Banner top

Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

Papa và cây sáo


PAPA VÀ CÂY SÁO 

(VƯỜN Ô-LIU 24)

Lần đầu tiên nghe papa thổi sáo, thằng nhỏ trợn tròn con mắt ngạc nhiên, như thể nó đang chứng kiến cái sự gì đó lạ lùng lắm trên thế giới này: Papa biết thổi sáo, mà còn thổi hay quá trời quá đất.
Cây sáo chỉ là một khúc trúc nhỏ (còn nhỏ hơn mấy khúc tre thằng nhỏ dùng để chăn bò). Ấy vậy mà dưới đôi tay của papa, nó trở nên réo rắt đến nức lòng nức ruột.

Ngày đó có một người bạn của papa ở xa đến thăm. Người bạn mang theo một chiếc sáo trúc. Người bạn ấy kể rằng hồi còn đi học papa hay thổi sáo. Papa mừng quá chừng, không biết vì gặp lại người xưa hay vì gặp lại cái ống sáo. Mấy chục năm rồi papa mới gặp lại người bạn cũ. Mấy chục năm vần xoay với vòng cơm áo, papa đã không còn đụng đến chiếc ống sáo.

***


Thằng nhỏ đòi papa dạy thổi sáo, papa nói nhất định không là không. Thằng nhỏ theo năn nỉ miết, papa sẵn giọng: thích thì tự mà tập. Thằng nhỏ nằn nì: nhưng mà papa phải chỉ sơ sơ qua thì con mới tập được chứ. Papa cười cười: chỉ rồi thì ai mà chả thổi được, không chỉ mà thổi được thì mới ngon chứ....

Thằng nhỏ tức khí. Như muốn chứng tỏ mình ngon, nó cầm ống sáo tự mình tập thổi phù phù. Vừa mệt, vừa tốn hơi, vừa chóng mặt, đã có lắm lần nó toan quăng cái ống sáo vào một xó. Nhưng cái cách papa nhìn nó cười cười khiến nó không bỏ cuộc được. Nó quyết tâm phải tập thổi sáo cho được thì thôi.

Có lần, nó đang vận nội công thổi phù phù, papa đi làm về bảo nhóc em nó: con chạy xuống bưng cái lò than lên đây cho ba cái coi. Nhóc em ngây thơ hỏi lại: bưng lò than lên làm gì ba? Papa cười: thì để chỗ anh hai mày thổi chứ chi. Anh mày thổi một hồi thì bảo đảm lò than đỏ rực... thổi sáo gì phù phù giống y người ta thổi lửa...

***

Hồi nhỏ, con - thằng nhỏ ngày ấy - hay bị ba quở vì cái tính lãng mạn. Ba không dạy con thổi sáo vì không muốn con lãng mạn. Người ta nói rằng lãng mạn thì khổ. Ba hay đem mình ra làm gương để dạy con. Ba nói rằng làm thằng con trai thì phải mạnh mẽ chứ không có được yếu đuối như papa. Ba dạy rằng lớn lên con phải học hành đàng hoàng, phải biết làm ăn tính toán với đời để đừng có thua thiệt người ta, giống như papa...

Thua thiệt người ta. Cái câu này con nghe ba nói hoài. Thua thiệt có nghĩa là không biết làm ăn bon chen như người ta, không có chụp giựt tranh thủ được như người ta. Kết quả là không có nhà cao cửa rộng như người ta. Trong khi bạn bè bao người đã bước những bước thật dài trên con đường công danh sự nghiệp, ba vẫn mãi lặng lẽ làm một lão nông chân bùn tay lấm. Trong khi bao bạn bè yên vị ở phồn hoa thị thành, ba vẫn ngày ngày cặm cụi trên cánh đồng quê.

Người ta gọi đó là thua thiệt. Ba cũng thấy đó là thua thiệt sao? Chẳng phải từ nhỏ ba đã dạy con rằng, sống ở đời quan trọng nhất là nhân nghĩa. Con người có thể thiếu mọi thứ, nhưng thiếu nhân nghĩa thì là người vứt đi. Người ta có thể hy sinh mọi thứ để sống như một người nhân nghĩa, chứ không thể hy sinh nhân nghĩa để có được mọi thứ. Ba lặng lẽ mà bền bỉ sống với xác tín ấy. Thế nên đô thị phồn hoa với những đua chen tranh giành đâu phải là vùng đất dành cho ba..

Hồi nhỏ, ba cũng dạy con rằng hạnh phúc nhất là khi người ta được sống thật là mình. Trên cánh đồng quê, với nắng sớm mưa chiều, với hương đồng cỏ nội, ba đã tìm được khoảng trời bình an cho tâm hồn mình. Đó chẳng phải là hạnh phúc sao?...

Con được sinh ra trên cánh đồng quê, và cũng ước mong được chết trên cánh đồng quê. Từ những ngày còn chập chững, trải dài trước mắt thằng nhỏ đã là cánh đồng xanh vô tận. Thế giới sống của con là màu xanh của mạ non, màu trắng trong của mây trời, màu trắng sáng của bình minh, màu vàng sậm của hoàng hôn, màu vàng ươm của đồng lúa chín. Thế giới ấy chất chứa đậm đà bao mùi hương của làng quê: mùi ngai ngái của bùn non, mùi thơm tho của cỏ lá, mùi khen khét của nắng trưa, mùi nhàn nhạt của mưa chiều... Thế giới ấy cũng tập hợp nhiều dư vị phong phú từ cuộc sống: vị chua chua của lá giang, vị đăng đắng của những đọt măng tre, vị bùi bùi ngòn ngọt của những củ khoai lang đầu mùa, vị thơm thơm cay cay của những chiếc lá bạc hà xanh rịm...

Con yêu tiếng sáo. Lần đầu tiên được trong đời được tiếng sáo, con như bị chạm vào điều gì đó thật sâu thẳm trong cõi lòng. Tiếng sáo gợi lên trong con cả một khoảng trời quê mênh mang dào dạt. Trong tiếng sáo, có cái bao la khoáng đãng của mây trời, có cái rì rầm dìu dịu của gió núi, có cái vút cao trong trẻo của nắng sớm, có cái trầm lắng an nhiên của mưa đêm. Tiếng sáo dội về trong ký ức bao hương vị ngọt ngào, bao sắc màu đằm thắm. Tiếng sáo vang lên, vọng xa,... rồi tan loãng giữa trời quê. Tiếng sáo làm đọng lại trong lòng người một khoảng không gian mênh mang lặng lẽ...

Phải chăng như thế thì gọi là lãng mạn? Lãng mạn như thế không tốt sao? Cuộc sống vốn phong nhiêu đa dạng, nhưng đâu phải mọi điều từ cuộc sống có thể chạm đến lòng người. Có những điều hết sức ý nghĩa và thân thương với người này, nhưng cực kỳ vô nghĩa và xa lạ với người kia. Có những điều gợi lên trong người này cả một khung trời ký ức, nhưng chỉ thoảng qua người kia như chút gió bụi vô thường...

Không phải sự từng trải làm cho cuộc sống phong phú, chính những cảm nghiệm đọng lại từ những gì đã trải qua mới tạo nên sự phong phú cho cuộc sống... Cho đến lúc ấy, khung trời sống của con chỉ là một làng quê vô danh. Thế nhưng trong cái vô danh bé nhỏ ấy, biết bao giá trị đẹp của cuộc sống đã thấm đậm và từng ngày làm nên cuộc đời của một con người. Điều ấy tạo nên trong con niềm thiết tha với cuộc sống.

***

Ngày con đi học xa, trong túi hành trang má chuẩn bị cho con, papa gởi vào một cây sáo trúc. Đó là những gì ba muốn gởi gắm theo con đến chân trời xa.
Hơn ai hết, con hiểu được tấm lòng của ba. Con sẽ học để lớn lên thành một người nhân nghĩa. Con sẽ tìm cho mình một khung trời thích hợp để được sống thật là mình.

Còn trong mái ấm gia đình, con còn là một thằng nhỏ. Ra giữa dòng đời, thằng nhỏ phải học để làm người lớn, phải tự mình lớn lên mỗi ngày. Để một thằng nhỏ có thể vươn vai thành một người lớn, dường như nó cần phải vươn vai thoát khỏi vòng bảo bọc của những người lớn khác. Để thực sự lớn lên, thằng nhỏ cần có những va chạm với thực tế của cuộc sống. Những lãng đãng đẹp như mơ của làng quê đã tiếp cho con một niềm yêu nồng nàn với cuộc sống. Những bình yên lắng đọng của làng quê đã hình thành trong con một tâm hồn hiền lành đơn giản. Nhưng cuộc đời không như là mơ, và dòng chảy cuộc sống có khi nào bình yên đơn giản...

Gởi con vào đời, ba mang trong lòng nhiều nỗi lo sợ. Sợ một lúc nào đó con không còn là thằng nhỏ nữa, sẽ trở nên thực dụng và sòng phẳng như cuộc đời. Sợ một lúc nào đó giữa bao điều hào nhoáng hữu hình trước mắt, con sẽ quên mất những gì là bình dị lặng lẽ trong tâm hồn. Sợ một lúc nào đó giữa những hổn mang tạp nhạp, con sẽ đánh mất những gì là mộc mạc hiền lành, đơn sơ và chân chất... Sợ ngày trở về, con lạ lẫm đứng giữa làng quê...

Cám ơn cái ống sáo của ba. Cảm ơn những tâm tình ba muốn gởi vào con. Cảm ơn những tháng ngày tuổi thơ trong mái ấm gia đình giúp con chia sẻ với ba nhiều xác tín đẹp để sống. Sống tình cảm không phải là một mối lo, đáng lo hơn là nếu một lúc nào đó người ta không còn chút tình cảm nữa. Tâm hồn lãng mạn thì không đáng sợ, chỉ sợ tâm hồn người ta nêng khô khan và chai cứng trước bao vẻ đẹp của cuộc đời.

Ba không phải là mẫu người thành công trong vòng xoay cuộc đời. Ba cũng không phải là mẫu người thành danh trong xã hội. Nhưng với con, ba luôn là mẫu gương sống động dẫn con bước vào đời và sống như một con người. Một con người nhân nghĩa...

Lưu Minh Gian
Nguồn: http://www.dunglac.info/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=325&ia=17900

Đăng nhận xét

0 Nhận xét