Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

[Giải VVĐT 2018] Người yêu dấu ơi!


NGƯỜI YÊU DẤU ƠI! 


(Mã số: 18-080)

Ở ngôi nhà thờ cổ này, cha tôi dị ứng với tiếng còi tàu. Mỗi khi nghe tiếng còi tàu, dù ban trưa hay khuya tối, ông đều chạy ra đường tàu, la hét ỏm tỏi. Có lần ông suýt quăng đá vào những toa tàu đang chạy, nếu người ta không ngăn ông kịp chắc ông đã nhận hậu quả về việc đó. 

Ở ngôi nhà thờ cổ này, ai cũng nói cha tôi khùng. Nhưng ông không phải là người khùng duy nhất. Hình như ở nơi chốn này, ai cũng bị “tưng tưng” hết. Không la hét vô cớ thì đánh nhau, không cãi nhau thì nát rượu. 

Như trêu ngươi, bên một đường tàu, sót lại một ngôi nhà thờ cổ bỏ hoang. Người ta chưa có ý định gì với ngôi nhà thờ cổ này. Phá bỏ thì tiếc, tu sửa thì không khả thi vì tốn quá nhiều tiền. Và những phận người không nhà cửa trôi dạt đến ở trong ngôi nhà thờ cổ bỏ hoang, dột nát. Ngày tỏa ra đi làm, tối về ngủ. Trú trong ngôi nhà thờ cổ không chỉ có người, mà còn có cả những con dơi. Chúng kêu chí chóe trên trần nhà thờ, tranh giành chỗ ngủ. 

Tôi biết vì sao cha tôi ghét tiếng còi tàu. Nhưng lẽ ra ông chỉ nên ghét tiếng còi tàu ban trưa. Đằng này ông ghét luôn cả tiếng còi tàu tầm khuya tối. Ông quên hay là ông quá nhớ? 

Mẹ tôi bỏ chạy trốn khỏi cha tôi vào một buổi trưa trên một chuyến tàu. Ở xóm nhà thờ cổ này, có người nói mẹ tôi là người xấu khi bỏ chồng bỏ con chạy trốn như thế. Hoặc bỏ chồng thôi chứ sao lại bỏ con? Nhưng cũng có người thở phào nhẹ nhõm, mừng cho mẹ tôi chạy trốn thành công khỏi ông chồng vũ phu, bài bạc và nát rượu. 

Tôi luôn nhớ ngôi nhà cũ của gia đình tôi ngoài ruộng. Ngôi nhà đó, với nhiều người, chẳng cao sang gì. Một ngôi nhà nhỏ nằm giữa đồng không mông quạnh. Có tiền người ta ở làng, ở phố. Không tiền mới ra ngoài ruộng, cất đỡ một nơi chốn đi ra đi vào để có thể gọi là “nhà”. Ngôi nhà đó mẹ tôi nấu ăn trong căn bếp hẹp, sau nhà nuôi vài con heo, thả ít con gà. Ngoài giờ học, tôi lang thang ngoài ruộng mót lúa khi tới mùa gặt, bắt ốc bươu, rượt đuổi chú chim cúm núm xuất hiện trên đồng, đi hái những bông cỏ gà chơi với mấy đứa nhóc chăn bò, trâu gần đó. Tôi còn trồng những bông hoa mười giờ trong những gáo dừa, treo đong đưa mỗi khi gió đến. 

Cha tôi bán nhà sau nhiều lần thua bạc. Mẹ tôi không còn được đứng nấu ăn trong căn bếp của mình nữa. Sau đó là những ngày tháng xin ăn nhờ ở đậu. Rồi dắt díu nhau tụ về ngôi nhà thờ cổ, nơi chứa chấp những linh hồn sống nửa người nửa ngợm, không có éo le này thì có khiếm khuyết kia. Người tin Chúa, người tin Phật, người vô thần… tụ tập dưới ngôi nhà thờ cổ bỏ hoang. Mẹ đem theo tràng chuỗi Mân côi, đêm nào cũng lần chuỗi, mơ về một căn bếp giống như căn bếp cũ. Mẹ xin Chúa có lại một căn bếp. 

“Nhà” của chúng tôi là một góc trong nhà thờ cổ. Cha đi phụ hồ cho công trình xây dựng và tiếp tục cá độ đá banh, đánh bạc. Mẹ đi bán hàng rong ngoài ga. Sáng nào mẹ cũng đạp xe trong gió lạnh, chở lỉnh kỉnh thúng nia. Vài chai nước, đủ loại bánh, hộp thuốc, kẹo cao su… Món nào cũng có mà chẳng giá trị món nào. 

Chiều chủ nhật, mẹ luôn nghỉ bán, đạp xe chở tôi đi lễ nhà thờ. Xe chạy ngang qua lán trại công trình xây dựng. Những công nhân ở trần, hoặc mặc quần áo xộc xệch, hút thuốc, ngồi nhậu, trêu ghẹo hai mẹ con tôi. 

- Hai mẹ con đi nhà thờ hả? Nhớ xin Chúa cho trúng số thoát nghèo!- Những tiếng cười khanh khách vang lên. 

Tôi không xin Chúa trúng số. Tôi xin Chúa cho cha tôi đừng đánh bạc nữa, bỏ luôn cả nhậu nhẹt say sưa. Tôi xin Chúa cho cha tôi chợt yêu thương mẹ con tôi và cho chúng tôi được có một ngôi nhà giống như lúc trước. Thánh lễ nào tôi cũng cầu như thế. 

Nhiều lần tan lễ, đạp xe về, con đường quạnh hiu có đường tàu nhỏ bỗng nhú lên một vầng trăng. Mẹ đạp xe chậm lại, vừa đạp xe vừa ngước nhìn trăng trên bầu trời. Tôi đã hỏi mẹ những câu hỏi ngu ngơ thời nhỏ dại. 

- Mẹ ơi! Chúa tạo ra mặt trăng phải không mẹ? 

- Đúng rồi con. Con quên giáo lý rồi hả? Chúa tạo dựng trời đất đó. 

- Con thấy mặt trăng đẹp như Đức Mẹ. Có phải mặt trăng là Đức Mẹ không hả mẹ? 

Gió và trăng, mẹ và tôi và chiếc xe đạp đi cùng nhau trên một đoạn đường hoang vắng. Con đường dẫn về ngôi nhà thờ cổ, đi theo dọc đường tàu. Tôi yêu những khoảnh khắc cùng mẹ đi trên con đường vắng hoang sơ ngập tràn trăng và gió mộng dù chỉ là một đoạn đường ngắn rồi phải trở về thực tế ồn ào, bụi bặm. 

Cha tôi không có đạo nên ông chẳng đi nhà thờ. Tá túc trong nhà Chúa nhưng ông vô thần không tin Chúa. Ngoài thua bạc, nhậu nhẹt, ông còn đánh mẹ vì tội… dám chở con đi nhà thờ! Đêm nào ngủ với mẹ tôi cũng nghe mùi dầu gió. Mẹ xoa dầu chỗ những vết bầm ông đánh. Khi thì một cú đấm bầm con mắt. Khi thì một cú đạp như phim kungfu. 

Mẹ chịu đựng cuộc sống không hạnh phúc vì lời hứa trong bí tích hôn phối. Người Công giáo không được bỏ rơi người đồng hành với mình. Mẹ hi vọng mơ hồ sẽ thay đổi cha, không nhiều thì ít. Như những viên ngói trên mái kia, bị bào mòn bởi những giọt mưa theo năm tháng. Mẹ sẽ làm mòn sự thô bạo của chồng mình bằng cách sống chịu đựng và không ngừng cầu nguyện. Tá túc trong ngôi nhà thờ cổ này, có mấy gia đình nhưng chỉ có mẹ con tôi có đạo. 

Một buổi trưa, từ sân ga, mẹ hớt hải đạp xe về, cuống cuồng giục tôi thu dọn quần áo, đồ đạc. 

- Nhanh nhanh lên con!- Mẹ vội vàng cuống quýt. 

Tôi không biết chuyện gì diễn ra, quơ đại mấy bộ quần áo vào chiếc túi ni-lông, mang theo chiếc cặp đi học. Mẹ đạp xe chở tôi đi trong trưa nắng. Ban ngày nhà thờ cổ không có nhiều người lớn. Đa số đi làm mướn, tối mới về. Chỉ có mấy đứa nhỏ hay chơi với tôi, đứng trố mắt nhìn hai mẹ con tôi. Chúng thấy mẹ chở tôi bỏ chạy nhưng không biết lí do. 

Mẹ đạp xe nhanh hết sức có thể. Mẹ không đạp xe trên con đường ngang qua lán xây dựng. Mẹ đạp xe vào đường mòn trong khu đất hoang. Con đường lún đầy gai xương rồng. Tôi nhảy xuống cho mẹ khỏi nặng. Rồi chúng tôi cũng tới sân ga. 

Một chuyến tàu trưa sắp tới. Những người chờ tàu tay xách nách mang đứng bên đường ray trong tiếng còi hiệu ồn ã. Mẹ nắm chặt tay tôi. Trên tay mẹ cầm hai chiếc vé. 

- Chỉ cần leo lên tàu mẹ con mình sẽ tới một nơi khác…- Mẹ nghẹn ngào nói. 

- Cha không đi cùng mình hả mẹ? 

Mẹ rùng mình khi tôi nhắc cha. Mẹ ngó láo liên xung quanh. Tàu đến. Còi tàu rúc tu tu trong cơn nắng chát. Mẹ quăng đồ đạc lên tàu, leo lên và giơ tay đỡ tôi lên. Chiếc xe đạp mẹ gởi trong toa hàng. Ùn ùn người chen lên bậc cấp nhỏ. Tôi nhìn thấy cha hớt hải chạy từ đằng xa tới. Tôi nghĩ cha cùng đi với mẹ con tôi. Tôi phóng xuống gọi cha. Tàu chạy. Tôi không kịp lên tàu. Cha vừa đuổi theo chuyến tàu, vừa văng tục và chửi mẹ. Mặt cha đỏ kè vì rượu. Tôi đứng khóc trên sân ga. 

Tôi đã lỡ chuyến tàu đến một nơi khác với mẹ. 

* * * 

Trưa đó, cha định đập mẹ một trận vì tội không chịu trả nợ số đề thay cha. Mẹ không đào đâu ra tiền. Mẹ cũng đã trả nợ cho cha hết lần này tới lần khác. Tôi đâu biết người mẹ của tôi khổ buồn như thế. Những trận đòn của cha rất kinh khủng. Dù không muốn bỏ rơi người đồng hành “sự gì Thiên Chúa liên kết loài người không được phân ly”. Nhưng mẹ quá sợ trận đòn của cha. Mẹ chọn chạy trốn. 

Sự hồn nhiên của tôi khiến cho tôi lỡ chuyến tàu đến một nơi khác với mẹ. Không có tôi, mẹ sẽ dừng ở ga nào trên hành trình chạy trốn? 

Trước đây có mẹ, cha đã ngập chìm trong rượu và bài bạc. Nay mẹ đi rồi cha càng lún sâu hơn. Những chủ nợ mướn giang hồ tới nhà thờ cổ tìm cha. Họ đánh đập cha trong tiếng thét căn ngăn của mọi người và tôi. Không lấy được tiền, họ đá tung đồ đạc còn sót lại. Đâu có gì nhiều, chỉ có mùng mền rách, manh chiếu, ít quần áo cũ. Họ bỏ đi và hăm ngày trở lại để xử cha. 

Tôi sống cô đơn từ ngày đó. Tôi nhớ mẹ và cũng thấy thương xót cha. Cha của tôi, ngày nào cũng quần áo xốc xếch, tay cầm chai rượu, chạy ra đường tàu mỗi khi nghe tiếng còi tu tu dù trưa hay tối. Với cha, chuyến tàu nào cũng là chuyến tàu mẹ leo lên chạy trốn. Cha căm ghét mọi chuyến tàu. Cha chửi đổng chúng giữa đường như Chí Phèo chửi Bá Kiến. Ai cũng lắc đầu cười khi một con người đi chửi những chiếc tàu lửa vô tri vô giác. 

Để nuôi tôi và nuôi cha- giờ chỉ còn là cái xác không hồn vì nát rượu, tôi xin làm cho công trường gần đó. Quân xin dùm cho tôi. Quân sống trong ngôi nhà thờ cổ như tôi. Cha mẹ Quân cũng nợ nần, rồi bỏ đi tứ xứ. Quân không đi học, đi làm đủ nghề từ nhỏ, giờ làm trong công trường. Quân ở lại ngôi nhà thờ cổ hoang vì một niềm tin một ngày cha mẹ Quân sẽ quay trở lại. 

Năm tháng trôi đi, có gia đình khá hơn đã dọn khỏi ngôi nhà thờ cổ. Nhưng cũng có gia đình khác, do nợ nần, không chốn dung thân phải dắt díu tới tá túc. Nhà thờ cổ của Chúa bao dung đón nhận tất cả những hoàn cảnh khốn khó, lỡ lầm. Không cần phải là con chiên của Chúa. Phật giáo, vô thần, người, chuột hay dơi… đều được ở trong nhà Chúa. Người ngủ trên sàn. Dơi đậu trên mái cao. Chuột chạy sục sạo cắn cả chân người. Những chiếc bình ắc quy hết rồi lại sạc, sáng nhá nhem như những ánh đom đóm trong ngôi nhà thờ cổ rộng mênh mông. 

Tôi chẳng có nơi chốn nào để đi và cũng muốn ở lại. Còn bình yên nào khi tôi được ngủ trong ngôi nhà thờ cổ của Chúa, ngắm bàn thờ ẩm mốc rêu phong xưa đã từng là nơi cử hành bí tích Thánh Thể. Tháp chuông cao vút tuy lở lói vì thời gian nhưng nhìn Thánh giá trên tháp chuông tôi thấy bình an vô tận. Những con dơi còn chọn chốn dung thân trong nhà Chúa, sao tôi lại không? Hơn nữa tôi còn chờ mẹ. Tôi luôn tin mẹ sẽ quay về mang tôi theo. 

Những ngày phụ việc ở công trường tôi đã mua được một chiếc xe đạp. Phụ nữ làm ở công trường khá ít ỏi. Cả công trường chỉ khoảng chục người nữ. Chúng tôi quấn khăn kín mít, đẩy gạch, sàng đá trong cái nắng chát chúa. Và nghe bao nhiêu là tiếng chửi tục của đàn ông trong công trường. Nhiều lần tôi ước gì mình là một con chim, hay một con dơi, ít ra là có cánh để bay, bay đâu cũng được. Nhưng tôi ở đây, cái công trường bụi bặm, ồn ào và nhơ nháp này để kiếm miếng cơm manh áo qua ngày. Tôi buồn bã, cô đơn, nhớ mẹ vô cùng tận. 

Chiều Chủ Nhật, tôi đạp xe đi lễ nhà thờ. Không biết vô tình hay cố ý, Quân hay đứng lang thang dọc theo đường tàu, giả bộ ngó bâng quơ, bứt vài bông cỏ. 

- Đi nhà thờ hả?- Quân hỏi. 

- Ừ- Tôi đáp. 

- Chúa hiền không?- Quân chạy theo chiếc xe đạp của tôi, hỏi. 

- Hiền chứ… Chúa rất nhân lành- Tôi nói. 

- Hình như… muốn quen con gái đạo là phải theo đạo hả?- Quân ấp úng hỏi. 

- Muốn yêu con chiên của Chúa thì phải yêu Chúa chứ sao!- Tôi vừa đạp nhanh vừa đáp. Quân đứng lại, gãi đầu. Đường tàu lúp xúp những bông hoa dại. 

Giờ tan lễ, tôi đạp xe về trên con đường quạnh vắng. Tôi ngó lên bầu trời tìm kiếm mảnh trăng tôi và mẹ đã cùng ngắm ngày nào. Cũng có một mảnh trăng nhỏ, manh mảnh như lá lúa, sẽ lớn trong vài ngày tới. Đó có phải là vầng trăng của mẹ và tôi? 

Tôi hát nho nhỏ thánh ca trên đường trở về. Tôi thấy cô đơn nhưng cũng thấy được an ủi trong tình yêu của Chúa. Chắc sự chia ly của mẹ và tôi chỉ là tạm thời. Rồi Chúa sẽ cho mẹ tìm lại tôi hay tôi tìm thấy mẹ. Tôi không giận khi mẹ bỏ tôi đi. Tôi biết mẹ chạy trốn vì sợ. Tôi ước gì được gặp mẹ để an ủi mẹ và cùng mẹ tìm lại một cuộc sống bình yên hơn. Còn cha, tôi cũng không biết nữa. Tôi đã cầu xin Chúa cho cha thay đổi nhưng có lẽ nhiều lời cầu nguyện quá nên Chúa chưa nghe. 

Dì Quy, một lần đi ngang công trường xây dựng, thấy tôi làm cực quá, đã xin phép cha cho tôi đi học may. Dì Quy là người bán hàng rong ở ga cùng mẹ. Dì cho tôi mượn tiền học, phụ chút tiền ăn, sau này có tiền trả lại dì sau cũng được. Mặt cha đỏ kè vì rượu nhưng cũng hiểu thành ý của dì. Cha cũng đã chán cái xứ này. Tối nào ngủ trong nhà thờ cổ cũng nghe tiếng còi tàu tu tu đáng ghét. Mỗi khi nghe tiếng còi cha muốn lên cơn điên. Muốn nhảy lên chuyến tàu đi tìm vợ mà chẳng biết vợ ở nơi nào? Cha có ý rời khỏi chốn này. Vài người đàn ông ở đây rủ nhau đi lên rừng làm gỗ. Cưa gỗ mướn giúp mấy ông chủ giàu thôi, chứ ở đây chán quá, làm ngày nào ăn xong ngày nấy, chưa kể chủ nợ cứ nheo nhéo đau đầu. Cưa gỗ mướn có khi có tiền trả nợ. 

Nhờ dì Quy giúp, tôi đi học may. Còn cha xách ba lô lên rừng kiếm tiền trả nợ. Ngày đi học may, tối ngủ một mình co ro trong một góc nhà thờ cổ tôi đã khóc. Nhưng xung quanh tôi có biết bao nhiêu là mảnh đời. Cố lên thôi. Chúa ơi! Hãy cho con sức mạnh. Những ngày buồn sẽ qua. Những ngày vui tươi sẽ tới phải không Chúa? Xin Chúa phù hộ con, dẫn bước cho con trên đoạn đường buồn bã, cô đơn này. 

* * * 

Tôi ngồi trên bậc thềm nhà dì Quy chờ dì về, tặng cho dì chiếc áo đầu tiên tôi may. Tầm trưa dì cũng về nấu cơm. Nhận chiếc áo tôi may, dì rưng rưng khóc. Rồi dì ôm chầm lấy tôi, khóc nức nở. 

- Con à! Tiền con học may mẹ con gởi cho con đó. Mẹ nhờ dì giúp vì sợ gởi trực tiếp ba con biết. Nhưng lâu nay dì không thấy mẹ con liên lạc nữa. Dì không biết có chuyện gì xảy ra với mẹ con không? 

Dì đưa cho tôi những phiếu gởi tiền của mẹ. Phiếu gởi tiền cuối cùng có ghi địa chỉ ở Quy Hòa. 

- Có khi nào mẹ con đang sống ở đó?- Tôi xúc động hỏi. 

- Dì cũng không biết. Ngần ấy thời gian có khi mẹ con đã có cuộc sống mới. Biết đâu mẹ con có gia đình ở đó cũng nên…- Dì ngập ngừng nói. 

Tôi mua một chiếc vé tàu, lên đường tìm mẹ. Tàu băng qua những cánh đồng lúa bên đường, băng qua những ô vuông tôm, băng qua những ngôi nhà hiền hòa có hàng cây và vài chú gà mổ thóc, băng qua biển xanh ngắt có những con sóng bạc đầu…Tàu đang đưa con đến với mẹ. Nhanh nhanh nhanh tàu ơi! 

Tôi đứng trên con đường biển Quy Hòa trong một buổi chiều đầy gió. Mùa hè, mặt trời chưa vội xuống. Ánh nắng chiều còn vương trên bãi cát mịn màng, lung linh trên những hàng dương ven biển. Run run gọi cho số điện thoại ghi trên bì thư, tôi hỏi gặp mẹ. Một giọng đàn ông bảo tôi chờ. 

Tim tôi như nhảy bắn ra khỏi lồng ngực. Vừa hân hoan, vừa sợ hãi. Tôi không biết giọng người đàn ông ấy là ai? Là chồng mẹ tôi? Có thể nào? Nhưng có sao đâu. Tôi đã chờ đợi cuộc gặp này mười mấy năm qua. Chỉ cần thấy mẹ là tôi hạnh phúc rồi. 

Sự chờ đợi làm tôi run rẩy. Tôi run run ngồi xuống chiếc ghế đá nhỏ, nhìn ra biển. Như một dàn đồng ca, những chú ve chợt kêu lên trong tiếng sóng biển rạt rào. Âm thanh tuyệt diệu của tự nhiên làm lòng tôi rộn ràng khôn xiết. Một tiếng chim biển chợt kêu làm tôi giật nẩy mình. Chú bị trượt chân trên cành dương trên đầu tôi. Lẽ nào chú hồi hộp giống như tôi? 

Điện thoại tôi reo. Đầu dây bên kia sột soạt. 

- Alo…- Một giọng yếu ớt vang lên. Đó là giọng mẹ. 

- Mẹ ơi, con đây. Khánh của mẹ đây. Còn đã đi tìm mẹ. Cuối cùng con được gặp mẹ rồi- Tôi khóc nghẹn ngào. 

- Con khỏe không?- Mẹ hỏi trong yếu ớt. 

- Con khỏe mẹ ơi! Con gặp mẹ được không? Con đang đứng ngoài biển. 

Đầu dây bên kia im lặng. 

- Mẹ ơi! Mẹ gặp con có được không? 

Một khoảng thinh lặng làm những tiếng sóng như ngừng vỗ. Tôi nghe rõ nhịp lặng của trái tim mình. 

- Con à, mẹ không còn như ngày trước nữa… Mẹ đã có một hình hài khác, một cuộc sống khác… Mẹ xin lỗi con. 

Đầu dây bên kia cúp máy. 

Tôi đứng một mình trên con đường rợp bóng cây, khóc nức nở trong buổi chiều Quy Hòa đầy gió. Không lau nước mắt, tôi để gió lau khô nước mắt tôi. Tiếng sóng biển không còn dịu êm nữa. Dàn đồng ca của ve không còn rộn rã, hân hoan. Mảnh hạnh phúc cuối cùng tôi bấu víu đã vỡ tan theo sóng gió kia rồi. 

Tôi đi lang thang trong ngôi làng nhỏ, thấy đời mình vô định và vô nghĩa chi đâu. Chúa ơi! Mẹ con từ chối con rồi. Con sẽ sống sao những ngày sắp tới? 

Như một cơn mộng du, tôi lại chạy ra ngoài biển để khóc thật to trước biển. Trên con đường ven biển rợp bóng cây, tôi thấy một người phụ nữ cùi, mặc áo bệnh nhân đang đứng khóc. Người ấy đang đứng ở chỗ tôi vừa đứng, hai tay băng trắng, cố lấy tay cùi lau đôi mắt đỏ hoe. 

- Mẹ!... 

Tôi kêu thét lên, chạy tới ôm mẹ. Mẹ sợ hãi, muốn bỏ chạy, gạt tôi ra. Nhưng tôi cứ ôm chặt lấy mẹ. Mẹ đành ôm tôi bằng đôi tay cùi. Hai mẹ con tôi cùng khóc. 

Cùng lúc đó dàn đồng ca của bầy ve trỗi dậy. Chúng kêu hân hoan, dồn dập như sợ khoảnh khắc này sẽ qua. 

Những năm tháng buồn khổ, khốn khó, kiệt sức vì làm đủ nghề gởi tiền về cho tôi, mẹ đã bị bệnh. Mẹ không muốn gặp tôi vì mẹ là một bệnh nhân cùi. Cuộc sống mới của mẹ không phải là một gia đình khác mà là bệnh viện phong, có những người bạn cùi. 

Chúa đã cho mẹ con mình tìm được nhau rồi. Con sẽ là người đồng hành với mẹ. Mẹ không nắm được tay con thì con sẽ nắm tay mẹ. Mẹ đừng khóc nữa mẹ ơi! 

Chú chim biển dáo dác bay kêu trong chiều lộng gió. Mặt trời thu dần những ánh nắng cuối ngày. Tôi ngồi ôm mẹ trong tiếng sóng chiều. Xa xa, trên bãi cát hai chú chó đang cùng nhau giỡn sóng. Nhìn chúng thật hạnh phúc và bình yên. 

Lúc này, cha đã trả gần hết nợ, đã tu tâm dưỡng tánh, rất ăn năn về những điều đã gây ra. Nhưng lúc này tôi chỉ muốn ôm mẹ, ngửi mùi mẹ. Mùi tôi đã mất mười mấy năm trong cô đơn. 

Trong tiếng sóng chiều, tôi như thấy bóng hình của Người tôi yêu dấu. Khi tôi vừa đạp xe vừa hát thánh ca trên con đường tan lễ. Con đường tàu đầy trăng, lúp xúp những bông hoa dại. Khi Quân ngượng nghịu đi nhà thờ, đứng sau lưng tôi. Khi cha trong một cơn tỉnh hiếm hoi của ngày cũ chợt xoa đầu tôi, khóc với tôi. Khi tôi nhìn thấy chú chim sẻ đậu trên thánh giá tháp chuông nhà thờ cổ trong một sáng xuân. Và lúc này, tôi được ôm ấp trong vòng tay mẹ. Trong hành trình cô đơn cùng tận, Người đã không bỏ rơi tôi. Vẫn cho tôi lòng tin và hi vọng. 

Trong những ngày buồn luôn có một Người để tôi yêu dấu. Người dẫn tôi đi qua hết bóng đêm tới cánh đồng hoa đầy ánh sáng. Người cho tôi rung động trước những vẻ đẹp hiếm hoi trong cuộc sống âm u của tôi… 

Đó là Người cho tôi chào đời, trong cái hành trình hư vô đến vô tận. Nhờ Người, tôi hiểu giá trị của gia đình dù gia đình tôi đầy khiếm khuyết và sóng gió. Người chịu đóng đinh trên Thánh Giá kia, nhân hậu nhìn tôi đang ngồi bên biển, dụi đầu vào mẹ. Người ở trong tim tôi, vẽ cho tôi những con đường. Người chính là gia đình của tôi. 

Chúa của tôi, Người yêu dấu ơi! 

Đăng nhận xét

0 Nhận xét