Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

ẤP Ủ HƯƠNG MẠ NON - Lê Thị Cẩm Tú (TP.HCM)


ẤP Ủ HƯƠNG MẠ NON

Lê Thị Cẩm Tú (TP.HCM)

 Hình ảnh có liên quan
Trong một lần về nhà người bạn ở một vùng quê, nhìn những cánh đồng lúa ven đường xanh màu mạ non, mắt tôi bỗng thấy rưng rưng nhớ về mẹ những ngày Hè làm đồng. Những luống mạ nhìn xa xa như một dải thảm cỏ xanh màu lục, thấp thoáng từng cánh cò bay chập chờn trong nắng mới. Những người nông dân đang cắm cúi nhổ từng nắm mạ non ở những chỗ dày để dặm xuống những chỗ thưa hơn do khi rải giống không đều. Thời điểm gieo trồng vụ Hè-Thu, những hạt giống bắt đầu nảy mầm và cho ra những lá mạ non xanh mơn mởn. Ngày tôi còn bé, tôi được học biết khi làm ruộng khâu rải giống rất quan trọng, nếu rải đều thì mạ sẽ mọc đều và không cần phải dặm lại.
Mẹ tôi trước kia mẹ là một tiểu thư chẳng phải lo chuyện cơm ăn áo mặc. Nhưng từ ngày mẹ về nhà chồng, vất vả khổ cực trăm bề, mẹ phải bắt đầu cuộc sồng mới với những công việc đồng áng… Vì thương ba, mẹ chấp nhận mọi khổ cực để về làm dâu nhà nội. Từ đó mẹ bắt đầu tập trồng lúa, nuôi gà… vứt bỏ mọi thứ giàu sang an nhàn của cô gái tiểu thư ngày nào, để giữ gìn đạo lí hôn nhân Công giáo “lúc thịnh vượng cũng như lúc gian nan…”. Những sào ruộng do tay mẹ rải giống không được đều như các sào ruộng bên cạnh nên mẹ phải vất vả. Vào mỗi buổi sáng hoặc chiều muộn, mỗi khi rảnh mẹ lại đạp xe lên ruộng để nhổ mạ bó thành nắm và bắt đầu dặm xuống ở những chỗ thưa. Cứ nhổ lên rồi dặm xuống, lưng mẹ dường như cong dần qua tháng năm.
Có lần tôi hỏi: “Sao mình lại phải dặm lúa chi hở mẹ? Để vậy lúa vẫn ở trong ruộng của mình mà!”. Ngày đó tôi làm sao biết được sự sinh trưởng của cây lúa muốn phát triển tốt là như thế nào, nếu hạt giống rải dày quá sẽ ngăn cản sự lớn lên của cây. Một hôm tôi xin mẹ xuống dặm lúa thử vì cảm thấy thích thích cái việc cứ bốc mạ chỗ này mà bỏ vào chỗ khác. Mẹ đưa nắm mạ cho tôi và chỉ những chỗ thưa để tôi dặm mạ xuống nơi đó. Tôi đóng vai một cô nông dân thực thụ bước chân xuống ruộng. Có cảm giác vui vui khi cắm nhúm mạ đầu tiên xuống, cứ như đang gieo một mầm xanh của sự sống vừa hé mở. Sau những hăng say ban đầu ấy thì tôi bước chân trúng một vũng bùn lún, nhấc chân lên không nỗi nên tôi ngã nhào. Tôi nằm dài trên ruộng lúa, và tội cho những cây mạ non đã bị tôi đè bẹp trong vũng bùn! Người tôi lúc ấy chẳng khác nào một con heo mới từ ổ bùn lầy chui ra. Tôi vẫn không sao đứng dậy nổi, mẹ phải đến đỡ tôi và lo lắng hỏi: “Có sao không con?”. Mặt mày dính đầy bùn nhưng tôi vẫn còn nở nụ cười được trước sự chăm sóc ân cần của mẹ.
Tôi như một nụ mầm xanh luôn được mẹ che chở những ngày còn nhỏ. Sau lần ấy, tôi chỉ theo mẹ ra đồng và ngồi trên bờ ngắm nhìn mẹ cấy từng cây mạ xuống ruộng. Đôi lúc thấy mẹ làm nhanh như cắt, bước qua từng kẽ mạ bốc mạ lên, mới đó đã được một nắm. Và mẹ dùng sợi rơm để bó lại, sau đó quăng phốc nó xuống chỗ vùng mạ thưa để tí nữa đến chỗ đó dặm. Vì một lần không thể cầm nhiều mạ trên tay đến như vậy, mẹ bước đi theo vùng và cấy từng mảng. Xong mảng này thì mẹ dặm tiếp sang mảng khác. Công việc này tốn nhiều thời gian và lại rất cực nhọc. Hiệu quả đem lại thì chỉ trông chờ vào thời tiết thuận lợi mới có thể mang về một mùa bội thu cho người nông dân.
Ngày tôi thi tốt nghiệp đại học, rời bước chân từ làng để lên phố tìm việc làm, mẹ tiễn chân tôi bên sào ruộng trước nhà. Những cây mạ non vẫn đang vươn mình đón những tia nắng của ngày mới. Một thảm lúa trải dài xa bất tận như những nụ tầm xuân xanh biếc đang hé mở cho tương lai của tôi. Mùi hương thoang thoảng của mạ non trải rộng khắp nơi đây, tiếng chuông nhà thờ như cũng tỏa lan theo sóng lúa, để tôi ấp ủ vào trái tim mình trong suốt chặng đường trước mặt…


Đăng nhận xét

0 Nhận xét