Banner top

Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

[Giải VVĐT 2018] Lý tưởng


LÝ TƯỞNG 



(Mã số: 18-120)

Hè đã về thật rồi… 
Dù đã về nhà nghỉ hè được hơn một tuần, hôm nay, Sơn mới cảm nhận rõ mùa hè nơi làng quê quen thuộc. Chưa cần nghe tiếng chuông báo hiệu thánh lễ bốn giờ sáng, Sơn đã bị đánh thức bởi tiếng ve inh ỏi. Tiếng ve ấy mỗi ngày một rõ khi những bước chân của Sơn tiến gần hơn đến cổng nhà thờ xứ, nơi có hai cây hoa sữa cao hơn cột điện của làng. Ngày xưa, thời Sơn còn đi học xưng tội rước lễ lần đầu, cái cây hoa sữa này mới cao bằng nửa bức tường dãy phòng giáo lý cấp bốn, có một cành nằm ngang vừa tầm với của một đứa trẻ như Sơn. Vì thế, cành cây này là chiếc xà đơn lý tưởng để Sơn đu lên cây hít thở, hít thở. 
Hồi đó, khuôn viên này bình yên và tĩnh mịch lắm, có nhiều cây và hoa, có những vườn cỏ mà mỗi Chúa nhật Sơn và các bạn lớp giáo lý thường đến để cắt tỉa và quét dọn. Còn bây giờ, sau hơn một thập kỉ, khu đất này bị thay đổi liên tục và chóng mặt qua nhiều đời cha sở. Cha này đến chặt mấy hàng nhãn để mở rộng nhà xứ; cha khác tới cho xây bể nuôi cá và làm thêm cái ga-ra ô tô; cha khác nữa về lại lấp hồ cá làm sân cho giáo dân đậu xe, cha nữa thì xây thêm mấy cái chòi để đám trẻ đi nhà thờ ra có chỗ nói chuyện, hội họp. Chỉ có hai cây hoa sữa đặt ngay trước cổng nhà thờ là không bị chặt đổ hay di dời, nhưng nay nó đã lớn lắm rồi, chẳng còn có cành xà đơn lý tưởng cho Sơn hít thở. Tán của hai cây hoa này tỏa rợp và trở thành tổ của “ca đoàn ve sầu mùa hạ”, trung tâm điểm của tiếng ồn lúc canh khuya. 

Thánh lễ sáng kết thúc. Trời vẫn còn tờ mờ, chưa rạng hẳn. Có nhiều người đang ngồi lại trong nhà thờ cầu nguyện, nhiều nhất là các ông bà Hội Légio và các em nhỏ lớp ơn gọi. Sơn cũng ngồi lại một góc cuối nhà thờ, gần cái tòa giải tội của cha tiền nhiệm để lại. Tòa giải tội này được thiết kế như một ngôi nhà sang trọng có mái che, làm bằng gỗ sồi, có lẽ đắt tiền lắm. Nhìn tòa giải tội, nhìn lên Thánh Thể Chúa, Sơn lại suy nghĩ về ơn gọi và lý tưởng của mình. Liệu có nên tiếp tục theo đuổi mơ ước trở thành một Linh mục giáo phận, để làm “nghề chăn chiên” như Chúa Giê-su? Chỉ còn ba tuần nữa thôi là diễn ra kì thi vào Đại Chủng Viện. Đơn đăng kí dự thi thì đã nộp, nhưng sau một năm giúp xứ và nhiều lần chứng kiến đời sống và cách hành xử của các Linh mục, Sơn vấp ngã. Giờ này, tâm trí Sơn cũng ồn ào như tiếng ve ngoài kia. Càng cố tĩnh lặng, những hình ảnh trong đầu lại hiện ra trước mắt. 

- Quân khốn nạn!... 

Sơn xin đến giúp xứ tại một giáo xứ nọ, có cha Cương là người Sơn từng quen và hâm mộ. Sơn quen cha từ khi cha còn là thầy giúp xứ dạy Sơn lớp Ơn gọi. Thầy Cương chia sẻ lời Chúa rất hay, đơn sơ mà cũng rất thâm thúy. Chính thầy đã gieo vào lòng Sơn ước mơ trở thành một Linh mục của Chúa, một vị Linh mục thánh thiện, hết lòng vì đoàn chiên. Ngày thầy Cương được chịu chức Linh mục, Sơn cũng bắt đầu học Đại học. Thi thoảng nghỉ phép, Sơn vẫn ghé thăm cha. Nghe đâu, cha phó Cương còn trẻ mà chịu thương chịu khó, lại gần gũi, hiền lành nên được các con chiên quý mến. Thế mà, thực tế Sơn thấy trong năm giúp xứ lại hoàn toàn khác. 
Kể từ ngày cha được chuyển về làm cha sở, cha có chiếc ô tô do một ân nhân ngoại kiều biếu tặng, cuộc sống của cha cũng đổi khác, đầy tủ, tiện nghi và không thiếu một thứ gì. Chiếc ô tô bóng loáng bạc tỉ mỗi ngày chở cha đi mấy vòng, không đi làm lễ thì đánh xe đi bắn chim, đá bóng hay đi thành phố uống cà phê giải trí. Trong một năm ở để học mục vụ, công việc chính của Sơn là dọn bàn, tiếp khách, hết đoàn này đến đoàn khác. Dường như cha không có nhiều thời gian để soạn bài giảng hay đến với những người lương dân xung quanh mà truyền giáo, điều mà Sơn vẫn luôn thao thức và ước mơ. Ngày cuối cùng trước khi về nhà, Sơn lại được nghe cha “giảng” một bài rất “thấm thía”: 

Sau khi công bố Tin Mừng, cha “giảng” ba ý rạch ròi và uy nghiêm: “Thứ nhất, ca đoàn giáo họ Tân Phương luôn sáng tác một cung giọng mới, lên đọc sách mà cứ đọc giọng ở đâu đâu, khiến cộng đoàn đáp không nổi. Đề nghị giáo họ này chấn chỉnh lại. Thứ hai, sáng nay, có trận bóng đá giao hữu giữa các chú của cha quản hạt và các chú nhà xứ chúng ta. Xin ông bà anh chị em thu xếp thời gian đến xem, cổ vũ, đồng thời thể hiện sự hiếu khách của đội chủ nhà. Thứ ba, sau Thánh lễ, xin các mẹ, các chị ở lại quét dọn khuôn viên nhà thờ cho sạch sẽ. Cha đã nói giữa nhà thờ thì lo nhớ mà làm, đừng như mấy anh huynh trưởng nói mà không chịu làm. Ba cái việc kiếm tiền, quay xổ số thì nhanh nhẩu lắm, nhưng đến nhà thờ làm đẹp nhà Chúa, tôn thờ Thánh Thể thì không làm. Quân khốn nạn! Cha phải gọi mấy anh huynh trưởng xứ này là ‘quân khốn nạn’. Từ hôm nay, tuyên bố giải tán cái đám này”. 

Nói xong, cha gấp sách Tin Mừng và tiến về phía bàn thờ dâng lễ. Những lời đó đối với Sơn như một cú sốc lớn, bởi Sơn đang kì vọng nhiều hơn. Đó là giảng Lời Chúa ư? Linh mục có quyền nói bất cứ điều gì trên bàn giảng không? Sau ngày hôm đó, Sơn đã xin phép cha về, dù vẫn còn ít ngày nữa mới hết thời hạn một năm giúp xứ. 

Về lại giáo xứ mình, Sơn chỉ quanh quẩn ở nhà. Trước đây, mỗi lần đi học xa về, Sơn hay lui tới nhà xứ để nói chuyện với cha, nhưng giờ đây, Sơn đã cảm thấy sợ. Buổi tối thứ năm, Sơn đến nhà thờ Chầu Thánh Thể. Trời mưa rả rích. Nhà thờ lèo tèo được vài người. Có mấy thầy, mấy xơ về hè cũng không đến nhà thờ. Buổi sáng, họ có đi lễ, nhưng có lẽ gia đình họ có việc bận gì đó nên buổi tối không thấy. Cha xứ, đi sau mấy chú giúp lễ tí hon, bước ra đến bàn thờ, nhìn xuống Cộng đoàn với vẻ rất tức giận. Cha đến thẳng bục đọc sách, cầm cái micro, và nói: “Đó, các ông các bà thấy chưa, coi đời sống đạo của cái giáo xứ này đến đâu? Nhà thờ thì không đi. Các xơ các thầy về hè cũng không đi chầu nữa thì làm cái gì? Đồ khô đạo! Trong giờ chầu, đọc kinh Đền tạ Trái Tim Chúa Giê-su mà cầu nguyện cho những kẻ khô đạo ấy”. Những người lớn có mặt tối hôm đó nghe những lời cha nói cũng đau lắm chứ, nhưng cũng nghĩ vì cha thương thì cha mới chửi, vả lại, họ nghe nói nặng lời cũng quen rồi. Còn đám trẻ con thì không hiểu gì, về cứ chuyện trò với nhau nhại lời cha: “Đồ khô đạo”, “Lì như trâu Tam Kì”. Người lớn nghe được thì lo sợ, cấm ngặt mấy đứa không được nói vì sợ có tội, nhưng đám trẻ có hiểu gì đâu. Chúng cứ nói chọc nhau như câu cửa miệng. 

Sơn đang rối bời giữa những dòng suy nghĩ. Có lẽ mình đặt lý tưởng hơi quá cao chăng? Linh mục, người được xức dầu, cũng là con người mà. Họ cũng sẽ có những lúc yếu đuối, có những lời nói không kiềm chế được. Họ cũng phạm tội và phải đi xưng tội chứ. Nhưng dường như cám dỗ bạc tiền và quyền lực đang có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống những Linh mục mà Sơn thấy. Có những Linh mục sẵn sàng nói xấu một Linh mục khác trước Cộng đoàn của mình để tạo ảnh hưởng cho mình. Có những cha sẵn sàng mắng một ông chức việc bằng tuổi bố cha trước đám trẻ còn đơn sơ như tờ giấy trắng. “Lạy Chúa, xin đừng để những hình ảnh xấu ám ảnh tâm trí con hoài khiến con bế tắc. Xin cho con nhìn thấy những điều tích cực nơi các ngài, để con tiếp tục theo đuổi lý tưởng của mình, làm “nghề chăn chiên” như Chúa Giê-su”, Sơn nhắm mắt thầm thì với Chúa. 

Bất chợt, có ai đó vỗ nhẹ vào vai làm Sơn giật mình. Là ông Hiệu, trưởng ban Phụ huynh của giáo họ. 

- Chưa về à, chú Sơn?- Ông Hiệu hỏi khẽ. 

- Dạ, chào bác, con đang ngồi cầu nguyện thêm một chút.- Sơn bối rối trả lời. 

- Cầu nguyện gì mà đăm chiêu vậy? Đang xin Chúa cho đậu kì thi Đại Chủng viện sắp tới à? 

- Ồ, không! À… con vừa thấy bác đứng cầu nguyện nơi tượng thánh An-tôn mà. 

- Ừ… Bác tạ ơn ông thánh. Trong giáo họ mình có gia đình chú Phong mụ Thủy lục đục mấy tháng nay, con cái bỏ luôn việc học giáo lý. Bác thưa chuyện với cha xứ. Sau nhiều ngày cầu nguyện với thánh An-tôn, hôm trước, cha và bác đến nhà và giải quyết khá êm đẹp rồi. 

- Thế thằng Thành con nhà chú Phong đã chịu đi học giáo lý chưa ạ? 

- Khi đêm, bác theo dõi thấy nó đã đi học rồi. Mấy đứa choai choai mới lớn trong xứ mình tính ngang ngang lắm, may cha xứ mình rèn mạnh thì mới chịu nghe. Bác thấy quan trọng nhất là giáo lý cháu ạ. Mấy năm trước cha lo xây dựng công trình này khác mà không quan tâm đến việc học giáo lý, khiến kiến thức các em hổng rất nhiều dẫn đến đời sống đạo cũng sa sút. Năm nay thấy cha mình rất lo lắng và quan tâm đến việc học giáo lý, giới trẻ đã ngoan hơn nhiều rồi. À mà nghe cha hỏi thăm chú Sơn, đợt này về không thấy vào cha. Cha đang kì vọng năm nay giáo xứ mình có người “đậu cụ” đấy. 

- Bác Hiệu à… Thực ra cháu đang suy nghĩ về việc này. Cháu “vấp ngã” vì những gương xấu của các Linh mục mà cháu thấy, và đang phân vân có nên thi Đại Chủng viện hay không. 

- Cái mồm nói dại! Giáo xứ mình có bề dày truyền thống, mà gần chục năm rồi không có ai đậu cụ. Mấy khóa trước có hai, ba chú đi thi, rốt cuộc kết quả vẫn bị gọi là “thằng” chứ chưa được lên chức “thầy”. Năm nay ai cũng trông chờ vào chú Sơn đấy. 

- Cháu thấy tâm lý của người dân quê mình quá đề cao Linh mục triều, nên nhiều ứng sinh đi thi cũng chỉ vì ước mơ của ba mẹ hay giáo xứ, và để tìm một thứ vinh quang nào đó. Đứa bạn cháu nó mong làm cha xứ để được đổi đời là vậy. Và khi được làm “cụ” rồi thì được giáo dân tôn vinh như một ông hoàng. Lắm lúc các ngài sa ngã một phần cũng bởi dân mình mà ra. 

- Ừ, cháu nói cũng phải. Nhiều lúc thấy cha nói sai, nói nặng lời, có ai dám lên tiếng một lời đâu, cãi lại thì chắc chắn là không được rồi, góp ý cũng không được. Cứ một “lạy cha”, hai “bẩm cha”, thế thôi. Thế bác mới nghĩ là chỉ có Linh mục góp ý với nhau thì dễ hơn. Nhưng nhìn chung lại các ngài cũng sống tốt lành, thánh thiện và lo cho đàn chiên đấy thôi. Cứ nhìn những tấm gương tốt mà học hỏi cháu ạ. Ngày xưa, thời bác với ba cháu, lớn lên và trưởng thành nhờ ở với cha cố Thiện đó. Có lẽ cháu cũng được nghe ba cháu kể về cha Thiện rồi, cha nghiêm khắc mà tính nóng như lửa, các bác bị la, bị phạt như cơm bữa, nhưng vẫn cảm được tình ngài thương dân. Ba cháu, bác với mấy người trong xứ nữa cũng muốn làm “cụ” như cha Thiện, mà Chủng viện bị giải tán, nên mới có đứa như cháu trên đời này đấy. 

- Cháu cảm ơn bác. Cháu đã thấy nhẹ lòng và bình an hơn. Xin bác cầu nguyện để cháu có thể mở lòng đáp trả lời mời gọi của Chúa. Thực ra trong lòng cháu vẫn luôn thao thức về ơn gọi làm Linh mục triều. Cháu nhận ra rằng nếu mình không thể thay đổi người khác hay hoàn cảnh, thì vẫn có thể thay đổi chính mình. Cháu sẽ tiếp tục theo đuổi ước mơ trở thành người chăn chiên tốt lành của Chúa. 

- Ừ, thế thì tốt quá! Xin Chúa chúc lành cho cháu. 

Sơn và bác Hiệu chào nhau ra về. Lúc này, trong nhà thờ không còn một người. Chỉ còn trên cung thánh, một bóng áo chùng thâm đang quỳ lặng lẽ cầu nguyện. Sơn khẽ mở cửa bước ra. Trời đã sáng lắm rồi. Mặt trời đã lên cao. Những tia nắng đầu ngày chiếu qua những tán cây hoa sữa trước cổng. Tiếng ve cũng tắt lịm. Nơi gốc cây, có chú Quốc con ông Việt, học lớp mười một, đang vừa quét lá vừa lẩm nhẩm học bài. Thấy Sơn, Quốc đánh tiếng: 

- Chào anh Sơn. Anh đi lễ giờ mới về luôn á? Sốt sắng ghê nhỉ! 

- Hì, lâu lâu về nhà phải tận hưởng chút thư giãn buổi sáng chứ! Mà chú bữa này vào đây ở rồi à? Làm “đệ” của cha từ khi nào vậy? 

- Nói ra mắc cỡ quá… Em trốn học chơi game nhiều lần. Cha cảnh cáo trước nhà thờ mà không chừa, vẫn chứng nào tật nấy. Rồi cha phạt em vào nhà xứ ở một tháng. Hết một tháng, ba mẹ em vào xin cho em ở đây luôn. 

- Chuyện này hay á nha! Thế bây giờ đã muốn ở đây luôn chưa? 

- Em quen rồi, không muốn về nhà nữa. Ở đây em học được nhiều điều, biết cách làm việc, trưởng thành hơn. Anh nhìn em này, ở nhà, nếu không đi học buổi sáng thì giờ này em còn ngủ nướng, chứ không phải đi “quét lá đa” như này đâu nhé! À, lúc nào anh rảnh thì mời xuống nhà xứ chơi. 

- Ừ, anh biết rồi. Thôi, anh về đã, kẻo ba mẹ chờ cơm. 

Sơn hít một hơi thật sâu, rồi thong thả cuốc bộ đi về trên con đường làng quen thuộc, vừa đi vừa thả hồn với thiên nhiên cây cỏ. Qua một con dốc là về gần đến ngõ. Từ xa, Sơn thấy mẹ đang vừa quét sân, vừa ngóng con. Sơn bước những bước chân nhanh hơn. Thấy con, Mẹ Sơn giục: 

- Mẹ vừa bảo ba lấy xe đi đón con về đấy. Vừa đi lễ về đã thấy điện thoại con rung. Ông chánh xứ Tân Phúc, chỗ con đi giúp xứ, gọi hỏi gặp con. Về gọi lại xem có việc gì mà ông gọi buổi sáng vậy nghen! 

Sơn vào nhà, cầm điện thoại lên và thấy dòng tin nhắn của ông chánh xứ: “Chú Sơn có khỏe không? Hôm nay bổn mạng cha Cương, chú có nhớ không? Mấy bữa nay cha không khỏe lắm. Từ bữa chú về đến giờ, cha cứ buồn buồn và suy nghĩ nhiều. Cha bảo có lẽ tại cha mà chú Cương xin về nhà sớm. Cha muốn chia sẻ với chú mấy kinh nghiệm thi phỏng vấn nữa, mà vẫn chưa làm được. Anh em Ban Hành giáo xin tổ chức tiệc mừng bổn mạng cha trưa nay, mà cha cũng dẹp, cha bảo cha muốn ở một mình. Nhưng tôi nghĩ nếu hôm nay chú đến thăm cha có lẽ cha sẽ vui hơn đấy. Tôi phải báo chú sớm, để nếu chú quyết định đi thì sáng đi, trưa tới nơi rồi. Chào chú nhé!... Ông Chánh”. 

Đọc xong những dòng tin nhắn mà Sơn rớm nước mắt. Cậu nhìn lên bức tranh Chúa Giê-su mục tử treo trong phòng, bức tranh mà ba cậu vẽ trước ngày đi lính, cậu thầm thì với Chúa Giê-su một lời nguyện gì đó. Rồi Sơn ra dùng sáng với ba mẹ, kể cho ba mẹ nghe những suy nghĩ trong lòng và quyết định của mình. 

Mặt trời đã lên cao hơn, tạo thành những vạt nắng trên những quả đồi và lèn đá vôi xa xa. Sơn ra đường quốc lộ bắt xe buýt về thăm cha Long. Những con ve ở trên những tán cây đâu đó tiếp tục kêu, nhưng lần này, Sơn cảm thấy tiếng ve thật hay, chứ không ồn ào như ban sáng. Lý tưởng của con ve là được cất những tiếng kêu báo mùa hè đến mà. Và lý tưởng của Sơn, trở thành người chăn chiên của Chúa.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét