Banner top

Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

Trong căn nhà tối

hình minh họa

TRONG CĂN NHÀ TỐI


Chiếc xe honda chở hai người đi vào một ngõ hẻm ngoằn ngoèo, một xóm lao động ồn ào huyên náo. Buổi chiều oi bức, những người phụ nữ và mấy đứa con nít ngồi trước hiên nhà hóng gió, họ tò mò nhìn mấy người lạ đi vào trong hẻm. Người lái xe dừng lại hỏi địa chỉ, tiếng mấy người phụ nữ nói chen nhau:
- Nhà của hai vợ chồng mù phải không?
- Kìa, cái nhà có cái cửa làm bằng tấm tôn đó!

Chiếc xe ngừng hẳn trước cánh cửa tôn, tiếng một phụ nữ vói theo:
- Đúng căn nhà đó rồi đó cậu!

Lát sau có tiếng kêu ken két của cánh cửa, một phụ nữ bước ra chớp chớp đôi mắt tìm kiếm rồi lên tiếng:
- Ai đó?

Cô gái mới tới có giọng nhí nhảnh:
- Em nè! Chị nhận ra giọng em hôn?

Chủ nhà reo lên, đôi môi tươi rói:
- Tuyết đến chơi với vợ chồng chị hả? Em có rủ Minh đi cùng không?

Người thanh niên bây giờ mới lên tiếng:
- Em nè chị Nga!

Người phụ nữ đẩy rộng cánh cửa rồi hối hai người khách:
- Vô nhà đi mấy em!

Người thanh niên dắt cô gái đi vào nhà một cách dò dẫm, đó là một cô gái mù. Căn nhà độ chừng hơn 9 mét vuông, có cầu thang gỗ. Hàng xóm hầu như không thấy có ánh đèn vào ban đêm, và lúc nào cũng đóng cửa im ỉm trừ phi chủ nhà có khách. Chiều nay căn nhà có dịp mở toang cửa, tiếng cười tiếng nói vang ra rộn rã. Ba người chụm đầu nói chuyện trong căn phòng khách cũng là phòng ngủ và phòng ăn. . . Họ ngồi trên một cái chiếu trải sát cửa, chợt cô gái mới đến nói:
- Chị Nga ơi, hình như anh Sơn đi bán về ở ngoải!

Cô nghe thấy tiếng gậy gõ lóc cóc trên đường phố, tiếng kêu rất nhỏ trộn lẫn trong tiếng nhạc xập xình của hàng xóm, nhưng cô vẫn nhận ra. Người đàn ông vừa dò dẫm cây gậy trên mặt đường vừa gọi:
- Em ơi! . . . Em ơi! . . .

Đó là tiếng anh Sơn gọi vợ mỗi khi anh đoán chừng mình đã gần về tới nhà. Chị Nga đứng sát bậc cửa vỗ hai tay vào nhau, phát ra tiếng kêu để chồng xác định vị trí căn nhà và đi tới. Vừa bước lên bậc thềm, anh Sơn đã vội khoe với vợ:
- Hôm nay bán đắt hàng, anh lấy vé lần thứ hai cũng bán hết. Định lấy chừng 20 vé nữa bán thêm nhưng sợ không kịp giờ nên anh về sớm.

Chị Nga đưa tay đỡ lấy mấy món đồ trên tay chồng dịu dàng nói:
- Thôi anh đi từ sáng sớm tới giờ vừa nắng vừa mỏi chân, nghỉ cho khỏe anh à! Có mấy em đến chơi với vợ chồng mình nè! Minh với lại Tuyết. . .
- Khoẻ không anh Sơn?

Giọng Tuyết nói chen vào giọng Minh:
- Tụi em đến nãy giờ chờ anh về đó!

Anh Sơn hớn hở bảo vợ:
- Có mấy trái thanh long, bà chủ cho còn tươi lắm, mới lấy trong tủ lạnh ra đó! Em cắt ra cho mấy em nó ăn đi!

Rồi anh tíu tít đi pha trà mời hai người khách, trong khi chị Nga lấy khăn ướt cho chồng lau mặt. Tuyết bảo:
- Anh mới đi về mệt, ngồi nghỉ đi đừng nước non làm chi kệ tụi em.

Nhưng anh Sơn dường như vui quá không chịu ngồi yên cứ lụi đụi pha trà bưng ra:
- Trà Ác-ti-sô đó, Tuyết uống cho dễ ngủ!

Minh vội đứng lên đỡ lấy tách trà đưa cho Tuyết, họ sợ đụng vào nhau đổ tách trà. Anh Sơn hỏi:
- Mấy lúc này Tuyết còn đau nhức xương lắm không, để anh mát-sa cho đỡ đau.
- Thôi để khi khác đi, anh cứ ngồi chơi với tụi em đi đã!

Bốn người nói chuyện râm ran, anh Sơn lấy tiền từ trong túi áo ra, hai vợ chồng mù ngồi sờ sờ, đo đo rồi sắp xếp những đồng tiền lẻ một cách rất cẩn thận. Cứ khoảng 3 giờ chiều mỗi ngày, anh quay lại đại lý vé số thanh toán tiền bạc cho chủ rồi lấy vé để sáng hôm sau đi bán sớm. Số tiền hai vợ chồng vừa ngồi đếm là số tiền lãi trong ngày, hôm nay họ kiếm được nhiều hơn mọi ngày. Nét hớn hở lộ rõ trên đôi môi như đang cười, trong khi ánh mắt của họ vẫn giữ cái vẻ tối om thường nhật. 

Anh Sơn lấy ra một xấp vé số gồm 10 cặp số, mỗi cặp được ghim lại một cách gọn ghẽ. Anh ngồi xếp bằng trên mặt chiếu, vẻ mặt căng thẳng, tay sờ nhè nhẹ lên hàng số in trên tờ vé số. Người đàn ông mù đang cố gắng hết sức để nhận ra con số bằng cách sờ lên những dấu vết lờ mờ mà máy in để lại trên tấm vé số, trong khi người vợ lấy bảng viết chữ nổi ra ghi chép giúp chồng. Cũng phải mất gần 5 phút gì đó anh mới kiểm tra xong một cặp số và đọc lên cho chị ghi. Chị lấy thun cột mẩu giấy ghi số nổi vào cặp số rồi để sang một bên. Đôi khi hàng số trên tấm vé số phẳng lỳ, anh Sơn cũng đành chịu thua. Hôm nay có Minh và Tuyết phụ nên anh đỡ vất vả hơn. Trời đã mờ tối, bốn người làm việc trong bóng tối một cách vui vẻ và kiên nhẫn.

Họ không cần bật đèn và điều này giúp chị Nga tiết kiệm được chút ít tiền điện. Trong bóng tối những tiếng cười cứ vang lên, nhất là tiếng cô gái mới đến hồi chiều.

Xong xuôi công việc, chị Nga đi nấu cơm, Minh còn thấy mờ mờ nên giúp chị làm bếp cho nhanh. Tuyết ngồi uống trà với anh Sơn. Câu chuyện vẫn sôi nổi, tiếng người bên ngoài nói vọng vào bếp, tiếng từ bếp vọng ra hỏi thăm nhau về tình hình của bạn bè quen biết. Họ thường như thế mỗi khi có dịp gặp nhau. Họ quan tâm đến sức khỏe của nhau. Đột nhiên Tuyết hỏi anh Sơn:
- Anh còn hút thuốc lá không?
- Không, anh bỏ lâu rồi!

Tuyết lộ vẻ khen anh:
- Sao anh bỏ được thuốc lá? Em thấy có nhiều người bỏ lên bỏ xuống mà hổng được.
- Trước đây tôi hút thuốc và uống rượu dữ lắm, không nhờ gặp được bà xã khuyên thì tôi chết lâu rồi vì thuốc vì rượu ấy chứ!

Tuyết vừa cười vừa nói đầy vẻ cắc cớ:
- Chị Nga cấm vận anh hả?

Giọng anh Sơn nhuốm chút ngưỡng mộ và biết ơn vợ:
- Không, bà xã tôi chỉ khuyên nhủ nhẹ nhàng thôi, nhưng bây giờ cuộc sống của tôi rất hạnh phúc tôi không cần mấy thứ ấy nữa. Nó vừa độc hại vừa tốn tiền!

Chợt giọng anh Sơn trầm xuống, có một chút lo lắng:
- Anh học mát-sa gần xong rồi! Anh đang tính bỏ hẳn nghề bán vé số để làm mát-sa, nhưng lại sợ mình lớn tuổi rồi không có ai mướn.

Anh Sơn chép miệng:
- Mấy lúc này bán vé số vừa ế lại vừa hay bị người ta lừa, mới tuần trước anh bị người ta đổi 20 tờ vé số bằng một sấp vé đã xổ rồi. Buồn vì mất vốn cũng có, mà ức vì mình mù mà người ta còn lường gạt nữa, lúc đó anh muốn phát điên lên!

Chuyện này Tuyết đã được chị Nga kể cho nghe rồi và Tuyết cũng có giúp đỡ anh chị một chút, nhưng cô không nói cho anh biết. Cô an ủi:
- Em hiểu cái ấm ức của một người mù khi bị lừa gạt như thế lắm. Nó gấp trăm lần người bình thường bị lường gạt, đó là cái cảm giác bất lực của những người như anh em mình. Thôi anh cứ nghĩ rằng mọi sự thử thách Chúa gởi đến cho anh thì Chúa cũng lại giúp anh giải quyết. . .

Chị Nga nói vọng ra:
- Ảnh cứ sợ mình lớn tuổi lại không mồm mép như mấy đứa trẻ bây giờ, đi làm mát-sa sẽ không có khách. Ảnh chưa dám quyết định bỏ hẳn nghề vé số đó em.

Minh đang ngồi rửa rau, lên tiếng khuyến khích:
- Anh cứ làm cho khách một cách nhiệt tình thì rồi khách cũng nhận ra cái tốt của mình và họ chấp nhận mình, đâu cần phải mồm mép gì đâu.

Tuyết cũng khích lệ anh:
- Em thấy anh mát-sa cho em tốt lắm đó, đừng nản anh à!

Chị Nga đang loay hoay nấu đồ ăn bên cái bếp dầu nhỏ xíu, Mùi mắm kho quệt thơm nức mũi, quyện với mùi cơm sôi ngào ngạt. Một tay nắm chắc cái chảo, một tay cầm đũa đảo tới đảo lui trên bếp, chị nói chen vào:
- Đó, anh thấy không, Tuyết nó đã thử nhiều người làm mát-sa chữa bệnh cho nó, nó cũng công nhận anh làm tốt mà.

Giọng anh Sơn dường như đã bớt lo lắng, anh kể lể: 
- Tuyết biết không? Chị Nga đã chuẩn bị cho anh rất chu đáo. Chị ấy đã chơi hụi để có tiền mua cho anh mấy dụng cụ làm nghề. Hôm qua chị ấy đã mua cho anh mấy cái áo thun và quần soóc để mặc khi làm việc.
- Ừa, em thấy chỉ chuẩn bị cho anh vậy là đúng đó! Cứ mạnh dạn lên, em ủng hộ anh. Đừng sợ, vả lại mình cứ cầu xin Chúa giúp sức cho mình. . .

Minh phụ chị Nga làm xong bữa cơm, ra ngồi cạnh anh Sơn rót một chén trà góp chuyện. Vừa hớp được mấy ngụm, nghe tiếng lách cách độ chừng chị Nga đã dọn xong thức ăn vào một cái mâm nhỏ, Minh nhổm dậy ra đỡ lấy cái mâm từ tay chị. Một cách rất thận trọng, người thanh niên dò dẫm từng bước chân đi vào giữa cái chiếu. Sau khi dùng chân quơ quơ chung quanh thấy không có đồ vật gì, anh ta mới ngồi khum lưng đặt mâm xuống. Cái mâm lỏng chỏng có một đĩa rau cải luộc, một chén nước tương có dầm một trái ớt hiểm và một chén mắm kho quệt mà sao thấy phát thèm. Chị Nga lúi húi sắp chén đũa trong bếp, Tuyết vội cản:
- Chị đừng có dọn phần tụi em nha! Em phải về liền bây giờ đó, ngồi chơi lâu quá rồi! 

Tiếng đài truyền hình bên hàng xóm vọng qua, bản tin tức tối như khẳng định lời cô gái. Chị Nga la lên:
- Hai đứa sợ chị nấu cơm không đủ ăn hả?

Tuyết vừa đứng lên vừa phân bua:
- Chị cũng biết em rồi mà, bây giờ còn sớm thì thiếu cơm em ăn mì gói cũng thấy ngon. . . Để bữa nào em điện thoại trước chị làm da-ua em xuống ăn một thể luôn nghen!

Minh bảo:
- Chị Nga ơi, tụi em có hẹn giờ xe quay lại đón rồi!

Chiếc Honda hồi chiều cũng vừa trờ tới, thế là họ chia tay nhau tại bậc cửa. Chị Nga lấy dép cho Tuyết, Minh xỏ dép vào chân cho cô rồi dắt cô một cách cẩn thận xuống bậc cửa. Chiếc xe Honda chở hai người bạn của đôi vợ chồng mù lại theo con hẻm ồn ào và huyên náo chạy ra con lộ lớn.

Vũ Thủy
Nguồn: http://www.dunglac.info/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=301&ia=4009

Đăng nhận xét

0 Nhận xét