hình minh họa |
BA NHÂN VẬT TRONG CÂU CHUYỆN CỦA TÔI
Thời gian đầu lên kiếm sống ở Sài Gòn, mẹ tôi và anh chị của tôi phải CHIA NHAU RA, TRỌ nhờ nhà MẤY NGƯỜI BÀ CON HỌ HÀNG. Thế cũng còn may, chứ tiền vốn làm ăn còn phải vay mượn, tiền đâu mà thuê nhà! Sau hai năm, công việc làm ăn có chiều hướng phát triển, mẹ tôi không dám làm phiền họ hàng mãi nên bà đã âm thầm tìm cách mua nhà.
Bà thấy người ta treo bảng bán nhà, nhắm thấy căn nhà nhỏ lụp xụp, mẹ tôi mới dám hỏi vào xem. Không ngờ căn nhà mặt tiền rộng có 3 thước, mà bước vào thì lại rất lớn. Nó dài hơn 26 thước, có chỗ bề ngang rộng tới hơn 6 thước. Hậu căn nhà tóp lại chỉ còn 4 thước, người bán nhà bảo thế vẫn là nở hậu. Mẹ tôi thì chả tin kiêng gì, bà chỉ mong sao kiếm được chỗ chui ra, chui vào là tạ ơn Chúa rồi. Bà nhẩm tính trong đầu “Hiện giờ mình chỉ có hai chỉ vàng trong tay, thôi kệ, cứ hỏi mua, rồi tính sau”. Chủ bán nhà kêu giá căn nhà là 6,5 lượng vàng, mẹ tôi mừng quýnh, đánh liều đặt cọc luôn hai chỉ vàng mà chưa biết sẽ vay mượn ra sao cho đủ số vàng. Mấy ngày sau, mẹ tôi trở lại để nghe ngóng tình hình, chủ căn nhà ấy thương lượng: “Tôi trả lại cọc cho chị và cho chị được lời năm chỉ, chị bằng lòng không?” Đầu óc mẹ tôi nhanh lắm, bà biết ngay chủ nhà muốn thối lui để bán cho người khác với giá cao hơn. Bà nhất định không chịu, và buộc chủ nhà phải thực hiện như các bước đã thỏa thuận với nhau trong giao kèo. Khoảng thời gian chờ đợi làm giấy tờ, mẹ tôi phải chạy vạy khắp nơi để vay mượn cho đủ số vàng.
Mẹ tôi làm bất cứ việc gì lớn nhỏ cũng bảo mấy chị em chúng tôi cùng cầu nguyện với bà, “nếu đẹp lòng Chúa thì Chúa ban cho, còn không thì xin Chúa phá đi cho”. Đó là ngôn ngữ của bà, một người phụ nữ hết lòng tin tưởng vào Thiên Chúa. Lần này cũng vậy, mẹ tôi vẫn với cung cách cầu nguyện ấy, vẫn thanh thản làm những công việc thường ngày. Cuối cùng, mẹ tôi cũng mua được căn nhà đó! Ngày gia đình tôi dọn về nhà mới, tôi ngỡ mình đang mơ, vì không thể nào tin nổi mẹ có thể vay được số vàng lớn đến thế. Đó là vào khoảng năm 1990, tình hình kinh tế trong nước đã mở cửa, Chúa cho mẹ tôi làm ăn được lắm.
Có ở rồi mới biết, căn nhà tuy rộng rãi nhưng rất bất tiện. Ban ngày thì nóng như thiêu, mưa thì dột, nền nhà lở lói chỗ thì xi-măng chỗ thì lòi cả đất cát. Chúng tôi chịu cực đã quen, điều đó không thành vấn đề. Vấn đề ở chỗ, căn nhà Nằm trong một con hẻm ngoằn ngoèo, rất khó tìm, khách giao dịch làm ăn nhiều người không kiếm nổi nhà, thật là bất tiện. Tôi nhớ cái đận tết Đoan ngọ năm ấy, mẹ tôi sai người anh rể và đứa em trai út của tôi đi công chuyện cho bà. Mẹ tôi ở nhà cứ chờ cửa hai người, gần nửa đêm mà vẫn chẳng thấy về, sốt ruột lắm. Rồi có tiếng người đập cửa ầm ầm, tiếng hỏi từ ngoài vọng vào “Có phải nhà anh Hòa, anh Tân đấy không?” Nghe thế, mẹ tôi mở cửa ra xem có việc gì. Đó là người đạp xích-lô đến báo tin anh rể và em trai tôi bị đụng xe. Anh ta bảo “Tôi đi tìm nhà bác gần ba tiếng đồng hồ rồi đó, nhà sao mà khó tìm ghê! Hai người con bác bị đụng xe, tôi chở họ vào cấp cứu ở bệnh viện Chợ Rẫy, họ bị thương nặng lắm. May thằng nhỏ còn tỉnh nhờ tôi về tìm địa chỉ này báo cho bác.” Mẹ tôi trả công anh ta rồi vội vã vào bệnh viện. Sau cái đận ấy, mẹ tôi lại muốn đổi nhà. Bà cũng gân lắm, vừa mới trả hết nợ cho căn nhà đang ở, đã lăm le kiếm mua một căn khá hơn.
Bà ngó ngang, ngó dọc rồi chấm một căn nhà ở chợ Ông Hoàng. Chủ nhà kêu giá là 16 lượng vàng, tôi đi theo mẹ xem nhà , hai mẹ con thì thầm với nhau nhà này cũng đáng mua lắm. Mẹ tôi về bàn bạc với bố tôi, căn nhà ấy quay ra mặt chợ buôn bán nhỏ cũng đủ sống. Lại nữa, làm ăn gì cũng thuận tiện hơn. Ngặt nỗi, mẹ tôi tính sai một nước cờ, bà tưởng sẽ dễ dàng bán căn nhà “bụng chửa”. Nào ngờ đã có mấy người đặt cọc rồi, lại khóc lóc đòi cọc. Mẹ tôi vốn hiền lành cũng chả bắt họ phải đền bồi gì. “Bụng chửa” là cái tên tôi đặt cho căn nhà chúng tôi đang ở. Người ta thấy gia đình tôi làm ăn có phần sáng sủa, bảo nhà bụng chửa đẻ ra tiền. Mẹ tôi chỉ cười, trong lòng bà vẫn luôn tin vào “làm bởi bay, mà cho bởi Ta”.
Lại nói đến ông chủ nhà ở chợ Ông Hoàng, ông ta là một chủ tiệm thuốc bắc gia truyền người Hoa. Cái nhà mà mẹ tôi đang nhắm mua đã từng vang bóng một thời, đời cha ông ta bán thuốc rất mát tay, chắc kiếm cũng khá. Ông chủ nhà này ăn chơi, nhảy đầm đã quen, nay thời buổi thay đổi, thuốc bắc không còn chuộng, ông ta chỉ còn cái vỏ bề ngoài, căn nhà đã đem cầm cố chẳng bán cho ai được. Hai người, ông chủ tiệm thuốc và mẹ tôi, cùng ở vào thế bí. Nghe nói mẹ tôi có căn nhà “bụng chửa”, ông ta đòi coi nhà, gọi cả thầy địa lý đến coi, ông ấy tin rằng nhà “bụng chửa” sẽ đẻ ra tiền. Một cuộc trao đổi diễn ra, ông ta đề nghị đổi nhà cho mẹ tôi, chúng tôi chỉ phải các thêm 8 lượng vàng. Thấy cũng có lời, mẹ tôi bằng lòng ngay. Lại một cuộc chạy vạy để vay mượn, vì tất cả vốn liếng mẹ tôi có chỉ là căn nhà “bụng chửa”. Nhưng lần này thì dễ dàng hơn, vì công việc làm ăn của gia đình tôi lúc ấy hứa hẹn sẽ sớm trả được nợ.
Ngày dọn sang nhà mới, tôi là người cuối cùng rời khỏi nhà cũ. Thấy ông chủ đổi nhà cho mẹ tôi săm soi đo bề rộng của cửa ra vào căn nhà “bụng chửa”, tôi hỏi:
- Anh đo cửa làm gì vậy:?
- Tôi chuẩn bị sửa cái cửa này nhỏ lại, thầy địa lý nói như vậy làm ăn mới khá!
Có người trong giới buôn bán biết căn nhà mẹ tôi mới dọn sang trước đây đã từng bị cầm cố, hỏi mẹ tôi: “Từ hồi dọn sang nhà mới, bác làm ăn ra sao?”. Mẹ tôi nói “Buôn bán thì có chuyến lời, có chuyến lỗ chớ!” Gia đình tôi dọn đến chợ Ông Hoàng ở được sáu tháng thì cơn sốt nhà đất ở Sài Gòn bùng nổ. Khi số vàng mẹ tôi vay mua nhà còn chưa trả xong, có người đã đánh giá trị nhà tôi lên đến hơn 40 lượng vàng. Công việc làm ăn của chúng tôi cũng tấp nập hẳn lên. Bấy giờ, gia đình tôi đang ở trong một căn nhà cũng tạm gọi là cao cấp hơn so với trước.
Nợ rồi cũng trả xong, mẹ tôi mở một tiệm thuốc Tây ngay trước cửa nhà, gọi là để tôi buôn bán đỡ buồn. Lúc ấy, sức khỏe tôi suy kém, không thể xông xáo ra ngoài làm ăn được nữa, tôi ngồi tại nhà bán thuốc Tây lai rai qua ngày. Chợ trước cửa nhà tôi chỉ họp vào buổi sáng, buổi chiều con đường qua lại trước cửa nhà tôi vắng hắt hiu. Những buổi tối, tôi thường ngồi ngó sang quán café cóc phía đối diện. Buổi tối, quán không có khách, thường chỉ có một người đàn ông đã ngoại thất tuần ngồi ngó ra đường. Đầu ông ta chỉ còn lưa thưa vài cọng tóc, mặc có mỗi cái xà-lỏn, hiếm khi tôi thấy ông ta mặc áo.
Khuya đến, bàn ghế trong quán được xếp chồng gọn ghẽ, ông mắc mùng giữa quán nằm ngủ. Tôi tưởng ông ta là người nhà của chủ quán, ngủ ở đó để trông coi cho tiện. Nhưng người ta cười bảo “Quán có cái cóc khô gì mà coi, chủ quán cho ổng ngủ nhờ đó chớ!” Tôi tò mò thì được biết, ông ta chính là người trước đây đã từng xây dựng nên cái chợ này. Ông ta tên là Hoàng, hồi còn sở Mỹ trước giải phóng miền Nam, ông từng trúng số độc đắc. Tiền đó ông đầu tư vào thầu rác Mỹ, mua đất. Khu đất ở chợ Ông Hoàng này trước kia là vùng ao hồ, ông thuê công nhân đổ rác, rồi xây thành khu chung cư chợ Ông Hoàng này. Thì ra chỗ tôi đang ngồi trước kia lại là một vùng ao hồ nước đọng. Cuộc đời ông Hoàng cũng thay đổi như cái vùng đất này vậy, có chăng là hai sự thay đổi đó theo hai hướng khác nhau. Ông Hoàng trở nên giàu có hơn sau khi bán các căn nhà chung cư cho người dân quanh vùng. Ông lấy vợ Hai, vợ Ba rồi vợ Tư. Mỗi bà một đàn con, một cơ ngơi hẳn hòi. Thế sự xoay vần, khi ông không còn tiền, chẳng bà nào chịu chứa ông chồng già. Con ông thì đứa này nhường cho đứa nọ quyền chăm sóc ông. Cuối cùng, thấy ông lang thang không nơi nương tựa, chủ quán café thương tình cho ông ăn nhờ, ở tạm.
Những năm ấy đã bớt khó khăn, người ta bắt đầu xây dựng nhà cửa lại cho khỏi dột nát. Sau gần hai chục năm giải phóng, người ta tùy tiện sửa các con đường trước nhà cho cao, cho sạch. Con đường chợ chạy ngang qua trước nhà tôi cũng được đổ xà-bần hết lớp này, đến lớp khác. Nhà tôi nằm giữa một khu xây liên kế, nhà nào như nhà nấy, có một lầu lửng và một lầu chạy suốt. Đường đổ lên cao bao nhiêu, thì nền nhà cũng phải lên bấy nhiêu. Khi tôi đến ở nhà này, nền nhà đã được nâng lên cả hơn một thước, người cao lớn đứng thẳng gần chạm đầu với trần dưới lầu lửng. Cuối cùng, nền nhà thấp hơn mặt đường đến 6 tấc, phải đắp đê ngay giữa thành phố. Trời mưa nước ngập đầy nhà, sau khi nước ngoài đường rút đi, cả nhà phải xúm vào tát nước mấy tiếng đồng hồ mới xong. Mùa mưa cực lắm, có năm suốt mấy tuần lễ gia đình tôi rút hết mọi sinh hoạt lên cái lầu lửng, ở dưới nhà phải bắc cầu mà đi. Việc đi toa-lét thì khỏi phải nói. Nhưng gia đình tôi không cô đơn chịu cảnh ấy, mấy trăm gia đình thuộc khu chung cư chợ Ông Hoàng đều thế cả. Có lúc tôi tiếc cái nhà “bụng chửa”, cái nhà ấy ở dốc Ông Địa cao ráo, chẳng bao giờ ngập lụt.
Nhớ cái nhà “BỤNG CHỬA”, TÔI LẠI THOÁNG NGHĨ VỀ ÔNG CHỦ ĐÃ ĐỔI NHÀ CHO MẸ TÔI. Có lần vợ ông ấy đi chợ ngang qua nhà tôi, bà ấy ghé vào kể chuyện gia đình. Bà khoe “ÔNG xã chị ĐÃ sửa cái nhà ấy hết 2 lượng vàng, làm bữa tiệc thôi nôi cho thằng con trai hết 2 lượng nữa. Thầy bói nói sinh thằng này ra, anh chị làm ăn tiền vô như nước. Nó là quý tử của anh chị.”Tiền vô như nước đâu không thấy, chỉ nghe ít lâu sau ông ấy phải bán cái nhà “bụng chửa”, để mua một căn nhà lợp tôn ở vùng đất nông nghiệp mới chuyển đổi thành thổ cư. Còn mẹ tôi tuy có tiếc cái nhà ở chợ dễ làm ăn, song cũng phải tính đến chuyện bán nhà đi chỗ khác, vì quá ngán cái cảnh tát nước sau mỗi một trận mưa.
Khi gia đình tôi chuẩn bị dọn nhà lần nữa, thì ông Hoàng qua đời. Ông chết cô đơn tại quán café trong một đêm mưa gió lầy lội, không một người thân thích.
Vĩnh biệt ông Hoàng!
Chúng tôi về sống trong căn nhà mới ở giáo xứ Tân Trang vào giữa mùa hè 1997. Căn nhà gia đình tôi đang ở hiện nay rất thuận tiện. Bố mẹ tôi chỉ đi bộ mất ba phút là ra đến nhà thờ. Từ nhà tôi ra chợ mất độ dăm bảy phút. Trường học cũng khá gần, nhà nằm ngay phía sau lưng trường, con cháu có đi học ghé vào thăm ông bà chỉ mất hai phút. Nhà tôi ở trong một cái hẻm cụt, khá an ninh. Bước ra khỏi cái hẻm này, sang bên kia đường là “Trung tâm phục hồi chức năng trẻ bại liệt”, ở đó có một khoảng đất rất rộng, mỗi sáng bố mẹ tôi thường tập thể dục tại đó. Mẹ tôi bây giờ không phải chạy vạy kiếm ăn nữa, bà cùng với chồng sớm tối đọc kinh cầu nguyện. Cứ vào 3 giờ chiều, hai ông bà lại ngồi tại phòng khách đọc tràng chuỗi kinh Lòng Chúa Thương Xót, và cùng nhau đọc Thánh Vịnh. Tôi cảm thấy hạnh phúc thay cho bố mẹ tôi, một sự bình an không gì có thể mua nổi! Sự bình an phẳng lặng tỏa ra từ tiếng đọc kinh đều đều của bố mẹ tôi. Mẹ tôi bảo “Bây giờ mẹ chẳng thiết tha gì của cải, chỉ mong mỗi ngày còn đi được đến nhà thờ phụng sự Chúa, đi chợ nấu ăn phục vụ mọi người, thế là mẹ mãn nguyện rồi!”
Ba nhân vật trong câu chuyện của tôi: mẹ tôi, ông chủ tiệm thuốc và ông Hoàng đã cho tôi một kết luận giống như mẹ tôi đã từng nói “làm bởi bay mà cho bởi Ta”. Ông Hoàng thì đã nằm sâu trong lòng đất, hương hồn còn chưa biết về đâu; mẹ tôi thì xác tín rằng bà sẽ về với Chúa; còn ông chủ tiệm thuốc thì chẳng biết bây giờ có tin vào thầy địa lý nữa không.
4/7/2011
Vũ Thủy
Nguồn: http://www.dunglac.info/index.php?m=home&v=detail&ia=18529
0 Nhận xét