản là vì nó mồ côi cha nên lúc nào cũng kể cho tôi
nghe những kỷ niệm đẹp nó có với ba nó. Nghe má tôi nói là bác trai bị tai nạn
lao động ngoài khơi. Chuyện của nó cũng làm tôi ít nhiều giận chính mình, bởi lẽ
tôi chẳng có chút kỷ niệm gì với ba của mình, ngoại trừ mấy trận đòn đau như trời
giáng!
- Út! Mày lại chạy
đi đâu rồi? Không lo ngủ trưa mà đi phá làng phá xóm đúng không?
- Chết rồi Thảo
ơi, ba tao ổng phát hiện ra tao trốn ngủ trưa đi chơi… - Mặt tôi trắng bệch
không còn tí máu, quay sang cầu cứu nhỏ Thảo.
- Giờ sao anh?
- Trăng sao gì nữa,
đợt này chết chắc rồi!
Hôm đó, khi tôi
từ nhà nhỏ Thảo về, thì ba tôi đã đứng sừng sững trước nhà đợi. Mắt của ông
nhìn tôi như thể một cậu nhãi con nào đó vừa làm điều bất chính. Tay phải của
ông vẫn đang còn kẹp điếu thuốc giữa hai ngón tay, rồi đưa vào môi mà rít ra một
làn khói trắng hệt như cõi âm ty! Tay trái thì ông đã cầm nhấp nhấp một nhành
roi mây. Tôi tiến chậm rãi vào bao lơn mà lòng chợt thấy mình như đang tiến vào
pháp đình.
- Thế nào… Ba bảo
mày là phải đi ngủ để chiều còn đi học mà mày đi đâu?
- Dạ… con đi
chơi với bạn…- Cổ họng tôi thút thít từng từ một.
- Vậy thì sao
không xin phép má? Mới bây lớn mà đã dám lừa dối người lớn rồi…
- Con… con đâu
có lừa má điều gì đâu!- Tôi gân cổ lên nói như thể mình bị oan.
- Má đã nói là
mày nằm dựa lên tay má ngủ trưa. Vậy mà để gạt má mày lúc ngủ say, mày lại lấy
gối dài đè lên, còn mày thì trốn đi chơi.
- Con…con…con…-
Tôi đứng chết trân ra mà trong lòng vừa sợ vừa mắc cười với “tuyệt chiêu” của
mình. Bất giác ba tôi gằn giọng hỏi:
- Thế giờ tính
ăn đòn mấy cây đây?
- Dạ… 5 cây…
Để trả giá cho
việc không nghe lời của ba mà tôi lãnh “bản án” 5 cây roi mây. Hậu quả là tôi
không thể ngồi một cách thẳng thớm khi đi lễ chiều thứ Bảy. Với tôi, nơi mà tôi
gọi là gia đình lại có đến hai bầu trời. Má của tôi giống như là một bầu trời
xuân với đủ đầy sắc hoa. Để nói về má thì có lẽ sóng biển vỗ bờ từ sáng đến
khuya cũng không hết những điều ngọt ngào mà tôi có với má. Nhưng với ba lại
hoàn toàn khác. Ông là cả một bầu trời băng giá. Nơi ông chỉ có trầm tư, u tịch
và nóng giận. Ít khi nào tôi thấy ba của tôi nói đùa trong nhà. Với ông thì cái
gì ra cái nấy, nhà là phải có trên có dưới. Ở bên má thì tôi chẳng bao giờ bị
ăn đòn, má tôi giấu hết lỗi phạm. Còn ba lại giống như là “ông đao phủ”! Chính
vì vậy mà tôi và cả anh chị tôi đều sợ ba một phép.
* * *
Sáng Chúa Nhật,
tôi được đi chơi sau thánh lễ dành cho thiếu nhi. Vừa nhảy xuống khỏi xe máy,
tôi chào và cảm ơn ba xong là ù té chạy vào nhà thay đồ. Xong xuôi, tôi phóng
qua bên nhà nhỏ Thảo liền.
- Thảo ơi, Thảo!
Đi lễ về chưa Thảo ơi!
- Dạ… Đợi em một
chút, em đang hái mận.
- Nhanh đi, sắp
hết buổi sáng rồi.- Tôi thúc giục nhỏ Thảo như thể là nó mà chậm vài giây thôi,
là ông thần thời gian đi ngang lấy mất tiêu ngày nghỉ ít ỏi của mình vậy.
- Xong!- Nó nhảy
cái “uỳnh” trước mặt tôi làm tôi hú vía.
- Sao lâu vậy?
- Có lâu gì đâu!
Em thay đồ xong hái mận cho anh nè… Coi như quà xin lỗi đó nha!
- Lỗi gì? Mày lấy
gì của tao à?
- Có đâu… Xin lỗi
vì tại em mà anh bị bác trai la.
- Tao kí đầu mày
giờ! La cái gì mà la… Mông của tao còn in hình 5 cây roi hôm
qua nè!
- Có hả anh? Cho
em coi với!
- Chọc quê tao nữa
là tao về đó nha!- Tôi nói trong nỗi căm phẫn còn phảng phất đâu đó nơi lòng
mình.
- Thôi em xin lỗi…
Anh có đau lắm không?
- Đau chứ!... Mà
tao ghét ba tao lắm. Ổng đánh tao hoài. Lần nào bị la là cũng đánh hết trơn. Chắc
mai mốt tao phải sắm hai miếng mút như thằng Tùng cuối xóm để lót cho đỡ đau
quá.
- Bác trai nghe
tiếng “tẹt tẹt” là biết liền.
- Ừ! Nếu vậy thì
tao sẽ ráng lớn thiệt lớn rồi lên Sài Gòn học. Nghỉ chơi với ba tao luôn!
- Anh… Đừng nghĩ
vậy.
- Chứ sao nữa!
Không lẽ chịu bị đánh hoài hả mày?
- Hay anh đổi
cho em đi, chịu không?
- Đổi gì?
- Thì đổi ba anh
thành ba của em.
- Tại sao?
- 5 năm rồi, ba
em không về thăm em… Má em nói là ba đi làm xa rồi từ từ ba về.
Nghe con nhỏ nói
chuyện về việc vắng đi “một nửa của cuộc đời” mà tôi thắt cả ruột gan. Tôi vẫn
còn đang vẩn vơ suy nghĩ thì nó nói tiếp:
- Thiệt đó anh!
Từ hồi ba em đi làm xa, má em nói là khi nào em buồn, thì cứ ra Thánh Giuse mà
nói chuyện với Ngài… Em ra mỗi tối luôn.
- Thế mày nói
gì?
- Em nói là:
“Xin Thánh Giuse làm ba của con. Con sẽ gọi Thánh Giuse là ba Giuse đến khi nào
ba của con về”.
- Rồi Thánh
Giuse có trả lời mày không?
- Dạ không,
nhưng mà em tin là Thánh Giuse chịu làm ba em nên Ngài hay che chở cho má con
em.
- Ừ… Tao cũng
tin như vậy.
Buổi sáng Chúa
Nhật hôm ấy tôi và nhỏ Thảo dành để nói chuyện của nhau. Nó thì kể về nỗi khao
khát có một người ba của mình. Còn tôi lại kể những chuyện không hài lòng về
ba. Trong xóm này ai cũng nói ông là người trầm tính và ít nói. Với 3 anh chị
em tôi thì ông dạy dỗ đến nơi… Rồi thời gian như thoi đưa, cả tôi và nhỏ Thảo đều
lên Sài Gòn để theo đuổi những ước mơ riêng của mình.
* * *
Một ngày đẹp trời
cuối năm thứ 3… Vừa mới đi học về, tôi nhảy tót lên giường như tìm kiếm chốn
nghỉ ngơi sau một ngày dài học hành vất vả. Bỗng chuông điện thoại reo: Reng… reng… reng…
- Alô! Tôi nghe…
- Phúc hả con? Về
nhà nhanh. Ba con sắp không qua khỏi rồi…
- Sao? Ba con bị
sao?
- Tai nạn giao
thông…
Sau đó là một tiếng
“tít” kéo dài ở đâu dây bên kia. Mọi chuyện xảy ra quá nhanh làm tôi cứ ngỡ như
cơn ác mộng. Tức tốc, tôi bắt xe Sài Gòn-Vũng Tàu để về gặp ba lần cuối. Sau 2
tiếng, vừa mới nhảy xuống xe, tôi chạy thẳng vào nhà như thể một đứa bé đang cố
chạy thật nhanh, để chộp lại đầu dây bóng bay đang dần trôi tuột vào cõi hư vô.
Ba tôi nằm trên giường, mắt lim dim, người bất động với hàng tá máy móc và dây
nhợ. Cả nhà tề tựu bên ba và rồi ông nhìn từng người một. Đầu tiên, ông nhìn má
tôi, rồi đến anh Hai, chị Ba và cuối cùng đến tôi với ánh mắt dịu dàng chưa từng
thấy nơi ông. Vài phút tiếp theo, ông dần chìm sâu vào giấc ngủ mà tôi biết rằng
mọi thứ đều là thật chứ không phải là mơ.
Ba tôi ra đi để
lại trong tôi rất ít kỉ niệm đẹp. Họa hiếm chăng là những lần tôi được đi chơi
Đà Lạt với ông khi đạt học sinh giỏi. Mà lần nào đi chơi với ba, tôi cũng đều
thút thít khóc vì nhớ má. Thế mà, khi ba tôi như áng mây trôi qua đời mình, thì
tôi mới thấy được bóng râm mà ông đã phủ trên từng bước đi của tôi.
Bỗng chốc, tôi
nhận ra đâu đó những bài học cuộc sống mà ba tôi gởi vào trong từng lằn roi. Mỗi
điều ba tôi dạy đều có một cảm giác nóng rát kèm theo. Đời tôi đã vắng đi dáng
người gầy gò thuở nào của ông đang đứng chờ tôi trước bao lơn. Ơ kìa! Tại sao mắt
tôi rươm rướm nước? Thả mình xuống cái đi văng mà không biết bao nhiêu lần tôi
phải nằm lên đó để chịu đòn, tôi bất giác thấy lòng mình xuất hiện hình bóng của
ba. Một bóng hình âm thầm, lặng lẽ nhưng vững chãi dõi theo từng bước chân của
tôi. Từ hiên nhà, tôi phóng ánh nhìn qua nhà nhỏ Thảo để ngó xem Thánh Giuse
còn đứng đó không, hay là Ngài đã đi đâu đó rồi. Có lẽ, từ nay tôi phải xin một
điều giống nhỏ Thảo hồi xưa, vì Thánh Giuse của gia đình tôi vừa mới về trời mất
rồi!
Tôi nay đã tốt
nghiệp và đã đi làm, tôi vẫn thấy đâu đó trong cách sống của mình đã nhuộm lấy
hình bóng của ba. Vâng, giờ tôi hiểu thêm rằng, để biết sự to lớn của một cây cổ
thụ nơi rừng sâu thì người ta không chỉ đơn giản tính bằng độ cao mà nó có,
nhưng còn phải được đánh giá bằng bóng râm mà nó đã rợp được đến đâu.
0 Nhận xét