Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

[Giải VVĐT 2018] Bóng cây của đời con



BÓNG CÂY CỦA ĐỜI CON 


(Mã số: 18-103)

Trăng đêm nay sáng và đẹp quá! Trăng tròn như cái mâm bằng bạc bày đủ thứ bánh trái vàng ươm của một thời con nít đốt đèn, chỉ tiếc đêm nay không phải Trung Thu. Đường ngõ vắng hoe, nhường chỗ cho hàng cột điện ung dung rước đèn đến tận sáng. Ánh trăng hòa với ánh đèn, lấp lánh lung linh những con liều mình như thứ bụi thần tiên bay ra từ truyện cổ tích. Giữa buổi đêm đẹp đẽ ấy, bỗng một người lữ khách nặng nề bước ra từ trong bóng tối. Những hạt bụi vàng rơi trên vai ông, ánh sáng nhảy múa dưới chân ông, mời gọi ông. Nhưng người lữ khách không đáp lại. Ông không xé toạc khung cảnh ấy nhưng lùi lũi bước đi. Đôi mắt ông đang rất phẫn uất và cũng mệt lắm rồi. Về thôi... 

Người lữ khách ấy rút điện thoại ra. Tiếng nhạc chuông vang lên, tiếng mở cửa, mở cổng rồi tiếng người thở dài. Bà Nhẫn mở cửa ra, ông Mạnh bước vào, từng nếp nhà chìm trong giấc ngủ. Thoáng nhìn qua khuôn mặt của ông, bà Nhẫn cũng hiểu được đôi phần. 

- Ông mệt không? 

Bà hỏi nhưng ông không trả lời. Chắc ông buồn ngủ lắm, bà liền chạy vào chuẩn bị quần áo cho ông tắm. 

- Ông ăn chưa? 

Ông cũng không trả lời. Nhưng dù vậy, bà Nhẫn cũng biết ông đang đói. 

- Tôi dọn cơm rồi… 

Ông Mạnh lẳng lặng ngồi xuống, ông ăn từng muỗng to như thể đang cố nuốt trôi cái uất ức nghẹn ngang cổ. Bà Nhẫn đứng nhìn cũng chẳng biết nói gì, ông buồn bà có vui đâu. Không biết thì đành phải hỏi. 

- Có chuyện gì vậy ông? 

- Tức lắm… Cái bà Lan đấy. Qúa quắt lắm! Làm chủ thì phải có cái đầu tính toán cho công bằng chứ. Đã thế còn là ruột thịt chứ, mà coi người ta không bằng người ngoài đường. Đấy chị em mấy người. Rõ khổ! 

Đúng thôi, bà Lan là chị của bà Nhẫn, mà cho dù ông Mạnh có nói sai thì bà Nhẫn cũng đâu có tiếng nói trong nhà. Thôi đành tìm chuyện khác để nói. 

- Mình là người làm công mà. Phải chịu lụy thôi... Ông biết không hôm nay thằng Nam, nó mới thành phố về. Việc học của nó cũng không mấy suôn sẻ lắm, nó cũng... 

- Không học nữa thì cho đi làm hết, con với chả cái… Một lũ như nhau!- Ông Mạnh quát lên. 

Những nếp nhà vẫn ngủ yên, mấy đứa con của hai ông bà vẫn ngủ yên, ngoại trừ thằng Nam. Nó đã nghe hết đầu đuôi câu chuyện. Mắt nó lim dim, muốn nhắm thật chặt nhưng rồi lại mở. Nó cũng buồn và giận lắm, buồn vì cuộc sống trên đại học không mấy dễ dàng, bạn bè trong lớp thì toàn giỏi xuất sắc, Nam chỉ có nước ngửi khói. Mấy ngày đầu, Nam chỉ thui thủi một mình, nó không có bạn và nó cũng không cần, nó nhớ nhà. Nam giận, vì ông Mạnh chẳng bao giờ an ủi nó một câu. Lắm lúc nó muốn bỏ học, bỏ hết. Ba nó lúc nào cũng chỉ giận cá chém thớt, lúc nào cũng trút giận lên gia đình, nhiều khi vô lý quá thể. Làm thuê làm mướn thì phải chịu lụy thôi chứ, lúc nào cũng quát tháo mẹ con Nam. Nó mới là người khổ đây này! Nam nhắm nghiền mắt lại. Nó ghét ba nó. 

Ông Mạnh bỏ dở bữa tối rồi đi ngủ. Bà Nhẫn dọn dẹp. Bà không giận nhưng chỉ buồn. Bà vẫn im lặng, không phải bà không muốn nói, nhưng bà đang nói tận sâu trong thâm tâm. Bà đang cầu nguyện. Bà cầu nguyện lúc rửa chén, lúc ông Mạnh chuẩn bị đi làm, lúc vui lẫn buồn. Còn điều bà xin, chỉ có Chúa mới biết. Dọn xong, bà đi ngủ. Cả căn nhà lại chìm vào giấc ngủ... 

- Nam ơi! Dậy đi, tám giờ rồi. - Bà Nhẫn lay chân Nam. Đáp lại, Nam ứ ứ vài tiếng. Nó lăn qua lăn lại đủ mười phút mới dậy nổi. 

- Chủ nhật mà mẹ… 

- Chủ nhật thì cũng phải dậy để ăn sáng. Không lại đau bao tử. 

Ba Nam và hai đứa em đã dậy cả rồi. Ông Mạnh thì vẫn ăn “mạnh” như thường. Hai đứa em thì chăm chú coi ti-vi, lâu đớp một miếng rồi ngậm luôn trong miệng. 

- Nam, kiểu này trên thành phố ngày nào cũng trễ hả con?- Ông Mạnh cười. 

- Dạ!- Nam đáp cho có lệ. Mới sáng sớm Nam chưa muốn đùa, với lại ba nó đùa có bao giờ vui. 

Nam ngồi xuống ăn sáng, ai cũng hì hục ăn, mọi thứ đều rất bình thường… 

“Tin khẩn cấp ngày hôm nay 21/12/2012, một thiên thạch khổng lồ với đường kính 500 km đang lao thẳng về phía Trái Đất. Theo các nhà khoa học, dự tính khoảng bảy giờ tối nay thiên thạch sẽ rơi xuống biển Thái Bình Dương. Đây là một thiên thạch có sức hủy diệt rất lớn… Đây cũng là... bản tin cuối cùng... của tôi. Vĩnh biệt mọi người!” 

Ông Mạnh vẫn thản nhiên ăn, ông nói: 

- Tin tức nhảm nhí. Biết bao lần đồn thổi là tận thế mà có lần nào trúng. 

- Thì ba cứ để coi đã. Lúc nào cũng vội vàng kết luận. - Nam bực mình. 

Cả nhà bán tính bán nghi, nhưng nghi thế nào được, ngoài đường người ta đang rần rần vụ này. Ai cũng hoảng hốt vội vã, người thì tụm năm tụm bảy bàn tán, người thì chạy mua lương thực trữ. Hai đứa em vội lên mạng, Nam thì chuyển kênh ti-vi liên tục. Không còn nghi gì nữa, các nhà khoa học đã lên tiếng cả rồi, các nguyên thủ quốc gia cũng đã tuyên bố bó tay. Đã đến ngày tận thế! 

Nhà Nam im lặng hồi lâu. Ngoài đường, xe người tấp nập, người thì về quê thăm gia đình lần cuối, người thì đến nhà thờ chùa chiềng, người thì vẫn đi làm bình thường. Chắc thế! Đôi lúc lại có tiếng người khóc tỉ tê rồi tiếng xe cấp cứu. Nam nhìn ra ngoài xa xăm rồi lại hướng mắt nhìn bữa sáng còn dang dở. Nếu hôm nay là ngày cuối cùng, mình sẽ làm gì? 

- Mẹ sẽ đi mua thức ăn cho ngày hôm nay, rồi đi nhà thờ. 

- Mẹ ơi con đi nữa.- Hai đứa em đồng thanh đáp. 

- Còn ba sẽ xuống thăm ông bà, họ hàng. Mấy đứa muốn cái gì ba mua cho. Năm giờ chiều, mọi người phải về ăn tối và cầu nguyện.- Ba Nam cũng bị cuốn theo. 

Còn Nam? Nam vội chạy vào phòng và nó biết phải tìm câu trả lời ở đâu. Hồi lớp mười, cô giáo Nam từng cho một đề văn: “Nếu ngày mai là ngày cuối cùng, bạn sẽ làm gì?”, cô yêu cầu phải viết ra một danh sách và giải thích tại sao. Nam cất tờ bài làm kĩ lắm, tám điểm mà lị. Nam rút ra một tờ giấy cũ kĩ, một danh sách cần làm trước khi... chết. Trên kẽ giấy đã ngả vàng, có một chút gì đó, nuối tiếc, hối hận, hơi thú vị và lo sợ. Thật khó mà diễn tả được ngày cuối đời mình sẽ cảm thấy thế nào. Nam ngồi đó, im lặng. 

- Ngồi đây mà tiếc thì đến cuối ngày cũng chẳng được gì!- Nam đứng phắt dậy. 

Đầu tiên, xưng tội… 

Chín giờ sáng, từng hàng dài xếp chờ cha giải tội. Nam thở rõ từng tiếng, mồ hôi đầm đìa. Thế này cũng phải mất hơn một tiếng. Đành chịu vậy! Nam đứng chờ. Mấy đứa trẻ con có ba mẹ đứng xưng tội thì lo chạy giỡn tung tăng. Đúng là trẻ con, ngày tận thế mà vui như ngày tết. Nhìn chúng, Nam lại nhớ đến một thời “hoàng kim” ở sân nhà thờ, trước giờ lễ, sau giờ giáo lý, ngày rước lễ lần đầu, ngày thêm sức… Dạo ấy mình còn ngây thơ, còn siêng lắm! Mặt nó cười mơ màng rồi bỗng nhiên xụ xuống. Sau đó, biết bao thứ phải đau đầu, Nam đến nhà thờ mà không còn vui như trước. Khi buồn, Nam tìm đến sách vở như người say tìm đến rượu, nó không còn tìm đến Chúa để giải sầu nữa. Lòng nó thờ thẫn mà chân vẫn bước tiếp. 

Mười giờ hơn, Nam từ nhà thờ bước ra, thở phào nhẹ nhõm. Danh sách vẫn còn dài. 

Tiếp theo: đứng đầu lớp. Mà ngày cuối rồi, cần gì phải học nữa… Nếu là ngày thường, bây giờ Nam đang cắm mặt vào mấy quyển sách. 

Tiếp: du lịch Nam Cực. Có tiền đâu mà đi! 

Tiếp: lẩu Hàn Quốc. Chắc cũng đủ tiền... 

Một giờ chiều, Nam ngồi dưới bóng cây trong công viên, tay cầm ổ bánh mì. Thật ra thì nó không ăn được lẩu vì người ta đóng cửa. Nó ngước đầu lên, cúi gằm xuống rồi ném một tiếng thở dài ra xa. Danh sách chỉ mới xong một cái mà đã quá trưa. 

Thứ tư: mua một cái cây. 

Nam thích trồng cây lắm. Nhớ đến hội chợ tết, nó cứ lèo nhèo với ba nó đi chơi mà chẳng mua cái gì, hoa đầy mà chẳng được mua. Nó dỗi ba nó: “Đi mà không mua đi làm gì!”. Từ đó ba nó khỏi chở nó đi chợ tết luôn. Nam không thích ba nó. Một phần, ông đi làm suốt, nửa đêm mới về, nó chỉ ở nhà với mẹ. Phần kia, ba nó hay lớn tiếng, nhiều lúc sai mà cứ cho là đúng. Và nhất là câu chuyện đêm qua… Vì thế, Nam yêu mẹ nhất nhà, chứ không phải ba. 

Thứ năm: kiếm thật nhiều tiền. 

Đúng rồi, mình phải có tiền mới mua được cây, du lịch được chứ. Nam muốn có một cuộc sống tự lập, tự mình quyết định mọi thứ. Phải có tiền mới có tiếng nói. Nhưng giờ kiếm đâu ra tiền. Mà tận thế có ai cần tiền, người có hay không có cũng giống nhau cả thôi. Nam nghĩ thế. Nó phủi tay, đứng dậy, lẳng lặng ra về trong cái nắng gay gắt… 

- Chào ba mẹ con mới về. 

Nam vừa chào vừa khép nhẹ cánh cửa lại. Nhà vắng tanh, chỉ còn ông Mạnh đang khò khò trên võng. Ngày nào chả vậy, ba nó làm khuya, còn ngày thì ngủ. Nam không quan tâm đến ba nó, hay ít nhất, nó cố không quan tâm. Nó cố không nhìn vào mắt ba nó, vì ngại, nó quan niệm: Không bao giờ được thể hiện cảm xúc ra bên ngoài. Nhưng lúc này, vì giận. Nam đi thẳng một mạch về phòng, phòng nó tối, nhưng mấy đứa trầm cảm lại thích như vậy. Nam nằm chênh vênh một góc giường tối. Nó ước gì thời gian có thể dừng lăn bánh, có thể níu lại chỉ một tiếng còi tàu mà thôi. 

Tíc tắc, tíc tắc… 

Nam nhìn quanh phòng, không có gì đáng nhớ. Tấm ảnh Chúa lòng thương xót! Hay bây giờ đọc kinh không? Nam muốn nói không lắm, nhưng cảm giác có lỗi cứ thúc giục Nam mãi. Nam lấy “hết sức bình sinh” ngồi dậy. Lạy Cha… Kính mừng… Sáng danh… 

- Con xin lỗi Chúa!- Nam thì thầm. 

Từng tuổi Nam, biết bao người đã thành danh thành thánh, vậy mà nó… Nam chẳng giúp ích được cho ai, nó ngại, nó cũng kém cỏi, nó tự bào chữa. Ba Nam nói cũng đâu có sai, học chẳng bằng ai, lại còn yếu ớt, đúng thứ vô tích sự. Giờ Nam không giận ba nó, nó chỉ giận chính mình sao vô dụng quá. Nó đã làm gì cho Chúa, ba mẹ, bạn bè? Hờn dỗi, ghen ghét, thoái thác? Không gì hết. Nam siết chặt đôi bàn tay đang đan lại với nhau. 

- Con xin lỗi vì tức giận ba con. Con biết mình đã không đúng khi tức giận. Con không hiểu tại sao mình lại không thể yêu ba như mẹ được. Chẳng lẽ tình phụ tử với con, lại không tự nhiên mà có nhưng phải nỗ lực mới có được sao?... Xin Mẹ chuyển cầu cho con… 

Nam lại thở dài. Nó muốn ra ngoài vườn hít thở một lát, thăm lần cuối cái vườn của nó. Sống đời, hoa giấy cây nào cũng hoa, cũng xanh mơn mởn. Cây nào Nam cũng thích. Nam đến từng cây, phủi bụi cho từng lá, bắt sâu, xoay xoay cái chậu cho vừa mắt. Nhưng khi nó đến góc vườn, một chậu cây cằn cỗi. Nam đâu có thích nó, Nam cũng đâu có mua. Cái này là ba nó mua cho nó, mà ba lúc nào cũng theo ý riêng, ít ra ba phải nghe nó nói chứ. Nam vân vê mấy cái lá già một hồi. Nhưng ít ra cũng là quà của ba, ông cũng đặt tình thương vào trong đó, có không thích thì cứ chăm cho ba vui. Ngày trước nó chẳng chăm, nên cái cây cho đến ngày cuối cùng vẫn chỉ èo ọt mà thôi. 

- Cái cây chẳng tự lớn được đâu!- Lại một tiếng thở dài. Nam đào thật nhanh rồi trồng cái cây xuống đất, nó nhẹ nhàng vun xới và tưới nước cho cây. 

- Hãy lớn lên thật nhanh và che mát cho tao nhé! 

Nó nghĩ ngợi gì đó rồi lại thở dài. 

Coong, coong… 

Tiếng chuông nhà thờ vang, kéo Nam về hiện tại. Nam đứng dậy. Nó nheo mắt nhìn về tháp chuông, nơi mặt trời đậu trên nóc nhà thờ, nơi đó có cây thánh giá lấp lánh trong cái nắng hoàng hôn cuối cùng. Một vầng sáng bao quanh cây thập giá, nhìn đẹp lắm. Nam nhớ đến những buổi chiều đi lễ, nhớ con đường đến nhà thờ, chiều nào cũng nhuốm nắng hoàng hôn, nhìn như dát vàng. Gió thì man mát thổi qua tán lá, lâu lâu lại hùa vào góp chuyện với mấy đứa con nít đang rủ nhau đi lễ. Nam nhớ ngày rước lễ đầu tiên, ngày thêm sức, ba nó cũng ở đó, ba nó cười rất đẹp, tận hai lúm đồng tiền mà. Ông cũng dắt nó ngày đầu tiên đến trường, có ngày mưa ngập ngang xe. Ba nó khỏe, nhiều người khen ba đẹp trai, ba nó biết làm mọi thứ. Nam ngưỡng mộ ông, chỉ là đôi lúc bất đồng quan điểm. Mẹ Nam thường hay nói: “Không có lỗi mà phải xin, thế mới đau!” (Thánh Tê-rê-xa). Mẹ còn nói: “Ba con đi làm vất vả lắm, thức hôm thức khuya, phải chịu lụy người ta, rồi còn bệnh, nên ba bực tức là chuyện thường mà”. Em Nam cũng hiểu, sao Nam lại không. Phía trong nhà, nắng đã nghiêng ngả màu chiều, có mảng đậu trên đầu võng. 

- Vậy mà ba cũng ngủ được… 

Từng mảng nắng dập dìu như sóng biển, nhưng rồi vội rút xuống như thủy triều, bỏ lại căn nhà tối om. Trời đã sẩm tối. Trễ rồi. Nam vội bỏ vào nhà. 

- Mẹ ơi, con phụ nấu với! 

- Hai đứa để anh làm… 

- Ba ơi dậy ăn cơm đi! 

Năm giờ chiều, cả nhà Nam sum vầy bên bàn ăn. Không khí chưa bao giờ trầm đến thế. 

- Thịt nè Nam, ăn đi con!- Ông Mạnh nói- Không chịu ăn nên lúc nào cũng gầy là phải. 

Đúng là ba, lúc nào cũng phải đệm thêm một câu. Danh sách cần làm, tuy mới được một cái, nhưng hôm nay, Nam cũng mãn nguyện rồi. Nam rút tờ giấy khỏi túi, nó đọc lại một lượt. 

- Ăn cơm với gia đình lần cuối. Vậy là hai. 

Rồi Nam lật ra đằng sau. “Nhưng điều em muốn thực hiện nhất là kiếm thật nhiều tiền, để ba không phải làm đêm, không bị người ta nặng nhẹ. Em ước mình có thể kiếm ngay, kiếm thật nhiều để ba em khỏi phải đi làm”. Nam đã quên, quên mất ba nó đã vất vả thế nào, quên mất cái bất lực khi muốn giúp ba nó mà chẳng có tài, có tiền mà giúp. Nó bất lực với cuộc đời, lắm lúc chỉ muốn bỏ cuộc. Nam quay lại nhìn đồng hồ. Sáu giờ tối. 

- Mẹ ơi, cơm ngon quá ha! 

- Món này ngon lắm nè ba! 

- Đúng là đồ dởm, hành mà cũng không biết ăn. 

Gia đình Nam, ai cũng cố vui vẻ cười nói. Bỗng nhiên, từng tiếng như nổ đá làm rung cả căn nhà, bóng đèn thì hốt hoảng chớp tắt liên tục. Ông Mạnh trấn an: 

- Mau ra phòng khách để đọc kinh. 

Cả nhà ngồi tụm vô một góc. Ai cũng ngước nhìn lên bàn thờ rồi đọc kinh liên lỉ. Lại vài tiếng rầm, thêm tiếng la thất thanh và tiếng khóc của con nít. Bây giờ, không còn ai đủ tập trung nữa. 

- Con xin lỗi ba mẹ nhiều lắm.- Hai đứa nhóc ôm chặt lấy mẹ mà khóc. 

- Mẹ cũng xin lỗi các con! Tôi xin lỗi ông vì tất cả, nếu tôi có gì sai xin ông tha thứ.- Mẹ Nam ròng ròng nước mắt. 

Nam cố ngăn nước mắt lại, nó lấy tay quẹt lại làm mặt lem luốc. 

- Con xin lỗi mẹ nhiều lắm!- Nam quay sang ông Mạnh, trông ông vẫn rất bình tĩnh.- Con xin lỗi ba vì lúc nào cũng tức giận với ba, con xin lỗi ba nhiều lắm… 

Ba nó vẫn bình thản, không cảm xúc. Chẳng lẽ ông không có gì để xin lỗi sao? Ba cũng nhiều lúc làm mẹ buồn, cũng la tụi nó vô lý chứ bộ. Lời xin lỗi khó nói vậy sao? Hay ba không thương gia đình nó? Nam nhìn ông Mạnh, hai dòng lệ thôi lăn dài. Nó không hiểu. 

- Ba không có gì để nói ư? 

Ông Mạnh im lặng. Nam cũng chẳng còn gì để nói nữa. Nó quay lưng bỏ vào phòng. Nó gào lên khóc. Nó chạy. Nhưng sao lạ vậy? Xung quanh đang tối sầm lại, không còn rung, không còn gì hết. Nam quay lại. Gia đình nó đâu? Hay là nó đã chết? Không thể. Đột nhiên, một chấm sáng lóe lên ở phía trước, lơ lửng giữa màn đêm dày đặc. Nam mò mẫm đi tới. Chấm sáng cứ lớn dần, lớn dần thành một cái cổng lớn. Lối ra đó! Có bóng ai đó quen thuộc đang đợi nó ở đó. Khoan, hình như là ba nó. Mau lên Nam, chạy về phía ánh sáng ấy. Không… Nó xoay lưng và cứ mải miết chạy theo hướng ngược lại đến khi cái cổng ấy lại bé như cũ. 

- Á!... 

Mặt đất dưới chân nó vỡ vụn ra, từ từ lún xuống như cát rồi tích tắc rơi thẳng vào hư không. Tối quá, Nam không thấy gì hết, chỉ biết đang rơi xuống thôi. May thay, Nam bám được cái gì đó, cành cây, vách đá, nó không biết. 

“Rắc!”… Bên dưới là vực thẳm, bên trên lại một bầu trời đen, xung quanh là tiếng sấm sét và tiếng gãy răng rắc đang đếm ngược những giây cuối cùng. Nam không trụ được nữa rồi. Nó nhắm mắt lại. Thế là hết… 

- Cố lên! 

Nam mở mắt ra. Tay ba nó nắm chặt tay nó, ông đã vươn gần nửa người ra, tay kia bấu chặt vào đất. 

- Mau đưa tay kia cho ba.- Ông Mạnh gào lên. 

Nhưng Nam không muốn đưa. Nó lầm lì im lặng, nó giận ba. Từng tiếng răng rắc như đếm ngược thời gian còn lại, vách đá chuẩn bị vỡ. 

- Mau lên! 

Ông Mạnh càng hét, nó càng nhắm nghiền mắt lại. Bỗng, trời đổ mưa. Nhưng sao mưa lại ấm thế này? Nam ngơ ngác nhìn ông Mạnh. Ba nó đang khóc. Mặt ông đỏ bừng, hai hàm răng nghiến chặt vào nhau. Sao giờ nó mới nhận ra, ba rất mạnh mẽ, ông không bao giờ bộc lộ cảm xúc của mình. Người không quan tâm đến gia đình không phải là ba nó, mà chính nó. Nó yêu một người ba tài giỏi, có hai lúm đồng tiền chứ không phải người hay quát tháo. Hóa ra là yêu kiểu sáng nắng chiều mưa, đẹp thì yêu, xấu thì ghét. Nhưng, yêu một người là yêu trọn vẹn cả xấu lẫn tốt trong con người đó. Ba nó chỉ thương thầm, chỉ đứng dõi theo từ phía sau mà nhìn con khôn lớn. Khóc là yếu đuối. Nước mắt của ông lăn dài trên má nó, rồi hòa với nước mắt của nó kết thành những hạt to như hạt ngọc. 

- Ba mau buông ra đi… 

- Không được!- Ba nó quát to. 

- Mau buông tay con. Đi mà…- Nó la, khóc rồi vùng vẫy. 

Nam càng la lớn bao nhiêu, ba nó càng nắm chắc bấy nhiêu. Nhưng đã đến lúc, ba nó già yếu quá rồi, đã hơn nửa người trườn ra vách đá, tay không còn bấu vào đất nữa. Và cả mỏm đá, nó cũng không chịu nổi nữa, mỏm đá bắt đầu rơi xuống. Nam rơi, ba nó cũng rơi, nhưng ba nhất quyết không bỏ tay con. 

- Á!- Một bóng người bật dậy giữa buổi tờ mờ sáng. 

Nam nhìn quanh, vẫn tối nhưng đủ biết đây là phòng nó. Hóa ra chỉ là giấc mơ. Nó thở hổn hển, chân tay toát cả mồ hôi. Nam im lặng một hồi nhưng rồi nó thốt lên: 

- May quá! Chưa tận thế… 

Đây là ác mộng đẹp nhất mà Nam từng có, ngày tận thế tuyệt vời nhất của nó. Con cám ơn Chúa. Cám ơn ba. Nam choàng dậy rất sớm. Nắng ban mai đã gõ lên khung cửa sổ từng mảng như cầu vồng, từng dải nắng lại theo thủy triều tràn vào căn phòng tối. Đôi mắt nó cười, long lanh và rạng rỡ. Nam đan những ngón tay lại với nhau và xin Chúa cho nó viết tiếp câu chuyện của riêng mình… 

May thay, hai cha con vẫn còn sống. Ba nó gãy cái chân, nó thì gãy cái tay, mỗi người đều có nỗi khổ riêng. Thế mà miệng ai cũng cười toe toét, không quan trọng ai khổ hơn ai. Hai cha con trèo lên vách đá, nỗi buồn sẻ chia là nỗi buồn nhẹ đi một nửa. Hai cha con men theo con đường dát vàng, tô điểm với những viên ngọc quý. Mẹ nó và hai đứa em đã chờ sẵn ở đó. Chấm sáng xuất hiện, lớn dần và mở ra. 

Đăng nhận xét

0 Nhận xét