Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

[Giải VVĐT 2018] Chạy trốn

CHẠY TRỐN 



(Mã số: 18-064)

(Một câu chuyện có thật, tên nhân vật đã được thay đổi) 

Buổi học chiều kết thúc vào 4 giờ 30. Lần này, Tuấn cố gắng nán lại lâu hơn, mặc cho những tia nắng cuối ngày đang dần tắt sau ngọn núi. Hai lần trước, chị Thuk đi làm về muộn quá nên trời vừa xẩm tối là Tuấn phải tạm biệt đám con Thom, Thik để về giáo điểm Hrơi. 

Hôm nay, trước khi đi dạy cho những trẻ em làng Hrơi, Tuấn nói với cha Hải là về muộn hơn mọi hôm. 6 giờ 15 phút sáng, sau khi nhai vội chiếc bánh mì được làm không mấy cẩn thận của chị Lanh, mà Tuấn cũng chẳng quan tâm điều đó. Anh vội vào phòng, túm lấy chiếc túi dân tộc, trong đó có vài cuốn sách Tiếng Việt, Toán vỡ lòng; một số cuốn Toán, Tiếng Việt khác dành cho học sinh lớp 3, lớp 4 và một cuốn Đạo Đức lớp 6. Nhưng đó chỉ là những cuốn anh xách bên ngoài để cho trưởng làng kiểm tra. Còn có 2 cuốn giáo lý căn bản, anh phải để tận túi quần trong, nếu anh sơ hở mà bị người ta phát hiện thì lập tức anh bị đuổi ngay và chắc chắn sẽ còn nguy hiểm đến tính mạng. Hôm nay ngoài những vật dụng thường mang thì anh còn cầm theo chiếc đèn pin nhỏ mà hôm qua anh đã phải chạy ra phía ngoài xã Atuc để mua, cách chỗ anh ở 40 cây số lận. 

Tuấn đi qua đi lại trên chiếc nhà sàn, làm bọn con Thom, Thik cũng lo lắng không kém: 

- Thầy ơi, giờ này mẹ Thom lâu về quá. Hay là thầy về đi, để ngày mai con nói với mẹ cố gắng về sớm hơn.- Thom nói với giọng lo lo. 

- Chắc lẽ không sao đâu Thom ạ, hôm nay thầy có mang theo đèn pin. 

- Nhưng mà có đèn pin vẫn nguy hiểm lắm thầy ạ. Nếu thầy có chuyện gì thì ai dạy bọn con hả thầy?- Thik lay áo Tuấn. 

- Mấy đứa cứ yên tâm đi, thầy đi nhiều cũng quen rồi nên chắc không sao đâu. 

- Thôi vậy để Thom chạy ra đầu ngõ đón mẹ thầy nhé! Còn Thik ở nhà với thầy. 

Vừa nói xong, Thom ba chân bốn cẳng chạy. Chân trần cộng với bộ đồ xuệch xoạc, trông Thom mạnh mẽ chẳng khác nào mấy đứa con trai trong làng. Còn lại thầy với Thik, cả hai cùng ngồi xuống trên bậc nhà sàn, im lặng ngồi nghe tiếng ếch, nhái kêu trong khung trời chiều đang chập choạng tối. Một lát sau... 

- Lớn lên con muốn làm gì Thik? 

- Lớn lên... Chả biết nữa thầy! Chắc lẽ cũng giống như bố mẹ con thôi. 

- Thế con có muốn đi học múa ở thành phố không? (Tuấn đã biết Thik múa đẹp trong lần biểu diễn lễ hội ở làng) 

- Tiền đâu mà học hả thầy? 

- Thế học không mất tiền thì sao Thik? 

- Mà cũng không đi học được thầy ạ! Con gái ở làng con không được học nhiều, biết đôi câu chữ là lấy chồng… Chứ cái ranh giới ấy, con không đủ can đảm để bước qua. 

- Thế còn khả năng múa của con thì sao? Con định từ bỏ nó ư? 

- Biết sao được giờ thầy… (Thik ngập ngừng một lúc) Phận con gái nên con phải chấp nhận thầy ạ! 

Thik im lặng. Tuấn cũng thôi hỏi. Ánh mắt hai người hướng về phía cuối chân trời, nơi những tia nắng cuối cùng của ngày đang dần tắt sau ngọn núi... 

Hai người đang ngồi thì có vài bóng người từ xa đang đi tới, đi vội vàng, đi xen lẫn giữa những tia nắng cuối cùng. 

- Chắc lẽ mấy cô đi làm về rồi thầy ạ! Thầy ngồi đây để con chạy ra xem sao. 

Chưa dứt lời, Thik đã lao thẳng về phía trước. Thik lao tới như muốn níu giữ những tia nắng còn sót lại của trời chiều vậy... 

óóó 

Tuấn là một tu sĩ thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế, cứ mỗi lần hè đến là nhà Dòng gửi các thầy đi đến các cứ điểm truyền giáo để làm quen với sứ vụ mang Tin mừng đến cho người nghèo. Đó là linh đạo của nhà Dòng. Năm nay, lớp của Tuấn có chương trình mục vụ 1 năm, tất cả các thầy được sai đi tùy bề trên. Tuấn được sai đến giáo điểm Hrơi, nơi đây toàn là người Bahnar sinh sống, được cha Phaolô Lê Quý Hải coi sóc. Cứ điểm truyền giáo này nằm sâu tận trong rừng, ít người Kinh lai vãng. Sở dĩ đồng bào nơi đây có ít người Kinh là vì trước kia người Bahnar bị nhiều người Kinh lừa nên họ ghét và sợ người Kinh, thành ra họ phải bỏ làng ngoài để đi vào tận phía trong rừng này, sống tách biệt với người Kinh. 

Năm nay vừa đến được mấy hôm là Tuấn có việc ngay. Việc của anh là một mình đi vào làng Hrơi để dạy học cho đám trẻ con cũng như dạy giáo lý cho những người đã được rửa tội. Tuấn có nước da ngăm đen, tóc quăn khá giống với người đồng bào nên anh cũng đỡ bị ghét hơn. Việc vào được làng Hrơi khá vất vả, anh phải một mình đi bộ từ làng Hrơi, băng qua cánh đồng khoảng 4 cây số rồi đi qua cánh rừng thêm 1 cây nữa, sau đó đi dọc theo bờ suối 3 cây số, khi gặp con đường mòn lên làng thì Tuấn phải lội qua con suối, nước suối cao khoảng nửa mét rồi khi đó đi lên một con dốc thẳng đứng khoảng 1 cây số để đi vào làng. Đó mới chỉ là phương diện địa lý thôi, chứ về mặt luật lệ làng thì khó gấp vạn lần. Ở làng Hrơi này, các cha không được phép vào, nếu có vào thì chắc cũng không có cơ hội đi ra. Còn Tuấn, anh có bằng tốt nghiệp đại học khoa sư phạm Văn, anh vào đây với tư cách là thầy giáo nên thuận lợi hơn. Thực ra mà nói cũng vất vả lắm, mấy ông trưởng làng bắt bẻ ngày này qua ngày khác, nhưng may nhờ có một số bộ phận dân tình thấy được tầm quan trọng của việc nâng cao dân trí nên đã gây sức ép. Và cuối cùng Tuấn được vào làng với một sự dè chừng cao độ. 

*** 

- Mai kơ thầy (Chào thầy)!- Bốn người phụ nữ cùng cúi đầu trước Tuấn. 

- Chào các chị. Ai là mẹ của Thom? 

- Con thầy ạ!- Chị Thuk vừa nói vừa nhoẻn miệng cười.- Ta vào nhà rồi nói chuyện tiếp. 

Vừa ngồi xuống, Tuấn nói: 

- Chúng ta đọc một kinh cầu xin Chúa mấy chị nhé: ‘Ơ Bă nhôn mă oei tơ plenh...’ (Lạy Cha chúng con ở trên trời...) 

Sau khi đọc xong, Tuấn hỏi ngay: 

- Thế đây là những người đã được rửa tội hết rồi hả chị? 

- Mới chỉ có con với Sok thầy ạ! Còn chị Hưk và chị HLanh thì chưa có dịp đi qua làng Hrơi để được rửa tội. Nhưng niềm tin vào Chúa của hai chị rất mạnh.- Chị Thuk khẽ nói. 

- Thế địa điểm đã có chưa chị? Khoảng khi nào thì chúng ta bắt đầu? 

- Có địa điểm rồi thầy ạ! Chúng ta bắt đầu càng sớm càng tốt. Nếu được thì vào thứ 5 tới luôn. Nhưng chúng con cũng đã bàn tính với nhau rất kĩ rồi thầy ạ! 

- Chị nói cho em nghe coi…- Tuấn hồi hộp. 

- Vào sáng thứ 2 và thứ 5, chúng con sẽ ở nhà cho đến 7h30, thầy sắp xếp làm sao mà đến trước 7 giờ sáng, rồi thầy sẽ dạy chúng con 30 phút. Còn vào chiều Chúa Nhật, khi những người đàn ông đi uống rượu, chúng con sẽ nghỉ làm, còn thầy thì sẽ giải thích Tin Mừng Chúa Nhật và trao Mình Thánh Chúa cho chúng con. Thầy thấy thế hợp lý không? 

- Còn buổi tối thì sắp xếp được không chị? 

- Buổi tối thì khó lắm thầy ạ! 

- Nhưng... (chị Sok ngập ngừng) tối thứ 6, ta có thể học vào giờ đó. 

- Đó là giờ linh thiêng của làng. Chúng ta phải tham dự.- Chị Thuk nói. 

- Ta có thể không tham dự. Ngoài giờ đó thì chẳng còn giờ nào cho buổi đêm, nếu ta học vào ngày khác thì chắc chắn sẽ bị phát hiện. Chúng ta đã hứa với nhau là đặt việc học Giáo lý lên hàng đầu mà. Lời của Chúa sẽ soi sáng, dẫn đường cho chúng ta.- Chị Sok nói với một giọng chắc nịch. 

Nghe những lời đó, Tuấn cảm động và nổi cả da gà. Đây là lần đầu tiên trong đời Tuấn đụng chạm được thực sự những Đức Tin sống động. Sống đời tu bao năm, Tuấn cũng thấy hiếm có đức tin nào mạnh mẽ như những đức tin của những con người bình dân nơi đây. Họ đã dám lội ngược dòng chảy. 

- Vậy đi thầy nhé! Chiều thứ sáu, thầy ở lại nhà con đến 6 giờ tối, sau đó thầy trốn vào cái chòi nhỏ để chồng con không phát hiện ra thầy. Đến 7h20, chúng con sẽ im lặng đi từ nhà Rông về. Sau đó chúng ta sẽ học ở dưới chòi luôn. 

- Thôi chúng ta tạ ơn Chúa mấy chị nhé, để em còn về nữa. Cũng đã muộn giờ lắm rồi… “Thui de jâp teh...” (Sáng danh...) 

Tuấn chào vội mấy chị rồi nhanh chân ra phía cuối làng, giờ này những tia nắng cuối ngày đã bị vùi sâu trong những ngọn núi. Tuấn nhìn đồng hồ, rồi nhìn những ngọn núi một lần nữa: “Muộn quá rồi”. Đứng từ phía chân làng nhìn xuống con suối, Tuấn có cảm giác sợ, sợ cái bóng đêm huyền bí và sợ một điều gì đó mông lung lắm. Nhưng anh cũng kịp trấn tĩnh lại khi nghĩ đến những dự định cho buôn làng này. Lần này anh đã chiến thắng được nỗi sợ - con quỷ trong anh. 

Rảo bước xuống con suối, Tuấn xăn quần áo lên để lội qua. Màn đêm nhuốm màu cả con nước làm cho nó trông có vẻ dữ tợn. Tuấn đi dọc theo bờ suối, thỉnh thoảng có những tiếng kêu thít của dòng chảy cũng làm cho Tuấn rùng mình. Vừa đi, anh vừa lần chuỗi để tạo cảm giác bình an và loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực. Tuy lần chuỗi, nhưng cứ mỗi bước anh đi như có ai đang theo sau lưng vậy, khi anh dừng lại thì nó cũng dừng lại. Nỗi sợ càng lớn hơn khi anh đi ngang qua cánh rừng, những chuyện ma mà anh đã được nghe kể ở nơi đây nay lại hiển hiện một cách rõ nét và đầy bí hiểm. Anh chỉ biết cầu nguyện để tự trấn an mình. 

Cuối cùng anh cũng về đến nhà trong cái áo ướt đẫm mồ hôi. Đó là ngày đầu tiên anh có những trải nghiệm hết sức thú vị về cái buôn làng này. Tối đó, nằm trên giường, anh suy nghĩ rất nhiều về sứ vụ của mình. Có 2 tiếng nói cứ giằng co mãi trong con người của anh. Tiếng nói đầu tiên với giọng điệu to lớn, hùng hổ:
“Anh tội gì mà phải ở nơi xó xỉnh như thế này, có thể mất mạng như chơi đấy. Nhà anh giàu, có đất đai, vườn tược đàng hoàng thì tội gì anh phải ở đây. Hãy ra khỏi dòng và tìm kiếm những hạnh phúc cho riêng mình trên thành phố đi. Anh sẽ có một người vợ đẹp, có những đứa con ngoan, có công việc đàng hoàng. Anh không hợp nơi này đâu. Tối nay xếp đồ, ngày mai bắt xe về quê hương của anh đi. Bố mẹ đang chờ anh ở nhà đấy”. Tiếng nói thứ hai nhỏ nhẹ mà ấm áp lên tiếng:
 “Làng Hrơi cần anh hơn bao giờ hết… ‘Thầy ơi, chúng con cần thầy. Nếu không có thầy thì ai sẽ dạy bọn con’… Nghĩ đến những ánh mắt khẩn thiết, van nài ấy, anh tự nhủ: Mình phải ở lại. Ở lại. Họ cần mình”. Hai tiếng nói cứ thế giằng co nhau. Và rồi anh thiếp đi lúc nào không hay. 

Tám tháng trôi qua, kế hoạch đã bàn đi đúng lộ trình. Chỉ khổ mỗi tội là các chị không sành về tiếng Việt nên khá chậm hiểu. Anh đã dạy bốn người phụ nữ về cách thức dạy giáo lý, để sau này lỡ có chuyện gì thì họ sẽ tự dạy lại cho nhau và dạy cho người khác. Anh tạ ơn Chúa về chương trình Người đã hoạch định. Anh cũng đã học và hiểu được khoảng 70% tiếng Bahnar. Nhưng anh đâu thể ngờ được khi mà kế hoạch tỉ mỉ ấy đang diễn ra một cách tốt đẹp thì lại bị phát hiện. Như người thợ dệt, đang mải dệt đời mình, bỗng nhiên bị tay Chúa, cắt đứt ngay hàng chỉ... 

Đó là tối thứ 6 như thường lệ. Đúng 7h30. Nhưng hôm nay Tuấn chỉ thấy có 2 người phụ nữ từ nhà Rông trở về, đó là chị Hưk và chị HLanh, nom khuôn mặt của họ có vẻ buồn, bên cạnh họ là một người đàn ông to cao. Tuấn biết là có điềm chẳng lành nhưng anh vẫn cứ chờ xem có chuyện gì. Khi họ vừa bước tới nhà sàn, chị Hưk hét to: “Chạy đi thầy ơi!”. Chưa hét dứt câu thì chị Hưk đã bị người đàn ông to lớn ấy quật ngã xuống nền đất trong chưa đầy 3 giây. Theo bản năng, Tuấn nhảy ra khỏi chòi, chạy theo một con hẻm mà anh thấy trước mặt. Anh vừa chạy vừa ngoái lại 3 người, một người nằm và hai người đứng, họ vẫn ở đó, không chút động tĩnh. Vừa dứt khỏi mắt họ để lao về phía trước thì Tuấn đã bị tóm gọn trong một vòng tay to lớn khác. 

Họ điệu Tuấn, chị Hưk và chị HLanh đến trước nhà Rông. Giờ này, những tiếng cồng chiêng im bặt, những điệu xoang cũng ngừng nhảy. Trước mặt Tuấn là 2 gương mặt quen thuộc đang treo lơ lửng trên một cái giàn, hai người họ như vừa bị tra tấn xong. Đầu tóc rối bời, quần áo xộc xệch. Họ nhìn Tuấn. Nước mắt chảy dài. Tuấn nhìn họ. Lòng quặn đau. Tuấn không bị tra tấn như các chị. Nhưng khi nghe hiệu lệnh của trưởng làng, các chị càng gào khóc to hơn. “Thiêu sống”! 

Tuấn bị nhốt vào một cái lồng sắt, chờ đến thứ sáu tuần sau là hỏa thiêu. Khi nghe cái phán quyết không đầu không đuôi ấy, Tuấn buông lỏng người: “Thế là xong sứ mạng”. Cái phán quyết chết đến, Tuấn không hề cảm thấy lo lắng. 

Từ cái giờ phút lệnh được ban hành, Nhà Rông không ai được phép đến, chỉ trừ những người đàn ông thay phiên nhau canh, mỗi ngày 2 người. 

Ngày thứ 7 mọi người đứng ngoài đường và xem đông lắm. Ai đi qua, bước lại đều lắc đầu và buồn thay cho số phận của thầy. Có nhiều người dân thương thầy lắm nhưng tất cả họ đều im lặng vì sợ ảnh hưởng đến cuộc sống vốn dĩ bình yên từ xưa đến nay. 

Cứ mỗi ngày, người đến xem thưa dần. Còn Tuấn, lúc đầu Tuấn chấp nhận cái chết dễ dàng lắm. Nhưng đến ngày thứ tư, khi cái chết cận kề thì Tuấn bắt đầu thấy sợ. Tuy niềm tin mách bảo với anh rằng, sau cái chết là một cuộc sống viên mãn. Nhưng cái phần con người nổi lên làm anh sợ. Anh sợ chết. Một nỗi sợ khiến anh ớn lạnh. Anh chẳng nghĩ được cái gì khác ngoài nỗi sợ. Anh muốn thoát ra khỏi đây. Anh không muốn chết như chiều thứ sáu năm xưa. 

Chiều thứ sáu năm xưa ấy, từ giữa trưa tới 3 giờ chiều, Đức Giêsu xin Chúa Cha tha tội cho những kẻ làm hại Ngài rồi nói: “Lạy Cha, con phó linh hồn trong tay Cha”, rồi gục đầu tắt thở. Một Giêsu yêu nhân loại đến say mê, yêu đến độ không có điểm dừng. Trong những lần nguyện gẫm, anh thấy cái chết của chiều thứ sáu năm xưa là một cái chết mang nét đẹp huyền nhiệm. Và đã bao lần anh khao khát được chết như hình ảnh ấy. Nhưng giờ đây, thứ sáu đang cận kề, anh lại thấy sợ đến kinh hồn. Anh gào khóc trong nỗi sợ. 

Nỗi sợ làm anh thiếp đi lần này đến lượt khác. Cứ mỗi lần tỉnh dậy, anh co mình lại và cảm thấy ớn lạnh trong hồn. 

Tối thứ năm. Tiếng hú của những con thú rừng làm người ta rợn cả tóc gáy. Những tiếng hú báo hiệu cho một cái chết đầy bi thảm, một cái chết đau thương đang cận kề. Đến 9 giờ tối, những tiếng hú đầy hoang dã khiến các cửa đều đóng kín. Hai người trực, một phần quá sợ hãi, một phần vì chủ quan nên đã âm thầm trở về nhà. 

10 giờ tối, không một bóng người. Tiếng gió rít mạnh ngoài bờ tre, rồi tiếng chó sủa inh ỏi, đến tiếng thú rừng gầm hú. Tất cả hòa vào màn đêm đen đặc... 

- Thầy ơi, thầy ơi…- Tiếng con Thom, con Thik khe khẽ. 

Tuấn nghe không rõ, cứ tưởng là bóng ma. Anh tái nhợt người như sắp xỉu. 

- Thầy ơi!- Lần thứ hai Thom kêu to hơn. 

Lần này Tuấn nghe rõ và vểnh tai: “Có phải Thom, Thik đó không? Tháo dây ra cho thầy, thầy chết mất!” 

Thom lần mò trong đêm và đưa dao cắt đứt những sợi dây thừng buộc khắp người Tuấn. Sau đó, Thom dùng dao và bắt đầu cắt ổ khóa. Tiếng kêu ken két của dao len lỏi trong màn đêm, trộn lẫn những tiếng rít của rặng tre, tiếng chó sủa và những tiếng hú của thú rừng. Khoảng 30 phút sau, cả ba người mới phá được ổ khóa. Tuấn bị tê liệt cả người, mất khoảng vài phút, các mạch máu mới lưu thông trở lại. 

- Thầy chạy một mạch hướng vào rừng, đến khi nào nghe tiếng suối chảy thì thầy hãy lần mò đường để xuống con suối. Thầy cứ chạy dọc theo con suối, chạy khoảng 40 chục phút là đến làng A Xúy. Rồi đến đó con không biết đường nữa. Thôi thầy chạy đi kẻo trưởng làng đi kiểm tra.- Giọng con Thik khàn khàn. 

Vừa dứt lời, Tuấn ôm hai đứa vào lòng. Giây phút đó như thể là cái ôm cuối cùng. Đúng như linh tính, chỉ hơn 15 phút sau khi chia tay, trưởng làng cầm đuốc đi về phía Nhà Rông. Vài giây sau, tiếng tù và của trưởng làng vang lên. Không đầy 5 phút, hàng chục cây đuốc có mặt tại Nhà Rông. Và một hiệu lệnh vang lên: “Đi tìm”. Sau hiệu lệnh, những cây đuốc được tản ra khắp tứ phía. 

Ngoái lại phía Nhà Rông, Tuấn thấy đôi ba cây đuốc chạy theo phía mình. Anh thôi nhìn và cắm đầu cắm cổ chạy. Chân chạy, miệng đọc trong nỗi sợ: “Lạy Chúa, xin cứu giúp con”. 

30 phút sau, anh ngoái lại và không hề thấy có bóng dáng ngọn đuốc nào cả. Anh thở phào nhẹ nhõm, nhưng chạy thêm dăm ba bước, một bóng người nhảy chồm vào anh, làm anh ngã sõng soài. 

- Ne pơlôch inh! (Xin đừng giết tôi

- Lilia e jep pơgang kơ mưt tơâu? (Sao mày lại truyền thứ bùa mê thuốc lú vào đây?) 

- Inh jĩ meh tôm kơbân jing jơ’nap rosol (Tôi chỉ muốn cho mọi người nơi đây được hạnh phúc, họ đã khổ quá nhiều rồi). 

- Lilia bok tơpơlei (Mày phải về lại làng). 

- Aping ne thoi noh. Inh lôch, ‘de hơlâp jing lilia. Sưk kal kơ inh, inh meh sưk jing pơngai, ‘lơng rõ sol. Jơ jeng kơ de hơlâp pẽ, jơ jeng tơ jrong arih xa sưh ling mong (Xin đừng, tôi chết thì bọn trẻ sẽ ra sao. Bọn nó cần tôi, tôi muốn chúng trở thành những con người tốt, hạnh phúc. Hãy nghĩ đến bọn trẻ, hãy nghĩ đến tương lai đang tối tăm của chúng. Tôi chỉ muốn đời chúng có tương lai tươi sáng hơn thôi mà). 

Sự kêu xin khẩn thiết của Tuấn đã lay động trái tim anh Nhơn. Kể từ ngày sống giữa buôn làng này, Tuấn đã cho người dân hiểu rằng: Chính tình yêu mới giúp con người sống trọn thân phận làm người. Tuấn đã mang đến niềm tin vào cuộc sống cho nhiều người, niềm hy vọng để chiến đấu các nghịch cảnh. Và cuộc sống của vợ anh Nhơn cũng đã thay đổi nhiều khi được tiếp xúc với Tuấn. Nhưng luật lệ làng đã lên tiếng khiến anh Nhơn thấy sờ sợ. Phải đến một lúc sau anh mới adám quyết: 

- Thoi noh, thây kơ du, nẽ pa gơlech geng lung dang hơ. Dang ei, thây kơ du tơpăt mât lâm rơng. ‘No ji Jrong ‘lâng nhât thây ơrih (Vậy... vậy thì... chạy đi. Chạy càng nhanh càng tốt, đừng chạy về phía con suối nữa, thầy rẽ phải, chạy thẳng vào rừng. Đó là cách tốt nhất để sống sót). 

- Bơne kơ nhong, Pĩnh Pã Yang ăn xơnêp kơ inh (Cám ơn anh, Chúa chúc lành cho anh). 

Tuấn làm theo lời chỉ dẫn và chạy. Tuy không còn sức và bụng đói cồn cào nhưng trong anh trào lên một niềm vui sướng khó diễn tả. Đôi mắt anh lóe lên và một mình lao thẳng vào cánh rừng heo hút kia...

Đăng nhận xét

0 Nhận xét