Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

Cuộc trưng bày “Ấn phẩm văn hóa Kitô giáo” lần II tại TGP Sài Gòn


Vào lúc 9g30 ngày 15/01/2019, tại Nhà Truyền thống TGP Sài Gòn đã diễn ra buổi khai mạc cuộc trưng bày “Ấn phẩm văn hóa Kitô giáo”, do Ban Mục vụ Văn hóa TGP Sài Gòn tổ chức. 

Trong bầu khí mát mẻ của buổi sáng, tại khoảng sân trước Nhà Truyền Thống, với cách bày trí thanh lịch, có một sân khấu nhỏ để nội dung của buổi khai mạc được thể hiện. Mở đầu là phần văn nghệ do một số ca sĩ Công Giáo trình bày. Sau đó, anh Barnaba Nguyễn Kim Khanh đã làm công việc MC để giới thiệu phần tiếp theo, đó là cung điệu thời gian đầy thăng trầm và gian nan của những ấn phẩm Kitô giáo. 


Cha Giuse Nguyễn Hữu Triết, trưởng Ban Mục vụ Văn hóa TGP Sài gòn, đã cho biết cuộc trưng bày lần này mang tính cách thống kê, từ thế kỷ 17 đến nay; có 1.507 đầu sách của gần 800 tác giả cá nhân, nếu tính tác giả tập thể thì con số là gần 1.000. Có tác giả là Công Giáo, Tin Lành, văn sĩ, thi sĩ...những người đã viết sách và có tác phẩm để lại. 

Mục đích của cuộc trưng bày này nhằm ba chủ đích: thứ nhất là vẽ lại cho đậm nét “cây cầu văn hóa” giữa văn hóa dân tộc và văn hóa Kitô giáo. Văn hóa là cái đẹp. Dân tộc ta có 4.000 năm văn hóa, trong đó Công Giáo đã góp phần những nét đẹp đạo đức, tinh thần; mục đích thứ hai có ý nghĩa sâu sắc hơn là “giải oan” cho Giáo Hội khi đạo Công Giáo có mặt ở Việt Nam thời phong kiến đã bị coi như một “tả đạo”, bị hiểu lầm là tà đạo hại dân, hại nước, nhưng thực ra, người Công Giáo vẫn vươn lên, dạy dỗ cho con cái mình đóng góp cụ thể cho đất nước, dân tộc. Mục đích thứ ba là cuộc trưng này như là một nén nhang để tưởng niệm, tri ân những tác giả đã qua đời mà để lại cho chúng ta những tác phẩm và cũng để nói lên lòng biết ơn đối với những tác giả đương thời. 



Sau đó cha Giuse Trưởng ban đã có lời cảm ơn hai Đức Cha (vắng mặt), cha Tổng đại diện, cha Giám đốc và phó giám đốc của Trung tâm Mục vụ đã nâng đỡ, bảo trợ các cuộc trưng bày này và tất cả những người đã chung tay, giúp sức để có được sự trọn vẹn cho phòng trưng bày chuyên đề này như Hội Cổ Vật, Câu lạc bộ Xưa & Nay, giáo xứ Tân Sa Châu, nhóm Dominiart, Ban Truyền Thông, phóng viên các báo, các ca sĩ...

Cha Tổng đại diện Hồ Văn Xuân đã thay mặt quí Đức Cha để ngỏ lời trong buổi khai mạc triển lãm; trong đó có lời cảm ơn cha Trưởng ban Văn Hóa và quý cha đã cố gắng cho công việc; và trong cha có một nỗi nhớ đến các vị tiền nhiệm trong Tổng Giáo Phận đã có quan tâm đến công trình văn hóa Giáo Hội Việt Nam.

Ông chủ nhiệm câu lạc bộ sách Xưa & Nay cũng phát biểu cách đơn sơ, chân thành của một người.. .yêu sách, nhất là sách cũ! Ông Nguyễn Văn Quỳnh, chủ tịch hội cổ vật TP HCM cũng có đôi lời ví von về “đèn” và “sách” của cha Trưởng ban. Ông cho rằng sách là cổ vật, là di sản văn hóa vật thề và phi vật thể. Vì nếu là văn hóa vật thể thì nó là sự biến thiên, thay đổi chữ viết, ngôn ngữ, của công nghệ in ấn và lưu lại cho chúng ta từ đời xưa đến nay; nhưng bản thân những kiến thức ở trong quyển sách thì lưu trữ và truyền bá lại cho hậu thế thì đó là di sản phi vật thể. Đó là thứ di sản vô cùng to lớn mà chúng ta phải biết ơn.

Và ngay sau đó là phần cắt băng khánh thành do cha Tổng đại diện Hồ văn Xuân, cha Vũ Hữu Hiền, Ủy ban Truyền Thông, Cha Trưởng ban Văn Hóa Nguyễn Hữu Triết, ông Vũ Anh Tuấn và ông Nguyễn Văn Quỳnh đã thực việc cắt băng khai mạc triển lãm. Quan khách đã tham quan, dùng tiệc trà và ghi cảm tưởng, trả lời phóng viên về cảm tưởng khi tham quan... 

Được biết, phòng trưng bày chuyên đề này sẽ mở cửa phục vụ khách tham quan mỗi ngày (trừ Chúa Nhật hằng tuần) cho đến ngày 01/5/2019.

Maria Vũ Loan
Nguồn: http://vietcatholic.org/News/Html/248426.htm

Về cuộc trưng bày Ấn phẩm văn hóa Kitô giáo lần II


Ban Mục vụ Văn hóa TGP TPHCM đang chuẩn bị cho cuộc trưng bày “Ấn phẩm văn hóa Kitô giáo, góp phần cho nền văn hóa dân tộc” tại Nhà Truyền thống Tổng Giáo phận. Trước khi triển lãm diễn ra, CGvDT đã có cuộc trao đổi ngắn với linh mục Trưởng ban Giuse Nguyễn Hữu Triết.



Thưa cha, chúng con được biết đây là lần thứ hai Ban Mục vụ Văn hóa tổ chức cuộc trưng bày về các ấn phẩm văn hóa Kitô giáo. So với lần đầu tiên thì lần này dự kiến có gì đặc biệt hơn?

- Cuộc trưng bày lần thứ nhất cách nay gần 10 năm, chủ yếu là các sách Hán - Nôm Công giáo từ thế kỷ 18 - 20, cộng thêm các sách tự điển do các thừa sai và Kitô hữu thực hiện từ 1651 đến 1945. Lần này, chúng tôi sẽ mở rộng hơn, quy tụ các ấn phẩm văn hóa Kitô giáo từ thế kỷ 17 đến 2018.

Vâng, xuất phát từ gợi hứng nào mà cha lại tiếp tục chọn chủ đề này và mở rộng hơn cuộc triển lãm theo hướng như vậy?

- Triển lãm này được gợi hứng từ cuốn sách “Tác giả Việt Nam” của Lê Bảo Hoàng, gồm chân dung và tác phẩm của trên 2000 văn nhân, thi sĩ, họa sĩ, kiến trúc sư, điêu khắc gia…, được coi như một tổng hợp các tác giả Việt Nam từ thế kỷ 16 tới nay. Trong đó, không phải ai cũng nổi danh. Những vị có tên tuổi trên văn đàn, thi đàn từ nhiều năm trước như Nhất Linh, Khái Hưng, Tản Đà, Nguyễn Bính, Thế Lữ, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Hàn Mặc Tử…, chỉ có tổng cộng 43 người; số vị nổi danh trong nhiều lĩnh vực khác được khoảng 100 người. Còn lại là là những người của thời hiện tại mà sự nghiệp, tác phẩm còn cần thời gian để bạn đọc cũng như người đời biết tới và sàng lọc, đánh giá. 
Tuy nhiên, công trình này tập hợp lại chứ không phải để so sánh sự hơn kém giữa các tác giả bởi có lẽ, soạn giả xem việc một người có được tác phẩm trình làng đã là kỳ công rồi. Nếu tác phẩm có chân giá trị thì sẽ vượt qua thử thách của thời gian và sẽ được người đời biết đến… Từ cuốn sách này, một câu hỏi được đặt ra: Tại sao không có một sưu tập các tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ Thiên Chúa giáo từ khi đức tin nảy mầm trên mảnh đất Việt Nam này cho tới nay? Thế là chúng tôi nghĩ đến cuộc trưng bày này như một bộ sưu tập, với việc mở rộng, kêu gọi thêm sự góp mặt của các Giáo hội Cơ đốc giáo anh em nữa vì cùng chung niềm tin vào Thiên Chúa và Đức Giêsu Kitô.

Thời gian triển lãm sẽ bắt đầu khi nào và kéo dài trong bao lâu?

- Dự kiến thời gian diễn ra cuộc trưng bày từ ngày 15.1.2019 đến 1.5.2019 tại Nhà Truyền Thống Tổng Giáo phận (số 6 đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1 - TP.HCM).

Cha có thể cho biết cụ thể hơn nội dung của cuộc trưng bày?

- Triển lãm lần này tập trung các tác phẩm có nội dung Kitô giáo; những ấn phẩm mang nội dung khác như khoa học, xã hội, kỹ thuật… nhưng tác giả là Kitô hữu (Công giáo và các Giáo hội Cơ đốc anh em).

Các nhà sưu tầm, cá nhân sở hữu sách liên quan đến nội dung này muốn góp phần vào triển lãm thì liên hệ ra sao, và ban tổ chức có quy định gì về việc tham gia trưng bày đối với chủ nhân các đầu sách, thưa cha?

- Quý vị nào muốn góp phần trưng bày, xin cho chúng tôi biết tên tác phẩm và tác giả, nhà xuất bản, năm xuất bản, để xem có trùng những sách đã có sẵn hay chưa. Mọi người có thể gởi thông tin về email: [email protected], hoặc liên hệ linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết (địa chỉ 387 Lê Văn Sỹ, phường 2, quận Tân Bình - TPHCM). Chúng tôi sẽ mượn hoặc mua những ấn phẩm chưa có. Nếu chủ nhân hay tác giả có nhã ý tặng Nhà Truyền thống, chúng tôi hết lòng cám ơn và trân trọng lưu giữ trong bộ sưu tập.

Chúng con xin cảm ơn cha và chúc cho cuộc trưng bày diễn ra tốt đẹp.

GIANG PHAN thực hiện
http://www.cgvdt.vn/xa-hoi/ve-cuoc-trung-bay-an-pham-van-hoa-kito-giao-lan-ii_a8409

Đăng nhận xét

0 Nhận xét