HIỆP NHẤT TRONG LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
BÀI 8: QUYỀN NĂNG CỦA HẠT CẢI
BÀI 8: QUYỀN NĂNG CỦA HẠT CẢI
Mấy thập niên qua, những thế lực của bóng tối đã vận động cách có hệ thống, thuyết phục nhiều chính phủ ra những luật lệ đối nghịch với luân lý tự nhiên, cho phép ly dị, phá thai, trợ tử, hôn nhân đồng giới… Lắm nơi những người sống theo lương tâm ngay chính đang gặp khó khăn, bị kỳ thị. Có một lực lượng vô hình đang tận dụng thế mạnh của truyền thông, kinh tế và chính trị để hô hào một “chính nghĩa” mới, tiến hành một cuộc tấn công quy mô nhằm tiêu diệt đức tin Kitô giáo. Chính Chúa Giêsu đã thấy trước điều này và đã cảnh báo: “Sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa” (Ga 16,2).
Dù vậy, khi những điều ấy xảy đến, ta hãy ngẩng đầu lên, vì khi đến hoàn tất lịch sử, Chúa sẽ xét xử thế gian và bênh vực những kẻ thuộc về Ngài. Những thử thách ấy được Chúa báo trước từ hai ngàn năm qua là để chúng ta được vững lòng khi cuộc thanh luyện xảy đến. Ở đây, ta sẽ dừng lại chiêm ngắm quyền năng của Lòng Thương Xót để vững tin trong cuộc sống.
1. Quyền năng của Lòng Thương Xót
Những tín hữu Kitô tản mác giữa lòng đời với đôi bàn tay trắng, đối mặt với một cuộc chiến không ngang sức, chỉ còn một hy vọng là chạy đến với Thiên Chúa. Lịch sử cứu rỗi cho thấy Thiên Chúa luôn đầy lòng yêu thương, quan tâm chăm sóc chúng ta và luôn đầy quyền năng để cứu vớt ta. Hầu như mỗi trang Kinh thánh đều nói với ta điều ấy. Ở đây tôi chỉ cần nêu vài trang gợi ý tiêu biểu.
22 Đức Giê-su liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. 23 Giải tán họ xong, Người lên núi một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình. 24 Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió. 25 Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ. 26 Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: “Ma đấy!”, và sợ hãi la lên. 27 Đức Giê-su liền bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” (Mt 14,22-27).
17 Khi đến nơi, Đức Giê-su thấy anh La-da-rô đã chôn trong mồ được bốn ngày rồi. 21 Cô Mác-ta nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. 22 Nhưng bây giờ con biết: Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Ngài cũng sẽ ban cho Thầy.” 23 Đức Giê-su nói: “Em chị sẽ sống lại!” 24 Cô Mác-ta thưa: “Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết.” 25 Đức Giê-su liền phán: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. 26 Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không?” 27 Cô Mác-ta đáp: “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian.” (Ga 11,17-27)
Những chứng nhân tại Giáo điểm Tin Mừng đã kể lại những tình huống tương tự, chính khi họ tưởng rằng đã bó tay, hết thuốc chữa thì có người nói cho họ biết về Lòng Chúa Thương Xót. Họ đã nghe hết trường hợp này đến trường hợp khác, càng nghe càng say mê và hiểu ra Lòng Chúa Thương Xót bao la, vô biên vô tận, không chối từ một ai. Họ đã ký thác cái bế tắc của họ cho Lòng Thương Xót ấy và được cứu thoát.
Bạn cũng hãy đến với Chúa và thổ lộ với Chúa tất cả những bế tắc của bạn, từ chuyện cá nhân đến chuyện gia đình, rồi Giáo xứ, Quê hương, Dân tộc và Giáo hội, đừng loại trừ một bế tắc nào cả. Hãy nhớ lời Chúa dặn: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được” (Mc 10,27).
35 Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?... 39 không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta (Rm 8,35.38-39).
Đến với Lòng Chúa Thương Xót, trước hết hãy tín thác vào Ngài. Để hiểu thế nào là tín thác, bạn hãy học theo kinh nghiệm của Chị thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu.
2. Trải nghiệm của Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu về tín thác
Chị Têrêxa hoàn tất cuộc đời năm 24 tuổi. Từ thuở còn thơ, chị đã hết sức khao khát nên thánh, và thấy thật bế tắc. Nhìn lên các vị thánh, chị thấy họ cao ngất như Hoàng Liên Sơn, còn chị chỉ là hạt cát bị thiên hạ dẫm dưới chân. Dù vậy, chị vẫn không nản lòng. Thế rồi sau khi chị qua đời không lâu, Giáo hội đã tuyên bố chị là bậc thánh lớn, và đặt chị làm vị bảo trợ cho công cuộc truyền giáo của Giáo hội ngang tầm với nhà truyền giáo vĩ đại Phanxicô Xaviê.
Bí quyết của chị Têrêxa rất lạ. Chị đã dâng lên Thiên Chúa đôi bàn tay trắng, chẳng có được một chút công trạng gì, thế nhưng Thiên Chúa lại đong đầy chính Ngài vào vốc tay ấy. Một linh mục dòng Cát Minh Têrêxa, cha Conrad de Meester, sau nhiều năm nghiên cứu các thủ bút và thư tín của vị thánh, đã viết nên quyển sách mỏng, tựa đề Hai bàn tay trắng, giải mã được kinh nghiệm tâm linh của chị. Toàn bộ cuộc đời chị cũng như từng cuộc khủng hoảng trong đời chị đều nổi rõ một quy trình năm bước như sau:
1. Chúa gieo vào lòng chị một khao khát mãnh liệt và chị đã cố gắng hết sức.
2. Rồi chị phải nhìn nhận sự thật: mình bất lực, không làm được.
3. Dù thấy mình bất lực, không đạt được, chị vẫn vững tin rằng chính Chúa sẽ làm được.
4. Chị phó thác cho Chúa.
5. Chính Chúa thực hiện tất cả cho chị cách hết sức dễ.
Và giờ đây, Thiên Chúa cũng đang thực hiện như thế cho ta.
Trước sức mạnh của truyền thông, kinh tế và quyền lực, rõ ràng chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc chiến không ngang sức. Có vẻ bế tắc nhưng ta không chút nản lòng. Nào ta hãy cùng đến với Chúa bằng tất cả niềm cậy trông, phó thác, và nhường chỗ cho Ngài hành động.
Tuy nhiên, bạn đừng bỏ sót mấy chữ cuối mệnh đề số 1 trên đây: “cố gắng hết sức”.
“Sau hết, không được xóa bỏ điều mang tính nghịch lý nơi Têrêxa. Nghịch lý ấy gắn liền với tình yêu của Thiên Chúa và của Têrêxa, bởi vì cả hai đều tìm cách làm cho nhau thăng tiến trong mọi sự. Có hai cực: cố gắng hành động, như thể mọi sự đều phụ thuộc vào bạn (và bạn có khả năng làm được nhiều việc); và bạn đến trước mặt Chúa, như thể mọi sự phụ thuộc vào Ngài (và rốt cuộc, mọi sự đều phát xuất từ nơi Ngài). Học thuyết của Têrêxa là một sự hài hòa không bỏ qua một cực nào trong hai cực đó, nhưng kết hợp chúng thành một tổng hợp cấp cao. Làm hết sức mình, và để Chúa làm phần còn lại…Thiên Chúa làm hết sức của Ngài, bạn hãy làm phần còn lại…” (Conrad de Meester, Hai bàn tay trắng, Thái Văn Hiến dịch, trang 173).
3. Chút men và vết dầu loang
Lòng Chúa Thương Xót mở cho ta hy vọng: “ 20Cây lau bị giập, Ngài không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Ngài đưa công lý đến toàn thắng, 21và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Ngài” (Mt 12,20-21).
Bạn hãy học tinh thần lạc quan của Chúa, theo ánh mắt Ngài để không thôi hy vọng dù cây lau đã bị giập, dù ngọn đèn đang leo lét. Trong gia đình cũng như ngoài xã hội, cả nơi những thành viên quậy phá nhất, sâu dân mọt nước nhất, Chúa vẫn dạy ta lưu ý tới đốm lửa dưới đống tro tàn để trao phó cho Lòng Chúa Thương Xót. Đừng nản lòng. Bạn chỉ là một hạt cải? Chúa sẽ làm cho hạt cải lớn lên (x. Mt 13). Bạn chỉ là một hơi gió nhẹ? Chúa sẽ giúp góp gió thành bão. Chị thánh Têrêxa nhắc ta dệt một đời từ một ngày, dệt một ngày từ từng giây từng phút.
Câu chuyện trong sách Thủ Lãnh thật khích lệ: “Đức Chúa phán bảo ông Ghít-ôn: “Đám dân ở với ngươi quá đông; Ta không trao quân Ma-đi-an vào tay chúng được, kẻo Israel lại tự phụ phạm đến Ta, khi cho rằng 'Chính tay tôi đã cứu tôi.' Vậy ngươi hãy công bố cho dân nghe: 'Ai sợ hãi và run khiếp thì hãy về đi !'” Và ông Ghít-ôn đã thử họ: hai mươi ngàn người trong dân rút lui, còn lại mười ngàn” (Tl 7.2-3). Chưa ưng ý, Chúa đã giải tán gần hết số mười ngàn ấy: “Sau đó, ông Ghít-ôn cho tất cả con cái Israel trở về, ai nấy về lều mình, chỉ giữ lại ba trăm người” (Tl 7,8b).
Mấu chốt của bài toán là lòng vững tin vào quyền năng của Thiên Chúa: Có đến một tỷ người hăng hái ký tên chống lại đối phương nhưng trong đó chẳng ai dám thuộc trọn về Chúa 100%, thì đem so với chỉ một người duy nhất dám thuộc trọn về Chúa 100%, trước mặt Chúa, kẻ “lạc điệu” này đáng kể hơn một tỷ người kia! Như thế, câu hỏi được đặt ra cho mỗi chúng ta là chúng ta muốn thuộc về đám đông những người “hâm hẩm, chẳng lạnh cũng chẳng nóng, sắp bị Chúa mửa ra khỏi miệng” (x. Kh 3,16) hay là thuộc về số ba trăm người được Chúa chọn, những kẻ dám lội ngược dòng đời?
Ta hãy bắt đầu từ chính mình, thực lòng thuộc trọn về Chúa, rồi Chúa sẽ biến đổi ta thành vệt dầu loang, thành hạt cải lớn dần và nhúm men tác động trên khối bột khiến thế gian phải kinh ngạc. Và ta hãy bắt đầu bằng việc làm lan tỏa sự thật và tình thương.
4. Thực hành lòng Thương xót
Chúa Giêsu phán: “Ta khao khát niềm tín thác từ các thụ tạo của Ta” (NK 1059), và Ngài mong đợi chúng ta thể hiện lòng nhân ái qua các việc làm, lời nói, và lời cầu nguyện. Chúa còn phán: “Ở mọi nơi và trong mọi lúc, con hãy tỏ lòng nhân ái với những người lân cận. Con không được thoái thác, kiếm cớ chữa mình hay tự miễn cho mình điều ấy” (NK 742). Chúa Kitô muốn những ai thờ phượng Người hãy thực hiện mỗi ngày ít nhất một hành vi đức ái với người lân cận.
Nếu từng ghé Măng Đen, hẳn bạn có thấy mấy chữ bên cạnh pho tượng cụt cả hai tay: “Các con là đôi tay Mẹ”. Thiên Chúa giàu thương cảm cũng đang nói với mỗi chúng ta như đã nói với chị thánh Têrêxa: Đến với người bên cạnh, con hãy là trái tim của Ta, Bạn hãy tỏ lòng thương xót với tha nhân và trở nên kênh chuyển tải Lòng Chúa Thương Xót (x. NK, số 1059).
Mọi điều tốt lành trên thế gian này chỉ có ý nghĩa khi có tình yêu mến xót thương đi kèm (1Cr 13,1-13).
Đừng xét đoán người khác:
Trong tông sắc “Dung mạo Lòng Thương Xót”, Đức Thánh Cha Phanxicô: “Chúa Giêsu dạy chúng ta biết những chặng đường hành hương để có thể đạt tới đích điểm ấy, đó là: "Đừng xét đoán để các con khỏi bị xét đoán; đừng lên án để các con khỏi bị lên án; hãy tha thứ thì các con sẽ được tha thứ; hãy cho thì các con sẽ được lãnh nhận: chiếc đấu đong đầy, đã dằn, đã lắc sẽ được đổ vào vạt áo các con; vì các con đong bằng đấu nào, cũng sẽ được đong lại bằng đấu ấy" (Lc 6,37-38). Trước tiên, Chúa dạy chúng ta đừng phán xét cũng đừng lên án. Nếu ai muốn không bị Thiên Chúa phán xét, thì đừng biến mình thành quan án của anh chị em mình. Con người chỉ đoán xét cách thiển cận, còn Chúa Cha nhìn thấu tận tâm can. Những lời nói chứa đầy đố kỵ và ganh ghét đã gây ra biết bao tai hại. Nói xấu người anh chị em vắng mặt, chẳng khác gì đẩy người ấy vào bóng tối, làm mất thanh danh và gây tiếng xấu cho người ấy. Ai không đoán xét và lên án, sẽ nhận ra được điều tốt vẫn có nơi mọi người, và không làm người khác đau khổ vì sự xét đoán bất cập và vì tính tự phụ của chúng ta, cho rằng mình biết hết mọi sự. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ để thể hiện lòng thương xót. Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta phải biết tha thứ và sẵn sàng cho đi. Hãy trở thành khí cụ của ơn tha thứ chúng ta đã từng lãnh nhận từ Thiên Chúa. Hãy quảng đại với tất cả mọi người, vì biết rằng Thiên Chúa đã vô cùng rộng lượng khi tuôn đổ lòng hảo tâm của Ngài trên chúng ta.” (Dung mạo Lòng Thương Xót, số 14; xt. Rm 2,1-11).
Trong tông sắc công bố Năm Thánh Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha viết: “Ước muốn tha thiết của tôi… là, đoàn dân Kitô hữu sẽ quan tâm đến những hành vi của lòng thương xót, về phần xác cũng như phần hồn. Đây chính là cách thế để thức tỉnh lương tâm chúng ta, thường vẫn ngủ yên trước thảm hoạ nghèo khổ, và ngày càng đi sâu hơn vào trái tim của Tin Mừng, nơi những người nghèo được hưởng ưu quyền đặc biệt nơi lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúa Giêsu dạy cho chúng ta biết các hành vi thương xót đó, để chúng ta biết mình có sống đúng là môn đệ của Người không. Chúng ta hãy tái khám phá những hành vi thương xót, chẳng hạn Thương xác bảy mối, đó là cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, cho khách đỗ nhà, chuộc kẻ làm tôi, chôn xác kẻ chết. Và chúng ta đừng quên Thương linh hồn bảy mối, đó là lấy lời lành mà khuyên người, mở dạy kẻ mê muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết.” (Dung mạo Lòng Thương Xót, số 15).
Lời kết
Mục tiêu việc sùng kính Lòng Chúa Thương Xót là canh tân đời sống tin, cậy, mến trong Hội thánh. Để truyền bá việc sùng kính ấy không đòi phải nhiều lời, nhưng đòi phải luôn có thái độ đức tin Kitô giáo, tín thác vào Thiên Chúa và sống ngày càng nhân ái hơn. Thánh nữ Faustina đã nêu gương trong việc tông đồ ấy. Theo bước chân ngài, ta có thể truyền bá việc sùng kính Lòng Chúa Thương Xót cách giản dị qua việc phổ biến ảnh và chuỗi Lòng Chúa Thương Xót, tham gia việc tưởng niệm lúc ba giờ chiều và quên mình vì người khác. Trước khi mời gọi người khác, ta hãy bắt đầu từ chính mình.
Tuy nhiên, hãy cẩn thận để không tự đánh lừa mình. Hãy đến với Chúa như bám lấy một bàn tay đang đưa ra cứu vớt, chứ đừng xử sự như người chủ muốn vận dụng một phương tiện thần diệu.
Bài sau: Giáo dục giữa thời khủng hoảng.
Lm. Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh
Bảng chữ tắt:
1Cr: Thư 1 Cô-rin-tô trong Tân ước.
Ga: Sách Gioan trong Tân ước.
Lc: Sách Lu-ca trong Tân ước.
Mc: Sách Mác-cô trong Tân ước.
Mt: Sách Mát-thêu trong Tân ước.
NK: Nhật ký của Thánh nữ Faustina
Rm: Thư Rô-ma trong Tân ước.
Tl: Sách Thủ Lãnh trong Cựu ước.
Muốn tìm xem các bản văn Kinh thánh, mời bạn vào https://lavanglasvegas.com/kinhthanh/ - Tại cửa sổ mục lục, bạn dò tên sách cần tìm ở phần Cựu ước hoặc Tân ước, bấm vào đó rồi bấm số chương trong ngoặc vuông ở lề bên phải.
0 Nhận xét