Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

Lên tivi


Nhớ lần đầu tiên nó được lên Tivi, thích ơi là thích!

Hình minh họa 


Hồi đó nó học cấp 2, đại diện trường để lên tỉnh thi tiếng hát học sinh trung học. Đứng trên sân khấu, nó thích nhất là lúc được khán giả vỗ tay. Nó thấy lạ, vì những người không quen không biết tự nhiên lại vỗ tay cho mình. Vui ơi là vui! Vui hơn nữa khi trong số những khán giả ấy có một số bạn bè thân thiết của nó. Cổ động viên của nó là nhóm gần chục đứa bạn thân. Nhóm này đi đâu cũng quậy. Đi cổ võ cho nó trên sân khấu thì càng quậy ác chiến. Hồi đó, để lên tỉnh, tụi nó phải dậy thật sớm đạp xe đạp gần 4 tiếng đồng hồ. Tụi nó chuẩn bị cả đêm rồi xách theo đủ thứ, nào là cái băng rôn dài nhằng với dòng chữ đỏ chót, cái trống tùng xèng mượn được trong trường, mấy cái dây vải làm khăn quấn đầu… Cả nhóm vui như một ngày hội.

Trên sân khấu, nhìn xuống những cánh tay vẫy vẫy nó như thấy mình được thêm lửa, hát khí thế hơn…

Về nhà, xem lại trên Tivi buổi lễ phát giải, nó thấy mình chìm ngợp giữa vòng vây của bạn bè. Trên cổ nó là cái vòng hoa dâm bụt, lá nhiều hoa ít, héo queo vì phải chờ từ sáng tời tối mới tới được với cái cổ của nó.

Nó chỉ nhận ra mình qua cái kiểu cười ngoác miệng rộng tới mang tai. Xấu hoắc. Mà vui!

—–o0o—–

Lớn lên. Nó đi làm xa, chẳng có nhiều bạn bè gần gũi để cổ vũ, cũng chẳng có nhiều người để vỗ tay. Khi nào thất bại thì phải tự mình rút kinh nghiệm cho những lần sau. Khi nào thành công thì một mình mỉm cười với mình. Cười cho tới khi thấy dư vị của thành công trở nên nhạt nhẽo, thì thôi!

Tuần rồi nó lại lên Tivi.

Hình như người lớn mà muốn lên Tivi thì khó hơn trẻ con nhiều lắm. Để nói trên Tivi, ít ra nó phải báo trước cho người ta biết rõ là nó sẽ nói cái gì. Rồi nó phải chuẩn bị kỹ càng. Nghĩa là cứ ôn đi ôn lại những điều mình sẽ nói cho tới lúc nhuyễn như cháo! Nó cũng phải dự phòng mọi tình huống bất trắc, phải tưởng tượng ra đâu là những điều bất ngờ mà người ta có thể hỏi.

Một mình, tự nhiên tất cả những chuẩn bị ấy cứ nhạt nhạt thế nào…

Vào trường quay, ba lão quay phim, một lão đạo diễn, và nó. Ông đạo diễn hỏi: Sẵn sàng chưa ? Nó lạnh lùng: Ok! Rồi: action! Những cái đèn pha chiếu thẳng vào mặt nó. Ba cái máy quay tập trung vào nó. Nó mở miệng, khua tay và bắt đầu áp dụng tất cả những gì mà môn học về truyền thông đã dạy mình!

—–o0o—–

Từ nhỏ tới lớn, trong môi trường giáo dục của mình, nó chỉ được dạy cho khoanh tay mỗi khi nói. Truyền thông dạy nó phải làm khác. Người ta phải biết sử dụng trọn vẹn cả con người mình trong lúc nói năng. Chẳng hạn để khẳng định một điều thì người ta nắm tay lại. Để thể hiện sự ngây thơ của mình thì người ta ngửa hai tay lên, dang ra, rồi nhún vai một cái. Để tạo sự đáng yêu, người ta hơi hất cái đầu nghiêng nghiêng qua một bên… 
Truyền thông cũng dạy cho nó biết phải xuất hiện trước mắt người ta như thế nào, phải thể hiện như thế nào khi đối diện với từng cái máy quay phim: một cái quay ở chính diện, một cái quay ở một góc, một cái cận cảnh… Dường như nó phải làm chủ toàn bộ các chỉ điệu bộ từ giọng nói, nét cười, đến một cái khua tay và kể cả một cái nheo mắt. Để làm người của công chúng, dường như nó phải là một diễn viên hoàn hảo.

Nó không quen đóng kịch. Nó càng không phải là người theo chủ nghĩa hoàn hảo. Cứ quay, cứ dò, và người ta sẽ tìm thấy nhiều sai lỗi nơi nó. Con người mà, sao hoàn hảo được. Thế mà hình như cứ mỗi khi lên Tivi, phải xuất hiện trước nhiều người, người ta lại bị đòi trở thành hoàn hảo. Không được thì người ta lại vờ như mình hoàn hảo.

Về nhà, xem lại đoạn phim, nó thấy mình trở nên khác ghê!

Tự nhiên nó thèm nhìn lại hình ảnh của mình ở lần đầu tiên xuất hiện trên Tivi: một thằng nhóc cười ngoác miệng tới mang tai, cái mặt nhăn nhăn, hai con mắt nhắm tít thò lò… Xấu hoắc. Mà vui!


Roma – 2009
khoá học truyền thông đầu tiên
Greogoriana-Radio Vaticana-CTV

Đăng nhận xét

0 Nhận xét