HIỆP NHẤT TRONG LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
BÀI 5: TÔN SÙNG LÒNG THƯƠNG XÓT
BÀI 5: TÔN SÙNG LÒNG THƯƠNG XÓT
Khi ngỏ lời với Thánh nữ Faustina, Chúa Giêsu cho biết ngày Chúa đến hoàn tất lịch sử đã gần kề, đồng thời Chúa mời gọi hãy tín thác vào Lòng Chúa Thương Xót và hãy thực hành lòng thương xót như Chúa để được hưởng ơn cứu rỗi. Chúa Giêsu ước mong khắp nơi hưởng ứng việc tôn sùng này để chuẩn bị cho ngày Chúa đến. Đối với Chúa, một ngày ví thể ngàn năm mà ngàn năm cũng tựa một ngày, Chúa không xác định một thời điểm cụ thể, nhưng chúng ta cần quan tâm tới lời cảnh báo cách nghiêm túc, bởi vì “Ngày quang lâm của Chúa có thể xảy ra bất cứ lúc nào” (Sách Giáo lý, số 673).
Ghen tức với hạnh phúc Chúa dành cho ta, thần dữ tìm mọi cách khiến ta trở thành như người điếc, không nghe được tiếng Chúa gọi. Biết rõ âm mưu thâm độc của nó, chúng ta quyết hướng theo chiều ngược lại, luôn tỉnh thức sống tâm tình thờ lạy Chúa Giêsu Kitô đang ngự đến (x. Kh 22,17.20). Khi Chúa đến, thật diễm phúc cho những người đã sẵn sàng đón tiếp và đáng tiếc cho những người không chuẩn bị.
Đến với lòng thương xót
Việc chữa lành thể chất và chữa lành tâm linh được Chúa ban qua đức tin của ta, tín thác vào lòng thương xót của Chúa.
Thiên Chúa bày tỏ Lòng Thương Xót dạt dào để dù hoàn cảnh khó khăn và bế tắc tới đâu, ta vẫn cứ tín thác mạnh mẽ vào Chúa như người gian phi trong phút cuối đời trên thập giá:
42 Rồi anh ta thưa với Đức Giêsu: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” 43 Và Ngài nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” (Lc 23,42-43)
Việc tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót cũng mời gọi ta thực hành lòng thương xót đối với người bên cạnh: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). Lời Chúa trong Mt 25,31-46 nhấn mạnh rằng: Dù nhận biết Chúa Giêsu hay không, chỉ cần có lòng thương xót đối với đồng loại thì đều được Ngài ân thưởng.
Trong tâm tình ấy, ta tích cực phổ biến việc tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót qua Ảnh kính Lòng Chúa Thương Xót, mừng đại lễ kính Lòng Chúa Thương Xót, cùng tưởng niệm ơn cứu rỗi từ Lòng Chúa Thương Xót vào lúc 3 giờ chiều và thường xuyên lần chuỗi kính Lòng Chúa Thương Xót.
Ảnh kính Lòng Chúa Thương Xót
“Năm 1931, Chúa Giêsu hiện ra với chị Faustina. Trang phục Chúa màu trắng. Bàn tay phải Chúa giơ lên, như để chúc lành. Bàn tay trái áp vào nơi trái tim, từ nơi đó chiếu ra hai luồng ánh sáng: một luồng màu đỏ, một luồng màu trắng. Chúa truyền cho chị: “Con hãy cho họa lại một bức ảnh giống như con đã thấy, với hàng chữ: LẠY CHÚA GIÊSU, CON TÍN THÁC VÀO CHÚA.”
“Luồng ánh sáng trắng biểu thị Nước, dòng nước rửa sạch tội lỗi, làm cho các linh hồn trở nên công chính. Luồng ánh sáng đỏ biểu thị Máu, Máu này ban sự sống cho các linh hồn.”
“Hai luồng ánh sáng này phát xuất từ Lòng Thương Xót của Ta, vào giờ trái tim hấp hối của Ta được mũi giáo mở ra trên thập giá. Phúc cho ai náu thân nơi đó, bởi vì cánh tay công lý của Thiên Chúa sẽ không đụng chạm đến họ…”
“Ta hiến cho nhân loại một nguồn mạch mà từ đó tuôn ra những ân sủng của Lòng Thương Xót. Nguồn mạch đó là bức ảnh này, với hàng chữ: LẠY CHÚA GIÊSU, CON TÍN THÁC VÀO CHÚA” (Nhật ký, số 327).
“Linh hồn nào tôn sùng ảnh này, sẽ không bị hư mất. Ta cũng hứa sẽ cho họ thắng được những kẻ thù trên trái đất này, đặc biệt là trong giờ chết. Ta bảo vệ họ như bảo vệ vinh quang của Ta. Hãy trưng bày và tôn sùng ảnh này trên khắp thế giới…” (Nhật ký, số 47-48).
(Tâm thư Lòng Nhân Hậu của Cha, do Lm. Giuse Trần Đình Long biên soạn, Nxb Tôn Giáo, 2008).
Chuỗi kinh kính Lòng Chúa Thương Xót
Trước hết là Chuỗi kinh kính Lòng Chúa Thương Xót. Chuỗi này được Chúa Giêsu dạy cho thánh nữ Faustina ngày 13 và 14-9-1935, như một lời kinh đền tạ nhằm làm nguôi cơn giận của Thiên Chúa (x. Nhật ký, số 474-476). Người đọc chuỗi kinh này sẽ dâng lên Thiên Chúa Cha “Mình và Máu Thánh, linh hồn và thần tính” của Chúa Giêsu Kitô để đền vì tội lỗi của mình, của người thân, và của toàn thế giới. Liên kết với hy tế của Chúa Giêsu, họ kêu nài tình yêu vô cùng mà Cha trên trời dành cho Con Một và, trong Ngài, cũng dành cho toàn thể nhân loại.
Khi nguyện kinh này với lòng tín thác và những điều kiện bình thường của việc cầu nguyện (khiêm nhượng, kiên trì, hợp với thánh ý Chúa), các tín hữu có thể trông đợi Chúa Kitô hoàn thành những lời Chúa đặc biệt hứa ban trong giờ chết: được ơn sám hối và chết lành.
Ta cũng có thể đọc kinh nguyện này bên giường người hấp hối để xin Chúa ban cho họ ơn sám hối và chết lành (x. NK 811). Lời hứa tổng quát là: “Ta vui lòng ban mọi điều họ nài xin Ta qua việc lần chuỗi kinh ấy” (NK 1541)... nếu những điều con xin hợp với ý Ta” (NK 1731). Bất cứ điều gì không phù hợp với thánh ý Chúa đều không tốt cho con người, nhất là cho hạnh phúc đời đời của họ.
Trong một dịp khác, Chúa Giêsu đã phán: “... bằng việc đọc chuỗi kinh, con sẽ đem nhân loại đến gần Ta hơn” (NK 929), và: “Linh hồn nào đọc chuỗi kinh này sẽ được Lòng Thương Xót của Ta ấp ủ trong suốt cuộc sống, và nhất là trong giờ chết” (NK 754).
Những lời nguyện tắt dệt nên chuỗi Lòng Chúa Thương Xót, chẳng những hoàn toàn tập trung vào Chúa Kitô mà cùng lúc còn kết nối ta với cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Nên đọc thật chậm, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, để hòa mình vào cuộc Thương khó Chúa Kitô và chìm vào lòng Thương xót của Chúa Cha. Những lúc viếng Chúa ban ngày hay ban đêm, khi bị cám dỗ rút ngắn, bạn chỉ cần bắt đầu chuỗi Lòng Thương Xót là có thể an lòng nán lại với Chúa Giêsu Thánh Thể.
Mỗi khi lần chuỗi kính Lòng Chúa Thương Xót, ta hãy để cho Chúa Thánh Thần thúc giục, đọc thật chậm, như đang thốt lên những tiếng thở than rên rỉ, đồng cảm sâu xa với Chúa để an ủi Trái tim Ngài.
Đại lễ kính Lòng Thương Xót
Nữ tu Maria Faustina được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tuyên thánh ngày 30-4-2000, nhằm Chúa nhật cuối tuần bát nhật Phục sinh. Cũng trong dịp ấy, ngày Chúa nhật này được thiết lập thành ngày Lễ kính Lòng Chúa Thương Xót, được chuẩn bị bằng một tuần 9 ngày, bắt đầu từ ngày thứ Sáu tuần Thánh trước đó.
Lễ này không những là một ngày dành riêng để thờ phượng Thiên Chúa trong mầu nhiệm Lòng Thương Xót của Ngài, mà còn là một thời gian ân sủng dành cho mọi người. Chúa Giêsu đã phán: “Ta ước mong đại lễ kính Lòng Thương Xót Ta trở thành chỗ nương náu và trú ẩn cho mọi linh hồn, nhất là các tội nhân đáng thương” (NK 699). “Các linh hồn vẫn cứ hư mất mặc dù đã có cuộc Khổ Nạn cay đắng của Ta. Ta ban cho họ niềm hy vọng sau cùng về phần rỗi; đó là ngày lễ kính Lòng Thương Xót của Ta. Nếu họ không sùng kính Lòng Thương Xót Ta, họ sẽ phải hư mất muôn đời” (x. NK 965, 998).
Tầm mức cao quý của ngày lễ này được đo lường bằng mức độ những lời hứa trọng đại Chúa đã gắn liền với dịp lễ, Chúa Giêsu đã phán: “... bất kỳ ai đến với Nguồn Mạch Sự Sống sẽ hoàn toàn được xoá sạch tội lỗi và hình phạt” (NK 300), và “Trong ngày hôm ấy, lượng thương xót dịu hiền thẳm sâu của Ta sẽ được khai mở. Ta tuôn đổ cả một đại dương ân sủng xuống cho các linh hồn tìm đến với nguồn mạch xót thương của Ta. Người nào xưng tội và chịu lễ sẽ được lãnh nhận hồng ân thứ tha mọi tội lỗi và mọi hình phạt. Ngày hôm ấy, mọi chốt ngăn những nguồn thác ân sủng đều được tháo mở. Đừng linh hồn nào sợ đến bên Ta, cho dù tội lỗi họ có đỏ thắm như điều” (NK 699).
Để được hưởng nhờ những ơn ích trọng đại ấy, chúng ta cần hội đủ những điều kiện của việc sùng kính Lòng Chúa Thương Xót (tín thác vào lòng nhân lành của Thiên Chúa và sống nhân ái với người chung quanh), phải sống trong tình trạng ơn thánh - xưng tội, và hiệp lễ xứng đáng. Chúa Giêsu đã giải thích: “Không một linh hồn nào sẽ được công chính hoá trước khi quay về với Lòng Thương Xót của Ta trong niềm tín thác, đó là lý do Chúa Nhật đầu tiên sau Chúa nhật Phục Sinh sẽ là đại lễ kính Lòng Thương Xót Ta. Trong ngày đó, các linh mục hãy nói cho mọi người về Lòng Thương Xót vĩ đại khôn dò của Ta” (NK 570).
Cảm nghiệm Lòng Thương Xót
Trước sự tấn công có hệ thống của những người muốn dùng phim ảnh và truyền thông để xuyên tạc và triệt hạ đức tin Kitô giáo, không gì hơn là giúp cho mọi người đích thân cảm nghiệm được Lòng Chúa Thương Xót để tín thác vào Lòng Chúa Thương Xót và thực hành lòng thương xót đối với mọi người.
Tôi có được biết cha Giuse Trần Đình Long thường xuyên giảng về Lòng Thương Xót nhưng chưa khi nào có dịp nghe. Trước lễ Hiển Linh 2019, có hai phụ nữ trên 60 tuổi từ xa 90 km đến gõ cửa phòng tôi xin lãnh bí tích Rửa tội. Họ được ơn nhận biết Chúa nhờ nghiên cứu Kinh thánh qua mạng internet và nồng nàn yêu mến Chúa nhờ nghe những bài giảng của Cha Long tại Giáo điểm Tin Mừng. Tôi đã vào internet mở youtube mới nhất, nghe nhìn trọn buổi cử hành. Cảnh tượng đông đảo, lời chia sẻ thật giản dị và chân thành của cha Long về bài Tin mừng thánh lễ, sự hồn nhiên của anh chị em lương và giáo từ khắp nơi bước lên lớn tiếng kể lại những ơn họ được từ Lòng Chúa Thương Xót đã lôi cuốn tôi suốt 90 phút. Mỗi video ghi lại một thánh lễ trong tuần, đúng theo lịch phụng vụ, chỉ có thời gian kéo dài do có thêm phần làm chứng của những người được ơn. Mời các bạn vào http://giaodiemtinmung.net, hoặc http://giesu.net, đích thân lắng nghe trọn một vài video để tự mình cảm nhận và đánh giá trước khi giới thiệu cho thân nhân, bạn hữu, cách riêng là những người mắc nan y, đau lâu ốm dài, mời họ cùng xem. Chắc hẳn bạn sẽ đồng ý với nhiều người rằng loạt bài giảng này là một lợi khí loan báo Tin mừng rất sắc bén.
Bài sau sẽ giới thiệu cách làm tông đồ cho Lòng Chúa Thương Xót.
Lm. Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh
Bảng chữ tắt:
Mt: Sách Mát-thêu trong Tân ước.
Mc: Sách Mác-cô trong Tân ước.
Lc: Sách Lu-ca trong Tân ước.
Ga: Sách Gioan trong Tân ước.
Kh: Sách Khải Huyền trong Tân ước.
NK: Nhật ký của Thánh nữ Faustina
Muốn tìm xem các bản văn Kinh thánh, mời bạn vào https://lavanglasvegas.com/kinhthanh/ - Tại cửa sổ mục lục, bạn dò tên sách cần tìm ở phần Cựu ước hoặc Tân ước, bấm vào đó rồi bấm số chương trong ngoặc vuông ở lề bên phải.
0 Nhận xét