(Mã số: 18-163)
Tôi- Một cô gái quê mùa xóm đạo lên thành phố. Tôi- Đam mê ca hát, rời bỏ gia đình để theo cái nghiệp này trên thành phố. Mãi sau này tôi mới biết: Đó là nghiệp chướng! Tôi- Một nghệ sĩ hết thời!
Khi còn là một ca sĩ còn thời, tôi hái ra tiền mệt nghỉ! Bạn biết đó, tôi bán sức lực, bán giọng ca... Thậm chí là bán thân… chỉ để mong có được cái danh tiếng hão.
Tôi trước kia là cô gái trẻ, xinh, hay hát đáp ca nhà thờ. Với chất giọng vang, khỏe, sở hữu làn hơi tốt, tôi sớm được giao trọng trách solo trong những Thánh lễ trọng, lễ lớn. Tôi hạnh phúc với những lời khen ngợi, mặc xác những con mắt đố kị, những câu nói dè bỉu ngứa tai. Tôi ngạo mạn và thô lỗ... Thế nhưng, tôi lại bẽn lẽn không tưởng với ánh mắt của ông thầy trẻ mới về xứ, mỗi khi thầy tập hát... Tôi mơ tưởng là thầy đang hướng về phía tôi. Và có lẽ trực giác ấy là đúng, tim tôi đập loạn nhịp. Tôi tự vấn: “Thầy thích mình chăng?”. Và rồi tự đáp: “Thầy cũng là người mà!”
Có vẻ, thầy bắt đầu né tránh tôi hơn trước. Nhưng như thế, tôi càng xác quyết rõ hơn: Thầy thích tôi và sợ cảm giác yêu tôi! Tôi chẳng muốn giấu tình cảm của mình dù chỉ là sự rung động đầu đời. Cái lần mà giáo xứ tổ chức cắm trại hè, tôi bị lạc trong rừng khi đang chơi trò chơi lớn, tôi sợ lắm. Kinh khủng luôn! Trời chạng vạng, một mình tôi chệnh choạng. Tiếng rú của những con thú rừng làm tôi càng mất phương hướng. Tôi va vào tảng đá lớn và trật chân. Tôi không thể nào đi được nữa, chỉ biết ngồi đó, gào như một đứa trẻ thất lạc mẹ. Khi lời hồi đáp là chính tiếng vọng của mình, tôi tuyệt vọng và khóc. Rồi hàng loạt câu giá như... Giá như tôi cố nhịn tiểu tiện trong lúc đang chơi thì sẽ không phải như thế này, hoặc giá như... tôi bớt kiêu ngạo đi và dặn mọi người chờ tôi trong lúc đi tiểu tiện thì đâu ra nỗi này. Vì lúc đó tôi nghĩ mình là trung tâm của vũ trụ...
Đang dở những trang nhật ký, đọc về hồi ức, nhớ lại và tủm tỉm cười. Cái Lan đập vào vai tôi:
- Má lại tưởng nhớ lại cái thời “oanh tạc” ngày xưa chứ giề?- Lan nháy mắt với tôi và nhoẻn cười.
- Biết hết! Như đi guốc trong bụng người ta! Giõi...- Tôi cố trêu và kéo dài từ “giõi” thay vì “giỏi” cho đúng chính tả.
- Haha… Má lúc nào chả nhắc cho tui nghe. Nghe riết, thuộc lòng luôn...
- Dẫy na!
Hai đứa nhìn nhau và hả hê cười. Đôi lúc, thật vui khi chúng tôi cùng tưng tửng và nói chuyện không đâu vào đâu để rồi ha hả cười rôm rả.
- Thế mày muốn biết cái này có ý nghĩa gì với tao không?- Tôi cầm chiếc còi huýt màu đen giơ lên, thách thức.
- Dẹp! Bao nhiêu lần rồi… Toàn dụ tao. Bỏ hũ cất luôn đi má!
Tôi nhiều lúc cũng muốn kể cho nó nghe lắm. Nhưng nghĩ lại kể ra thấy xấu hổ. Tuy với con bạn thân thì chả sợ tai tiếng nhưng cũng ngại chết đi được. Ai lại đi rao: Tôi đang giữ kỷ vật của thầy tu... Loạn quá!
Thực ra, khi đang tuyệt vọng. Bỗng chốc, tôi nghe tiếng còi vang lên thật gần . Đó là tiếng còi trưởng đoàn, của thầy đây mà. Thế là, tôi như chim tiếp sức, dùng hết lực “hót thật vang” để gây sự chú ý.
- Cuối cùng, anh đã tìm thấy em. Anh rất lo...
Không để thầy nói hết câu, tôi vục mặt vào lòng thầy mà ra rỉ khóc thôi rồi! Tôi mừng rỡ nhưng vẫn không thể nào quên đi cái cảm giác kinh khủng khi ở một mình giữa nơi hoang vu như thế. Thầy xoa đầu tôi và nhẹ nhàng bảo:
- Không sao đâu! Mọi chuyện đã ổn. Tạ ơn Chúa!
- Em xin lỗi thầy!
- Hãy tạ ơn Chúa thay vì nói lời xin lỗi đi.
- Vâng, tạ ơn Chúa!
Thầy cõng tôi trên lưng, hai tay tôi vòng qua cổ thầy bám chặt lấy thầy vì sợ. Sợ giả như ai đó phía sau lưng, đập vào một cái. Có mà chết! Thầy nói:
- Em lấy chiếc còi trên cổ anh và thổi 6 tiếng nhé! Đó là tín hiệu để người khác biết em đã được cứu và an toàn, để họ quay trở lại trại...
- Em thích thầy… Cảm ơn thầy!- Câu nói vô duyên của tôi, chả đâu vào đâu, làm thầy nín thinh. Tôi không biết má tôi có ửng hồng như những cuốn truyện mà tôi đọc hay không. Nhưng đúng là tim tôi như nhảy ra khỏi lồng ngực vậy. Rồi tôi tiếp:
- Em không muốn hối hận khi không thổ lộ, nhưng em sẽ lên thành phố để học làm ca sĩ.
Thầy cũng im lặng và chẳng nói gì. Một mình tôi solo:
- Em sẽ rời vùng này, rời xa thầy. Bà em cũng không còn nữa. Em cũng sẽ ra đi để thực hiện ước mơ của mình. Thầy tặng em chiếc còi này để làm kỷ niệm nhé. Thỉnh thoảng, ở đâu đó, em sẽ thổi 6 tiếng để muốn nói với thầy rằng: Em vẫn ổn!
- Em cứ giữ lấy đi!
Tôi không hi vọng thầy sẽ giữ tôi lại và tôi cũng không mong như thế. Vì tôi không muốn bị ràng buộc chuyện tình cảm. Dù sao giấc mơ của tôi vẫn là thứ tôi khao khát cháy bỏng hơn. Ngày tôi nói lời tạm biệt thầy, thầy có đưa cho tôi một ít tiền và bảo: “Em giữ lấy, lên thành phố mà dùng, trên đó bao nhiêu thứ đều phải mua bằng tiền, không phải như quê mình đâu. Anh chỉ tích góp được bấy nhiêu thôi. Nhớ cẩn thận! Nhiều cạm bẫy lắm đấy! Nhớ chăm đi lễ và cầu nguyện, xin Chúa gìn giữ em nhé!”. Tôi không muốn nhận, nhưng thầy cứ nhét vào túi tôi. Tôi ngại lắm vì tôi biết đợt hè rồi, thầy về nhà, tôi nghĩ đây là số tiền thầy xin ba má mình, chứ thầy bà thì tiền đâu mà tích góp riêng tư. Nếu có, thì đã giao cho cha bề trên giữ dùm. Tôi chẳng cầm được nước mắt, liền ôm lấy thầy, hôn lên má. Mắt tôi mờ lệ, nhìn đôi mắt đượm buồn của thầy, lòng tôi cũng xót lắm! Đôi mắt ấy như muốn níu giữ lại tôi và cũng muốn nhắn với tôi rằng: Em hãy đi và thực hiện lý tưởng sống của mình nhé! Đợi ngày vinh quang!... Tôi chưa bao giờ hối hận về những gì mình làm, nhưng có lẽ lần đó là lần duy nhất tôi do dự.
Tôi ra đi mà lòng lại hướng về, đôi lúc, tôi không còn cái khao khát cháy bỏng là được thực hiện ước mơ của mình nữa. Chỉ là đôi khi như thế thôi! Mãi đến sau này khi công thành danh toại, tôi có trở về và dò la tin tức về thầy. Vỡ lẽ, thầy đã bị trục xuất vì yêu đương với tôi. Lẽ nào là vì cái hôn ấy sao? Là do tôi sao? Chẳng còn ai biết thầy đang ở đâu và về đâu? Tôi vội tìm kiếm từ nhiều “nguồn tin” khác nhưng vô dụng cả. Thầy biệt tích!
Tôi đặt chiếc còi ấy vào chiếc hộp đặc biệt như khoảng không gian riêng tư quý giá. Cô bạn lại nói vọng ra khi đang nấu bếp khiến tôi giật mình lần hai:
- Ôi, bà hoàng của tôi ơi! Xếp có mấy cái đồ nhanh đi, ngồi ngắm nghía cả tiếng. Tranh thủ mau lên, ăn cơm rồi. Xe đến, là chất đồ đi ngay.
- Rồi, rồi bà hoàng, xong ngay đây!
Tôi vội xếp gọn vào trong va li và vào bếp để cùng cô bạn làm cho nhanh.
Chúng tôi định chuyển nơi ở mới, để tiện cho những buổi thiện nguyện. Địa điểm dừng chân là trại phong Qui Hòa, nơi mang đến cho chúng tôi những kí ức đẹp về những ngày linh thao tuyệt vời.
Tôi nhặt rau để luộc, còn cái Lan đang kho chảo cá bống được anh hàng xóm từ quê đem lên. Mùi thơm phức! Nhớ cái mùi này lắm! Mùi cá bống mà tôi thường được bà kho cho ăn mỗi khi hai bà cháu ra đồng. Ngon lạ kì! Cứ chiều xẩm bóng, hai bà cháu lại cầm giỏ, cầm đơm ra đồng, đi ven theo mấy con mương, len lỏi trong mọi ngóc ngách. Khi thì được cả rổ cá, lúc lại được dăm ba con cua, thiếu thốn lắm! Nhưng, bình yên vô cùng! Tôi nhớ hương vị đậm mặn nồng của làng quê nghèo. Nhà tôi cũng nghèo. Để nấu món mắm cua, bà phải qua nhà bên cạnh, giã nhờ, xong đem về, vắt lấy nước, nấu thành mắm cua. Tôi thèm lắm món mắm cua chan cơm ăn, ngon chả gì diễn tả...
Thỉnh thoảng, ở thành phố tôi cũng muốn tìm lại cái hương vị ngày ấy từ những nhà hàng hạng thường cho đến hạng sang, không đâu bằng mùi vị cua đồng: ngọt, ngon, thơm. Tôi không biết là do vị giác tôi đã quen với những món do bà nấu hay do tôi mất cảm giác sau khi bà tôi mất... Nghĩ mà thương người bà! Nghẹn ngào! Tôi là một đứa trẻ mồ côi từ nhỏ, tôi sống với bà, chỉ một mình bà thôi. Ông tôi theo người đàn bà khác từ khi mẹ lên năm. Còn ba tôi thì lớn lên trong trại mồ côi. Bà tôi sinh ra mỗi má, lo cho má lấy chồng xong, tưởng là được an thân tuổi già. Má mất, lại cáng đáng thêm cả phần tôi. Bà cháu tôi nương nhau mà sống lây lất qua ngày. Mỗi ngày như thế, bà còng lưng đi bán rổ đậu phộng, hái về từ đám đất sau nhà. Bán được ít mà bị lường thì nhiều. Bà cũng cho qua mà chẳng làm lớn chuyện làm gì. Chỉ cần Chúa biết, Chúa sẽ ban cho ơn khác. Bà tin là như thế!
Có lần đi học về, tôi thấy bà ghé vào mấy quán nhậu đầu ngõ, mấy tên thanh niên vờ mua rồi quỵt tiền, bảo: Nợ, mai đến lấy. Nhìn một bà cụ với giọng điệu van nài yếu ớt, lam lũ nắng mưa mà bị lừa lọc như thế, lòng tôi đắng lắm! Tôi tự hứa với bản thân sẽ luôn ngẩng cao đầu, sẽ làm thật nhiều tiền để cho bà cuộc sống sung túc. Thế là, mắt tôi trừng trừng lao vào quán nhậu, la hét đòi tiền. Bọn chúng còn giơ đôi bàn tay bẩn thỉu mà vả mặt tôi. Bà tôi liền lao vào ngăn cản. Chúng đẩy bà tôi ra, bà đập đầu vào cạnh bàn. Bất tỉnh! Trên đường đưa đến bệnh viện, bà tôi mất. Tôi lại mồ côi lần nữa!
Tôi sụt sùi… Cá đã chín, cái Lan đang gắp bỏ vào đĩa. Không hiểu sao nước mắt cứ tuôn ra ào ào. Tôi nhớ bà da diết hay nghĩ hẩm hiu cho cuộc đời cô đơn của mình?
- Thơm quá mày! Ngửi cái mùi này là muốn ăn ngay.
- Mày có giã hành, giã tỏi hay đứng lửa như tao đâu mà mắt mũi nhễ nhại thế kia, con quỷ sứ!
Tôi lờ chuyện:
- Lan này, nếu mày không lên thành phố theo cái nghiệp ca hát thì mày làm gì hả nhỏ?
- Tao hả? Ừ thì... Có lẽ sẽ lấy chồng rồi mở quán nhỏ ở quê bán đồ ăn sáng. Với mấy đứa con phụ tao bưng đồ cho khách... kiểu dzậy!... Ơ mà nay mày lạ nghen, hỏi toàn câu sến súa không thế con quỷ! Thế còn mày, mày định làm gì?
Tôi mỉm cười, suy tư:
- Tao hả? Tao cũng không biết nữa! Có khi vẫn theo nghiệp này... Hoặc có khi tao đã cùng người đàn ông ấy...
Câu nói dở ấy có đôi lúc thực sự là ước mong của tôi sau quãng thời gian từng trải ở đây. Lên thành phố, để có tiền đóng học phí cho các khóa học luyện thanh, học đàn, xướng âm, tôi chạy vạy khắp nơi xin việc làm thêm. Tranh thủ mọi giờ có thể, mọi lúc rảnh rỗi kể cả xuyên đêm, tôi còn đi phục vụ các quán bar. Tôi chả có thời gian dành cho Chúa, kể cả ngày Chúa nhật. Chân ướt chân ráo, tôi cũng được giới thiệu hát trong vũ trường. Tôi nghĩ mãi thế này sẽ biết bao giờ mình có thể đứng trên các sân khấu lớn để được ca hát. Tôi tìm đến các công ty giải trí để thử giọng. Một điều khá phũ phàng là họ không cần giọng ca quá xuất sắc, chỉ cần biết khoe và hợp nhu cầu thị hiếu của âm nhạc thị trường là “ok” tất. Tôi vốn không phải xuất phát điểm như thế vì tôi luôn tự hào về giọng hát mà Chúa phú ban cho mình, tự tin là không chỗ nào mà không cần đến tôi. Tôi đã lầm...
Sau rất nhiều lời dụ dỗ đường mật, tôi đã sa vào lưới. Lúc đầu, nghĩ mình chỉ làm một lần thôi mà, khi nổi tiếng rồi, thì không cần phải như thế nữa... Tuy nhiên, một khi đã sa vào lầy khó mà thoát ra. Tôi đã bán thân cho những người có thể cho tôi hào quang, thứ hào quang chớp nhoáng và chóng tàn. Để duy trì danh tiếng, tôi được sang tay như một món hàng và thực hiện đúng như những bản thỏa thuận để kiếm thật nhiều tiền cho công ty. Tôi chai lì với cảm xúc, thậm chí tôi còn ham muốn, thèm thuồng... dục vọng. Tôi chẳng tha thiết và mặn mà với ca hát nữa . Mà như con thiêu thân, tôi kiếm tiền và danh vọng bằng cách bán thân mình. Rồi, mọi chuyện kết thúc bằng những tấm ảnh nóng trên mạng và truyền thông đưa tin nóng: Nữ ca sĩ nổi tiếng tham gia đường dây mua bán dâm cho đại gia.
Đời tôi chấm hết! Nghệ sĩ hết thời!
Tôi đã bị HIV. Tôi nghĩ chắc do mình bỏ lễ, bỏ Chúa nên Chúa phạt. Có lúc tôi trách: Sao Chúa ác thế, đời tôi đã khổ quá rồi! Trong lúc tôi tận cùng, không thể nào đứng dậy được nữa, tôi đã gặp Lan. Một cô gái nhiễm S nhưng luôn lạc quan. Cô gái quê xóm đạo ấy cũng không có ai nương tựa, cũng có khao khát như tôi là cống hiến giọng hát mình. Nhưng xã hội o ép, đưa đẩy vào cái vòng luẩn quẩn không lối thoát, chúng tôi phải đánh đổi quá nhiều, hi sinh quá nhiều nếu không nói là tất cả. Nhưng Lan khác tôi. Cô vui vẻ, hạnh phúc, luôn nở nụ cười tươi rói, đón nhận mọi sự như Thánh ý Chúa. Nó đưa tôi tới nhà thờ, tới Chúa, tới cha giải tội. Nó vực tôi dậy bằng cách đưa tôi đến với những mảnh đời khốn khổ hơn tôi rất nhiều. Để tôi thấy mình vẫn còn may mắn, để tôi biết tạ ơn và trân quý mỗi ngày và để tôi trao ban khi còn có thể...
Chúng tôi đến rất nhiều những trại trẻ mồ côi, nhà dưỡng lão, nhà tình thương để ở lại một thời gian, phục vụ họ cả vật chất và tinh thần. Có lần chúng tôi được một vị cha già, nhưng rất hồn nhiên, dễ thương lắm luôn, mời chúng tôi đến tham dự một tuần linh thao đặc biệt. Chúng tôi đã gặt hái rất nhiều hoa thơm thiêng liêng sau đợt tĩnh tâm ấy. Tâm hồn tĩnh lặng vô cùng, bình an vô cùng. Tôi rất muốn nói lời cảm ơn chân thành nhất đến vị cha già tâm huyết ấy, cũng như vị cha trẻ uyên bác từ Rôma về để linh hướng cho chúng tôi. Tôi được gặp những người mà tôi chưa quen biết, rồi trong thinh lặng mọi người lại trở thành một gia đình thực sự. Đó là lần đầu tiên, tôi cảm nhận được niềm vui, niềm hạnh phúc khi có một mái ấm gia đình... Chúng tôi còn thấy ở đó những người mắc bệnh phong đang từng ngày chiến đấu với bệnh tật trong khổ sở, trong cô đơn... Vì thế, cả tôi và Lan quyết định quay lại để phục vụ họ một thời gian...
Ăn xong cơm trưa, chúng tôi lên xe và đến Qui Hòa. May mắn, chúng tôi được các sơ dòng Phan Sinh cho tá túc. Chiều hôm ấy, tôi và Lan đi dọc hành lang để ngắm biển. Biển xanh mát và bình yên vô cùng. Những hàng dương lâu năm rợp mát. Chúng tôi nhặt những hạt dương đã rụng quanh gốc, đặt dưới tượng Chúa Giêsu Tử nạn và tượng Mẹ Maria gần đó như một lời nhắn gửi: Chúng con đã về rồi đây!
Tôi định cầm cây đàn guitar rồi tìm một gốc cây nào đó mà ngồi đánh mấy bài nhạc Thánh ca và ngân nga. Ở dưới chỗ tán cây to, có một nhóm bệnh nhân ngồi vòng tròn. Tôi rủ cái Lan gia nhập vào nhóm người ấy. Họ là những người dân tộc Gia rai đang nằm lại và điều trị thời gian dài. May quá! Tôi và Lan đã từng đi tình nguyện nhiều nên có học được một ít ngôn ngữ của họ. Họ đã xa gia đình rất lâu. Những cuộc gặp như thế giúp họ vơi đi nỗi nhỡ gia đình. Và tôi hỏi họ có biết bài hát “Kinh Lạy Cha” không? Người thì biết, người thì ú ớ, người thì lắc đầu... Tôi đánh đàn, cái Lan bắt nhịp, chúng tôi hòa thanh trong tiếng vỗ tay nhịp nhàng.
Một người đàn ông đi ra từ cổng bệnh viện, xách theo một bì bánh mì. Người đàn ông không còn đôi tay lành lặn, có lẽ anh cũng là một bệnh nhân. Anh phân phát bánh mì cho mọi người và khi đến lượt tôi. Tôi ngẩn người: Đôi mắt này tôi thấy rất quen. Chính là đôi mắt mà tôi đã nao lòng không thể tả nổi. Đôi mắt ấy từng muốn níu giữ tôi lại và đã muốn nhắn với tôi rằng: Em hãy đi và thực hiện lý tưởng sống của mình nhé! Đợi ngày trở về…
Anh đưa bánh mì cho tôi. Tôi thẩn thờ. Anh khẽ lay:
- Cô ơi, cầm cho tôi vui nhé!
- Dạ, em xin lỗi thầy!- Tôi buột miệng gọi thế.
Thầy có vẻ ngờ ngợ khi nghe tôi gọi. Thầy nhìn tôi khá lâu, rồi quay sang cái Lan...
Tôi muốn lấy ngay chiếc còi đen ra, thổi 6 tiếng và nói với vẻ kiêu ngạo trước kia, rằng:
- Em không những ổn mà còn rất hạnh phúc thầy ạ!... Vì em... là nghệ sĩ hết thời... của Chúa đấy!
0 Nhận xét