Có mối liên hệ nào giữa Kinh Thánh với ngày “Halloween”, một ngày lễ «ngoại giáo»? Từ «Halloween» có nguồn từ tiếng Anh là “all hallow’s eve”, nghĩa là «ngày trước lễ Các Thánh». Ngày lễ Các Thánh Nam Nữ được chọn để Kitô giáo hóa một ngày lễ hội ngoại giáo của người Celtic.
Isaac chúc phúc cho Giacóp - Tranh của Luca Giordano (1632–1705) |
Tin, bài liên quan: Lễ hội thánh nhân và lễ hội ma quỷ
Halloween luôn gắn liền với các biểu tượng của sự chết và thế giới bên kia. Truyền thống hóa trang xuất phát từ niềm tin về sự hiện diện của người chết, họ trở về để ám ảnh người sống. Vì thế, ngày nay người ta vẫn còn hóa trang thành những quái vật, hồn ma hoặc các phù thủy để làm cho người ta tin rằng ma quỷ thật sự trở về để ám lúc đêm hôm khuya khoắc. Hóa trang không bắt nguồn từ Kinh Thánh. Trái lại, ý tưởng hóa trang thì lại khác. Sau đây là những trình thuật về hóa trang trong Kinh Thánh.
Hóa trang thành Êsau
Chuyện hóa trang nổi tiếng nhất là Giacóp đã dùng tấm da dê để làm cho tay mình thành lông lá giống như người anh là Êsau (Stk 27). Giacóp đã đánh lừa thành công người cha mù lòa khiến ông tin rằng mình đã chúc phúc cho người con cả.
Hóa trang thành cô điếm
Trong câu chuyện khó tin được thuật lại trong sách Sáng Thế Ký (chương 28), một phụ nữ tên là Tama đã hóa trang thành một cô điếm. Trong nền văn hóa này, khi người chồng qua đời thì anh em trai của người quá cố phải lấy người vợ góa làm vợ. Thế nhưng ông cha chồng không muốn Tama lấy người con trai út của mình. Cô đã thoát khỏi tình trạng này khi cải trang thành cô điếm để quan hệ tính dục với ông bố chồng của mình!
Hóa trang để thỉnh ý người chết
Chương 28 của sách Samuen I thuật lại câu chuyện vua Saun lo lắng về tương lai của mình vì cuộc chiến với quân Philistins. Vì thuật chiêu hồn bị cấm nên Saun phải hóa trang để khỏi bị nhận ra. Sau khi hóa trang, ông đi thỉnh ý bà đồng bóng để có thể liên lạc với ngôn sứ Samuen đã chết cách đấy vài năm. Vì giả vờ không khéo lắm nên bà đồng đã nhận ra ông. Hơn nữa, cuộc tư vấn cũng chẳng giúp ích gì nhiều vì ông tử trận sau đó.
(Đừng) hóa trang thành chiên hay thành Tông đồ
Tân Ước không tường thuật một nhân vật hóa trang nào cả. Trái lại, Tân Ước dùng sự hóa trang như một hình bóng để nói về những điều giả dối và láo khoét. Chẳng hạn, Tin Mừng Matthêô 7,15-16 nói rằng: “Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ hóa trang thành chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi.» Trong những bản văn Tân Ước khác cũng nói lên sự dè dặt trước các ngôn sứ giả, họ dùng những lời dối trá để đánh lừa cộng đoàn. Trong 2 Cr 11, 13, Thánh Phaolô căn dặn phải coi chừng «những tông đồ giả, là thợ gian xảo, hóa trang thành tông đồ của Đức Kitô.»
Tóm lại, các trình thuật nói về hóa trang trong Cựu Ước hàm ý có sự đánh lừa hay đó là hoạt động trái phép. Tân Ước tiếp tục cách sử dụng tiêu cực này gắn liền với sự hóa trang để nói về các ngôn sứ giả.
Chúc một ngày Halloween … vui vẻ!
Sébastien Doane
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ
http://conggiao.info/hoa-trang-trong-kinh-thanh-va-ngay-halloween-d-31710
0 Nhận xét