KÍNH CHÀO LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
Bài 1
VÀI ĐIỀU NHIỀU NGƯỜI CHƯA BIẾT
Đang khi các
facebookers đẩy lên những bài viết quá khích bên này hoặc bên kia thì hai Ủy ban trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt
Nam, Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn và cả bản thân cha Giuse Trần Đình Long đều có
thái độ của vị thiên sứ trên đây. Các vị không đứng về bên này hay bên kia
nhưng đã tỏ ra rất dè dặt thận trọng để tìm hiểu xem đâu là điều đúng với ý
Thiên Chúa và hữu ích thực sự cho Dân Chúa.
Hai bản văn giữa tháng
Sáu nói trên được phổ biến rất rộng và nhiều người đã đọc từ đầu tới cuối. Ai
cũng thấy rằng hai bản văn ấy không đích danh nêu rõ Giáo điểm Tin Mừng và vị
linh mục phụ trách giáo điểm ấy. Đang khi đó thì có vài sự kiện trước và sau
hai văn bản ấy, trực tiếp liên quan tới giáo điểm và vị linh mục trong cuộc, những
ai biết rõ sẽ thấy mọi việc khá là bình thường, không như nhiều người tưởng tượng.
HAI SỰ KIỆN
TRƯỚC VÀ SAU
- Ngày 27-3-2019 có buổi
làm việc giữa Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn và cha Giuse Trần Đình Long. Biên bản cuộc
họp ấy chấp thuận để “cha Long cứ giảng về Lòng Chúa Thương Xót nhưng không mời chứng từ chia sẻ” và yêu cầu “cha
Long không thực hành việc đặt tay”. Những người thường xuyên xem các Youtube từ
Giáo điểm Tin Mừng cho biết là ngay từ hôm đó không còn việc mời nhân chứng,
thay vào đó cha Long đọc một số thư tạ ơn đã nhận được. Việc đặt tay cũng chấm
dứt và được thay bằng việc rảy nước thánh.
- Ngày 12-6-2019 các
trang truyền thông Công giáo phổ biến bản văn “Ủy ban Phụng Tự giải thích quy định
về Giảng lễ, Đặt tay và Rảy nước phép” và “Thư Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi cộng
đồng Dân Chúa về một số lưu ý trong đời sống đức tin”.
- Ngày 28-6-2019, Tòa Tổng
Giám mục Sài Gòn gửi thư cho cha Giuse Trần Đình Long và cha Hạt trưởng Xóm Chiếu
với nội dung ngắn gọn và rõ về kỷ luật phụng vụ trong các buổi cử hành, về các
thực hành đạo đức (trong đó có việc rảy nước thánh trên từng người) và về tinh
thần hiệp thông trong đường lối mục vụ của Giáo phận.
- Sau hôm đó, cha Long
chấm dứt việc rảy nước thánh và thực hiện chương trình phụng vụ mới: Chầu Thánh
Thể từ 15g00 đến 16g30 rồi thánh lễ vào lúc 17g00.
- Trên mạng xã hội, một
số người cả bên này lẫn bên kia đã có những lời lẽ xúc phạm đến các Giám mục
còn sống hay đã khuất. Có những người cứ nhất định cho rằng cha Long đứng đàng
sau những lời lẽ xúc phạm đến Đấng Bản quyền hiện nay. Thế nhưng, trong bài
chia sẻ chiều Thứ Bảy ngày 06/7/2019 (Thánh lễ Chúa nhật XIV Thường niên),
cha Long nói rõ:
“Một tuần nay chúng tôi thực hiện lệnh truyền của
Chúa, chỉ thị của Đức Thánh Cha là chuyên tâm vào việc cầu nguyện… Đặc biệt là
bức thư của Đấng Bản quyền, của Hội đồng Giám mục hướng dẫn mình đi vào chiều
sâu, đi vào đời sống thiêng liêng, đi vào đời sống cầu nguyện, bỏ những gì là
tùy phụ, bỏ những gì là không cần thiết. Thật quá tuyệt vời. Phải hết lòng hết
sức mà cám ơn các Đấng Bản quyền địa phương cũng như là (HĐGM) cả nước Việt
Nam. Các đấng ấy được Chúa Thánh Thần soi sáng, cho nên các đấng mới thương
chúng ta, mới quan tâm nghĩ đến chúng ta chứ!... Bao nhiêu giáo điểm khác có được
các đấng nhắc tới gì đâu. Còn chúng ta được các đấng quan tâm lưu ý hướng dẫn để
chỉnh đốn cho mình ngày càng đi đúng vào đường lối của Chúa. Chúng ta chỉ còn
biết (hô) “Alleluia! – tạ ơn Chúa!”.
Cho nên đừng có anh chị em nào nói điều gì xúc phạm
đến các đấng, các bậc. Chúng tôi hoàn toàn không đồng ý và không cho phép ai
nói điều gì xúc phạm đến các đấng các bậc, vì các đấng các bậc là người được
Chúa Thánh Thần soi sáng, hướng dẫn để dạy bảo mình, cho nên mình vui vẻ vâng lời
và được bình an, rồi khi mình vui vẻ vâng lời và được bình an thì hoa trái
thiêng liêng còn nẩy nở nhiều,…”
[chép lại từ phút 46:00
đến phút 47:48 trên Youtube].
THƯ GỬI DÂN CHÚA VÀ VĂN THƯ BỔ NHIỆM
Khuya 22-7 có người nhắn tin “khẩn cấp”
đến tôi:
- Lại mất bình an rồi cha ơi! Giáo điểm
Tin Mừng lại bị tấn công. Cha mở ngay trang web Tgp SG mà coi.
Tôi mở xem “Thư gửi Dân Chúa Tổng Giáo
phận Sài Gòn 22.7.2019” và gọi lại:
- Bạn hãy bình tĩnh. Theo cách hiểu của
tôi thì lại khác hẳn. Thư chung nêu rõ ba điểm cụ thể tại Giáo điểm Tin Mừng để
các bạn kiểm tra: “lạm dụng việc rảy nước thánh, đặt tay cầu nguyện, và chứng từ
chữa lành bệnh nhân”. Cả ba việc ấy, bạn có thể kiểm tra dễ dàng là không
còn chút nào ở Giáo điểm Tin Mừng nữa. Còn điểm chính của lá thư nằm tại điểm (c)
ở đoạn cuối cùng mới hết sức quan trọng:
“Theo gương Chúa Giêsu, chúng ta được mời
gọi:
- Thi hành Thánh Ý Chúa qua việc chu
toàn bổn phận (đối với gia đình, cộng đoàn, xã hội) và đón nhận những biến cố của
đời sống thường ngày (vui, buồn, khó khăn, bệnh tật, đau khổ…).
- Sống điều răn Chúa dạy qua:
+ việc mến Chúa: được biểu lộ trong những
cử hành Phụng vụ và thực hành lòng đạo đức bình dân, với ý thức về sự khác biệt
và trổi vượt của Phụng vụ;
+ việc yêu người: tích cực xây dựng cộng
đoàn yêu thương hợp nhất trong gia đình, giáo xứ, dòng tu; đồng thời mở ra cho
thế giới qua các hoạt động từ thiện bác ái.
Với những lưu ý trên, trong tinh thần
yêu thương, chúng tôi mong rằng mọi sinh hoạt cá nhân hay cộng đoàn tại Tổng
giáo phận của chúng ta luôn diễn tả một đức tin tinh tuyền, sống động; đồng thời
góp phần loan báo Tin Mừng và xây dựng sự hợp nhất trong toàn giáo phận. Xin
Thiên Chúa chúc lành cho ước nguyện và những cố gắng của tất cả chúng ta.”
Theo tôi, bạn hãy cứ bình tĩnh. Bạn hãy
làm như thế để gặp được Lòng Chúa Thương Xót và hãy nhờ Lòng Chúa Thương Xót mà
thực hiện lệnh truyền của Thiên Chúa ngang qua chỉ dẫn của Đấng bản quyền. Có
gì mà cứ phải ầm ĩ lên!
Đúng một tuần sau, Tòa Tổng Giám mục có
“Bổ nhiệm thư”, chỉ định cha Giuse Trần Đình Long về nhận nhiệm vụ mới tại
Trung tâm Mục vụ. Bổ nhiệm thư kết thúc với lời nguyện chúc: “Nguyện xin Thiên
Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh nữ Maria và
Thánh cả Giuse, quan thầy của cha, chúc lành và nâng đỡ cha trong nhiệm vụ mới
này.”
Đọc kỹ bản văn, ta sẽ thấy rằng sau những
bất đồng căng thẳng vẫn còn một điểm gặp gỡ cuối cùng là Lòng Chúa Thương Xót.
Chính Lòng Chúa Thương Xót là niềm ủi an và hy vọng cho từng tín hữu Kitô, cho
Giáo hội và cho toàn thể nhân loại.
Lắm người nêu câu hỏi: Liệu cha Long có vâng
lệnh Tòa Tổng giám mục không? Sáng 02-8, có tin loan đi rất nhanh: Cha Long đã
về Trung Tâm Mục Vụ nhận chìa khóa phòng 307, ngày 16/8 ngài sẽ bàn giao Giáo
điểm cho cha Quản hạt Xóm Chiếu và cha Quản xứ Phú Xuân, rồi ngày 17/8 sẽ dâng
thánh lễ cuối cùng và rời Giáo điểm…
Nơi một thánh lễ trong tuần cuối cùng tại
Giáo điểm Tin Mừng, cha Long chia sẻ:
“Con
đường cứu độ và giải thoát của Chúa là con đường vâng phục thánh ý Chúa Cha. Mà
ý Chúa Cha là muốn Chúa Giêsu phải chịu chết để cứu chuộc nhân loại. Vì thế,
Ngài đã vâng lời đến cùng để thánh ý của Cha được nên trọn vẹn. Đấy, nhiệm vụ của
Chúa đến trần gian là đến để làm theo ý của Cha Ta, Đấng đã sai Ta. Cho nên từ
kinh nghiệm của Đức Giêsu cho đến kinh nghiệm của bản thân mình cũng vậy. Mình
cứ vâng phục là mình được bình an, Mình cứ vâng phục là mình biết rằng mình
đang làm theo thánh ý của Chúa. Người ra lệnh cho mình, họ sẽ chịu trách nhiệm
trước mặt Chúa. Còn mình vâng phục thì mình được bình an trước mặt Chúa.
Cho
nên, ngày 26/3[1],
sau cuộc họp với Đức cha Giám quản và các vị cố vấn, yêu cầu tôi không được đặt
tay và không được mời người lên làm chứng nữa, tôi nói: “Vâng, con xin vâng.”
11 giờ họp xong, 3 giờ chiều tôi không còn đặt tay và không mời nhân chứng, từ
đó cho tới bây giờ. Rồi sau đó lại thêm một lệnh truyền nữa là không được đọc
các thư làm chứng trong bài giảng, tôi cũng “xin vâng”. Rồi buổi sáng bảo không
được rảy nước thánh nữa, chiều tôi cũng xin vâng.
Sáng
nói, chiều tôi thi hành ngay. Các cha bảo: Sao cha không khất lại vài bữa? Tôi
bảo: Không! Khất thì cũng thế. Con cứ Bề Trên bảo sao, con làm như thế. Ít nhất
là con thấy con được bình an. Ít nhất là con thấy con làm theo thánh ý Chúa.
Còn bề Trên như thế nào thì Bề trên chịu trách nhiệm trước mặt Chúa. Rồi bảo rằng
không được làm cái này, không được làm cái nọ, con cũng xin vâng ngay lập tức,
chẳng có chần chờ gì cả, chẳng có khất lần khất lữa gì cả. Và nhận được bài sai
là dọn dẹp chuẩn bị đi đến Trung tâm Mục vụ, con cũng xin vâng, không thắc mắc,
không hỏi lại cái gì cả, không cần biết đến đó làm gì; ăn ở như thế nào, không
cần biết. Bảo đi là đi, bảo đến là đến. Đức cố Tổng Giám mục cầm bài sai bảo:
“Long, đến GĐTM thì con đến!” Đức Giám quản bảo: “Long, rời GĐTM và về TTMV, bảo
đi thì con đi. Rồi mai mốt Chúa bảo: “Trần Đình Long, về với Ta!” Chúa bảo chết
thì con chết, chứ còn gì mà không chết…”
Chép lại từ Youtube: “GDTM - Thứ Hai sau Chúa nhật XIX TN năm C,
ngày 12/8/2019”, 0:58:23 - 1:01:20.
CHÚT LÒNG CHIA SẺ
Khi xem loạt bài này, xin bạn đọc lưu ý
rằng tác giả không nhằm bàn tới chuyện thời sự ở Giáo điểm Tin Mừng nhưng chỉ tập
trung vào Lòng Chúa Thương Xót và những tín hiệu ghi nhận được qua các sự kiện
tại một góc hẹp của một giáo phận tỉnh lẻ.Chỉ đến mấy trang phụ lục đính kèm
sau bài cuối cùng, tác giả mới có mặt tại Giáo điểm Tin Mừng và nói đến giấc mơ
của tác giả cho Giáo điểm này trong giai đoạn mới.
Cũng xin lưu ý rằng cả các bạn đọc Kitô
hữu và tác giả, khi được Chúa mời gọi góp phần vào đại cuộc của Ngài, chúng ta vẫn
còn đầy dẫy khuyết điểm và cả tội lỗi nữa. Tuy nhiên trong tâm tình khiêm nhường
biết ơn, chúng ta cũng cảm tạ Chúa đã uốn nắn bản thân chúng ta nên được như
ngày nay.
Ơn cứu độ của Chúa cho con người luôn được
thể hiện ngang qua một người hay một nhóm người cụ thể. Ta cần phân biệt giữa
ơn cứu độ của Chúa và những con người được Thiên Chúa chọn để thực hiện kế hoạch
cứu độ. Khi Thiên Chúa thực hiện ơn cứu độ ngang qua một người không có nghĩa
người đó hoàn toàn thánh thiện. Cụ thể, bạn đến xưng thú lỗi lầm và lãnh
nhận ơn tha thứ của Chúa qua linh mục giải tội không có nghĩa rằng linh mục ấy
là người không vướng mắc tội lỗi. Lỗi lầm (nếu có) của người ấy không thể bị
xem là lý do để phủ nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa thể hiện qua người ấy. Đức
Thánh Cha Phanxicô gọi Hội Thánh là một bệnh viện, trong đó cả các nhân viên
cũng luôn gặp nguy cơ bị lây nhiễm. Đó là thân phận lữ hành của Dân Chúa. Dù có
những vết đen về lạm dụng tình dục của một số nhân viên, Giáo hội Công giáo vẫn
là phương tiện của ơn cứu rỗi và vẫn là Giáo hội thánh thiện của kinh Tin kính.
Là người trần mắt thịt, ta dễ quên rằng
công cuộc của Thiên Chúa khác hẳn công cuộc nhân loại. Ta thường có xu hướng
nhìn công cuộc của Thiên Chúa theo cái nhìn loài người, quên rằng Thiên Chúa có
cái nhìn khác hẳn chúng ta và Ngài cũng giải quyết mọi chuyện một cách khác hẳn
cách chúng ta quen nghĩ.
Trên mạng xã hội, có những bài viết nhấn
mạnh tới một số điểm tiêu cực của cha Long trong quá khứ. Giả dụ những điều ấy
hoàn toàn đúng thật, ta đừng bỏ quên cách nhìn rất bình thường của Kinh thánh,
chẳng hạn: Giacóp, Môsê và nhiều nhân vật Cựu ước khác, rồi Phêrô, Phaolô cũng
như nhiều Tông đồ và môn đệ khác,rồi Thánh Âu Tinh, Thánh Inhaxiô, Thánh
Camillô Lellis,tất cả đều có một thời xa cách Chúa, suýt làm hỏng kế hoạch của
Thiên Chúa. Về sau, những sự bất toàn ấy có được nhắc lại thì chỉ để gợi ý cho
thấy ơn Chúa đã biến đổi những kẻ Ngài chọn tới mức nào. Ngay cả khi một người
nào đó hôm nay còn đầy hạn chế, ta vẫn cần đọc ra cái tương lai mà Lòng Chúa
Thương Xót đang chờ đợi họ. Ở đây, điều quan trọng không phải là quá khứ nhưng
là hiện tại và tương lai.
Khi Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn có bổ nhiệm
thư thuyên chuyển cha Long về Trung tâm Mục vụ, có những bài viết trên mạng xã
hội gây cảm tưởng đây là một linh mục cứng đầu, lúc nào cũng chống lại Bề trên.
Thế nhưng nếu bạn bỏ chút thời giờ xem và nghe video bài giảng của bất cứ ngày
nào từ hôm có lệnh thuyên chuyển về sau, có lẽ sẽ chứng kiến một thực tế khá ấn
tượng. Những tuần lễ này cha Long vừa phải chạy đua với thời gian, phải giải
quyết bao chuyện ngổn ngang để bàn giao nhiệm sở, vừa tiếp tục các sinh hoạt
không chỉ ở mức thường lệ mà còn vượt trên thường lệ. Thật khó mà hình dung giữa
hoàn cảnh ấy vị linh mục này lại có được sự bình an để vâng phục cách hồn
nhiên, siêu thoát, và hơn nữa, còn tích cực trấn an đám đông hàng chục ngàn người
mỗi ngày để họ tín thác vào Chúa và bình an đón nhận quyết định của Đấng Bản
quyền Giáo phận.
Cuối bài này, có đủ đường dẫn đến tất cả
các bài giảng của cha Long từ sau ngày có lệnh thuyên chuyển.Tất cả đã thành
quá khứ, càng lúc càng lùi xa, ai cũng có thể nghe nhìn cách khách quan, thanh
thản. Mời bạn thử click vào bất cứ clip nào để nghe xem và tự mình nhận định.
PHÂN ĐỊNH TÌM Ý CHÚA
Nhiều người từng sốt ruột
thắc mắc tại sao giữa lúc giáo dân bị hoang mang lo lắng vì mạng xã hội, các Đức
Giám mục lại hoàn toàn im lặng? Thưa bạn đọc, sự dè dặt thận trọng của Hàng
Giáo phẩm cho chúng ta một ví dụ sống động về sự phân định, tức là sự bình tâm
dò tìm và nhận rõ ý Thiên Chúa trong cuộc sống của cá nhân cũng như của cộng
đoàn.
Sáng suốt phân định để
nhận rõ ý Thiên Chúa và từ bỏ ý riêng là chuyện một mất một còn của người môn đệ
nói riêng và của cộng đồng Dân Chúa nói chung, bởi vì chính Chúa đã phán: 21“Không
phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả
đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được
vào mà thôi. 22Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: “Lạy
Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri,
nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?” 23Và
bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt
Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!” (Mt 7,21-23).
Nói tiên tri, trừ quỷ, làm
phép lạ, toàn là chuyện “đáng nể”, thế nhưng Chúa lại bảo là “làm điều gian
ác”! Vâng, ý Thiên Chúa có thể
rất khác xa với ý muốn của riêng ta: “Thật
vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các
ngươi không phải là đường lối của Ta. Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối
của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng
các ngươi chừng ấy” (Is 55,8-9).
Sau tiếng nói chung của
Hội đồng Giám mục, có thể một số người còn tiếp tục nêu vấn đề này hay vấn đề
kia, thế nhưng chúng ta cần dựa trên sự chọn lựa đúng chừng mực của Hàng Giáo
phẩm để bình thản nhìn rõ vấn đề hơn.
Giáo hội Chúa là một thực
thể vừa hữu hình vừa vô hình, vừa được điều hành theo cơ chế, vừa có những trường
hợp được Chúa Thánh Thần tác động khác thường, được gọi là đoàn sủng, tức là ơn
đặc biệt để phục vụ cộng đoàn. Hai vị Giám mục bản quyền nối tiếp nhau, trước
hai tình huống khác nhau, có thể hành động khác nhau. Vị thứ nhất có thể tích cực
ủng hộ vì nhắm nâng đỡ phát huy một đoàn sủng, và vị thứ hai có thể lại thấy
nhu cầu cần cảnh báo để người được ơn đoàn sủng khỏi đi quá đà, gây thiệt hại
cho giáo hội cơ chế. Lắm trường hợp, sự căng thẳng giữa đoàn sủng và cơ chế gay
go đến độ xung đột. Trong trường hợp chúng ta đang quan tâm, Hàng Giáo phẩm đã
hành động đúng chừng mực một cách đáng kính phục và cha Giuse Trần Đình Long đã
vâng lời với tinh thần trách nhiệm. Chúng ta cần cầu nguyện cho mọi tầng lớp
Dân Chúa đều đồng cảm với Hàng Giáo phẩm để cùng mở lòng ra với ơn Chúa, giúp cộng
đồng Dân Chúa cùng tiến bước hài hòa.
ĐÔI LỜI VỀ
TRẠM THÍ NGHIỆM
Phần tham gia
chính thức của tôi bắt đầu từ bài 2, với hình ảnh “trạm thí nghiệm” lấy từ hoạt
động canh nông hiện nay. Tuy nhiên cần nói ngay trạm thí nghiệm này không phải là một chi nhánh của
Giáo điểm Tin Mừng. Bản thân tôi trước đây chưa bao giờ gặp cha Giuse Trần Đình
Long. Chỉ sau khi bà con tại Bình Định tìm đến Tòa Giám mục Qui Nhơn xin tôi
giúp đỡ vể Lòng Chúa Thương Xót, tôi mới gọi điện thoại liên lạc và gửi mấy
email đến cha Long, ghi tên tuổi những bà con muốn nhờ nhắn tin xin ngài và cộng
đoàn Lòng Chúa Thương Xót cầu nguyện. Tôi
cũng chưa nhận một chiếc máy nào cùa ngài. Những chiếc máy nghe bài giảng là do
một vài các bà các chị quan tâm tới việc loan báo Tin mừng cho Giáo phận Qui
Nhơn và cho xã Thạch Hạ ở Hà Tĩnh, gửi tặng. Có một đợt tôi nhận được vài chục
chiếc máy có mã vạch, có ghi địa chỉ Giáo điểm Tin Mừng, còn những lần khác chẳng
có những dấu hiệu ấy. Tôi chẳng biết người ta kiếm từ đâu. Tôi đã nhận
và đã tặng cho những ai tôi thấy là cần tặng.
Một ngàn kinh
nghiệm hoặc nhiều hơn nữa vẫn chưa là định luật, vẫn có thể có những kinh nghiệm
ngược lại. Điều tôi chia sẻ không phải là một kinh nghiệm nhưng là những dấu hiệu
đáng quan tâm trên đường phân định, những tín hiệu quan trọng đòi người làm
công tác thí nghiệm phải chú ý triệt để hơn nữa. Bởi lẽ ở trạm theo dõi này vị
Chủ công trình không nhằm đề ra một định luật nhưng nhằm cung cấp một bản mẫu
thật chuẩn trước khi đưa xuống luống vườn rồi áp dụng đại trà cho chương trình
nông nghiệp.
Mời xem bài 2: Cuộc
lên men tự nhiên.
GHI CHÚ 1: Bạn đọc muốn xem toàn bộ loạt bài, xin mở
tại
GHI CHÚ 2: ĐƯỜNG DẪN ĐỂ NGHE CÁC BÀI GIẢNG TẠI GIÁO ĐIỂM
TIN MỪNG TỪ SAU NGÀY CÓ LỆNH THUYÊN CHUYỂN TỚI THÁNH LỄ CUỐI CÙNG Ở ĐÓ:
THỨ BA 30/7/2019: https://www.youtube.com/watch?v=qrLZhCJX6iQ&list=UUglnUNAopTDZGHa8XprJawg&index=15
THỨ TƯ 31/7/2019: https://www.youtube.com/watch?v=JVaTQLKpN-8&list=UUglnUNAopTDZGHa8XprJawg&index=13
THỨ NĂM 01/8/2019: https://www.youtube.com/watch?v=i4oNwJCUCis&list=UUglnUNAopTDZGHa8XprJawg&index=11
THỨ SÁU
02/8/2019: https://www.youtube.com/watch?v=043vsoeht10&list=UUglnUNAopTDZGHa8XprJawg&index=9
THỨ BẢY
03/8/2019: https://www.youtube.com/watch?v=dV1wAqfjgzM&list=UUglnUNAopTDZGHa8XprJawg&index=7
CHÚA NHẬT
04/8/2019: https://www.youtube.com/watch?v=uzJoOIAQJdQ&list=UUglnUNAopTDZGHa8XprJawg&index=4
THỨ HAI
05/8/2019: https://www.youtube.com/watch?v=iiKBkuXQi7c&list=UUglnUNAopTDZGHa8XprJawg&index=1
THỨ BA 06/8/2019:
https://www.youtube.com/watch?v=FGZlFxCFgAo
https://www.youtube.com/watch?v=FGZlFxCFgAo
THỨ TƯ 07/8/2019:
THỨ NĂM 08/8/2019:
THỨ SÁU 09/8/2019:
THỨ BẢY
CHÚA NHẬT 11/8/19
Lễ 9g00 sáng
Lễ 15g00 11/8/19
Lễ 19g00 11/8/19
THỨ HAI
THỨ BA
THỨ TƯ
+ Thánh lễ
+ Canh thức
THỨ NĂM
THỨ SÁU
THỨ BẢY
+ Thánh lễ 9g:
+ Ca nguyện Mừng Mẹ Về Trời
+ Thánh lễ 17g30
0 Nhận xét