Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

Bút ký: Những điều bất ngờ

"Ca đoàn" mái ấm Thiên Ân 

BÚT KÝ: NHỮNG ĐIỀU BẤT NGỜ


Chủ nhật vừa qua, tôi được tham dự đám cưới của Hương, một tình nguyện viên làm việc tại Mái ấm Thiên Ân (MATA) đã nhiều năm nay. Toàn bộ các thành viên trong MATA đã bày tỏ một tình cảm hết sức thân thương với một người thường được gọi cái tên thân mật là chị Cả. Ca đoàn hát lễ hôm ấy rất đặc biệt, các ca viên và nhạc công là người mù dưới sự dẫn dắt của thầy Phong cũng là người mù. Đám cưới còn có sự hiện diện của một cặp vợ chồng ngoại quốc; Trevor, một giáo sư người Anh và Kinuko, một phụ nữ Nhật bản rất thanh lịch trong chiếc áo dài Việt Nam. Tôi biết sự có mặt của Trevor và Kinuko là một món quà cưới đầy ý nghĩa cho cô dâu, tôi đã chứng kiến câu chuyện giữa Mrs. Kinuko và Miss Hương cách đây 4 tháng tại MATA. Khi hay tin cô Hương chuẩn bị đám cưới, Kinuko hỏi cô Hương thích quà gì Kinuko sẽ gởi mừng đám cưới. Cô Hương nhờ tôi nói với Kinuko rằng:
- Hương không thích quà gì hết, chỉ muốn gặp mặt Kinuko!

Ước muốn của cô Hương thật dễ thương và vì vậy mà Trevor và Kinuko đã có mặt trong đám cưới của cô, điều mà tôi cũng không ngờ. Tôi rất trân trọng những gì cô Hương đã làm cho MATA, và có lẽ ông bà Trevor cũng nghĩ như tôi.. .

Trong tiệc cưới, cô Hải xếp một bé gái độ chừng 11, 12 tuổi ngồi cạnh tôi; đây là thành viên mới của MATA nên tôi chưa có dịp làm quen. Tôi tìm cách gợi chuyện:
_Cô là cô Thủy, trước đây cũng là học trò của thầy Phong. Còn con tên là gì?

Phải khó khăn lắm tôi mới nghe được cô bé lí nhí trả lời:
_Con tên Hậu.

Thấy cô bé cứ lặng lẽ ngồi im tôi hỏi tiếp:
_Quê nhà con ở đâu?
_Nhà con ở cô nhi viện.

Đây là điều bất ngờ thứ hai cho tôi trong buổi sáng Chủ nhật đó! Tôi không hề tính đến tình huống trả lời này khi gợi chuyện với những người đồng cảnh ngộ với mình như thế. Khi tiệc đã gần tàn trời đổ mưa to, trong khi ngồi chờ mưa tạnh tôi tìm cách hỏi chuyện cô bé để cho cô bé bớt chơ vơ trong bữa tiệc vì trong bàn toàn người lớn, chỉ có mình Hậu là con nít. Thỉnh thoảng tôi thấy Hậu rờ nhè nhẹ vào cánh tay, vào lưng tôi. Tôi biết đấy là cách thức tìm hiểu thế giới xung quanh của một người mù bẩm sinh Và tôi cũng biết Hậu đã cảm thấy không còn e dè tôi như lúc ban đầu nữa. Đột nhiên cô bé đưa cho tôi sờ một đồ vật, rồi hỏi:
_Cái này là cái gì? Chẳng biết ai đưa cho con ấy cô ạ!


Sau khi sờ vào vật Hậu trao cho tôi biết đó là một quả bóng hình trái tim, tôi giải thích cho cô bé đấy là một món đồ chơi của trẻ em, hôm nay người ta dùng để trang trí cho đám cưới. Tôi nói về ý nghĩa của trái tim và về cách người ta dùng những quả bóng để thay cho pháo mừng đám cưới như thế nào cho Hậu nghe. Vẻ ậm ừ của Hậu khiến tôi biết cô bé không hình dung nổi vật đó ra sao. Tôi cố giải thích bằng cách nói về hình dạng ban đầu của qủa bóng cao su, sau đó người ta thổi nó bằng cách bơm không khí vào cho nó phồng to lên như quả bóng này. Nhưng có lẽ trong một lúc cô bé không thể nạp hết những ý niệm mới mẻ như không khí, cao su, quả tim. . 
_Cái này có ngồi lên được không?


Tôi bật cười, chỉ cho Hậu cách chơi bóng và bảo cô bé khi nào không thích chơi nữa thì có thể làm cho nó nổ nghe như tiếng pháo. Rồi lại có người đưa cho Hậu trái bóng thứ hai, Hậu lúng túng cứ cầm hai quả bóng mà chẳng biết chơi với nó ra sao.
_Cô ơi, sao người ta lại cho con hai quả bóng?
_Tại vì con là trẻ em, bóng thì để cho trẻ em chơi. Người ta đâu có cho cô Thủy quả bóng nào đâu!

Hậu đưa một quả bóng cho tôi và bảo:

_vậy cô lấy quả bóng này mà chơi cô ạ! Sao người ta lại không cho cô bóng?

_Tại vì cô lớn rồi, người lớn không chơi bóng con à!

_Cô ơi ở trong này có cái gì? Sao con thấy nó cứ nhúc nhích cô ạ!

Tôi rờ nhẹ vào quả bóng, quả bóng đang lay động. Tôi giải thích cho Hậu biết trong quả bóng có không khí, nó rất nhẹ vì thế gió làm cho quả bóng lay động. Nhưng nói đi nói lại mấy lần tôi biết Hậu vẫn chưa hình dung ra không khí.

_Ồ! Không ngồi được con à! Nó rất dễ bị bể. . . Nó chứa toàn không khí ở trong nên rất nhẹ khi gió thổi nó nhúc nhích giống như khi gió thổi thì tóc con bay, hiểu không?


Hậu im lặng, tôi chợt hiểu ra rằng Hậu đã không có được tuổi thơ ít nhất là như những đứa trẻ mù bẩm sinh khác. Vì tôi biết một số người mù bẩm sinh sống trong gia đình của họ, họ cũng có hiểu biết khá nhiều về những vật dụng, những món đồ chơi trong đời sống thường ngày, trừ ra sự nhận biết về màu sắc. . .


Lạy Chúa mỗi ngày trong cuộc đời con là những điều bất ngờ, có những bất ngờ khiến lòng con vui sướng; nhưng lại có những bất ngờ khiến lòng con se thắt. Con hy vọng ở MATA của thầy Phong, Hậu sẽ nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống học tập và vui chơi như các bạn đồng cảnh ngộ với mình.


28. 5. 2008
Vũ Thủy
Nguồn: http://www.dunglac.info/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=301&ia=4034

Đăng nhận xét

0 Nhận xét