Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

Giữ Chúa trong lòng bàn tay mình



Một bài học về Mình Thánh Chúa từ hồng y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận

Chuẩn bị cho các em nhỏ rước lễ lần đầu, phó tế Greg Kandra, lại quyết định có bài giảng nhắm đến cha mẹ các em.


Tôi muốn chào đặc biệt các em đang chuẩn bị được rước lễ lần đầu, và cũng chào đón cha mẹ các em nữa. Đây là mở đầu một thời khắc đầy phấn khích với con cái các bạn, nhưng cũng là một thời khắc phấn chấn cho chính các bạn và tất cả mọi người chúng ta trong giáo xứ này. Và tôi thực sự muốn ngỏ lời với những bậc cha mẹ các bạn, những người đồng hành với con cái mình khi các em chuẩn bị đón nhận các bí tích.

Chúng ta thấy những cột mốc trong cuộc đời con cái mình, nhưng có khi những cột mốc đó dần bị phai mờ. Có khi chúng thành một lô lốc những việc phải làm. ‘Tôi phải đưa con đi lễ.’ ‘Tôi phải cho con được rửa tội.’ ‘Tôi phải mở tiệc.’ Chúng ta bị chìm trong đủ chuyện vòng ngoài, từ mời khách khứa cho đến thực đơn, váy áo, mà quên mất ý nghĩa của bí tích. Tôi thấy chuyện như thế này xảy ra, trong các lễ cưới, lễ rửa tội, và rước lễ lần đầu.

Tôi muốn rằng chúng ta hãy bấm nút tạm dừng trong một lúc. Bởi sự chuẩn bị cho con cái chúng ta, cần phải có điều này.

Chúng ta xem Bí tích Thánh Thể là ‘nguồn cội và chóp đỉnh của đức tin chúng ta.’ Và chính đây là ý nghĩa của Phép Thánh Thể.

Hồi đầu thập niên 1970, trong thời chiến tranh Việt Nam, tổng giám mục Sài gòn lúc đó là Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận. Người cộng sản xem đức cha là một mối đe dọa. Và, vào lễ Đức Mẹ Lên Trời, ngày 15-8-1975, ngài bị bắt và giam vào tù. Không cần xét xử, không cần tuyên án, người ta chuyển ngài đến một nhà tù ở Bắc Việt. Ngài ở trong tù suốt 15 năm, và trong đó, đến 9 năm là tù cách ly. Trong thời gian ở tù, ngài không thể cử hành thánh lễ cũng như rước Mình Thánh Chúa.

Những gì ngài đã xoay xở để làm, thật là đánh động, là một lời nhắc nhở mạnh mẽ cho chúng ta thấy Phép Thánh Thể sống động đến thế nào.

Tổng Giám mục được cho phép làm một việc, viết thư cho các bạn bè ở bên ngoài. Và khi được viết thư, ngài thường xin họ gởi cho ngài ‘thuốc’ của mình. Họ biết ngài muốn nói gì. Họ gởi cho ngài các lọ thuốc ho chứa rượu, và một ít bánh. Các lính canh có lòng thương, đã cho ngài vài miếng gỗ và ít dây kẽm, từ đó ngài làm được một thánh giá nhỏ, giấu trong bánh xà phòng.

Ngài giữ tất cả những vật này trong một hộp carton. Chiếc hộp đó trở thành bàn thờ riêng của ngài. Mỗi ngày, lúc 3giờ chiều, giờ Chúa Kitô trút hơi thở cuối cùng, ngài nhỏ một giọt rượu lên bàn tay, hòa với nước, để cử hành thánh lễ.



Và như thế, phép lạ lớn lao nhất trong lịch sử có thể diễn ra. Phòng giam tù túng trở nên đẹp đẽ như một nhà thờ chính tòa, một nơi thánh để tôn vinh Thiên Chúa.

Ngài đã làm việc này trong suốt 13 năm. Cuối cùng, ngài cũng được thả tự do vào năm 1988. Trong năm thánh 2000, ngài đã được mời giảng ở Vatican, và thánh Gioan Phaolô đã tặng ngài một chén thánh, một món quà quá đỗi lớn lao với một người trong suốt chừng ấy năm, lấy lòng bàn tay mình làm chén thánh. Cùng trong năm 2000, ngài được phong tước hồng y. Hai năm sau, ngài qua đời. Vatican bây giờ đang thực hiện án phong thánh cho ngài.



Cố hồng y Nguyễn Văn Thuận là một con người hiểu đến từng hơi thở, sự trân quý của Mình Thánh Chúa.

Và đây cũng là điều mà tôi nghĩ chúng ta cần phải trao truyền cho con cái mình, khi các em chuẩn bị đón nhận bí tích này lần đầu tiên. Mình Thánh Chúa là một sự trân quý tột cùng. Quá đẹp đẽ. Đây là một ơn tràn trề của tình yêu.

Và chắc chắn, trên tất cả, đây là một tặng vật.

Trong bài Tin mừng theo thánh Máccô (Mc 10, 35-45) chúng ta nghe thấy rằng: ‘Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ.’ Thông điệp này không phải là về việc thu tóm, nhưng là trao đi. Chúa Kitô đã cho chúng ta một cách để trao đi. Và Chúa tiếp tục cho thấy điều này, Ngài đến với chúng ta, với con người thật của chúng ta, để trao ban mọi sự.

Ngài chính là tặng vật.

Chúng ta thấy ý nghĩa này trên đồi Golgotha.

Chúng ta đang thấy lại điều này trên bàn thờ, khi Chúa đến với chúng ta dưới hình bánh rượu, mẩu bánh đủ nhỏ để chúng ta giữ trong lòng bàn tay của mình.

Tôi nói lại một lần nữa: chính Chúa Giêsu là tặng vật!

Chúng ta nghe điều này trong lễ Giáng Sinh hàng năm. Nhưng chúng ta có nhận ra rằng mỗi thánh lễ thực sự là một buổi sáng Giáng Sinh hay không? Có thấy rằng tặng vật này tiếp tục được trao ban không ngừng hay không?

Thật là một phép lạ! Thật là mầu nhiệm!

Vài tuần trước, tôi có giảng lễ ở một phố nhỏ bắc Illinois. Đây là một vùng quê làm nông. Ngày chúa nhật, hết lần này đến lần khác, khi mọi người tiến đến nhận Mình Thánh Chúa, họ mở tay ra để đón lấy.

Hết lần này đến lần khác, tôi đặt mẩu bánh, là Mình Thánh Chúa Kitô, vào bàn tay của các nông dân và thợ hàn, những bàn tay thô ráp, chai sờn, và tôi nhận ra, có lẽ hơn bao giờ hết, ý nghĩa của bí tích này, trên mọi sự, chính là Thiên Chúa đến với chúng ta, trong tính người, trong sự đổ vỡ, lo lắng và mong muốn của chúng ta.



Những gì tôi chứng kiến ở giáo xứ bác Illinois này, thật mang tính biến đổi. Tôi chưa bao giờ thấy người ta âu yếm Mình Thánh Chúa một cách trìu mến yêu thương như thế.

Ơn của tặng vật này quá đỗi tràn trề. Nhưng, thường chúng ta xem đây như một chuyện dĩ nhiên. Khi bạn đến rước lễ sáng hôm nay … thì xin đừng. Đừng xem là chuyện dĩ nhiên. Đừng để bí tích Thánh Thể thành một chuyện gì đó để làm trong thánh lễ.

Đừng để bí tích mà con cái các bạn đang chuẩn bị đón nhận, thành một bức hình nữa trong albumn gia đình, một dịp nữa để ăn uống, để mời khách.

Nhưng, hãy nhớ, con người đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ. Hãy nhớ lấy điều này. Và hãy nhớ về hồng y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận.

Hãy nhớ đến những con người khắp thế giới, mà chúng ta không biết, họ không thể được làm những gì chúng ta đang làm hôm nay.

Hãy nhớ rằng chúng ta được trao một phép lạ một mầu nhiệm, và con cái chúng ta đang chuẩn bị đón nhận phép lạ và mầu nhiệm đó. Đây là một kỳ công không gì sánh nổi, một tình yêu không thể hiểu thấu.

Đây là một tặng vật được trao cho chúng ta.

Là ‘nguồn cội và chóp đỉnh của đức tin chúng ta.’

Và chính đây là ý nghĩa của Phép Thánh Thể.


Phó tế Greg Kandra là nhà báo đoạt giải, viết cho tờ CBS News trong 20 năm qua. Thầy là Phó tế Vĩnh viễn của Giáo phận Brooklyn.

Aleteia – Phó tế Greg Kandra 


Bài liên quan:

Đăng nhận xét

0 Nhận xét