Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

[Giải VVĐT 2018] Ai khôn ngoan

AI KHÔN NGOAN 



(Mã số: 18-135)

1. 

Ông Kiệt và bà Nhân là hai vợ chồng về hưu, sống trong một ngôi nhà khá khang trang ở giáo xứ Gò Thị. Ông là kỹ sư chế tạo máy bậc thầy. Những thứ đồ trong nhà đều do ông sáng chế. Mỗi thứ có một tác dụng riêng rất tiện lợi như cái máy tưới nước tự động, cái máy giặt liên hợp không cần phơi ủi gì hết, cái máy bắt muỗi, cái lò vi ba, cái bếp điện từ hẹn giờ... Còn bà là một nhà văn có tiếng dù chưa đạt giải Nobel hay giải Viết Văn Đường Trường. Tuy nhiên, sách của bà bán chạy vào hạng nhất nhì trong cả nước. Cho đến bây giờ, bà vẫn không ngừng sáng tác. Mỗi tác phẩm là một ý tưởng rất tự nhiên nhưng mang đầy ý nghĩa. Hàng tháng bà vẫn hưởng một khoản tiền kha khá từ các đầu sách của mình. Các nhà xuất bản không ngừng đặt hàng để bà có thể liên tục cho ra đời những “đứa con tinh thần” hầu đáp ứng nhu cầu của độc giả. Cũng bởi thế mà tính bà lãng mạn còn tính ông thì khuôn khổ. Ấy thế mà hai ông bà lại rất hợp nhau. Âu cũng là ơn Chúa sắp xếp. Cho nên, mọi chuyện trong nhà đều ổn thỏa, con cái đều trưởng thành và ăn nên làm ra. Bây giờ, hai ông bà trở về quê an hưởng tuổi già bên nhau và bên Chúa. 

Sáng hôm nay, khi ông ra vườn bật máy tưới nước tự động thì phát hiện vườn ổi bị trộm. Ổi rơi rụng đầy gốc, cành lá tả tơi. Nhìn là thấy bực! Ông quát lên om sòm. Mà biết chửi ai bây giờ. Kẻ trộm đã đi tám mươi đời. Cho nên, ông chửi rồi ông tự nghe. Bực quá, ông chạy nhanh vào nhà, ngồi xuống bàn, lấy giấy ra thiết kế ngay một hệ thống bẫy để “bắt trộm”. Thấy ông cặm cụi và có vẻ bực tức, bà mới đến bên hỏi khẽ. 

- Chuyện gì thế ông? Mới sớm mà bực tức dữ thế? 

Ông vẫn cặm cụi vẽ vẽ xóa xóa, miệng lẩm bẩm. 

- Được rồi! Lũ bay chờ đấy… Chỉ nội trong ngày nay, tao sẽ làm xong và bắt hết cả lũ... 

Nghe ông nói, bà như hiểu đôi chút nhưng không biết ông định bắt ai. Bà mới hỏi to. 

- Ông!... Thế ông đòi bắt ai thế? Nhà mình có trộm à? 

- Đúng... Trộm! Chúng trộm hết cả vườn ổi rồi kia kìa! Bà ra mà xem. 

Nghe ông nói, bà trả lời tỉnh bơ. 

- Ôi dào! Tưởng gì, lũ trẻ con nghịch ngợm ấy mà. Kệ chúng, coi như mình mua vui. 

Ông bực tức. 

- Vui gì! Mình trồng mình phải hưởng... Bà đúng là “đồ nhà văn”! Chỉ nói chuyện không đâu... 

Bà cười bình thản, từ từ kể cho ông nghe câu chuyện: “Ngày xưa có một chàng trai trẻ, đẹp trai như ông ngày xưa ấy. Vì chàng đẹp nên hay soi mình xuống hồ nước để ngắm nghía dung nhan của mình. Cũng vì thế mà chàng đâm say mê, cả ngày chỉ biết ngồi ngắm nghía chẳng chịu làm gì hết. Chàng ngắm đến mức quên ăn quên ngủ. Đến một ngày, vì quá nghiêng mình vào hồ nước, chàng trượt chân ngã và chết chìm trong đó. Chàng chết rồi, hồ nước mới khóc than thảm thiết. Khóc hết ngày này sang ngày khác chẳng chịu để cho ai yên. Có một bà lão như tôi đây, thương tình hồ nước mới hỏi thăm, vì sao hồ nước khóc. Hồ nước thút thít bảo vì thương nhớ chàng trai và hơn hết là vì không còn ai soi mình xuống hồ nước nữa. Bởi thế, hồ nước không còn cơ hội để ngắm nhìn sắc đẹp của mình trong đôi mắt của chàng trai. Cho nên, hồ nước khóc... ” (x. Vào Truyện, Nhà Giả Kim, Paul Coelho, Lê Chu Cầu dịch, nxb. Văn Học, tr. 11-12). Kể xong câu chuyện, bà nhỏ nhẹ nói với ông: 

- Thế đấy, ông có hiểu ý của tôi không? Ông đừng biến mình thành chàng trai hay là hồ nước nữa. Ông cứ thoải mái an hưởng tuổi già. Chuyện của lũ trẻ để tôi lo cho. 

Như hiểu đôi chút, ông đứng lên hôn vào trán bà rồi tiếp tục ngồi vào bàn kẻ kẻ viết viết. Bà lắc đầu bỏ đi ra ngoài. Con Milu cũng đi theo. 

Mới bước ra khỏi nhà, con Milu đã sủa ầm lên. Nó phát hiện người lạ trong vườn ổi. Thì ra đám trẻ con đang trộm ổi trong vườn, đứa nào đứa nấy nhét đầy bụng ổi. Chúng còn tham lam leo lên cao hái thêm những trái lớn ở tít trên đọt. Chúng tưởng rằng chẳng ai nhìn thấy chúng đang ăn trộm. Mà chúng cũng thừa biết hai ông bà già và con chó nhật ở trong nhà này chẳng làm gì được chúng. Cho nên, chúng ăn trộm mà giống như đang hái ổi ở nhà mình, tranh giành, cãi cọ đủ thứ. Bà đứng nhìn chúng và chỉ biết cười. Thế nhưng ông đã nghe thấy nên xồng xộc từ trong nhà chạy ra, trên tay cầm sẵn một cái roi. Con Milu thấy chủ chạy ra vườn, nó cũng chạy theo, miệng sủa liên hồi. Thấy dáng ông, chúng hô nhau ôm “của” chạy trốn. Chúng túa nhau chạy theo nhiều ngả rồi chui tọt ra ngoài qua các lỗ chó. Thoát ra khỏi vườn, chúng còn đứng nhìn vào chỉ trỏ, cười nói chọc cho ông tức lộn ruột. Tức quá, ông lấy đá ném chúng và hứa với lòng mình sẽ bắt chúng phải chịu tội. Thấy ông lấy đá ném, chúng biến mất ngay tức khắc, chẳng còn bóng dáng một đứa nào. Đuổi chúng đi rồi, ông càu nhàu trở vào nhà. Đụng cái gì, ông cũng đá phăng đi cho bõ tức. Bà chỉ biết nhìn ông cười thầm. 

2. 

Chiều đến, sau bữa cơm, ông và bà đi dự lễ ở nhà thờ giáo xứ. Đang khi dự lễ, ông phát hiện đám trẻ con “ăn trộm” đang ngồi ở bàn trên cùng. Tự nhiên, máu ông sôi lên. Ông muốn lên tận nơi túm lấy từng đứa đánh cho nhừ đòn rồi lôi cổ về mắng vốn cha mẹ chúng. Thế nhưng ông không thể làm gì được vì đang trong giờ lễ. Cho nên, cả buổi lễ hôm ấy, ông chỉ chăm chăm một điều là sau lễ sẽ bắt tất cả chúng. Ông lo ra suy tính sẽ phải canh chừng ở đâu, làm cách gì để bắt lấy tất cả mà không để lọt đứa nào. Trong đầu ông vẽ ra một chương trình “bắt trộm” như là một cỗ máy. Đến nỗi, ông quên đứng, quên ngồi, quên thưa kinh cầu nguyện và quên cả việc rước lễ. 

Sau lễ, ông chạy ngay đến cửa hông để chặn đường lũ nhỏ. Thế nhưng chúng đã biến đi từ lúc nào ông chẳng hay biết. Vì thế, ông lại càng bực tức hơn. Trên đường về nhà, trong đầu ông chỉ toàn là những kế hoạch “bắt trộm”. 

Đêm đến, đang khi hai ông bà thiu thiu ngủ thì nghe tiếng con Milu sủa. Ông choàng tỉnh, cầm đèn pin chạy ra cửa, rọi thẳng vào hướng con Milu sủa. Thiệt là lũ ma quỷ phá hại nhà người ta! Cả một đám trẻ con đang cặm cụi dưới gốc cây nhãn lượm lượm nhặt nhặt những chùm nhãn chín thơm lừng từ trên cây thả xuống. Mà cũng khen cho chúng, trời tối thế mà chúng vẫn hái được nhãn, lại còn tự nhiên như đang ở nhà. Chúng nghe tiếng chó sủa và ánh đèn pin mà vẫn cứ bình thản nhặt nhạnh. Ấy thế, ông càng tức hơn, tháo xích thả con milu ra rồi cầm gậy lao ra vườn. Bây giờ, chúng mới hốt hoảng bỏ chạy tán loạn. Chúng chẳng cần biết luống rau, luống cà chi hết, cứ bươn ào chạy đến hàng rào, chui tọt ra ngoài qua mấy cái lỗ chó. Thế là thêm một lần ông chẳng bắt được kẻ trộm nào. Cho nên, ông tức tối lấy đá ném túi bụi, chẳng cần biết có trúng ai hay không. Một lúc sau, vì mỏi tay và vì không còn nghe tiếng ai nữa nên ông lủi thủi đi vào. 

Cả đêm ấy, ông không ngủ được vì tức và vì kế hoạch bắt trộm. 

3. 

Sáng hôm sau, ông dậy sớm đi ra vườn ổi thực hiện kế hoạch bắt trộm của mình. Ông tự tay bố trí hệ thống bẫy rất khoa học. Đêm qua ông đã tính toán hết tất cả mọi đường ra ngõ vào và giờ giấc hoạt động của đám trẻ. Lần này, ông nhất định sẽ bắt gọn bọn chúng bằng chính phát minh của mình. Ông sẽ để chúng tự mắc bẫy. Cho nên, ông đem nhốt con Milu vào nhà sau. Xong việc, ông vào nhà nói với bà. 

- Bà cứ chống mắt lên mà xem nhé! Hôm nay, tôi sẽ bắt gọn bọn chúng. Bây giờ, bà và tôi vào nhà theo dõi. 

Nói xong, ông kéo bà vào trong, đóng cửa ngồi chờ. 

Một giờ sau, đúng như dự đoán, bọn trẻ đã trở lại. Lần này, chúng cẩn thận hơn, cho một số xung phong vô trước, số còn lại đứng canh bên ngoài. Những đứa đã lọt vào trong, nhè nhẹ tỏa ra khắp vườn và bắt đầu hái ổi. Thế nhưng có đứa phát hiện những dụng cụ gì là lạ trên đất. Chúng lấy cây gạt thử và làm sập một cái bẫy cổ chó. Bẫy bật tung làm chúng hết hồn thét lên. May mà chúng chẳng bị gì. Thế là chúng bắt đầu cảnh giác. Chúng để ý đến những đụn lá chung quanh, vì ẩn dưới đó là hệ thống các bẫy có thể siết chặt chân người nếu giẫm phải. Cho nên, chúng vẫn tiếp tục hái ổi mà không hề hấn gì. Từ trong nhà, ông trông thấy rõ từng đứa nhưng sao chúng vẫn chưa mắc bẫy. Hay là bẫy của ông bị chúng vô hiệu. Thật tức chết đi được! Ông đã nghiên cứu kỹ rồi mà. Thôi thì chạy ra xem sao. Biết đâu khi thấy ông, chúng sẽ chạy lung tung và giẫm phải bẫy. Nghĩ là làm. Ông đẩy mạnh cửa nhảy ra, cầm gậy xông thẳng ra vườn. Đám trẻ con bị bất ngờ, vứt lại những túi ổi, bỏ chạy thoát thân. Thế nhưng cũng chẳng có đứa nào sập bẫy. Vì thế, ông càng tức hơn, quyết định rượt đuổi bọn chúng tới bến. Ông vừa chạy ra vườn vừa hô hoán, chửi rủa. 

Bỗng ông thét lên một tiếng rồi ngã sấp mặt xuống đất, quằn quại đau đớn, hai chân duỗi thẳng ra. Nghe tiếng ông, bà hốt hoảng chạy ra, vừa chạy vừa than. 

- Đấy, khổ chưa! Tôi đã bảo rồi… Kệ cha chúng nó!... 

Thấy ông vẫn còn nằm im trên đất, mấy đứa nhỏ cũng hết hồn hết vía rú lên. 

- Ôi, ông Mười!... 

Chúng cảm thấy mình đang gây ra một tội lỗi lớn. Biết đâu, ông chết hay gãy tay gãy chân thì chúng hối hận không kịp. Thế là chúng quên hết sợ hãi, chạy đến bên ông. Chúng rối rít hỏi thăm và cùng nhau gỡ ông ra khỏi cái bẫy. Đúng là “gậy ông đập lưng ông”. Ông cố tình đặt bẫy đám trẻ mà bây giờ chính ông lại sập bẫy. Thật chẳng có cái dại nào hơn cái dại này. Ông đau đớn rên rỉ, nước mắt trào ra vì xấu hổ. 

Sau khi gỡ ông ra khỏi bẫy, bà và đám trẻ đưa ông đến nhà thương. Trong lúc bác sĩ chăm sóc vết thương, ông bắt đầu ngẫm nghĩ. Thiệt lũ trẻ này làm cho mình tức không chịu được. Tuy nhiên, chúng cũng thật dễ thương. Nhìn những đôi mắt thơ ngây của chúng mới đáng yêu làm sao. Chúng đã biết lỗi, biết lo cho ông. Và đặc biệt là trong cơn nguy hiểm, chúng đã không còn biết sợ hãi, quay lại chăm sóc ông. Đúng hơn, tình yêu đã chiếm trọn trái tim chúng. Cho nên, chúng làm việc ấy cách nhẹ nhàng chẳng chút so đo. Đấy, chúng vẫn còn đứng đầy ngoài kia... Đoạn, ông thưa thầm vơi Chúa: “Chúa ơi! Bây giờ thì con đã hiểu như thế nào là sự “khôn ngoan của Thập Giá”.
Cái khôn ngoan ấy, người đời khó hiểu thấu và khó thực hiện được. Thế mà đám trẻ con này đã thực hiện điều ấy cách ngon lành. Có phải là nếu con muốn đạt được sự khôn ngoan trong Chúa thì con phải để cho lòng con trở nên như trẻ thơ. 
Bao nhiêu năm nay, con đi tìm sự khôn ngoan của người đời, những mong đạt được sự yên bình trong Chúa nhưng chẳng được. Lòng con đã dành cho thế gian quá nhiều chỗ. Đúng ra, khi đã ở tuổi xế chiều này, con phải biết sống thảnh thơi trong Chúa, coi mọi chuyện là niềm vui. Vợ con thật đúng khi ví con như “chàng trai” chỉ biết ngắm nhìn mình trong hồ nước mà thôi... Lạy Chúa! Con đã hiểu được phần nào là “khôn ngoan” đích thực rồi!...” 

Sau khi bác sỹ băng bó vết thương, ông và bà cùng với đám nhỏ trở về nhà. Tự nhiên, ông cảm thấy hạnh phúc hết sức. Từ ngày về quê an dưỡng, chưa bao giờ, ông nghe tiếng trẻ con rỉ rả bên tai. Bây giờ, chẳng những ông được nghe mà còn được thấy chúng quây quần bên cạnh. Ông như thấy mình trẻ lại và thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn. Ông muốn ôm tất cả chúng vào lòng, hôn lên trán từng đứa. Như thế là cuộc sống ông sẽ đẹp biết bao. Ông nhìn chúng và nhoẻn miệng cười. 

- Này các cháu! Có muốn ăn ổi, ăn nhãn nhà ông nữa không? 

Đám trẻ con ngơ ngác, sợ bị ông la. Chúng lấm lét nhìn ông. 

- Dạ, chúng con xin lỗi ông bà. Chúng con không dám nữa ạ!... 

- Thôi, bỏ đi!... Ông cho chúng cháu tất cả vườn ổi ấy... 

- Dạ! Chúng con cảm ơn ông... Chúng con sẽ giúp ông bà chăm sóc vườn ổi... 

Mọi người nhìn nhau cười hạnh phúc. 

Tự nhiên, ông ngước nhìn ảnh chuộc tội trên bàn thờ rồi nhìn hết đám trẻ. Ông thốt lên: 

- Đúng là “những người khôn ngoan của Chúa”!...

Đăng nhận xét

0 Nhận xét