Tình người
GIẢI NHẤT TRUYỆN NGẮN GIẢI VĂN HÓA ĐẤT MỚI 2018
Cuối đông đầy tất bật. Mưa gió vần vũ và lạnh cóng. Người đi đường lúp xúp áo mưa và nón mũ cố để cho bớt lạnh, ai cũng có cảm giác run run. Thiện gấp lại sổ, tắt điện phòng, anh rời cơ quan lúc trời đã nhá nhem tối. Thiện định qua chợ mua thứ gì đó ngon ngon cho thằng con mới ốm khỏi ở nhà, nhưng anh chợt nghĩ, có lẽ vợ mình đã mua. Anh lái theo con phố cũ. Đầu anh ong ong nhớ tới lời vợ ban sáng: “Anh Tùng bạn anh nhìn thì có vẻ khù khờ, thế mà lại giỏi giang. Em chả biết bao giờ anh mới sắm được ô tô như anh ấy”. Lúc vợ buông câu đó, Thiện chỉ thở dài. Ô hay, gia đình Tùng thì kệ họ chứ, sao lại đi so sánh?
Thật ra vợ Thiện đã sống kiểu đặt gánh nặng lên vai chồng từ lâu. Ngày yêu nhau, lúc đi học giáo lý gặp các cặp đôi khác ở nhà thánh, Hiền đâu có vậy. Cô ấy thơm thảo, tốt với mọi người và lúc nào cũng ăm ắp niềm tin rằng: “Có tình yêu, thủy chung thì điều gì cũng làm được”. Thế rồi cưới nhau xong, có một mặt con, cô ấy ra đời làm công ăn lương, từ lúc nào đã biết đứng núi này trông núi nọ, còn tỏ ra coi thường chồng không kiếm được nhiều tiền. Ơn Chúa. Thiện thấy rằng cuộc sống của mình không đến nỗi nào. Tiền tiêu, ăn uống cũng đâu có kham khổ. Hằng tuần vẫn đưa vợ con đi lễ. Anh cũng đã cố gắng hết sức để có thể lo liệu tốt nhất cho gia đình. Chẳng hiểu Hiền nghĩ gì nữa. Nhiều lần vợ chồng vùng vằng nhau chuyện kinh tế, chuyện công việc của hai vợ chồng. Bao giờ Thiện cũng nín nhịn. Anh luôn nhớ tới quãng thời gian sống khiêm nhu trong tuổi thơ mình, quãng thời gian khấn nghĩa binh, nghĩa sĩ và nhắc nhớ mình sẽ không chấp nhặt vợ. Một khi anh chấp, tình trạng chỉ diễn biến xấu hơn thôi. Vậy mà...
Bóng tối đổ xuống sầm sập, trộn với ánh đèn thành sắc màu nhập nhoạng, tan loãng. Đến một con phố, vì mưa anh đi chậm. Anh mê man nghĩ về kế hoạch trực Tết chiều nay thủ trưởng đưa ra bàn bạc. Thiện chợt dừng lại. Dưới gốc cây ven đường, có một người mặc chiếc áo len cũ, đang nửa nằm nửa ngồi rên rỉ. Là ai nhỉ? Lòng hào hiệp thôi thúc Thiện tiến lại gần xem là ai. Đó là một bà già nhăn nhó với cơn đau, toàn thân run bần bật. Thiện hỏi:
- Bà ơi, bà làm sao thế?
- Tôi bị ngã, đau quá. Gẫy tay rồi!
Vốn là một con chiên hiểu nhiều giới răn của Chúa, giữa đường thấy người gặp nạn thì không thể làm ngơ. Thiện đỡ bà ngồi thẳng dậy và hỏi han tình hình. Bà già nói mình từ xa đến đây tìm thằng con lêu lổng, nó bỏ đi cả tháng qua. Mấy ngày qua bà lang thang tìm con. Phố xá rờn rợn đông. Cái lạnh của Đi đến cái dốc phố, vừa đói vừa mệt, mà những chiếc xe máy cứ lao vù vù, khiến bà sợ, bà trượt chân ngã. Cú ngã mạnh làm gẫy tay. Lúc ngã trời nhá nhem tối, chẳng có ai để ý đến một người như bà. Mắt bà ứa ra. Đôi bàn tay nhăn nheo buốt giá. Anh thưa: “Để cháu đưa vào vào viện”.
Bà lão cảm kích, đồng ý để Thiện đỡ đứng dậy.
- Nào, bà ngồi lên xe cháu. Để cháu đỡ bà, thế, thế, được rồi, bà cứ ngồi yên nhá. Một loáng là đến bệnh viện, bà sẽ được băng bó tử tế.
Vừa đi bà lão vừa rên vì đau và lạnh. Thiện nghe như hai hàm răng bà va vào nhau, hàm răng anh cũng cùng cảnh ngộ. Gió lạnh liếm cái lưỡi dài của nó vào mặt người. Phố chênh chao dòng người.
- Chú tốt quá, tôi cảm ơn chú nhiều. Nếu không có chú…
- Có gì đâu bà, bà cũng như mẹ cháu ở quê, chẳng may ra nông nỗi này. Gặp bà lúc hoạn nạn, chắc ai cũng sẽ làm vậy.
- Vâng, tôi thì tôi thấy chú tốt quá. Người gì mà nhân hậu!...
Trong ít phút ngồi xe, bà lão đã kịp thổ lộ chuyện chồng mất sớm, chẳng đủ sức dạy dỗ hai cậu con trai. Con lớn cũng là kẻ vào tù ra tội, chẳng đỡ đần được mẹ và em. Con thứ lêu lổng. Ngày nhỏ bà còn bảo được. Giờ bà rồi. Đôi chân biếng nhác của thằng con chạy nhanh hơn những lời dạy dỗ của bà. Lắm lúc bà thấy bất lực. Thế mới biết, người đàn ông có tầm quan trọng thế nào với mỗi tổ ấm...
***
Đến viện, Thiện đưa bà vào làm thủ tục, đưa đến phòng cấp cứu, đi chụp xương, xét nghiệm rồi lên phòng bó bột, rồi trở lại phòng điều trị. Nhìn đồng hồ đã hơn 10 giờ đêm. Bụng đói, người mệt. Ngoài ô cửa bệnh viện gió vẫn rít gào. Anh nghĩ việc của mình thế là xong. Mình đã giúp bà lão, có lòng thương xót, đúng như lời kinh Chúa dạy “yêu người như mình ta vậy”. Vợ con anh ở nhà chắc đang mong lắm. Thiện chạy xuống căng tin bệnh viện mua một hộp cháo trao cho bà. Căn phòng còn những người thăm nuôi bệnh nhân xúm lại giúp.
Rồi anh thưa:
-Bà hãy nghỉ ở đây, nếu mai rảnh cháu sẽ trở lại.
Lúc này, bà lão đã nói một câu làm anh đứng sững:
-Này, chú, chú đâm xe vào tôi, giờ lại bỏ đi ư? Chú phải ở đây chăm tôi chứ!
Thiện như rụng rời cả chân tay. Toàn thân muốn sụp xuống. Cái lạnh và sự bất ngờ khiến anh đứng không vững.
Anh nhìn bà lão. Bà lão cũng nhìn anh trân trân. Nhiều con mắt đổ dồn về phía anh. Vài bác sĩ ở đó giữ anh lại, như thể họ sợ kẻ gây ra tai nạn cho bà già sẽ chạy mất. Bà lão tiếp:
-Các bác ạ, chú này đâm xe máy vào tôi đấy. Chú ấy phải ở lại đây!
Trời đất, tại sao thế này? Sao bà nói tôi đâm vào bà. Chính tôi là người đã cứu giúp bà, thế mà bà lợi dụng để ăn vạ. Tình ngay lý gian, anh không giải thích được, có giải thích cũng không ai nghe. Mấy bác sĩ đòi giữ lại giấy tờ của anh để anh khỏi chạy.
-Tôi ở đây là được chứ gì. Tôi cũng đã đóng tiền viện phí. Mọi người phải hiểu tôi chỉ là người đi đường, thấy bà lão gặp nạn thì giúp. Ai ngờ ...- Thiện nói.
-Không, anh cứ bỏ giấy tờ của anh ra. Anh đâm vào bà ấy, giờ phải gánh trách nhiệm, không thể bỏ đi được. Cứ giữ giấy tờ cho chắc chắn - Một người trong số họ nói, những người kia hùa theo.
Thiện bỏ giấy ra chứng minh thư các nhân ra, thẻ ngành. Xong họ nói anh có thể về ăn cơm, việc của bà già đã có các bác sĩ, hai ngày sau anh trở lại đây thanh toán viện phí.
Giờ thì bà già đã đỡ lạnh và đang được băng bó an toàn.
Thiện thờ thẫn trở về, lòng rớn rác buồn bã vì lòng tốt của mình bị người khác hiểu lầm và đã bị lợi dụng.
Anh chán cơm và mệt mỏi nằm ra giường, đầu óc ám ảnh mãi hình ảnh bà lão bị ngã. Thiện kể chuyện vừa rồi với vợ, những tưởng sẽ được sự cảm thông của vợ, ai ngờ cô ấy nổi giận, nói anh khù khờ, dễ dãi, giúp người chẳng được lời cảm ơn, còn bị phụ bạc. Cô ấy còn mang tất cả những thói đời phụ bạc ra rót vào tâm trạng bời rối của anh.
-Thấy sáng mắt chưa anh? Chuyện nhà không lo, đi lo chuyện người. Nhìn anh là biết đù đờ. Đù đờ nên mới bị bắt nạt.
Bực bõ, chán nản, Thiện nổi cáu. Ô hay, sao lại quy chụp cho tôi? Tôi giúp người chứ có phải hại người đâu. Tại sao một việc làm tốt như thế lại bị mắng!
-Thì tôi đù đờ dại dột đấy. Cô cũng chỉ là vợ tôi thôi nhá.
Do bị dồn nén, uất ức, Thiện thốt lên. Anh thấy ruột gan rối bời.
Vợ Thiện thấy chồng phản ứng, mặt đỏ gay, liền độp lại:
-Trời ơi là trời, anh ăn phải bùa phải bả ở đâu cái thói thương người ngoài chứ có thương vợ thương con đâu. Gọi điện thì không liên lạc được. Anh cứ giúp cái thân anh đi đã, rồi hẵng giúp người. Bây giờ về còn càu cạu với vợ con.
Sao sự thể lại ra nông nỗi?
Mặt mũi Thiện tím tái. Sự truy vấn của vợ bấy lâu nay đã làm anh mệt mỏi. Đúng là tội nợ. Tại sao? Tại sao?
Suốt mấy năm qua, Hiền cứ mở miệng là đòi chồng phải thế này thế nọ. Sự thực dụng đã ăn vào máu Hiền. Cuộc sống vợ chồng trẻ, lập nghiệp nơi thành phố lúc nào cũng nườm nượp ngột ngạt, ăm ắp lo âu, lại vớ phải người vợ thực dụng. Đã chẳng chung lưng đấu cật cùng nhau, lại còn đẩy anh trượt lên đường ray áp lực. Cách đây ba tháng còn đòi anh phải chi năm mươi triệu để đầu tư vào món tiền ảo “bít coi” gì đó. Khi ấy, giải thích cho vợ không được, anh đành để cô ấy làm gì thì làm. Vậy là tiền khuân đi, ban đầu có tí lãi, sau đó giá xuống dốc không phanh. Tiền ảo và mơ hão. Khổ nỗi ước mơ luôn ở trên cao, mà con người không thể có cánh. Ba ngày trước Thiện hỏi đến khoản đó, Hiền làu bàu: “Thành mây khói rồi. Thua keo này bày keo khác vậy!”.
Quá ngột ngạt, dù biết trời đã khuya, Thiện vẫn bỏ ra ngoài. Trời mưa nặng hạt, gió lạnh rít ràn rạt. Thiện sang nhà một ông bạn ở gần nhà, cốt để nói chuyện vui cho khuây khỏa. Nhưng chẳng may miệng anh lại thốt ra chuyện về bà lão nọ. Ai ngờ ông bạn lại lên lớp: “Trời, ông thương người thì thiệt đến thân. Thời đại này, những kẻ ăn vạ như thế nhiều lắm. Tốt nhất là thấy tai nạn, cứ đi qua càng nhanh càng tốt. Mình không giúp, đã có người khác. Tội gì!”
Thiện thở dài. Mình mẩy đã rã rời, nay càng nặng nề hơn.
-Tôi không nghĩ bà ấy lại vu vạ. Chắc phải có lý do gì đó.
Dù bạn nói thế nào Thiện cũng tin mình đã làm đúng. Trong cuộc đời, thể nào cũng có những góc khuất của số phận, và có những ô vuông của cuộc sống dành cho tình người. Và cuộc đời này phải có những người hy sinh lợi ích cá nhân để cho cái chung chứ.
Chào bạn anh về. Phố trườn vào đêm. Anh thả người vào cơn mê mệt...
Hai hôm sau Thiện trở lại bệnh viện, bà lão đã đỡ đau nhiều, giờ có thể về và đợi ngày tháo băng. Anh không tỏ thái độ gì tức giận hay trách móc bà già đã lấy oán báo ơn. Anh vẫn từ tốn thưa gửi và cư xử lễ phép, nhẹ nhàng. Bà lão cũng không có vẻ gì của một người muốn đòi bồi thường nữa. Thực ra, anh rất sợ bà đòi bồi thường một cách vô lý. Nếu bà làm vậy thì anh không thể cưỡng được, vẫn phải rút ví thôi, vì không có cách nào để giải thích. Người ta đã giữ các thứ giấy tờ quan trọng của anh.
“Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an”. Anh nhủ lòng hướng đến Chúa.
Thiện làm thủ tục thanh toán bệnh viện, lấy thuốc và trả thêm tiền chi phí ăn uống cho bà lão. Vợ anh tức tối gọi điện hỏi xem hết bao nhiêu tiền.
- Đáng là bao đâu em - Thiện nói - đó là bà già, hết có mấy trăm ngàn thôi, người ta giảm cho bà già. Anh sẽ đưa bà ấy ra bến xe.
Hiền nói cộc lốc một câu: “Đồ khỉ gió!’’ rồi cúp máy.
Anh lại nhủ, hãy hãm mình, nhẫn nại. Vợ anh rồi cũng phải hiểu ra việc làm của chồng. Anh sẽ vẫn nói với cô ấy, chúng ta là gia đình tín hữu Kitô, phải làm việc bác ái. Mọi chuyện sẽ vào quỹ đạo êm ấm. Anh tin thế.
Chi phí toàn bộ hết hơn hai triệu, Thiện vui vẻ chấp nhận. Anh đưa bà lão ra bến xe, còn mua cho bà một chục chiếc bánh mỳ về làm quà. Bà lão rưng rưng xúc động nhìn anh. Thiện bảo:
- Đây, từ bến xe này, bà đi xe kia nhé. Nhanh thì năm giờ về đến nhà.
Bà già chắp cả hai tay trước ngực, phóm phém nói:
- Cảm ơn chú, cảm ơn chú nhiều lắm. Nếu không có chú...
Lúc này, khi bà sắp lên xe ô tô để về quê, Thiện mới hỏi:
- Tại sao bà lại nói với mọi người là cháu đâm vào bà. Cháu chỉ là người giúp. Bà đã làm cháu khó xử?
Mắt bà lão rơm rớm nước, nhìn thẳng vào đôi mắt Thiện, tỏ đầy sự biết ơn và xúc động, nói:
- Chú à. Bà xin lỗi chú. Vì nhìn dáng người, và nhìn thấy chú đeo hình cây thập tự trên cổ, bà biết cái lòng của chú tốt. Nếu lúc đó không làm vậy, bà biết trông cậy vào ai. Một mình bà ở cái chốn này, sẽ khó tìm được người giúp. Thôi, bà xin và cảm tạ tấm lòng chú.
Một lần nữa, bà lão khiến Thiện bất ngờ. Nhưng lần này là sự vỡ òa của cảm xúc tin yêu.
Thì ra bà lão đã bấu víu vào lòng tốt của một người mà bà nghĩ tấm lòng anh ta rộng lượng. Tâm trạng Thiện được giải phóng khỏi những nghi ngờ. Bà làm vậy là bất đắc dĩ. Phải chăng bà đã nhìn thấy được tấm lòng của người công giáo, mà trong lúc không biết trông vào ai nơi đất khách quê người bà đã nói dối. Thiện mỉm cười. Bà già vớt vát thêm:
- Chú tha lỗi cho già này nhé. Chính chú đã cho bà thấy ở đời còn nhiều người tốt. Mà lòng thơm thảo của chú chính là lòng thơm thảo của người công chính.
Thiện chào bà, bà bước lên xe. Anh quay về cơ quan, nhủ lòng sẽ giữ kín chuyện, bởi nếu nói với vợ, sẽ lại bị phê phán vì thương người mà thiệt thân.
Mưa tạnh, im gió. Hình như mùa xuân đang về.
Nguyễn Văn Học
(Giáo Phận Hà Nội)
0 Nhận xét