Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

Bài TỔNG KẾT CUỘC THI “SÁNG TÁC CHO TUỔI THƠ” 2019



Bài TỔNG KẾT CUỘC THI “SÁNG TÁC CHO TUỔI THƠ” 2019

(Đọc trong “Lễ trao giải” tối 21/9/2019 tại Hội trường Chủng viện Qui Nhơn)



Như lời chia sẻ của cha Trưởng Ban Văn hóa GP. Qui Nhơn: Con đường của ơn Chúa dẫn đưa con người thì luôn mới và không bao giờ kết thúc. Nó chỉ dừng lại ở những “điểm dừng” để đón đưa những con người mới muốn đi theo Chúa. Có thể nói, nó như một “định luật bảo toàn năng lượng sống: sống hướng thiện, hướng đến cuộc sống vĩnh cửu”, và bởi thế nó không mất đi mà chỉ chuyển từ hình thái này sang hình thái khác.
Năm 2018, bế mạc Năm Thánh kỷ niệm 400 năm Tin Mừng đến với GP. Qui Nhơn, các chương trình hoạt động của Ban Văn hóa GP theo dự kiến có vẻ như cũng muốn dừng lại. Thế nhưng từ 2 năm trước đó, với ơn Chúa soi sáng và thúc đẩy, ý tưởng cần tiếp tục tạo một sân chơi và sự kết nối cho các cây bút trẻ được hình thành, thế là tuyển tập thơ văn Mục Đồng ra đời, phát hành đều đặn 3 tháng 1 kỳ, đến nay đã chuẩn bị ra số thứ 12. Rồi khi 2 cuộc thi “Giải văn thơ Lm. ĐĐT” (cho lứa tuổi học sinh phổ thông) và “Giải VVĐT” (cho lứa tuổi dưới 40) đang đi đến hồi kết, BTC nhận ra một “đối tượng” khác cũng rất đáng quan tâm: Đó là việc giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cũng như luyện rèn Tiếng Việt cho trẻ thơ là hết sức cấp thiết, nhất là trong một xã hội đang bị “nhiễu loạn” bởi một kiểu sống “thực dụng” và “vô cảm”. Ông bà ta đã nói: “Dạy con dạy thuở còn thơ” mà! Ý tưởng thực hiện một tuyển tập dành cho thiếu nhi lấy tên “Bông Hồng Nhỏ” từ đó được mang ra thảo luận và bàn bạc nhiều lần. Thế nhưng suốt gần một năm ra thông báo mời cộng tác, số lượng bài gởi về chỉ đếm trên đầu ngón tay! Có lẽ vì các tác giả còn thiếu động lực thúc đẩy, bởi chưa thấy mặt mũi cuốn tuyển tập ra sao và công sức mình bỏ ra sẽ được “đền đáp” thế nào? Đó chính là lý do mà cuộc thi hôm nay chúng ta Tổng kết-Trao giải đã được tổ chức: Cuộc thi “Sáng tác cho tuổi thơ 2019”, mục tiêu là tìm nguồn bài và thu hút các tác giả yêu thích viết cho tuổi thơ tham gia cộng tác với tuyển tập.
Nhờ sự ưu ái giới thiệu của Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám mục Giáo phận Xuân Lộc, Chủ tịch Ủy ban Giáo dục trực thuộc HĐGMVN, cũng như của cha Giuse Nguyễn Văn Quang SDB, Chủ tịch Liên Hiệp Bề Trên Thượng Cấp Việt Nam, nhiều tác giả trẻ từ các Giáo phận và các Dòng tu đã tích cực tham gia.
Điều mà BTC không ngờ là số lượng thơ và truyện ngắn viết cho trẻ em gửi về dự thi khá nhiều, với 687 bài thơ và 324 bài văn. Con số tác giả dự thi riêng mảng văn thơ lên đến 165, trong đó có 76 tác giả Công giáo và 89 tác giả ngoài Công giáo (ghi nhận này chỉ dựa vào việc t/g có ghi tên thánh hay không nên có thể chưa chính xác). Trong số 59 tác giả đạt giải, có 25 tác giả Công giáo và 34 tác giả ngoài Công giáo. Như vậy, chúng ta thấy số lượng các tác giả ngoài Công giáo dự thi và đạt giải đều đông đảo hơn tác giả Công giáo, kể cả 2 tác giả đạt giải cao nhất về thơ và văn. Điều này mang đến cho BTC những ưu tư nhất định, nhưng cũng thực sự cảm thấy xúc động vì hóa ra những anh chị em khác tôn giáo cũng có cùng một thao thức, là muốn cung ứng cho trẻ thơ Việt Nam một nền giáo dục thật tốt, thật lành mạnh và nhân bản. Biết đâu, đó sẽ là những điểm chung để chúng ta tiếp tục cộng tác với nhau trong nổ lực cung cấp những “món ăn tinh thần” cho trẻ thơ.
Về mảng truyện tranh, trong bản thể lệ cuộc thi, trị giá các phần thưởng dành cho truyện tranh cao hơn hẳn so với giải thơ và truyện, cho thấy BTC rất ước mong tìm được những họa sĩ tài ba có tấm lòng dành cho trẻ em. Thế nhưng, số tác giả gửi tranh dự thi vỏn vẹn chỉ có 12 người với 46 bài dự thi, trong đó số tác giả có nét vẽ đạt chuẩn còn quá ít. Điều an ủi và cũng rất đáng để suy nghĩ cho BTC là tất cả 8 tác giả đạt giải truyện tranh đều là người Công giáo và tất cả 3 tác giả đạt giải kịch bản truyện tranh đều ngoài Công giáo. Chúng tôi có chút lo lắng là vẫn chưa tìm được người chuyên lo vẽ tranh, sáng tác hoặc chuyển thể truyện tranh cho tuyển tập. Chỉ có được một tác giả duy nhất có nét vẽ khá chuyên nghiệp, thì đã 60 tuổi và ở tận bên Vương quốc Đan Mạch. Còn lại 7 người khác dường như chỉ mới tập nghề. Có lẽ, số bạn trẻ Công giáo theo học ngành mỹ thuật không nhiều, số ít học ra thì lo đi làm, thực hiện những công việc dễ làm và dễ kiếm tiền hơn. Thực tình mà nói, việc sáng tác truyện tranh đặc biệt là cho trẻ thơ, đòi hỏi nhiều kỹ năng rất tổng hợp và mang tính đặc thù cao, mà thù lao cho công việc này vẫn chưa tương xứng. Do vậy, nếu cuộc thi của chúng ta phần thưởng quá thấp, họ sẽ không quan tâm. Muốn khuyến khích họ dấn thân vào lãnh vực này, cần có một cuộc thi có những phần thưởng lớn ngang ngửa với các cuộc thi ngoài đời. Điều này quả là hết sức khó đối với hoàn cảnh hiện nay của Ban Văn hóa Gp. Qui Nhơn chúng tôi, nếu không được sự chung tay góp sức của các Mạnh Thường Quân có chung niềm thao thức.
Về qui trình chấm giải, rút kinh nghiệm nhiều năm của Giải VVĐT, chúng tôi vẫn cố gắng làm thế nào để giữ được sự chuẩn mực và công bằng, dù cuộc thi này có khó khăn hơn bởi được mở rộng cho nhiều đối tượng và nhiều thể loại khác nhau. Khó khăn đầu tiên là mời được một lực lượng giám khảo vô cùng “hùng hậu” với đủ các thành phần: linh mục có, tu sĩ có, giáo sư tiến sĩ có, rồi các nhà văn nhà thơ và họa sĩ, các nhà nghiên cứu phê bình, biên tập viên, cả những người ngoài Công giáo để có một cái nhìn đa chiều và chuẩn xác hơn với tác phẩm dự thi.
Chúng tôi rất cảm kích khi nhận được sự giúp đỡ của một số giám khảo ngoài Công giáo như: TS. Lê Nhật Ký và TS. Trần Thanh Phương- Giảng viên ĐH Qui Nhơn, cô Nguyễn Thị Hường Lý- BTV NXB Kim Đồng, Hà Nội…
Bài dự thi nhận được sẽ được thư ký VP nhập liệu, lên danh sách theo từng thể loại, đánh mã số và xóa tên tác giả… Sau đó sẽ gởi cho Ban Sơ tuyển (mỗi thể loại gồm 2 người) đọc để loại bớt những bài không phù hợp với tiêu chí cuộc thi hoặc vi phạm thể lệ… Việc chấm điểm bài dự thi cũng được tiến hành kỹ lưỡng qua 2 vòng: Sơ khảo rồi Chung khảo, mỗi vòng đều được nhìn nhận qua con mắt của 6 vị giám khảo cho mỗi thể loại, và được chấm theo thang điểm của từng tiêu chí đã được thống nhất từ trước… Căn cứ vào kết quả tổng điểm của Ban Chung khảo và điểm trung bình cộng của Ban sơ khảo, BTC sẽ xem xét xếp hạng giải thưởng cũng như quyết định tăng hay giảm số lượng giải thưởng như đã nêu trong thể lệ. Vì chấm theo từng bài riêng lẻ nên nếu tác giả nào có nhiều bài vào giải ở cùng một thể loại, sẽ chỉ nhận được giải cao nhất của mình, nhường những giải sau cho các tác giả tiếp theo. Trong quá trình chấm giải, BTC cũng loại khỏi giải những bài bị phát hiện là sao chép hoặc đã đăng báo và in sách từ trước. Đã có vài trường hợp nhờ giám khảo phát hiện, và có một trường phải đến sau khi công bố danh sách đạt giải mới phát hiện ra. Mong quý tác lưu ý điều này khi tham gia những cuộc thi sau, tránh sự “khó xử” cho BTC.
Dù có vài điều chưa được như mong ước ban đầu của BTC, nhìn chung cuộc thi đã đem lại những kết quả tương đối khả quan để có thể bắt tay làm thử một vài số tuyển tập giáo dục cho tuổi thơ. Bởi nói riêng về mảng truyện và thơ, hầu hết các bài dự thi đều viết rất đạt, rất hấp dẫn và cuốn hút, đậm chất tuổi thơ và có ý nghĩa giáo dục cao. Đặc biệt là các tác phẩm vào chung khảo, mỗi bài đều có những ưu thế nổi trội riêng, khiến cho số điểm tổng kết san sát nhau (chênh nhau chỉ 0,1-0,2 điểm), đã “làm khó” cho BTC khi xếp hạng.
Nhận xét về những bài Văn vào chung khảo, giám khảo Lê Nhật Ký cho rằng: “Tôi nhận thấy hầu hết tác phẩm dự thi “Sáng tác cho tuổi thơ”(vòng chung khảo) đều đạt được các tiêu chuẩn nghệ thuật của văn học thiếu nhi. Trong tương quan chung, có thể nói, văn xuôi là một mảng trội với nhiều tác phẩm hay, nội dung cảm động và hình thức thể hiện có nhiều sáng tạo phù hợp với tâm lí, thị hiếu trẻ em.
Viết cho thiếu nhi là một hứng thú nhưng đồng thời cũng là một thử thách không nhỏ đối với mỗi người. Bởi vì, để có một tác phẩm thực sự hấp dẫn, người viết cho thiếu nhi phải xử lí đồng thời nhiều vấn đề khác nhau nhằm đảm bảo sự hài hòa giữa yêu cầu viết về thiếu nhi và viết cho thiếu nhi, giữa giáo dục và giải trí, giữa cảm quan người lớn và tâm hồn trẻ thơ… Với cuộc thi “Sáng tác cho tuổi thơ” này, tuy BTC không đặt thành yêu cầu riêng, nhưng tôi nghĩ, người viết cần thể hiện được ít nhiều hiện thực đời sống cũng như một số giá trị đạo đức - thẩm mỹ cụ thể nào đó của Kitô giáo. Với quan điểm như vậy, chúng tôi quả đã có chút “thiên vị” khi đánh giá những tác phẩm như Hành trình của Còng Nhí, Mình không có Chúa, Con gái ông già Nô-en, Tiếng chuông trong mờ sương, Mầm xanh trong nắng, Trở về… Về mặt thể loại, nhiều tác giả tỏ rõ sự thuần thục, điêu luyện trong việc sử dụng thể văn đồng thoại (nhân cách hóa loài vật), kiểu truyện hiện thực, hoặc hiện thực - kỳ ảo, khiến cho nghệ thuật kể chuyện thêm phần hấp dẫn, thú vị. Tôi đánh giá cao các tác phẩm: Mặt trăng của Chuột Rơm, Hành trình của Còng Nhí, Trò chuyện với Kiến, Tiếng chuông trong mờ sương, Thoáng tình yêu mẹ… Ở những tác phẩm này, tôi còn thấy lời văn đẹp cả về ngôn từ lẫn diễn đạt, sẽ có tác dụng tốt đối với việc phát triển lời nói nghệ thuật cho trẻ em…”
Còn với Thơ, giám khảo Lê Quốc Hán đánh giá: “Đọc 67 thi phẩm lọt vào vòng chung khảo cuộc thi “Sáng tác cho tuổi thơ”, tôi vui mừng vì được chiêm ngắm 67 bông hoa đa sắc, thơm hương Đức Mến, được cất lên từ những tâm hồn tinh khiết, hồn nhiên, trong sáng, dạt dào lòng kính Chúa, yêu quê hương đất nước và tôn kính những người gần gũi trong gia đình, làng xóm thân thương. Những tình cảm ấy được thể hiện bằng những bút pháp, phong cách khác nhau, đa dạng và tỏ ra khá chững chạc. Đây thực sự là một dấu hiệu tốt lành cho giới cầm bút Kitô hữu trẻ, nói riêng cho các cây bút tham dự cuộc thi. Nó cũng chứng tỏ Ban sơ khảo đã làm việc tỉ mỉ nghiêm túc với những con mắt xanh, đã chọn được những thi phẩm chất lượng cả về nội dung và hình thức… Hoàn chỉnh kết quả cho điểm xong rồi sắp gửi đi, song lòng tôi vẫn bâng khuâng vô hạn. Giá có quyền, tôi sẽ cho tất cả các bài thi lọt vào chung khảo đạt giải. Nhưng đây là cuộc thi nên không thể đánh đồng kết quả. Hơn nữa mỗi người cảm nhận thơ khác nhau. Cũng như có người thích hoa huệ, có người thích hoa hồng…”
Sau nhiều gian nan trở ngại trong quá trình chấm thi, kết quả cuối cùng đã có, với 64 giải thưởng sẽ được trao cho 59 tác giả ở tất cả các thể loại. Danh tính cụ thể của từng tác giả đạt giải đã được công bố trên các trang mạng Công giáo và gởi trực tiếp cho các tác giả từ tháng trước. Lát nữa đây, bảng xếp hạng các tác phẩm đạt giải sẽ được công bố trong phần trao giải. Xin chúc mừng các tác giả đạt giải của cuộc thi “Sáng tác cho tuổi thơ 2019”, và mong quý vị sẽ gắn bó lâu dài với những chương trình hoạt động của Ban Văn hóa GP. Qui Nhơn.
Các tác phẩm đạt giải và vào chung khảo, cũng như một số tác phẩm dự thi khác có nội dung tốt, sẽ được “nghiên cứu” để sử dụng trên tập san dành cho thiếu nhi “Bông Hồng Nhỏ” đang chuẩn bị thực hiện, hoặc trên chuyên mục “Trang viết cho tuổi thơ” của tuyển tập Mục Đồng. Vì lẽ đó, chúng tôi đã không thực hiện việc in “tuyển tập các tác phẩm đạt giải” và phát hành đại trà như các cuộc thi trước. Tuy nhiên chúng tôi cũng đã kịp tập hợp in photo theo kiểu “lưu hành nội bộ” để làm quà lưu niệm cho các tác giả với tuyển tập mang tên “Hành trình của Còng Nhí”, sẽ gởi đến quý vị vào cuối chương trình. Hy vọng chúng ta sẽ cùng nắm tay nhau tiếp tục cuộc “hành trình” mang yêu thương về với trẻ thơ, cùng đồng hành với trẻ thơ trong “hành trình” tìm về với Chúa là nguồn mạch của Tình Yêu.

TM. Ban Tổ chức
NGUYỄN THANH XUÂN




Đăng nhận xét

0 Nhận xét