Vườn tượng danh nhân, bệnh viện phong Qui Hòa |
NHỮNG CÂY DỪA CONG
(Mã số: 18-085)
1.
Cơn bão số 8 đổ qua Qui Hòa đã mấy ngày rồi. Dấu vết của nó vẫn còn tràn lan khắp xóm. Nhà cửa, cây cối ngã ngang ngã dọc. Từ nhà thờ cho đến nhà dân, từ ngoài biển cho đến trong xóm, đâu đâu cũng ngổn ngang cây cối. Vườn tược nhà ông Hai cũng chung số phận. Mấy ngày nay ông và con trai cặm cụi dọn dẹp nhưng chưa xong. Sáng hôm nay, ông đứng nhìn đống cây mà ngao ngán. Việt đứng bên cạnh ông, tròn xoe mắt hỏi.
- Ông ơi! Sao mấy cây dừa của nhà mình không bị ngã, ông nhỉ?
Ông Hai nhìn Việt rồi đưa bàn tay chỉ còn lại mấy ngón cùi cụt xoa đầu nó.
- Tí này! Con có biết tên của mấy cây đang bị ngã không?
- Dạ biết! Cây ổi, cây xoài, cây me, bụi tre… nhiều lắm con đếm không hết.
- Thế trong vườn nhà mình còn lại cây gì nào?
- Dạ, chỉ còn mấy cây dừa cong cong nghiêng ngửa thôi!
- Không phải! Chúng không có nghiêng ngửa đâu con. Chúng vẫn xanh tốt đấy chứ! Năm nay bão lớn mà chúng không ngã, chứng tỏ gốc của chúng rất chắc. Đó là kết quả của mấy lần ngã rồi đó con… Trước đây, khi con còn chưa sinh ra, mấy cơn bão lớn đã làm chúng chỏng gốc. Ông đã dựng chúng dậy và chúng cứ mọc cong cong như thế cho đến nay. Chúng chẳng bao giờ ngã nữa Tí à!
Việt ngạc nhiên nhìn ông.
- Chúng bị ngã rồi sao ông?… A ha! Chúng ngã nên không ngã nữa... Chúng cũng giống như con tập đi xe đạp vậy. Ngã rồi nên không ngã nữa phải không ông?
- Ừ, đúng rồi đó con! Nhờ ngã mà con sẽ không ngã nữa. Con sẽ trưởng thành hơn. Lớn lên con sẽ hiểu… Nhưng con phải cẩn thận hơn đấy. Lần sau con sẽ ngã đau hơn đấy!
- Dạ, con biết rồi ông ạ!
Năm đó, cũng vào mùa bão, con dâu ông Hai chuyển dạ. Cả nhà lo lắng. Trung, đứa con trai duy nhất của ông phải lặn lội ra bệnh viện phong nhờ họ lấy ôtô chở vợ ra bệnh viện tỉnh. Trong mưa, cả nhà khổ sở đưa con dâu lên xe rồi chuẩn bị đồ đạc đi theo nuôi đẻ. Khổ thân Trung, anh những mong vợ sinh vào ngày nắng ráo cho đời đỡ cực. Thế mà vợ anh lại sinh sớm hơn. Mấy ngày nay, tự nhiên mắt anh cứ nháy liên hồi. Anh nghĩ chắc nhà mình có chuyện, nhưng công việc ở xưởng cơ khí lu bu nên quên luôn cho đến khi nghe tiếng rên đau của vợ. Trung vừa mừng vừa lo. Đứa con đầu đời, đứa cháu đích tôn, cho nên phải làm sao “mẹ tròn con vuông”. Đang khi xe chạy trong mưa, miệng anh thì thầm khấn nguyện xin Chúa thương trợ giúp. Trung nắm chặt tay vợ, đặt trọn niềm tin tưởng và tiếp sức cho nàng. Trung thì thầm vào tai vợ: “Cố lên em yêu! Chúa và Mẹ Maria sẽ giúp sức cho em!... Vững tin lên em ơi!”. Nói xong, anh bật khóc như con nít…
Xe chưa kịp đến bệnh viện, vợ Trung đã sinh. Một đứa con trai thật kháu khỉnh. Một đứa con như ước nguyện của đôi vợ chồng trẻ. Trong mưa, sự sống đã được sinh ra như ý Chúa muốn. Sự sống ấy chính là Việt, thằng Tí của ông Hai, niềm hy vọng tương lai tươi sáng của cả gia đình.
Ông Hai đưa cả hai bàn tay không còn nguyên vẹn ôm lấy Việt thật lâu. Ông xoa xoa vào lưng nó rồi hôn vào mái tóc mỏng manh của nó.
- Thôi! Con vào nhà chơi đi. Để ông đi dọn mấy cái cây ngã cho sạch sẽ. Ông dọn bữa nay nữa chắc là xong. Con sẽ có sân để tha hồ tập đi xe đạp.
- Dạ! Con cảm ơn ông...
Nghe tiếng bố ngoài sân, Trung ở trong nhà bước ra, nhìn thấy bố đang vác rựa đi ra vườn thì nói.
- Bố vác rựa đi đâu thế?
- Ừ, bố ra vườn dọn dẹp mấy cái cây cho thoáng cái vườn. Dọn nhanh để còn kịp trồng rau bán tết nữa chứ!
- Dạ, bố để con làm cho! Hôm nay con dọn một buổi nữa là xong. Chiều mát bố và mẹ ra làm đất trồng rau cũng được.
- Thôi! Để bố đi làm với con cho vui. Ở trong nhà lâu ngày cũng buồn tay buồn chân. Mấy bữa nay mưa gió, cứ bó gối ngồi trong nhà, tay chân bố cứ cứng đờ ra.
- Dạ! Bố và con cùng làm nhưng bố phải làm vừa sức thôi nhen! Bệnh khớp của bố vẫn chưa khỏi đâu đấy!
Trung quay sang bảo thằng Việt đang ở trong nhà.
- Tí ơi! Lấy cho bố cái nón đi con. Nhanh lên!...
Thằng nhỏ chạy vào trong buồng. Một thoáng nó chạy ra.
- Thưa phụ hoàng, nón của phụ hoàng đây ạ!...
- Giỏi! Tí của bố giỏi quá… Chỉ biết bắt chước trong phim không à nghen!
- Dạ...
2.
Thế là cả buổi sáng hôm ấy hai bố con hì hục chặt trái chặt phải tất cả những cây bị ngã. Phần thì làm củi đun, phần thì chất đống để cắm chái trồng đậu trồng cà. Lá của chúng chất lại thành từng đống lớn chờ cho khô rồi đốt. Tất cả khu vườn bây giờ trống trơn chỉ còn lại hàng dừa cong cong vẹo vẹo dọc theo hàng rào. Vì thế nắng chói chang khắp mọi nơi.
Hai bố con dọn xong khu vườn, trời đã đứng bóng. Mồ hôi mồ kê chảy tràn khắp người, từ trên đầu cho đến dưới chân đều ướt sũng. Hai bố con nhìn nhau tươi cười. Khuôn mặt không còn lành lặn của ông Hai càng méo mó thêm. Thế nhưng khuôn mặt ấy vẫn luôn hạnh phúc vì Trung.
- Con thấy không... Tay rựa của bố vẫn còn ngọt lắm. Con coi nhát nào nhát nấy chắc và đi êm ru à!
- Dạ, bố khỏe thật! Con chịu bố luôn đó. Sức dẻo dai của bố chẳng ai sánh bằng. Làm gì đó nhanh nhanh thì con còn chịu được chứ làm lâu dài chắc con chết mất!
- Cái gì cũng từ từ chứ con! Con nhìn mấy cây dừa bố trồng đấy. Chúng đã sống với bố và mẹ mấy chục năm rồi. Chúng ngã rồi lại đứng và bây giờ thì chúng chẳng ngã nữa. Bởi chúng đã biết cong theo nhịp gió bão của vùng đất gần biển này rồi. Con cũng phải biết làm việc một cách từ từ và dẻo dai như chúng thì mới mong thành công.
- Dạ, con biết! Nhưng mà khó lắm bố nhỉ!... Cái nghề thợ hàn của con cũng đòi hỏi tỉ mỉ lắm đấy.
- Ừ, bố chọn nghề cho con cũng để rèn tính nóng nảy của con đó! Con ráng làm để nuôi vợ nuôi con nghen.
- Còn để phụng dưỡng bố mẹ nữa chứ!
- Ừ! Thôi mình vô nhà tắm rửa rồi ăn cơm đi con!
Hai bố con bá vai nhau đi vào trong nhà như hai người bạn. Có điều dáng của ông Hai thì thấp hơn Trung và có vẻ khập khiễng. Chân của ông bị bệnh phong hành hạ suốt 12 năm. Ngày đó, ông là một thanh niên trai trẻ tuấn tú giỏi nghề giỏi nghiệp. Thế nhưng một hôm ông thấy tay chân của mình có những đốm trăng trắng. Mấy ngày sau lại chuyển sang đo đỏ rồi chảy nước ra liên hồi. Nó cứ lớn theo thời gian và càng ngày càng lan ra. Ông đi khám và biết mình bị bệnh phong. Ông thất vọng và lầm lũi xa tránh mọi người. Được biết trong Qui Hòa có trại phong do các Dì Phan Sinh coi sóc, ông đã xin gia đình vào ở hẳn trong đó. Thế là vùng đất Chánh Thạnh trở thành dĩ vãng, bởi vì ông chẳng bao giờ trở về đó nữa.
Ở trong trại phong, ông được các Dì chăm sóc chu đáo như người thân. Dần dần ông khỏi bệnh. Và cũng chính nơi đây ông bắt đầu biết Chúa và gặp được bà Hai. Hai người đồng cảnh ngộ đã kết tóc xe tơ. Thế là Trung ra đời. Ông bà mong có thêm đứa nữa cho vui cửa vui nhà nhưng Chúa chỉ cho có mỗi mình nó. Cho nên, hai ông bà yêu quý Trung lắm. Đáp lại, Trung là đứa con ngoan biết lo lắng cho bố mẹ, chăm sóc từng ly từng tý. Mọi việc trong nhà, Trung đều kham hết. Trung biết bố mẹ đã khổ cực nhiều nên muốn bù đắp phần nào cho hai ông bà. Ngày hôm nay, Trung không đi làm để ở nhà dọn dẹp khu vườn cũng vì điều ấy.
3.
Hai bố con vào đến trong nhà đã thấy cơm nước sẵn sàng. Từ sáng tới giờ, mẹ và vợ Trung đã cặm cụi lo lắng. Vừa thấy hai cha con bước vào, bà Hai đã giục.
- Hai bố con mau đi tắm rửa rồi ăn cơm. Trưa rồi đấy!
- Bà cứ thong thả… Nghỉ chút cho ráo mồ hôi đã. Không khéo thì cảm chết!
- Ừ, thì cũng nhanh nhanh chứ cơm canh nguội hết đấy! Thằng Tí cũng đói lắm rồi. Nó muốn ăn nhưng lại đợi ông và bố nó.
- Dạ!... Đi tắm rửa đi bố! Để thằng Tí đợi, tội nó!
- Ừ, thôi đi tắm rửa mau đi con... Tí đợi ông chút nhé!
- Dạ!
Lan Uyên, vợ của Trung, đứng dậy lấy mấy cái khăn tắm đưa cho chồng.
- Bố và anh cầm cái khăn tắm này dùng nè. Khăn con mới mua đấy.
Trung đưa tay nắm lấy hai cái khăn từ tay vợ. Ánh mắt Trung nhìn vợ đầy yêu thương. Lần nào nhìn vợ Trung đều có cảm xúc dạt dào như thế. Bởi vì, nhờ có nàng mà Trung mạnh mẽ hẳn lên, không mặc cảm về thân phận của mình nữa. Trung quyết tâm trở thành người con hiếu thảo, người chồng mạnh mẽ để cả nhà tự hào.
Trung nhớ lại hồi học cấp 3, trong Qui Hòa đâu có trường, vì thế Trung phải lặn lội đạp xe ra thành phố Qui Nhơn để học. Trong lớp, Trung chẳng dám quen biết ai, vì sợ bạn bè biết mình là con người cùi. Trung khép mình, chỉ biết học rồi lủi thủi đi về. Thế nhưng cũng có người để ý đến Trung. Cô bé Lan Uyên ngồi ở bàn trên cứ hay nhìn và hay tìm cách nói chuyện với Trung. Dần dà, hai đứa càng ngày càng thân thiết. Hôm Lan Uyên đến thăm nhà của Trung, nhìn thấy bố mẹ Trung, nàng không cầm được nước mắt. Cũng bắt đầu từ đó, nàng càng gắn bó với Trung hơn. Nàng đã yêu Trung thật lòng. Cho đến lúc hai người lấy nhau, Trung vẫn còn ngỡ ngàng. Trung không nghĩ mình có thể lấy được nàng, vì bố mẹ nàng phản đối kịch liệt. Cho nên, Trung rất yêu vợ, không bao giờ làm cho vợ buồn.
Hai người tắm rửa xong rồi trở lại bàn ăn. Mọi người đang chờ hai cha con. Việt thấy bố và ông ngồi xuống ghế thì vỗ tay hào hứng.
- Ông ơi! Làm dấu đọc kinh nhanh đi ông… Con đói bụng quá rồi!
Bà Hai cười.
- Cha mầy! Nôn nóng thế!... Thôi làm dấu đi ông.
Ông Hai ngồi ngay ngắn rồi đưa tay làm dấu.
- Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần! Lạy Cha chúng con ở trên trời...
Bữa cơm trưa hôm ấy tràn đầy niềm vui. Tiếng cười, tiếng nói thay phiên nhau vang lên rộn rã. Bên ngoài, gió biển vẫn thổi nhè nhẹ. Hàng dừa lắc lư cành lá. Bầy chim sẻ bắt đầu hót trở lại.
4.
Chiều đến, sau khi đi lễ về, ông Hai nói với bà Hai.
- Tối nay, tôi với bà đi biển một chuyến cho đỡ buồn nghen!
- Thôi đi ông! Tay chân còn mạnh mẽ gì đâu mà đi cho khổ. Thằng Trung biết được nó la cho đấy!
- Chỉ có bà mới hiểu tôi mà! Tôi đi biển đâu phải để kiếm chác gì đâu. Tôi nhớ cái mùi biển, nhớ cái cảm giác man mát, bồng bềnh trên sóng nước. Ngày trước bà vẫn thường hay đi với tôi mà… Đi với tôi nhé!
- Nhưng ông phải nói cho thằng Trung biết nghen!
- Nói chứ! Để con nó lo, đâu có lợi gì... Tôi biết nó thương tôi với bà lắm nên không muốn cho đi...
Trung ở trong nhà đã nghe hết câu chuyện của bố mẹ. Mắt ngấn lệ, Trung bước ra nói với bố mẹ.
- Con biết bố mẹ nhớ biển lắm! Hôm nay trời cũng yên gió. Thôi bố mẹ ăn cơm rồi đi sớm. Khoảng tám giờ tối con sẽ ra đón bố mẹ. Bố mẹ đi cẩn thẩn nhé! Đi gần bờ thôi…
Ông Hai mừng rơn trong bụng.
- Bố cảm ơn con... Đi ăn cơm rồi chuẩn bị đi thôi bà!...
Vừa đến bến cá, ông nói với bà.
- Năm nay bão dữ dằn quá phải không bà?
- Dữ thiệt! Từ năm 84 tới giờ chưa có cơn bão nào dữ dằn đến thế. Ông xem kìa! Bao nhiêu gốc dừa mình trồng ba bốn chục năm đều chỏng gốc. Chỉ còn lại mấy cái cây xiêu vẹo này thôi.
- Ừ phải! Mấy cái cây ngả nghiêng ngả ngửa đó tôi đã thấy nó hồi còn nhỏ. Đến bây giờ, trải qua biết bao nhiêu trận bão mà nó vẫn cứ sống. Lạ không bà!
- Tôi nghĩ nó cũng như người ông à!
- Như người? Như chúng ta sao?
- Ông nói phải đó! Như những người cùi trong trại phong chúng ta… Mỗi người đã trải qua biết bao nhiêu là cay đắng, bệnh tật đau đớn trong cuộc đời nhưng vẫn sống. Cái cây dừa kia chắc cũng nghiêng ngả bao nhiêu lần thì mới có thể đứng vững trước giông bão. Mà nó đâu có đứng thẳng được ông nhỉ!
- Đúng rồi! Làm sao đứng thẳng được… Nếu nó đứng thẳng thì đã ngã chỏng gốc như mấy cây kia rồi!
- Mấy cây dừa ấy mà hay quá ông nhỉ! Nó dạy mình biết bao nhiêu điều...
Hai ông bà bước lên ghe rồi nổ máy chạy thẳng ra khơi. Ông dừng lại ở tầm còn nhìn thấy ngọn tháp nhà thờ Qui Hòa. Ông với bà ngồi sát vào nhau hít thở cái không khí tự do thoải mái của biển cả. Biển đêm nay dịu êm thật! Nó dữ dằn lúc bão tố bao nhiêu thì lúc này lại dịu dàng bấy nhiêu. Trăng bắt đầu lên, gió thổi hiu hiu mát rượi. Lòng hai ông bà man mát về một cõi xa xưa hạnh phúc. Bóng hai ông bà in thành hình trái tim long lanh trên mặt biển.
Trên bờ, mấy cây dừa nghiêng mình vi vu theo gió và sóng vỗ rì rào.
0 Nhận xét