Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

Tết Việt là Tết đoàn viên



* Maria Đồng Thị Bích Duyên (Gx.Đồng Tre)



Xịch… xịch... xịch...
Đoàn tàu lăn bánh, đưa những người con xa xứ về với gia đình. Một năm xa quê, một năm dài đằng đẵng với đầy ắp công việc bộn bề. Với những người con xa quê, Tết là điểm hẹn về cùng gia đình.
30 tết...
Những chuyến tàu còn đầy ắp người. Họ vội vàng trở về với gia đình, mong gặp lại người thân. Những chuyến tàu từ Nam ra Bắc. Những chuyến tàu từ Bắc vào Nam. Những con tàu lặng lẽ, những con người lặng lẽ. Những người lái tàu họ sẽ đi chuyến tàu nào để về kịp đón giao thừa? Con tàu nào sẽ xuyên màn đêm để đưa họ về với gia đình khi trên thân tàu còn đầy ắp những người con mong về với đôi mắt mẹ.
Nhìn những cành mai đua nở, những cánh đào khoe sắc thắm, lòng bác Tư buồn rười rượi. Bác mong sao năm nay có thể về kịp giao thừa với gia đình. Có khách tàu từng hỏi: “Sao bác Tư không về?”. Bác lắc đầu cười, nói: “Bác về rồi lấy ai đưa mọi người về đây!”
Người công nhân đi làm xa, những cô cậu sinh viên, mong đến Tết để được sum họp với gia đinh. Ấy thế mà... “Ba mẹ ơi! Tết này... con... không đủ tiền về quê. Cho con... hẹn lại năm sau nha ba mẹ”. Những giọt nước mắt lăn dài trên khóe mi, đôi mắt mòn mỏi mong chờ đứa con thơ dại về ăn bữa cơm gia đình. Giờ đây… “Con ở đó nhớ giữ gìn sức khoẻ, cố gắng ăn nhiều; đừng sợ tốn tiền mà ốm đó. Ba mẹ không ở bên, con phải biết tự chăm sóc bản thân, nghe chưa!”… Chỉ có những lời an ủi, những lời động viên, mặc dù mong con nhưng không sao nói được nên lời. Trong tiếng nấc nghẹn ngào, mong con có một cái Tết ấm áp nới xứ người.
Một năm bộn bề chăm lo cho chồng con, gia đình. Người vợ, người mẹ lúc nào cũng đặt chữ “gia” lên hàng đầu. Hằng ngày, mẹ phải chăm sóc từng miếng cơm, giấc ngủ, từ chiếc áo đến cuốn tập tô màu của con. Mẹ luôn lo đủ. Mỗi sáng, vợ phải lo lắng cho chồng áo quần chỉnh tề để đi làm, chăm sóc cho chồng sau những cuộc xã giao với đồng nghiệp hay cấp trên. Là vợ, là mẹ, những công việc âm thầm chỉ mong gia đình luôn được êm ấm. Lấy chồng thì phải theo chồng. Có những người vợ làm dâu xứ người, luôn mong nhớ quê nhà, thương đến mẹ cha, mong về cùng đoàn tụ cùng gia đình, nhưng nào có được đâu. Họ cũng muốn mỗi độ xuân về lại được nhìn thấy mẹ cha, được chăm sóc cha mẹ khi tuổi đã xế chiều. Nỗi lòng của những nàng dâu xa xứ chỉ mong ngày Tết được về nhà với cha, với mẹ. “Liệu rằng còn được bao cái Tết con ở bên mẹ, bên cha?”
Mỗi gia đình là một câu chuyện. Mỗi câu chuyện là những bài học đầy quý giá. Tết cổ truyền Việt Nam là Tết đoàn viên. Nhưng vẫn còn đâu đó những mảnh ghép chưa trọn, những nỗi lòng còn đầy những lo âu. Vì cuộc sống, vì mưu sinh, vì lo cho gia đình, có những người không thể đón được một cái Tết đoàn viên trọn vẹn. Hãy biết trân trọng gia đình khi ta còn có nó. Hãy hôn thật nhiều lên đôi mắt của mẹ dẫu đầy nếp nhăn. Kẻo mai kia khi mẹ khuất bóng chiều, đi về đâu để tìm lại đôi mắt mẹ. Hãy nắm thật chặt bàn tay chai sần của cha vì bôn ba nên không hề trơn nhẵn. Lỡ ngày mai cha về với vầng dương ấy, lấy ai nắm tay con trong những lúc vấp ngã trong đời…

Đăng nhận xét

0 Nhận xét