"BẮT CHÚA GIÊSU" CỦA CARAVAGGIO (1571-1610)
Tác phẩm "Bắt Chúa Giêsu" vẽ năm 1602 của Caravaggio còn có tên là "Nhận lại từ Chúa Giêsu".
Bức tranh, thoạt trông, cũng có vẻ như chỉ mô tả “cái hôn của kẻ phản bội Giuđa”.
Không đơn giản như vậy! Hãy nhìn kỹ bức tranh. Nổi bật trong không gian đêm tối là gương mặt im lặng chịu đựng trước cái hôn của kẻ phản bội và đôi bàn tay đan vào nhau của Chúa Giê-su.
Caravaggio đã thể hiện chủ đề cách khác. Ông diễn tả sự đón nhận của Chúa Giêsu trước sự phản bội này. Khi vẽ, cũng như Giotto và Leonardo da Vinci trước đây, Caravaggio đã nghiền ngẫm kỹ càng câu chuyện trong Kinh Thánh. Trong tranh, ngoài việc mô tả dáng vẻ thô bạo thể hiện qua cánh tay ôm chặt lấy Chúa Giêsu và gương mặt biểu lộ sự xác tín, ông hầu như không tập trung đánh giá hành động “bán Chúa” của Giuđa. Ông tập trung vào Chúa Giêsu. Đặc biệt như muốn nhấn mạnh vào đôi bàn tay đan vào nhau của Chúa Giêsu. Ánh sáng trong tranh cho phép nói như vậy về sự nhấn mạnh này. Ông muốn diễn tả phản ứng của Chúa Giêsu: chấp nhận, chịu đựng. Chính gương mặt hớt hãi trong tư thế quay lưng bỏ chạy của một vị Tông Đồ nào đó (được cho là Thánh Gioan) ngay sau lưng Chúa Giêsu, càng làm rõ nét sự điềm tĩnh chấp nhận của Người…
Chúng ta đã biết, trong Kinh Thánh, hành động bán Chúa Giêsu của Giuđa là có thật. Và, cũng trong Kinh Thánh, chúng ta đã biết, Chúa Giêsu đã biết trước hành động của Giuđa. Ngài chấp nhận điều đó như một sự thật hiển nhiên. Vấn đề này, đã và vẫn đang gây nhiều tranh luận trong các nỗ lực diễn giải Kinh Thánh khác nhau.
Trong cách nhìn của Caravaggio, khi thể hiện đề tài này, ông cho rằng sự chấp nhận trong Đức Vâng Lời của Chúa Giêsu mới là điều đáng chú ý, và đáng suy nghiệm nhất. Phần “nhận lại từ Chúa Giêsu”, chính là thông điệp về sự chấp nhận trong Đức Vâng Lời này! Chúa Giêsu đến thế gian không phải để giành phần thắng theo cái nhìn thế tục. Chúa Giêsu đến thế gian và chịu khổ nạn, để chứng minh sự tất thắng của CÁI THIỆN. Đôi bàn tay đan vào nhau của Chúa Giêsu biểu thị cho sự kiềm chế các phản ứng trần thế mà Người đang mang vác trong hình hài con người. Chúa Giêsu trước đó đã làm vô số Phép Lạ của một sức mạnh Siêu Nhiên, và không ai có thể bắt được Người. Nhưng Người đã không dùng cái SỨC MẠNH SIÊU NHIÊN ĐÓ để ĐỐI KHÁNG VỚI BẠO LỰC CỦA CON NGƯỜI. Người đã chấp nhận để bị bắt, chịu cực hình rồi chịu đóng đinh trên Thập Tự Giá trong dáng vẻ yếu đuối của con người. Chỉ trong dáng vẻ này, Người mới làm thức tỉnh lương tri con người. Bởi, chính sự thức tỉnh lương tri mới là nền tảng của đạo đức. Và đó là Thánh Ý Chúa…
Với Caravaggio, hình ảnh Giuđa với bàn tay thô bạo và vẻ mặt xác tín, chỉ là biểu tượng cho sự u mê, tham lam bán mình cho các loại quyền lực trần thế của con người mà thôi. Có lẽ, ý tưởng của ông là quá mới lạ, quá táo bạo so với cách nghĩ đương thời, nên tác phẩm này của ông, suốt gần 4 thế kỷ sau đó, đã bị chìm khuất trong bóng tối. Cả thời gian dài, người ta không biết về sự tồn tại của nó, ngoài một số giai thoại đủ loại về nó - từ chuyện các phát biểu của ông vừa nêu cho đến chuyện hình ảnh người thanh niên cầm đèn ở góc phải tranh là chính ông…
Mãi đến năm 1990, tác phẩm “Bắt Chúa Giêsu” này của Caravaggio mới được tìm thấy một cách tình cờ trong phòng ăn của các linh mục dòng Tên ở Dublin (Ireland). Những khảo sát sau đó đã xác nhận đây là một bức tranh thật của Caravaggio, và từ 1993, nó đã được chuyển về treo tại Thư viện Quốc gia Ireland.
(Trích từ bài viết trong sách Nghệ thuật Công giáo, tập 1, in năm 2011)
0 Nhận xét