Banner top

Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

"Sự trở về của đứa con hoang đàng" - Tuyệt tác được biết đến nhiều nhất của Rembrandt





"SỰ TRỞ VỀ CỦA ĐỨA CON HOANG ĐÀNG"
TUYỆT TÁC ĐƯỢC BIẾT ĐẾN NHIỀU NHẤT CỦA REMBRANDT


"Sự trở về của đứa con hoang đàng" (The Return of the Prodigal Son), tranh sơn dầu (206 x 262 cm), vẽ năm 1669, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Hermitage , Saint Petersburg, Nga, được xem là bản di chúc tinh thần của Rembrandt (1606-1669), và ngay từ khi mới ra đời, đã được xem là một kiệt tác hội họa của nhân loại.

Bức tranh mô tả một trong những dụ ngôn của Chúa Giê-su, được ký thuật trong Phúc âm Lu-ca 15: 11-32.

Đây là một trong những dụ ngôn được biết đến nhiều nhất của Chúa Giê-su, chỉ được chép lại trong Phúc âm Lu-ca, làm nổi bật thông điệp thần học của phúc âm này: Tình yêu và ân điển của Thiên Chúa được ban cho vô điều kiện. Sự tha thứ dành cho người con không dựa trên công đức, vì từ đầu cho đến cuối câu chuyện, khó có thể tìm thấy bất cứ việc lành nào chàng trai đã làm. Chỉ cần hành động quay về trong hối cải là đủ cho tấm lòng bao dung của người cha vẫn hằng mong đợi con mình.

Đứa con hoang đàng là hình ảnh khá phổ biến trong các gia đình Thiên Chúa Giáo xưa nay, khi những đứa con đến tuổi trưởng thành quyết liệt khước từ niềm tin truyền thống của gia đình, bất kể những nỗ lực của cha mẹ dìu dắt con cái họ từng bước lớn lên trong đức tin, cùng những lời cầu nguyện thấm đẫm tình yêu dành cho đứa con yêu dấu. Kiêu hãnh và mạnh mẽ, chàng trai tìm đến những vùng đất xa lạ, buông mình vào các cuộc phiêu lưu, và háo hức dò tìm các giá trị mới, cho đến khi ngã quỵ trước thất bại và tuyệt vọng. Khi ấy, đứa con hoang đàng mới nhận biết hơi ấm vòng tay ôm của người cha là quý biết bao.

Để hiểu rõ hơn nội dung bức tranh, hãy đọc trích đoạn trong Phúc âm Lu-ca 15:11-32 dưới đây:

“ Rồi Đức Giê-su nói tiếp: "Một người kia có hai con trai. Người con thứ nói với cha rằng: "Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng. Và người cha đã chia của cải cho hai con. Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.

"Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: "Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: "Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy. Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để.

Bấy giờ người con nói rằng: "Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa... Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: "Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy". Và họ bắt đầu ăn mừng.

"Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. Người ấy trả lời: "Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ. Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. Cậu trả lời cha: "Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!

"Nhưng người cha nói với anh ta: "Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy."


(Bài viết riêng cho website của Tổng Giáo Phận Saigon)

---

“SỰ TRỞ VỀ CỦA ĐỨA CON HOANG ĐÀNG”-TÁC PHẨM VĨ ĐẠI NHẤT CỦA REMBRANDT (1606-1669)

nhìn gần


“Sự trở về của đứa con hoang đàng”, vẽ năm 1669, là tác phẩm cuối cùng của Rembrandt. 

Ở đây, ông diễn giải ý tưởng Thiên Chúa giáo về lòng thương xót với một sự trang trọng khác thường, như thể đây là chứng nghiệm thiêng liêng của ông cho thế giới.  Nó vượt xa các tác phẩm của tất cả các nghệ sĩ Baroque khác trong việc khơi gợi tâm thế tôn giáo và sự cảm thông của con người.  Sức mạnh “hiện thực chủ nghĩa” nơi người nghệ sĩ lớn tuổi không hề giảm đi mà còn tăng lên nhờ sự thấu hiểu tâm lý và nhận thức tâm linh.  Ánh sáng và màu sắc biểu cảm cùng khả năng gợi ý kỳ diệu trong cách thể hiện của ông, cùng với sự đơn giản có chọn lọc trong cách bố cục, giúp chúng ta cảm nhận được toàn bộ tác động của sự kiện.

Nổi bật trong tranh, là hình ảnh người cha và “Đứa con hoang đàng” trên nền không gian tối. Đặc biệt sống động là chiếc áo rách rưới của con trai, và tay áo của cha già, nhuốm màu ô liu vàng; màu của đất kết hợp với màu đỏ tươi mãnh liệt trên chiếc áo choàng của người cha tạo thành một sự hài hòa màu sắc khó quên. Nó khiến cảm xúc của người xem xao động. Người con trai, tàn tạ và đáng ghét, với cái đầu trọc và vẻ ngoài của một kẻ bị ruồng bỏ, trở về nhà của cha mình sau một thời gian dài lang thang và nhiều thăng trầm. Anh ta đã lãng phí tài sản của mình vào những thú vui hoang lạc ở những vùng đất xa lạ và cuối cùng, bị khánh kiệt phải rơi vào tình cảnh khốn khổ và bị khinh khi phải đi chăn lợn. Người cha già của anh, mặc bộ quần áo sang trọng, cùng những nhân vật phụ tá, đã vội vã đến trước cửa đón nhận đứa con trai thất lạc từ lâu với tình yêu cao cả nhất.

Không có sự khoa trương, cường điệu nào như trong những bức tranh khác của các họa sĩ khác vẽ cùng đề tài, hình ảnh trong tranh của Rembrandt thể hiện một sự tĩnh lặng trang trọng. Khó quên là hình ảnh tội nhân ăn năn như ngã quỵ gục vào lòng ngực cha và người cha già cúi xuống ôm con. Cái dáng dấp ân cần, vị tha của người cha nói lên một lòng tốt cao cả và mạnh mẽ. Đôi tay dang rộng của ông đầy bao dung. Tất cả, làm nổi bật tư tưởng chủ đề, tác phẩm, trở thành biểu tượng của sự sám hối và tha thứ. Ánh sáng trong tranh, là ánh sáng dịu dàng của lòng thương xót của Thiên Chúa.

Từ thời Phục hưng, “Sự trở về của đứa con hoang đàng” trong Kinh Thánh đã trở thành chủ đề được nhiều nghệ sĩ quan tâm yêu thích. Có rất nhiều danh họa vẽ về chủ đề này. Nhưng nổi bật nhất, theo hầu hết các nhà phê bình, là tác phẩm này của Rembrandt. 
Rembrandt quay đi quay lại với chủ đề này nhiều lần trong sự nghiệp của mình. Và tác phẩm cuối cùng này, vẫn là tác phẩm thành công nhất.

*
“Sự trở về của đứa con hoang đàng”, có lẽ , là một trong những câu chuyện ngụ ngôn của Chúa Giêsu được biết đến nhiều nhất. Nó chỉ xuất hiện trong Phúc âm Luca. Theo truyền thống, nó thường được đọc vào Chủ nhật thứ ba của Mùa Chay.  

Câu chuyện kể về một người con thứ, yêu cầu cha già chia tài sản cho mình. Sau đó, anh ta bỏ đến một vùng đất xa xôi và tiêu pha lãng phí tất cả tiền của mình một cách hoang đàng. Khi nạn đói ập đến, anh ta trở nên nghèo túng đến cùng cực và buộc phải làm nghề chăn lợn. Đến khi hết chịu nổi, đến mức ghen tị với những con lợn mà anh ta đang chăm sóc, cuối cùng anh ta đã tỉnh ra: “Bao nhiêu tôi tớ làm thuê cho cha tôi có bánh mì đủ dùng, còn tôi đang chết vì đói! Tôi sẽ đứng dậy về với cha tôi và sẽ nói: Cha ơi, con đã phạm tội với Chúa và với cha...”

Với lòng ăn năn hối cải, anh chạy về với cha mình. Nhưng khi anh con đang ở xa, người cha nhìn thấy anh, đã chạy đến đón nhận anh bằng tất cả lòng thương xót...
Người con trai thậm chí còn không có thời gian để nói những lời mà anh chuẩn bị trước, vì người cha kêu gọi những người hầu của mình mặc cho anh ta một chiếc áo choàng đẹp, trao cho anh đôi dép, chiếc nhẫn mới, và sai giết thịt "con bê được vỗ béo" cho một bữa ăn mừng.  
Người con trai lớn đang đi làm đồng nghe tin người em trai trở về, được cha đón nhận như vậy, đã không vui mừng mà còn tức giận. Anh nói với cha mình: "Này, tôi đã phục vụ gia đình nhiều năm nay, và tôi chưa bao giờ làm trái ý cha, nhưng cha chưa bao giờ cho tôi một con dê, để ăn mừng với bạn bè tôi. Nhưng, với kẻ đã tiêu tán hết số tài sản đã được chia phần cho mình vào những cuộc ăn chơi với bọn gái điếm, thì cha lại giết bê chào đón nó.”

Dụ ngôn kết thúc với việc người cha giải thích: “Nhưng thật thích hợp để ăn mừng và vui mừng, vì em trai con, đã chết và đang sống lại, đã mất và được tìm thấy."
*
“Sự trở về của đứa con hoang đàng” của Rembrandt, từ cuối thế kỷ 19, là tài sản quý giá của Bảo tàng Hermitage ở St Petersburg-Nga.

Sử gia nghệ thuật Kenneth Clark ca ngợi: “Đây là bức tranh mà những ai đã từng xem bản gốc ở St.Petersburg đều có thể được tha thứ vì cho rằng nó vĩ đại nhất trong số tất cả những bức tranh mà nhân loại từng biết đến...!”

Còn sử gia nghệ thuật HW Janson thì viết: “Sự trở về của đứa con hoang đàng”, là bức tranh cảm động nhất của Rembrandt. Đó cũng là bức tranh tĩnh lặng nhất của ông-một khoảnh khắc kéo dài đến vĩnh hằng. Tinh thần của sự im lặng dịu dàng lan tỏa đến mức người xem cảm thấy có mối quan hệ thật gần gũi. Mối liên kết đó có lẽ mạnh mẽ và gần gũi hơn bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào trước đây. "

Linh mục người Hà Lan, Henri Nouwen (1932–1996) bị bức tranh cuốn hút đến nỗi cuối cùng ông đã viết một cuốn sách ngắn về “Sự trở lại của đứa con hoang đàng”, lấy các cảm nhận và sự xúc động trước tranh của Rembrandt làm cảm hứng. Ông bắt đầu bằng cách mô tả chuyến thăm của mình đến Bảo tàng Hermitage vào năm 1986, nơi ông có thể chiêm ngưỡng bức tranh một mình trong nhiều giờ...
(Trích từ “Nghệ thuật Công giáo”)

Đăng nhận xét

0 Nhận xét