Trần Duy Thành (Phát Diệm)
1.
Đứng trước cánh cửa phòng, tần ngần tìm chìa khóa, tôi nhận được tin nhắn của Thắng: “Mình mới đi Đà Lạt về, muốn gặp nhau kể chuyện gì đó không?”
“Đồng ý! Bạn hiền thân mến!” - Tôi bất giác mỉm cười, nhắn lại, giản dị như vậy, như để khẳng định tình bạn vốn có của hai người từ trước tới nay.
Hôm nay, một chiều Đông có nắng ấm ửng lên, chúng tôi sẽ gặp lại nhau. Thắng tới, chiếc xe Honda cub có gắn giỏ, với chai vang và mứt dâu làm quà. Không cần gợi ý, để gọn nhẹ, tôi và Thắng rong xe ra chợ mua thịt xiên nướng buổi chiều tối còn thơm nức, thêm vài ba lát bánh mì ăn cùng. Tạm gọi một bữa xế dinh dưỡng, gọn gàng và ấm áp.
“Phải đến cả gần nửa năm rồi chúng ta không chạm mặt nhau ấy nhỉ?”
“Ừm, chỉ thấy chạm nhau trên mạng xã hội bằng những bình luận cổ vũ, vài tin nhắn hỏi thăm qua lại giữa hai đứa chứ đâu có hơn được!” - Thắng thản nhiên trả lời.
“Công nhận, tớ thấy cậu cứ đi đây đó và chụp hình suốt. Tớ chỉ có thể chạm vào những bức hình của cậu chụp bằng những bình luận nhạt phải không?”
“À! Tớ chỉ làm việc thật chăm và rồi lăm le săn vé rẻ để cho bản thân mình được đi đây đó, và chụp hình cho đã mắt thôi. Có Ngọc theo dõi tớ là mừng rồi!”
Tầm khoảng một tiếng đồng hồ sau đó, khi những phần ăn đã được ăn hết trong khi trò chuyện qua lại với nhau, Thắng đứng dậy, đẩy nhẹ chiếc ghế mây có bọc nệm nhung êm về phía sau tay cầm chìa khóa xe kêu leng keng.
“Thắng về nhé!”
“Cám ơn Thắng về bữa tối mang hương vị Đà Lạt!”
“Không có gì đâu! Làm màu quá rồi cô gái ơi!”
“Ờ thì sự thật vẫn vậy đó!”- Nói rồi, tôi cười trừ phủ nhận. Thắng vẫy tay chào lần cuối, nổ máy đi khuất khỏi con hẻm quen.
Tôi trở lại căn phòng đóng cánh cửa nhè nhẹ, dọn dẹp bàn ăn với ly rượu, vụn bánh, chén dĩa… Những thanh âm vang lên một lúc rồi chẳng có thêm tiếng động nào nữa khi tôi đã dọn dẹp xong đâu vào đấy. Căn phòng nhỏ lại rơi vào lặng im đến mức tôi có thể nghe được những hơi thở của chính mình. Trời đã về đêm, lạnh hơn nhiều. Tôi mang tất và co chân ngồi lại vào chiếc ghế mây bọc nhung ban nãy. Chai rượu vang đỏ vẫn còn phân nửa nằm lại trên bàn rơi vào tầm mắt của tôi. Ai sẽ uống cùng tôi những ly vang này nữa? Tôi chưa nghĩ ra ai sẽ chia sẻ cùng, ngoài chủ nhân của nó, người đã cất công đem nó về từ Đà Lạt.
Ở nơi con người Thắng, tôi luôn thấy toát ra được nét phóng khoáng và tự do, của một người trẻ ưa xê dịch, như của những cơn gió, của những con đường cứ thể mở ra hút tầm mắt. Sự tự do, phóng khoáng đến ghen tỵ, làm tôi thấy xốn xang trong lòng khi nhấp môi những ngụm vang đầu tiên tan ra trong vòm họng, thấm xuống lồng ngực còn dư vị âm ấm, chỉ vừa mới ban nãy thôi! Hình như ngay lúc đó, tôi cũng mơ hồ muốn mình sẽ có một chuyến đi rời khỏi thành phố này. Thành phố chất chứa bao kỉ niệm của tôi và anh.
2.
Cuộc đời thật lắm điều trớ trêu, có những người chỉ có thể giữ ở trong tim, giữ ở bên mình chứ không thể nắm tay họ mà đi đến cùng được. Kỉ niệm cứ thế bỏ lại, tôi những muốn quên đi mà trái tim vẫn không ngừng đau nhói lên mỗi lần đụng chạm lại những dấu mốc của kỉ niệm ấy. Khi mà mọi biến cố lớn nhỏ trước đây, tôi đã cần anh biết bao để vỗ về, san sẻ… Tới mức cuộc đời dài rộng ngoài kia, tôi đã không còn bận tâm chi nhiều, ngoài tập trung vào một lựa chọn ưu tiên duy nhất lúc đó là anh, để những lúc còn lại một mình tôi đã khổ sở, rối bời ra sao, yếu đuối thế nào… mà vẫn cần tự mình vực dậy những hy vọng để tiếp tục những tháng ngày.
Anh nhất quyết rời xa tôi, ai cũng một mình, song không ai chọn về bên ai nữa. Tôi mím chặt môi, ngậm ngùi. Không biết có bao giờ trong lòng anh nghĩ đến tôi?
Vậy mà, cũng một khoảng thời gian sau qua bạn bè tôi được hay biết anh có người yêu mới, tự nhiên thấy trong lòng mình thiệt nhẹ nhõm đi bao nhiêu, mà chẳng hiểu vì sao!
Có khi đi qua được những năm tháng đó, nghiệm lại ta mới thấy được - mất cũng là những điều xứng đáng, vừa lòng với mình ở phần đời mình đang sống là hiện tại đây. Tại sao không?
3.
Tháng ngày nối nhau dắt díu qua đi. Tôi cứ cảm nhận cuộc sống tạm theo chu trình đã hoạch định sẵn. Đi làm ban sáng và trở về nhà vào buổi chiều tối. Ở cơ quan, mọi thứ vẫn bình ổn với vai trò một nhân viên văn phòng mẫn cán, tôi không để chuyện cá nhân của mình làm ảnh hưởng tới công việc.
Hơn bốn năm sống độc lập một mình, tôi tự chăm sóc và yêu quý bản thân, thể chất cha mẹ đã cho, bằng cách tự nấu nướng những bữa ăn cho riêng mình, thỉnh thoảng tôi có gọi cho Thắng ghé qua. Thay vì tôi không có quà đặc sản đó đây như cậu vẫn hay mang đến cho tôi… thì tôi có thể tự nấu những bữa ăn dinh dưỡng để mời cậu, cũng được đấy chứ! Rảnh rỗi, tôi sẽ gọi điện về để trò chuyện với ba mẹ, hoặc cuối tuần sẽ về thăm nhà. Trang trí nhà cửa bằng chậu cây bé xinh hoặc hoa tươi nở. Nhạc không lời của Yiruma vang lên nhè nhẹ trong phòng. Viết nhật ký. Cuối tuần sẽ đến nguyện đường để đi lễ nhà thờ, tìm đến những phút tịnh yên cho tâm hồn.
Nhà tôi có một ông chú kết nghĩa người Pháp, thân thiết với gia đình tôi trong lần chú tới du lịch ở tỉnh nhà - Ninh Bình. Chú là linh mục. Gia đình tôi theo đạo Thiên Chúa. Không hiểu sao, có lẽ một phần chú là người ở xa, nên tôi lại dễ dàng mở lòng với chú về những chuyện mình gặp phải trong đời hơn. Tôi luôn biết ơn về điều này. Chú nhẫn nại lắng nghe hết những câu chuyện của tôi. Và đáp lại bằng thứ tiếng Pháp với cung giọng trầm hiền của người Pháp. Tôi nghĩ chú luôn đủ tinh tế mà không hề sáo rỗng. Chú là người duy nhất, đầu tiên biết tôi đã chia tay bạn trai cũ của mình. Chú đã không đề cập tới chuyện này nhiều nữa, mà thay vào đó, mỗi lần mở skype lên, chú sẽ tuần tự hỏi chuyện tôi đủ thứ về sức khỏe, thời tiết, gia đình tôi bên Việt Nam thế nào, rồi đến lượt chú kể về cuộc sống thường nhật bên thành phố Chauvigny, nước Pháp.
Thời đại nào rồi thì tôi không quan tâm lắm! Nhưng chú vẫn hay viết bưu thiếp gửi sang Việt Nam tặng cho tôi và gia đình. Tôi thay mặt cả nhà cũng viết tay, viết thiệp đôi dòng trên những tờ giấy trong cuốn sổ tay của mình để gửi tặng chú. Có những niềm vui chân thành vậy đó. Tôi thích cả cảm giác gói ghém thứ gì đó để gửi đi. Thích cảm giác từ nhà tới bưu điện, trong giỏ xe có bưu thiếp, quà gửi đi, tôi biết khi nhận được, có người sẽ mỉm cười. Và tôi cũng có thể mỉm cười với niềm vui của họ, vui vẻ tương đương. Một phần nỗi buồn của tôi vẫn ở đó, nhưng cũng đẹp hơn phần nào, vì tôi biết mình đã chọn cách sống cùng nó, và có những người vẫn luôn ở bên tôi, theo một cách nào đó.
Chú là một người sống tâm linh, bởi thế mỗi lần chuẩn bị kết thúc cuộc trò chuyện xa, chú sẽ nhắn nhủ với tôi rằng: “Chú cầu nguyện cho tâm hồn con luôn bình yên và tương lai may mắn sẽ tìm được một catholic lover (người yêu Công giáo). Đó là may mắn, con hãy cầu nguyện, con sẽ được thấu hiểu, được chia sẻ. Chú hiểu tâm hồn của con, nó hiền lành, đặc biệt và nhạy cảm. Chú rất quý mến con. Hãy nhớ, nếu có thể, một catholic lover sẽ thấu hiểu con nhiều”. - Chú dứt lời, đã bao lần sau đó tôi nghĩ chắc chú nghĩ sao sẽ nói vậy, nên càng thấy mến thương con người chú Luy-do-vic hơn. Vì nghĩ sao có người có thể thương mình, cũng từa tựa như ba mẹ mình thế này!
“Có lẽ thời điểm may mắn chưa đến để mình tìm kiếm một ai đó chung đường”. – Tôi thầm nhủ.
4.
Một buổi sáng cuối tuần, Thắng ghé qua nhà, tặng tôi vài mầm cây hương thảo để trồng ngoài ban công. Để buồn buồn có thể bứt về nấu nướng món gì đó.- Thắng nhắn vậy!
Rồi Thắng rủ tôi tới nguyện đường. Tôi chưa kể, Thắng cũng là một catholic.
“Thắng đã nhận một công việc cố định ở văn phòng thiết kế tour du lịch rồi, có lẽ trong thời gian sắp tới chúng ta sẽ gặp nhau thường xuyên hơn được không?”
“Cậu không đi đây đó nữa, lấy đâu ra quà tặng tớ nữa nhỉ?”- Tôi vờ trách Thắng nhè nhẹ.
“Không sao! Tớ sẽ “thiết kế” được hết nếu cậu thích thứ gì đó, bằng cách này hay cách khác”.
Nhũng lúc đó, giá như Thắng hiểu được điều tôi suy nghĩ ngay lúc bấy giờ, về lời chú Luy-do-vich đã dặn dò tôi. Nhưng tôi không chọn cách thổ lộ ra nữa mà nuôi cho mình thêm một chút hy vọng.
“Trong thành phố này, tớ chỉ thích lui tới nguyện đường thôi. Khi tới nơi đó, tâm hồn mình được nhẹ nhàng đi nhiều lắm!”
“Cậu đã từng mệt mỏi lắm đúng không?”
“Ừ!”
“Tớ biết!”
“Cậu biết những gì?”
“Nhưng cậu biết không? Cách tốt nhất để khiến bản thân mình thức tỉnh, chấm dứt những buồn đau không ai mong muốn, đó là hãy đối diện với hiện tại bằng một trái tim bình thản”.
“Rồi chúng ta sẽ làm gì?”
“À, giả như Thắng sẽ ở lại trong thành phố này cùng Ngọc nhé, để mỗi cuối tuần chúng mình cùng tới nhà thờ, nhé?
Khi Thắng nói câu nói đó, tôi nghĩ đây không phải lời xu nịnh kịp thời với chính tôi. Nói xong, cậu ấy cười hiền lắm, dù trong nụ cười ấy còn pha chút ngượng ngùng, về lời đề nghị tới tôi vừa xong chăng? Nhìn nét mặt của cậu ấy, không dưng, tôi cũng giãn nhẹ cảm xúc của mình tan ra trong lòng, nghe bình yên lắm! Chúng tôi nhìn nhau, ngầm hiểu nhiều điều đã qua và sẽ đến, cùng nhau.
Một chút hy vọng của tôi đã từng đặt vào lời dặn dò của chú Luy-do-vic từ một nơi rất xa, với những mong ước chân thành cho cô cháu gái ở Việt Nam, đã thành hiện thực rồi chăng?
5.
Tôi vẫn tới văn phòng đều đặn. Tôi tự chăm sóc và yêu quý bản thân, thể chất cha mẹ đã cho, bằng cách tự nấu nướng những bữa ăn. Rảnh rỗi, tôi sẽ gọi điện về nhà một tuần ba lần cho ba mẹ. Trang trí nhà cửa bằng chậu cây bé xinh hoặc hoa tươi nở. Nhạc không lời của Yiruma vang lên nhè nhẹ trong phòng. Viết nhật ký và cầu nguyện. Cuối tuần sẽ đến nguyện đường để đi lễ nhà thờ, tìm đến những phút tịnh yên cho tâm hồn. Và có Thắng đi cùng. Tôi gọi cho chú Luy-do-vic ở nước Pháp xa xôi thông qua skype, nói về may mắn của tôi. Và không quên cám ơn chú đã luôn quan tâm cầu nguyện và chia sẻ cùng với tôi trong suốt quãng thời gian qua.
Có lẽ không phải sự trùng hợp ngẫu nhiên khi cả hai chúng tôi cùng là catholic, đó có lẽ là ý Chúa xuống trên chúng tôi. Và khi ngồi lại bên nhau, thời gian và ơn Chúa đã đưa chúng tôi lớn lên và trưởng thành hơn, cũng là cho những người ở lại, cho những người sẽ đồng hành cùng nhau, để đi tiếp.
Như tôi có Thắng ở trong cùng một thành phố, và có cả chú Luy-do-vic và gia đình ở nơi xa…
0 Nhận xét