Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

Tạp bút: Bước đầu vào đời

Tạp bút 

Bước đầu vào đời 



Tôi nhớ thầy chủ nhiệm cấp ba của tôi đã từng nói rằng: “Thời gian rồi cũng như một giấc ngủ trưa, khi ta thức dậy mọi thứ đã thuộc về quá khứ”. Bây giờ nhìn lại thời gian sau lưng mình tôi mới giật mình nhận ra lời thầy tôi nói đã trở thành hiện thực. Thời gian rồi chẳng bao giờ chờ đợi ai, nếu biết nắm giữ thì nó sẽ để lại những kỉ niệm đẹp, ngược lại nếu ta hững hờ thì sẽ là những hối tiếc cho tương lai… 

Cuộc sống sinh viên mở ra trước mắt tôi là muôn vàn thứ mới lạ, có lẽ đây là lần đầu tiên tôi xa nhà, xa cái xóm đạo yên bình, và bắt đầu cuộc sống mới nơi “đất khách quê người” mà không có người thân bên cạnh. Tôi bắt đầu cuộc sống tự lập cho mình, bắt đầu đi lễ nhà thờ mà chung quanh toàn những người xa lạ. Những tháng đầu cuộc sống sinh viên của tôi cũng khá ổn, mẹ tôi vẫn gửi đều đặn tiền sinh hoạt cho tôi mỗi tháng, vẫn dặn dò tôi kinh nguyện mỗi tối để luôn được Chúa chở che, hướng dẫn. Thế rồi những trải nghiệm khó khăn khi vào đời cũng đến với tôi, vào một ngày tôi nhận được tin mẹ tôi ngã bệnh nan y phải nghỉ làm trong một thời gian dài. Vậy là thu nhập của gia đình giờ chỉ phụ thuộc vào một mình ba tôi, mọi thứ đều đặt trên vai ba… Từ đó cuộc sống sinh viên của tôi trở nên thay đổi, tôi bắt đầu tính toán chi li từng khoản sinh hoạt của mình sao cho tiết kiệm nhất có thể… Thiên Chúa bắt đầu gởi cho tôi những thử thách, nhưng tôi luôn cầu nguyện và phó thác tất cả cho Ngài. 

Thương mẹ và để bươn chải cho chi phí sinh hoạt, tôi quyết định kiếm một việc làm thêm ngoài giờ học. Nhờ vào mối quan hệ tạo dựng được từ khi bước vào “xứ người” này, tôi có một công việc làm thêm, và thật may mắn là nó vừa đúng với chuyên ngành sư phạm của tôi: “Dạy kèm”. Là công việc hợp với sở trường của mình nên việc đi dạy của tôi không gặp mấy khó khăn. Hôm đầu tiên tôi được một chị đồng đạo dạy trong trung tâm dẫn vào làm quen với lớp,vì đây là lớp tiểu học nên toàn là trẻ con, nhìn những gương mặt ngây thơ của chúng làm tôi chợt nhớ một thời tôi cũng đã như chúng bây giờ. 

Tôi được phân công kèm một nhóm bốn em. Nhờ vào khiếu hài hước trong lời nói khi tôi còn sinh hoạt hội đoàn ở giáo xứ, nên tôi cũng nhanh chóng được cả nhóm tiếp nhận. Cứ như thế một tuần bốn buổi tối tôi lại gặp chúng, được chúng gọi bằng “cô”, và cô trò chúng tôi lại say sưa bên những bài toán, bài văn mới. Việc dạy kèm chúng đã trở thành một phần cuộc sống của tôi, nó không chỉ giúp tôi có thêm khoản tiền chi tiêu cho sinh hoạt, mà hơn cả nó còn là lớp thực tập đầu tiên cho nghề giáo của tôi. 

Đã hơn ba tháng kể từ ngày tôi dạy chúng, thời gian này tôi bắt đầu ôn lại cho chúng kiến thức cũ để chuẩn bị cho kì thi cuối năm sắp tới. Hôm đó cũng như mọi buổi dạy khác tôi kiểm tra bài cũ, bắt đầu là từ trò Nguyên (vì trong nhóm chỉ có Nguyên là lớp lớn nhất), cứ thế lần lượt từng trò một. Nhưng có một điều xảy ra là khi tôi kiểm tra đến trò Nghĩa thì tôi giật mình, vì thấy vở bài tập của trò này chỉ toàn những đường vẽ bậy lung tung, có những trang bị vò nát và cậu nhóc này cũng không làm bất cứ một bài tập nào trong vở. Linh tính mách bảo tôi là có chuyện gì đó với cậu nhóc này, vì vậy giờ ra chơi tôi giữ trò Quý lại (trong nhóm cu Quý là người hay chơi chung với Nghĩa nhất). Tôi gặng hỏi: “Quý nè, Nghĩa có gặp chuyện gì không con, sao cô thấy hôm nay Nghĩa nó lạ vậy?” - “Con nghe nói hình như có người gửi thư về báo mẹ nó trở bệnh nặng trong tù đó cô…”. Nói xong thằng nhỏ cũng chạy ra ngoài sân chơi với bạn, trong phòng chỉ còn lại mình tôi ngồi bần thần. Không khỏi tò mò, tôi tìm đến chị Ngân hỏi chuyện, chị là người dạy lâu nhất ở đây. Được chị kể tôi mới biết mẹ Nghĩa đi tù từ khi Nghĩa chỉ mới một tuổi, vì vậy từ nhỏ Nghĩa đã phải sống cùng với dì và ông ngoại… 

Suốt cả đêm đó tôi không sao ngủ được, tôi suy nghĩ rất nhiều về cậu nhóc này. Tôi chợt hiểu ra lí do tại sao Nghĩa luôn bày ra đủ thứ trò nghịch ngợm chọc phá bạn bè. Thật ra thằng nhóc này chỉ muốn mọi người để ý đến nó nhiều hơn, và tôi nghĩ nó cần cả sự quan tâm của mọi người. Dù là bản thân chưa từng trải qua hoàn cảnh như vậy nhưng ít nhiều tôi hiểu được cảm giác “thèm” mẹ của nó như thế nào. Nghĩ đến đây thôi là tôi thấy thương nó vô cùng, nước mắt tôi đột nhiên giàn dụa, tôi nhớ đến mẹ tôi người đã hi sinh cả cuộc đời vì chị em tôi… 

Và rồi những ngày dạy cuối cùng cũng đã đến. Bỗng nhiên tôi lại chạnh lòng khi nghĩ sẽ không được gặp chúng mỗi tối nữa, không được thấy chúng đùa nghịch nữa, và tôi sẽ nhớ chúng biết bao! Hôm nay không khí nhóm học có vẻ vui hẳn, tôi cố tìm sự khác biệt ở đây, và tôi nhận ra điểm đặc biệt hôm nay là ở cu Nghĩa, đây là lần đầu tiên tôi thấy nó cười vui đến vậy. Tôi trêu cậu nhóc: “Hôm nay có chuyện gì mà con vui thế Nghĩa? Cô thấy con cười suốt buổi học à nha!”. Thằng nhỏ nhìn tôi vừa cười vừa nói: “Dạ, mẹ con sắp được mãn hạn tù rồi cô, ông ngoại bảo cuối tuần này sẽ dẫn con vào thăm mẹ”. Chắc hẳn lâu lắm rồi thằng nhỏ mới lại có được nụ cười hồn nhiên như vậy, nhìn nó vui mà tôi thấy trong lòng nhẹ nhõm vô cùng. Tôi cười bảo nó: “Thế thì con phải cố gắng ôn bài và thi cho thật tốt để về còn khoe với mẹ nữa chứ…”. Đó cũng là buổi dạy cuối cùng với bốn đứa học trò đầu tiên trong nghề đi dạy của tôi, một buổi học trọn vẹn nhất từ trước đến giờ. Tôi mong rằng chúng mãi là những đứa trẻ trong sáng hồn nhiên như thế này. Bởi Chúa cũng đã bảo: “Ai không trở nên như trẻ nhỏ, sẽ khó vào được Nước Trời”. 

Sáng hôm sau tôi đón chuyến xe về quê chuyến sớm nhất, về với mẹ… Bỗng nhiên tôi thèm được sà vào lòng mẹ, được ngửi mùi cơ thể mẹ, được mẹ dắt đi nhà thờ như ngày xưa… Tôi cũng muốn khoe với mẹ và với Chúa, năm “vào đời” đầu tiên của tôi đã trôi qua như thế đó… 


Nguyễn Thị Bích Phượng (Qui Nhơn)

Đăng nhận xét

0 Nhận xét