Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

[Giải VVĐT 2018] Thiên thần không cánh


THIÊN THẦN KHÔNG CÁNH 


(Mã số: 18-161)

1. 

- Trân ơi, vào nhà sơ một chút, mau lên con! 

Tôi tức tốc bật dậy, lao ra khỏi nhà lúc 10h khuya, chắc chị sinh, tôi nghĩ vậy. 

- Trân ơi, khăn con… 

- Trân ơi, nước sôi, mau! 

- Trân ơi… 

Tôi chạy như bấn loạn giữa những tiếng kêu của các sơ và tiếng thét của chị… 

- 2, 3… sắp được rồi con, gắng lên! 

- 2, 3… 

- Á… 

- 2, 3 cố lên con… rặn đi con, rán lên… 

- 2, 3… cố lên, cố lên, sắp được rồi này… 

- 2, 3… 

- A…a…a…á…á… 

… 

- Oe, oe, oe… 

Sinh rồi, sinh rồi… Tôi ngồi thụp xuống sàn nhà, thở phào nhẹ nhõm, áo tôi ướt sũng. Mọi thứ diễn ra quá nhanh, quá gấp, đến mức tôi chẳng kịp định hình lại những gì vừa xảy ra trước mắt mình nữa. 

Phía kia, trước mặt tôi, các sơ cũng đang mồ hôi nhễ nhại, thở hồng hộc, nhưng vẫn nở một nụ cười tươi, thật tươi… Chào mừng con đến với thế giới này! 

Tôi đưa mắt nhìn lên chiếc đồng hồ bên ngoài hành lang, 11h30, chị đã trực sinh hai tiếng rồi. Tôi cứ nghĩ chị phải chuyển về viện, chị sinh khó mà lại chuyển dạ sớm, làm không ai kịp xoay xở gì, may mà mẹ tròn con vuông cả. Tôi chẳng biết trong cuộc sinh nở này, ai mệt hơn ai, chỉ thấy ai cũng mồ hôi nhễ nhại, nhưng ai cũng vui và hạnh phúc, nhất là chị, cứ cười mãi thôi. Nhóc con, con làm cô Trân mệt quá nhé, lớn lên phải nghe lời cô Trân, không cô Trân đánh nhé! Tôi cười, méo xẹo. 

Sơ Nhiên đang tắm cho thằng bé. Sơ Phượng cười nhìn tôi: 

- Hôm nay cô Trân biết đỡ đẻ rồi nhé, học y đi con. 

Tôi cười: “Sợ lắm rồi sơ ạ!”. Chúng tôi, ba con người nhìn nhau, cười trong nước mắt trộn lẫn với mồ hôi. 

Chị đến nơi này cách đây 3 tháng, khi thằng nhóc đã lớn “vượt mặt” trong bụng mẹ nó. Ngày chị đến, mắt lúc nào cũng đỏ hoe, gương mặt tiều tụy như chỉ cần động đến là mọi sự sẽ đổ vỡ. Cô gái nào cũng thế, khi đã đến đây ai cũng mang trong mình một tâm trạng, buồn là chính. Mỗi người mỗi số phận, mỗi hoàn cảnh, nhưng lại gặp nhau nơi đây, “Mái nhà lầm lỡ”. Các chị sống phía sau nhà Sơ, “Lầm lỡ”, cái danh nghe đến như đã hiểu được điều gì đang xảy ra rồi. Nhưng câu chuyện của chị, có lẽ nó không nên dùng hai từ lầm lỡ mà phải gọi là bi kịch, một bi kịch thật sự thì mới đúng. 

Chị sinh ra trong một gia đình đạo đức, gia giáo, nhà chị có hai chị đi tu. Tôi quen biết chị trong những lần giao lưu của ơn gọi giáo phận, chị hoạt bát, năng nổ và dễ thương. Thế nên, khi vào nhà Sơ một chiều nọ, nhìn thấy chị xuất hiện ở đây, tôi thật sự đã rất sốc, rất sốc. Tôi chẳng biết mình đã nhìn thấy gì nữa, liệu mắt tôi đã hoa chăng? Nhưng không, đúng là chị, là chị thật đó. 

Ba năm sau ngày về dòng tìm hiểu ơn gọi, chị bỗng bỏ tu, chị có người yêu, một anh chàng nghệ sĩ thích vẽ tranh và chụp ảnh, điển trai và ga lăng. Chị và anh tìm hiểu và yêu nhau nhiều lắm, rồi sau đó, hai anh chị quyết định đến với nhau. Nhưng trớ trêu thay, gia đình hai bên không chấp nhận mối quan hệ của hai anh chị. Chẳng ai biết lý do vì sao, có lẽ là do mâu thuẫn từ trước của của hai nhà, nhưng tôi biết, trong cái giây phút bồng bột của mình, hai anh chị đã đi đến quyết định phải có con trước rồi cưới, và thế là thằng nhỏ có mặt. 
Vinh nhục lẫn lộn giữa một gia đình bề thế và đạo hạnh, với một gia đình gia trưởng và lạnh lùng. Bao nhiêu cuộc hòa giải, bao nhiêu lần gặp nhau, vẫn là cái lắc đầu nhẫn tâm của hai nhà. Chị sống trong những ngày địa ngục của cuộc đời với những tiếng la mắng, những lời đàm tiếu và chửi rủa. Còn anh lại nhận lại những ánh mắt sắt đá từ thế gian. Hay thật, nhưng anh và chị sẵn sàng vượt qua, miễn là đến được với nhau. Thế nhưng, cuộc đời đâu là một câu chuyện cổ tích hay một giấc mơ thời hiện đại, 3 tháng sau, anh tuyên bố có người yêu mới, và cô người yêu này cũng đã có thai trước. Bi kịch là chính đây chứ còn là đâu, chị khóc trong tuyệt vọng, trong sự nhục nhã của tuổi trẻ, trong cái nhìn khinh khi của dư luận, làm sao chị chịu đựng cho nổi đây? Chị đã từng hi vọng bao nhiêu để rồi bây giờ lại thất vọng thật nhiều. 
Chị bỏ đi, để lại cho gia đình một lá thư rồi đến đây, như nơi an ủi cuối cùng và để chị làm lại cuộc đời mới. Tôi thấy thương cho chị, môt cô gái xinh đẹp và tài năng, nhưng hoàn cảnh thật trớ trêu. “Anh ta là thứ người sở khanh và chẳng bằng loài cầm thú em ạ”, chị vẫn nói thế mỗi khi nói chuyện với tôi. Tôi biết chị đau lòng nhiều lắm, bao lần chị đã định chết đi, nhưng vẫn phải sống, phải sống, vì thằng bé, thằng bé vô tội mà. Anh ta không chấp nhận thằng bé, nên chị sẽ chẳng bao giờ để nó biết cha nó là ai và đã đối xử với mẹ con nó thế nào đâu. Cuộc đời chị như một mảng màu tối đen mịt mù như buổi tối ngày hôm nay, không trăng, không sao, không có cả một cơn gió mào. Tôi nhìn chị, chị đang khóc, thằng bé thì nằm kế bên chị, tôi biết, dẫu chỉ còn một mình, chị cũng sẽ sống, vì thằng bé, chị sẽ hạnh phúc mà, tôi tin là thế. Thương chị, nước mắt tôi lại chảy dài, tôi lặng nhìn chị từ sau cánh cửa. Khép cửa lại, tôi dẫn Tina về phòng của mình, con bé cũng như con chị, cũng là những hoàn cảnh như thế. Cuộc sống, thật khó tưởng mà. 

2. 

- Tôi tuyên bố, hai anh chị chính thức ly hôn. 

“Cốp… cốp... Cốp” - Tiếng búa của ông thẩm phán gõ mạnh trên chiếc đế gỗ. Chị thụp mặt xuống, khóc nức nở, người con gái với một đời chồng. Tôi lặng thinh nhìn chị và Sam, rồi đây, hai mẹ con nó sẽ ra sao? 

Hai anh chị quen nhau được hai năm rồi cưới, chị có thai trước. Ngày chị cưới, tôi đã hi vọng về một cái kết đẹp cho chị. Anh là người Công giáo, chị là lương dân, lấy nhau bằng nghi thức Công giáo. Tôi cũng là người Công giáo, thế nên khi thấy chị yêu và quen một anh có đạo, tôi đã hi vọng biết bao cho câu chuyện của anh chị. Thế nhưng, cuộc đời không như tôi tưởng… 

Tôi đâu hiểu được anh chị luôn sống với nhau trong hoàn cảnh cơm không lành, canh chẳng ngọt. Anh và gia đình anh không cho chị đi làm, chị phải ở nhà nuôi con và chăm sóc con, phụng dưỡng bố mẹ chồng. Nhưng thế thì đã sao, chị còn phải “cung phụng” thêm cho bốn người chị chồng và con của chị chồng nữa, một gia đình hơn mười miệng ăn mà chỉ mình anh đi làm. Thế nên, những lần chị nhắc đến tiền bạc, anh lại giáng cho chị những cái bạt tai, dù chị chẳng làm điều gì sai. Chị đã khổ tâm thế nào mỗi lần mở miệng nới với anh: “Em hết tiền chợ rồi”. Tôi nghe tiếng chị bật khóc nức nở trong điện thoại: Hôm hay anh lại đánh chị; hôm nay chị bị mẹ chồng mắng vì cho cháu bà ăn trễ 10 phút; hôm nay chị bị chị chồng mắng nhiếc vì Sam đau quấy khóc… Tôi đã tưởng tượng những chuyện đó chỉ xảy ra trên ti vi mà thôi, ấy mà sao nó lại là hiện thực. Mỗi lần như thế, tôi chỉ có thể khuyên chị cố gắng nhẫn nhịn và cầu nguyện, tôi nào đâu biết làm gì hơn, chỉ có thể cầu nguyện cho chị mỗi đêm mà thôi. 

* * * 

Bốp, chị ngã lăn xuống sàn nhà. 

- Mày… cái thứ làm đĩ!- Anh nói như hét vào mặt chị. 

- Tao đã nói mày rồi, họ rước vợ về làm đĩ, còn mày lại rước đĩ về làm vợ. Thấy sai chưa hả em?- Bà chị chồng nói bằng cái giọng mỉa mai, khinh miệt. 

Tôi đứng trước cửa nhà, nhìn thấy tất cả, những lời mắng nhiếc chửi rủa, những câu nói cay đắng, xúc phạm lòng người và cả những cái bạt tai trời giáng nữa. Tôi nhìn thấy cả, tôi chạy vội vào, đứng trước mặt anh: 

- Em đã xin cho chị em về nhà bác một chút rồi mà. Em đã xin là em ghé đây một chút nên anh cho chị lên chơi rồi mà, sao anh lại đối xử với chị em như thế? 

- Tao cho mày dắt nó đi nhưng đâu cho nó tô son, trang điểm, đâu cho nó đi uống cà phê, đi dạo phố?- Anh xỉ thẳng vào mặt tôi, tôi sốc, sốc thật. 

- Nhưng đó là anh Tùng, anh ruột chị Mai mà, cớ sao… 

- Dẹp! 

Nói xong, anh cay cú bỏ đi, để mặc chị tôi ở lại với những lời cay độc ấy. Nếu chỉ là nghe chị nói, có lẽ tôi nghĩ chị sai mà còn cãi, nhưng lần này là tôi thấy thật, trước mắt mình. Nếu tôi không quay lại lấy ví, chắc tôi sẽ chẳng bao giờ chứng kiến cái cảnh tượng kinh hoàng này, và tôi, sẽ chẳng bao giờ biết được chị mình đã sống ra sao, chịu đựng thế nào. Ở xã hội bây giờ vẫn còn những con người thế sao? Vũ phu, gia trưởng, bạo lực và chỉ luôn nghe lời mẹ và các chị nói mà chẳng bao giờ nghe vợ mình giải thích. 

* * * 

Đêm qua, chị lại bị anh đánh, chị đã phải bỏ chạy ra khỏi nhà để không phải chịu kiếp cơ cực thế nữa. Mà chuyện thì có gì mà anh lại làm ầm lên thế! Chị Trang- chị dâu chị sinh, chị sang trông nhà cho bác mang cháo vào bệnh viện, về trễ 2 phút, chỉ 2 phút thôi đấy, thế mà anh vẫn đánh chị, vẫn nói là chị đi làm đĩ, đi cặp bồ. Anh kiểm soát thời gian của chị đến từng phút, từng giây, ngạt thở đến chết mất thôi. Anh đánh chị, đánh cách tàn nhẫn. Tôi nhìn thấy chị mặt mày sưng húp, đầy vết bầm tím, tôi chạnh lòng thương chị mà nước mắt cứ chảy dài, chẳng biết nói thêm điều gì nữa. Chị đâm đơn ra tòa, ly hôn, anh đồng ý ký. Mọi thứ diễn ra quá nhanh, quá bất ngờ. Lúc nào vẫn còn nói những câu ân ái yêu thương, mà khi nào đã gặp nhau ở tòa? Sam về với chị, chỗ dựa tinh thần cuối cùng của chị. Tôi ôm hai mẹ con vào lòng, chỉ hi vọng một cuộc sống mới, tốt đẹp hơn sẽ đến với chị mà thôi. Tôi thương chị, thương cháu, và thương cho cả một thế hệ của gia đình Công giáo ấy nữa. 

3. 

Bác giao Sam cho tôi giữ, chị bị trầm cảm và suy nhược cơ thể, phải nhập viện. Sam cũng sốc nặng, nên bác cho về với tôi để tôi giúp cháu. Chiều, tôi chở Sam vô nhà sơ để Sam chơi với Tina, hai đứa trẻ bằng tuổi nhau. Chị Ánh đẩy cu Ken ra sân nhà cộng đoàn đi dạo, bốn con người gặp nhau, ba đứa trẻ, hai số phận. Đứa không cha, bị bỏ rơi, đứa lại có một gia đình mà đến phút cuối bỗng tan nát. Tôi thầm hỏi chính bản thân mình, các con đã làm gì sai để rồi phải gánh chịu những tổn thương và mất mát như thế? Tôi vẫn nhớ lời cha quản xứ hay nói với mình khi giảng với gia đình ơn gọi: “Cái thai không có tội, tội là ở người làm ra cái thai”. Đúng thế, cái thai không có lỗi, các con không có lỗi, nhưng trong tất cả mọi sự, các con luôn là những người chịu thiệt thòi nhiều nhất, người lớn đau khổ liệu có bằng những nỗi mất mát trong lòng các con hay không? Ở hiện tại, các con được bao người yêu thương, nhưng rồi mai đây, các con liệu có còn được yêu thương như thế? 
Tôi lẩm bẩm trong miệng mình bài hát ngày xưa tôi vẫn hay hát: “Dù là Con Thiên Chúa, Người cũng có mẹ cha, có gia đình lối xóm, có quê hương đồng bào…”. Tôi nhìn bốn con người đang cầu nguyện trước đài thánh Giuse, Chúa tưởng như không cha nhưng lại có người cha nuôi yêu thương, đùm bọc, còn các con, các con có cha mà như không cha. Chúa cười hạnh phúc còn các con thì sao? Tôi hỏi mình tương lai nào dành cho các con? Nắng chiều hắt lên sân nhà sơ cái màu vàng hoe, bóng bốn con người đổ xuống trên nền sân trống, hiền hòa và thật êm dịu. Dẫu ngày mai có ra sao, Chúa cũng sẽ gìn giữ họ, tôi tin là thế. Thiên thần của tôi, các con không cánh, các con chẳng có cho mình đôi cánh nào cả. Không biết ai sẽ cho các em đôi cánh để các em bay lên, nhưng các em là những thiên thần đáng yêu nhất, trong sáng nhất, hạnh phúc nhất, ít ra là ở giây phút hiện tại này. 

Bờ vai Giêsu, bờ vai yêu thương, bờ vai cho ai mệt nhoài, khi lòng tê tái hay khi thất bại, tựa nương những lúc sầu vương, bờ vai Giêsu… 

Đăng nhận xét

0 Nhận xét