Banner top

Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

Giải Viết Văn Đường Trường 2018, bản tin 08



GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2018
BẢN TIN 08

150 NĂM SINH NHẬT LM PHÊRÔ TRẦN LỤC 




Thưa quý độc giả và quý tác giả, 

Giải Viết Văn Đường Trường sẽ kết thúc “hành trình 6 năm” của nó khoảng hai tháng sau ngày bế mạc Năm thánh mừng 400 năm loan báo Tin mừng trên quê hương Giáo phận Qui Nhơn, 1618-2018. Cuộc họp mặt trao giải 21-22/9 năm 2018 cũng nhằm vào dịp kỷ niệm 150 năm ngày sinh của Linh mục Phêrô Trần Lục (1868-1927), thuộc giáo phận Qui Nhơn, tác giả tiểu thuyết thiếu nhi: “Hai Chị Em Lưu Lạc” [Xin lưu ý: Đừng lẫn lộn tác giả này với vị linh mục cùng tên, Phêrô Trần Lục (1825-1899), quen gọi là “Cụ Sáu”, tác giả cụm kiến trúc Nhà thờ Phát Diệm” nổi tiếng]. 

Đây là người đã có nhiều công lao đóng góp cho sự phát triển của Nhà in Làng Sông trong thời kỳ ấy, và tiểu thuyết “Hai Chị Em Lưu Lạc” cũng đã được tủ sách Nước Mặn cho tái bản vào năm 2012. Để làm quen và tìm hiểu thêm về Linh mục Nhà văn có kỷ niệm 150 năm sinh nhật này, xin mời quý vị và các bạn thưởng thức bài viết của Tác giả Lê Nhật Ký, giảng viên Trường Đại học Quy Nhơn, vừa đăng trên Báo Bình Định số ra ngày 9/5/2018 với tựa đề: Tiểu thuyết “Hai chị em lưu lạc”: Một tấm lòng dành cho thiếu nhi. 


“ Trong nguồn sách báo quốc ngữ do Imprimerie de Quinhon xuất bản vào đầu thế kỷ XX, “Hai chị em lưu lạc” là một tiểu thuyết dành cho thiếu nhi (1927) - có thể nói đây là một trong những tiểu thuyết sớm nhất dành cho thiếu nhi ở nước ta, đặc biệt ở Nam Trung Bộ. Tác giả cuốn sách là Pierre Lục, một linh mục ở Tiểu chủng viện Làng Sông, Bình Ðịnh… 

Một tấm lòng với thiếu nhi 


Tác giả Pierre Lục sinh quán tại làng Phú Thượng, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Khi mới 13 tuổi, ông đã vào Tiểu chủng viện Làng Sông để học tiếng Latinh. Năm 1885, ông tiếp tục sang Pinang (Malaysia) học tập, sau đó trở về nước, làm việc ở nhiều nhà thờ khác nhau. Nhưng nơi ông gắn bó nhiều nhất, sâu sắc nhất không đâu khác hơn là Tiểu chủng viện Làng Sông. 

Tại đây, ông nhiều năm liền làm công việc kiểm duyệt bản thảo cho nhà in. Chính hoàn cảnh công việc này đã giúp ông thêm phần hứng thú, say mê với công việc sáng tác. Từ năm 1906 đến 1927, ông đã xuất bản hơn 10 tác phẩm thuộc nhiều đề tài và thể loại khác nhau (“Ấu học” (1906), “Hạnh Năm Thuông” (1912), “Nghị luận” (1915), “Tôn trái tim” (1919), “Song nghĩa tự” (1925)…), Pierre Lục xứng đáng được xem là một cây bút có vị trí quan trọng trong giai đoạn giao thời (1900 - 1930) của văn học Việt Nam. 

Sinh thời, Linh mục Pierre Lục rất quan tâm tới việc giáo dục trẻ em. Ban đầu, ông viết một số cuốn dưới dạng sách giáo dục, như: “Ấu học”, “Tự lễ”... Về sau, ông chuyển sang hình thức văn chương, viết tiểu thuyết “Hai chị em lưu lạc” với những lý do rất rõ ràng, thiết thực. Trong bài Tựa sách, ông viết: “Đã có nhiều tiểu thuyết cho người lớn, mà chưa thấy tiểu thuyết cho trẻ nhỏ coi chơi. Vậy tôi soạn cuốn này đặng cho trẻ nhỏ coi, chẳng những giải khuây, mà lại nhứt là đặng học đòi gương lành thói tốt…”. Rõ ràng, quan điểm của Pierre Lục về văn học thiếu nhi là đúng đắn và có tính cách tiên phong, đến nay còn nguyên giá trị. 

Đóng góp quan trọng của “Hai chị em lưu lạc” 


Tiểu thuyết “Hai chị em lưu lạc” được ghi nhận là một đóng góp quan trọng của Pierre Lục đối với văn học thiếu nhi giai đoạn giao thời. Lúc này, người viết cho thiếu nhi hãy còn rất hiếm. Cho đến nay, chúng ta gần như chỉ biết đến Nguyễn Trọng Thuật với tiểu thuyết “Quả dưa đỏ” (1925) và Nguyễn Văn Ngọc với thi tập “Nhi đồng lạc viên” (1928). Với sự bổ sung của “Hai chị em lưu lạc”, một nhận định về thời điểm xuất hiện của văn học thiếu nhi Việt Nam giờ đây đã rõ ràng hơn nhiều. Điều thú vị là ở chỗ, tác phẩm “Hai chị em lưu lạc” được sáng tác và xuất bản tại Bình Định, là tiểu thuyết cho thiếu nhi đầu tiên của văn chương Nam Trung Bộ. 

Ngoài ý nghĩa tư liệu nói trên, tiểu thuyết “Hai chị em lưu lạc” liệu có còn hữu ích với bạn đọc hôm nay, xét từ góc độ tiếp nhận. Ở tác phẩm này, Pierre Lục xây dựng nhiều hình mẫu con người đạo đức, đề cao lối sống vị tha, sẵn sàng giúp đỡ người khác khi họ gặp hoạn nạn. Theo tác giả, cái gốc của vấn đề chính là giáo dục gia đình. Trong đó, cha mẹ phải biết lập đức, “trồng cây đức để con ăn”(Nguyễn Trãi). Về phía con cái, nếu sớm được thụ hưởng ân đức cha mẹ thì “càng lớn càng xinh đẹp, thì càng khôn ngoan, nết na; ai thấy thảy đều thương”(tr.15). Có thể nói, tư tưởng này của Pierre Lục dễ dàng nhận được sự đồng thuận của bạn đọc hôm nay, nhất là với những người coi trọng giá trị văn hóa gia đình trong việc hình thành nhân cách trẻ em. 

Toàn bộ nội dung câu chuyện này được tác giả Pierre Lục diễn tả gần 150 trang, làm dấy lên ở người đọc mối thương tâm và niềm tin vào sự lan tỏa của cái đẹp. Cốt truyện phiêu lưu cùng lối trần thuật theo thời gian khiến cho nội dung tư tưởng câu chuyện trở nên sáng rõ và khá hấp dẫn… 

Tác giả Pierre Lục là một linh mục, vì thế, tiểu thuyết của ông mang đậm tinh thần Kitô giáo. Gạt đi một đôi chỗ thể hiện cái nhìn định kiến về người ngoài đạo Kitô (dù đấy chỉ là lời nhân vật), tiểu thuyết “Hai chị em lưu lạc” vẫn hoàn toàn có thể mở rộng tầm ảnh hưởng đối với bạn đọc. Bởi vì, những giá trị đạo đức mà tác giả đề cập tới trong tác phẩm hoàn toàn không xa lạ với truyền thống đạo lý dân tộc. Hy vọng rằng, trong dịp kỷ niệm 400 năm Nước Mặn (1618- 2018) và 150 năm ngày sinh Pierre Lục (1868 - 2018), những đóng góp của ông đối với văn hóa quốc ngữ sẽ được trân trọng! 

Tóm lược nội dung tiểu thuyết “Hai chị em lưu lạc” 


Như tên gọi, tác phẩm của Pierre Lục kể về hành trình lưu lạc của hai chị em con một gia đình nông dân sùng đạo ở một vùng quê tỉnh Bình Ðịnh. Hai chị em Gương và Lành sớm mồ côi mẹ, phải theo cha vào Nam tìm kiếm con đường mưu sinh. Trên hành trình đó, mấy cha con gặp phải nhiều thử thách, có lúc nguy nan đến tính mạng như khi tàu bị đắm, hay việc hai chị em bị bọn buôn người bắt cóc đưa sang nước khác. Nhưng “phúc đức cứu người”, họ đã được cậu Nên cũng như cha mẹ cậu ấy giúp đỡ nên dần dần thoát khỏi cuộc sống bần hàn, được ăn học trở thành những con người hữu ích cho cộng đồng. 

Năm 2012, “Hai chị em lưu lạc” được tái bản (Nxb Tôn giáo), mở đầu cho Tủ sách Nước Mặn do Giáo phận Quy Nhơn chủ trương. Không thể phủ nhận, sự trở lại của tác phẩm này đã giúp cho bạn đọc hôm nay có được cái nhìn đầy đủ về diện mạo chữ quốc ngữ, văn chương quốc ngữ Việt Nam ở buổi đầu hình thành. Với những ai quan tâm tới văn học thiếu nhi, ấn phẩm này thực sự là một tư liệu quý, có ý nghĩa về nhiều mặt.” 

(Nguồn: baobinhdinh.com.vn) 



Giờ đây trân trọng kính mời mọi người tiếp tục thưởng thức bài đầu trong loạt 13 bài dự thi tiếp theo (đến mã số 120) vừa được chọn qua vòng sơ loại. Xin tiếp tục theo dõi những bài khác sẽ lần lượt giới thiệu trên blog Văn Thơ Công Giáo và Mục Đồng trực tuyến (vanthoconggiao.nettapsanmucdong.net). 

Nguyện xin Thiên Chúa ban muôn phước lành cho tất cả chúng ta.

Trưởng ban Tổ chức

Quy Nhơn, ngày 13-5-2018

Lm. Trăng Thập Tự

Đăng nhận xét

0 Nhận xét