Banner top

Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

[Giải VVĐT 2018] Ông Bảy nhỏ


ÔNG BẢY NHỎ


(Mã số: 18 - 011) 



1.


Ngày ấy, sau biến cố 1954, dòng họ của ông Bảy Nhỏ quyết định vào Nam sinh sống. Ông nội của ông quyết định đổi hết gia tài lấy con tàu gỗ cũ. Sau khi sắp xếp ổn thỏa, cả nhà ông lên tàu xuôi vào Nam theo tiếng gọi của lương tâm, thà bỏ quê hương xứ sở chứ không chịu bỏ đạo. Quyết định của ông nội đã làm thay đổi vận mệnh của cả dòng họ nhà ông.

Theo dòng người xuôi vào Nam, gia đình ông Bảy căng buồm ra đi không biết ngày nào trở lại, cũng không biết mình sẽ đỗ ở bến nào. Suốt mấy tuần liền lênh đênh trên biển, thuyền của gia đình ông đã đến vùng đất Gò Thị. Đây chẳng phải là đích đến đã dự tính trước của gia đình ông. Theo ý của ông nội, cả nhà ông phải chạy đến tận miền Nam, vì nghe nói trong đó làm ăn dễ dàng. Tuy nhiên, nhờ một trận cuồng phong của biển mà cả nhà ông đã bén duyên với vùng đất này. Thật người tính không bằng trời tính! Chiếc tàu gỗ đã ghé vào đầm Thị Nại trú ẩn, rồi men theo bờ, đi dần vào vùng đất Gò Thị. 

Khi ấy, Gò Thị là một vùng đất ven đầm, cây cối um tùm, đất đai trù phú, lắm cá nhiều tôm, rất thích hợp để sinh sống. Nhìn chung quanh, dân cư ở đây vẫn còn thưa thớt. Người dân sống đơn sơ chân thành nhưng không có vẻ gì là nghèo khổ cả. Họ dựng ở ngay giữa làng một ngôi nhà thờ vững vàng khá rộng. Sớm sớm chiều chiều, họ qui tụ với nhau trong ngôi nhà thờ để đọc kinh xem lễ sốt sắng. Đối với họ, mỗi khi nghe tiếng chuông nhà thờ là mỗi khoảnh khắc họ tạ ơn Chúa với lời kinh Truyền Tin. Cả ngày, không có sinh hoạt nào qui tụ đông đủ và vui vẻ bằng việc đến nhà thờ. Cho nên, gia đình ông Bảy định cư lại đây thật là phù hợp với ước muốn an cư lạc nghiệp và lòng đạo đức thiêng liêng đã có truyền thống lâu đời trong gia đình.


Cứ thế, gia đình ông đã sống trên vùng đất Gò Thị này hơn 60 năm. Trải qua nhiều đời, đến đời của ông Bảy và con cháu, mọi thứ đều thay đổi. Tuy không bằng những khu phố hào hoa nhưng Gò Thị cũng đầy đủ tiện nghi sinh hoạt vui chơi. Đủ thứ dịch vụ đã mọc lên trên mảnh đất đầy cây cối, lau sậy này. Trước nhà ông Bảy nhỏ, cái khu đất trũng ấy cũng được qui hoạch xây dựng đủ thứ dịch vụ. Nào là cà phê, bi da, karaokê… và nhiều thứ khác nữa. Tuy nhiên, cách chỗ đó không xa lại có một khu đất rộng hơn, cũng đầy đủ tiện nghi để dành cho người chết.

2.


Một hôm, sau những chén rượu ở nhà ông Thịnh về, Bảy Nhỏ nằm ngủ lăn quay trên chiếc chõng tre ngoài hè. Ông không biết rằng không khí buổi chiều hôm nay thật mát mẻ. Bởi hồi xế chiều, trời có đổ ít mưa, không khí không còn oi nóng như mấy ngày trước. Với lại, trời đã chặp tối, cái không khí lành lạnh nhè nhẹ làm người ta sướng hết chỗ nói. Thế mà toàn thân ông lại toát đầy mồ hôi, tóc dựng đứng lên từng đợt. Cái miệng tu hít liên hồi theo nhịp thở. Ông ngủ mê mệt đến nỗi chẳng biết trời trăng mây gió gì hết. Trong giấc ngủ, ông cũng chẳng biết gì ngoài một giấc mơ kinh hoàng.


Đang ngủ, Bảy Nhỏ thấy mình đứng dậy đi theo tiếng gọi từ xa xa. Ông bước đi chậm rãi, ra khỏi vườn xoài, rẽ qua khu phố ăn chơi. Tại đây, ông nhìn thấy biết bao nhiêu trai gái đang vui chơi nhảy múa. Đứa đầu xanh đầu đỏ, đứa xăm trổ đầy mình, đứa xỏ tai xỏ mũi… Tất cả đều răm rắp theo lệnh của bà Tám Béo. Bà chỉ bên trái, quát bên phải, chẳng đứa nào dám hó hé. Thế nhưng ông vẫn cứ đi, dù cho bà Tám có gào thét, chửi rủa đủ thứ.


Bảy Nhỏ vẫn cứ đi, qua hết phố ăn chơi đến thành phố chết. Bỗng nhiên, giữa thành phố ấy hiện ra một ngôi mộ đen rất lớn. Nó lẫn trong đám mây đen đầy âm khí. Trên ngôi mộ ấy lại hiện ra một con người lạ lẫm, ghê rợn. Nó vận đồ đen, có bảy đầu đầy lửa cháy rừng rực. Bảy cái đầu đều là đầu chó. Cái đầu thứ nhất trông có vẻ kênh kiệu lắm. Nó luôn khạc ra lửa. Cái thứ hai trông có vẻ gầy gò, khắc khổ và cay nghiệt. Cái đầu thứ ba trông múp máp, đẹp đẽ, lém lỉnh, mắt liếc ngang liếc dọc. Cái thứ tư luôn cúi mặt, trông có vẻ căm hờn lắm. Cái thứ năm, miệng luôn nhai nhốp nhép một thứ gì đó trong miệng, trông như muốn nuốt hết tất cả. Cái đầu thứ sáu có đôi mắt rực lửa, nó nhìn đăm đăm vào Bảy Nhỏ, miệng đay nghiến. Còn cái đầu cuối cùng ngủ gà ngủ gật, lâu lâu nó tỉnh giấc, ngáp dài rồi lại ngủ. Tất cả góp vào sự dữ dằn đáng sợ, đáng gớm ghiếc của nó. Ở giữa những cái đầu dữ dằn ấy, có một cái đầu nhỏ xíu, trắng toát. Đó là cái đầu của ông Thịnh. Một cái đầu lý lắc, nhưng nó điều khiển tất cả những cái đầu kia. Nó lòi ra hô hoán, ra lệnh tất cả tấn công Bảy Nhỏ.
- Tiến lên, giết nó, giết chết nó! Giết quách thằng Bảy Đồng mau mau…!


Bảy Nhỏ vẫn cứ đứng trân người ra quan sát cái hình thù gớm ghiếc kia là gì. Ông chỉ nghe chúng đòi giết thằng Bảy Đồng nào đó. Thằng Bảy Đồng có liên can gì đến mình. Mặc kệ cho chúng muốn giết sao thì giết. Ông vẫn cứ đứng cho đến khi chúng tiến đến gần và ra tay vồ lấy ông. Ông mới giật mình nhận ra chúng muốn giết mình. Bây giờ, ông thấy tên Bảy Đồng nghe quen lắm. Ông lục lại trí nhớ. Bảy Đồng, Bảy Đồng… 
À, tên của mình chứ còn ai nữa! Sao nó lại gọi mình bằng cái tên đã bị chôn giấu bấy lâu nay. Mình đã là Bảy Nhỏ rồi mà! Bảy Nhỏ, cái tên đúng với tính cách lông bông của ông. Trước kia, ông đâu phải là Bảy Nhỏ. Ông trở thành Bảy Nhỏ bởi ông cứ lông bông, lấy hết bà này sang bà nọ, để cuối cùng chỉ sống hiu quạnh một mình. Ông lại chẳng chịu chí thú làm ăn như ông nội và cha mẹ mà lại nhảy hết nghề này đến nghề khác, để cuối cùng phải đi mò tôm bắt ốc sống qua ngày. Ông còn vô trách nhiệm, chẳng biết chăm lo đạo hạnh, lễ nghĩa gì cả, chỉ biết chơi bời lêu lổng. Ông cũng chẳng biết lo cho gia đình vợ con, chỉ biết đùn đẩy công việc cho người khác. Bấy nhiêu sự ấy làm thành tên Bảy Nhỏ, chuyên “bỏ nhảy” mỗi khi có chuyện động đến mình…

Ông cũng biết nhưng bấy lâu nay ông chẳng buồn để ý. Chẳng lẽ ông tồi tệ như thế sao? Cái hình thù gớm ghiếc kia, sao lại gọi tên thật của ông. Cái tên Đồng mang đầy ước muốn đỗ đạt thành tài của cha mẹ đặt nơi ông. Vì thế, ông đau đớn trong lòng muốn ngã quỵ nhưng cái con người kia cứ cố đuổi giết ông. Ông vắt chân lên cổ chạy, chạy hết sức mà vẫn cứ thấy nó chạy theo. Tiếng giết vẫn phóng về phía ông. Ông thở hồng hộc, toát hết cả mồ hôi. Trong vô thức, ông gào lên: “Chúa ơi! Cứu con!”… Ông giật mình tỉnh giấc trong sợ hãi tột độ, mồ hôi, nước mắt đầm đìa trên khuôn mặt.


Trên chiếc chõng tre, ông vẫn còn nằm im như chết, tay chân bủn rủn, cả thân mình ướt đẫm. Ánh nắng sáng đã chói chang đầy người ông, chiếu vào mắt ông. Con vện nằm gần đó vẩy vẩy đuôi mừng chủ đã hết say. Nó liếm vào lòng bàn chân ông mấy cái nhồn nhột. Ông dần tỉnh. Dù mệt, ông cũng đủ nhớ hôm nay phải đi cảo hồ tôm cho nhà ông Báu Già. Ông này là chủ vựa tôm lớn nhất vùng Gò Dài và cả vùng núi Xương Cá nữa. Ông có nhiều tiền lắm. Ông hay lên khu phố ăn chơi của bà Tám Béo để xả hơi. Cái bụng béo của ông căng tròn như cái trống đình. Nhờ cái bụng ấy mà ông ăn nên làm ra và ăn chơi cũng dữ. Ăn chơi lắm nên chuyện ông già trước tuổi cũng là lẽ đương nhiên, dù ông ta chỉ mới chừng bốn mươi.


Bảy Nhỏ đứng dậy, xách cái giỏ đựng tôm, dắt con vện đi ra khỏi nhà. Ông đến thẳng hồ tôm của ông Báu Già. Khi đến nơi, người ta đã bắt được nửa buổi. Sau mấy lời chào qua loa, ông sà xuống như con rái cá tìm mồi. Hai tay ông đưa lia lịa kéo lưới bắt tôm cá rất điệu nghệ. Lòng ông bắt đầu vui trở lại. Ông vui và sống với nghề này ngay từ khi còn nhỏ. Dẫu không muốn biến nó thành kế sinh nhai lâu dài nhưng sự thật bây giờ ông chỉ biết gắn bó với nó. Cho nên, lâu dần nó trở thành niềm vui không thể thiếu trong ngày. Hôm nào không động đến tôm cá, lòng ông buồn rười rượi. Cho nên, giờ này ông thực sự được vui sống trong cuộc đời. Niềm vui này hơn cả những lần vui chơi tại khu phố sung sướng của Bà Tám. Cứ thế, ông say sưa ngụp lặn trong hồ tôm cho đến trưa, rồi đến chiều, cho đến bữa nhậu lai rai cuối ngày với ông Báu Già và nhóm người làm mướn.


3.


Sau khi lãnh tiền công và sau mấy lượt rượu đế, Bảy Nhỏ đi xiên xẹo về nhà rồi ngã lăn trên chiếc chõng ngoài hè ngủ say. Một lần nữa, ông lại thấy y hệt giấc mơ của ngày hôm qua. Lần này, bảy cái đầu chó dữ dằn hơn. Tuy nhiên, cái đầu chỉ huy lần này lại là cái đầu đen của ông Báu Già. Cái đầu đen nhặn xị há hốc cái miệng rỗng tuếch chẳng còn cái răng nào nữa. Nó cứ thét ra lửa:
- Giết! Giết chết thằng già lựu đạn đó! Thằng Bảy Đồng vô tích sự, đen đúa, xấu xí. Nó chẳng đáng là con người nữa. Giết, giết…!


Nghe lệnh, bảy cái đầu chó rứt ra, lao thẳng đến chỗ Bảy Nhỏ. Nó muốn cắn, muốn xé xác ông ra làm trăm mảnh cho tan đời ông luôn. Thấy thế, ông bắt đầu chạy. Lần này, ông không chạy qua khu phố vui vẻ nữa, dù bà Tám Béo có kêu gào, mời gọi ông vào lánh nạn. Ông rẽ phải, chạy thẳng trên con đường dẫn đến Nhà Thờ. Con đường này từng là bạn của ông trong gần nửa cuộc đời. Thế mà hôm nay nó lạ lẫm và hoang vu đến thế. Điều này làm ông sợ hãi hơn, cắm đầu cắm cổ chạy miết. Nhưng lạ một diều, càng chạy đến gần Nhà Thờ, ông càng thấy mình khỏe hơn, hai chân nhẹ bẫng. Ông nhìn lên tháp Thánh Giá và chạy như bay. Ngược lại, những cái đầu chó càng lúc càng yếu sức. Nó muốn lồng lên chạy thật nhanh nhưng phí sức. Chúng càng chạy càng yếu. Chúng nhìn thấy ánh sáng chói lòa từ Nhà Thờ tỏa ra thì mất hết sức lực rồi dần biến mất. Bây giờ, ông được hai Thiên Thần nâng lên và đem đặt trước cửa tiền đường Nhà Thờ. Ông xúc động và bỡ ngỡ hết sức. Dẫu rằng vẫn khung cảnh ấy, vẫn ngôi Nhà Thờ và hàng ghế gỗ cũ đen bóng ấy, nhưng ông lại thấy ấm cúng và hạnh phúc không tả nổi. Ông từ từ đi vào Nhà Thờ.


Trước mặt, ông không còn thấy cảnh thê lương của đám tang vợ và các con ông nữa. Chuyện là năm ấy gia đình ông mắc dịch chết hết. Từ vợ đến những đứa con thân yêu đều lần lượt ra đi. Vỗn dĩ ông rất sùng đạo. Ông đã cầu nguyện tha thiết, thâu đêm suốt sáng cho gia đình tai qua nạn khỏi. Thế mà chẳng còn ai ở lại với ông. Cũng từ đó, đức tin của ông vào Thiên Chúa toàn năng dần dần vơi cạn. Ông bỏ ăn bỏ uống, bỏ tất cả mọi thứ. Cái thú để ông sống chỉ còn có rượu. Ông chìm trong rượu, chìm trong bóng tối, chẳng còn muốn biết mình là ai. Lúc trước, dẫu ông có lông bông một chút nhưng chưa bao giờ bỏ Chúa, còn bây giờ trong ông chẳng còn Chúa nào cả. Cái cảm giác chẳng còn Chúa, đối với ông thật là sảng khoái. Ông sẵn sàng bỏ quách Chúa để giữ lấy mạng sống và đày đọa trong chén rượu. 

Mỗi lần đi qua Nhà Thờ, ông vẫn luôn muốn nhìn lại khuôn mặt của Chúa Giêsu trên Thánh Giá nhưng ông chẳng dám. Ông sợ mình lại nhớ đến nỗi đau năm xưa. Ông lại nghĩ, Chúa sẽ chẳng tha cho ông vì ông đã bội bạc với Ngài. Ông chẳng hy vọng gì về việc Chúa sẽ tha thứ nên ông đã bít các lối về của mình… Thế mà hôm nay, Chúa lại đưa tay ra cứu lấy ông. Ông có xứng đáng không. Ông vừa vui mừng, vừa hạnh phúc, vừa xấu hổ. Ông tiến đến trước Thánh Thể Chúa và sụp lạy. Lòng ông thổn thức, khóc òa lên. Bỗng Chúa Giêsu hiện ra và nói.
- Này con, con đến đây làm gì! Những cái đầu chó không còn theo con nữa sao?


Bảy Nhỏ ngước mắt lên tha thiết.
- Ôi! Lạy Cha! Con sợ quá! Con không biết mấy cái đầu chó ấy từ đâu mà ra. Nó ghét con lắm. Nó cứ chạy theo con và muốn giết con. Xin Cha cứu lấy con!...

Chúa Giêsu âu yếm nhìn đứa con bé nhỏ.
- Con ơi, chẳng phải con yêu thích nó sao? Nó là của con mà! Nó không có giết con. Con đã từng kiêu ngạo, từng tằn tiện với Cha và anh em con, từng ăn chơi lăng loàn tại khu phố vui vẻ, từng giận dữ độc ác với vợ con và mọi người, từng ham ăn mê uống nhậu nhẹt, từng ganh ghét anh chị em con vì họ giàu hơn con và vì thế con ghét luôn cả Cha, không còn đếm xỉa gì đến Cha nữa. Đã bao nhiêu năm rồi, con đã không đến thăm Cha nhưng Cha vẫn luôn ở đây đợi con.

Nghe những lời ấy, lòng Bảy Nhỏ đau khổ tột cùng. Ông ôm chân Chúa Giêsu khóc hết nước mắt.
- Lạy Cha, xin Cha tha tội cho con, vì con tội lỗi quá nhiều!...
- Này con - Phaolô Nguyễn Thành Đồng - con hãy đứng lên mà về bình an. Vì con đã được tha tội rồi. Chính con đã mở đường cho Cha đến với con. Con xứng đáng được nhận sự tha thứ và yêu thương.

Bỗng dưng Bảy Nhỏ thấy người mình nhẹ nhõm, thân mình đầy ánh sáng. Ông được hai Thiên Thần cất lên, cao dần cao dần và biến mất. Trong không trung, chỉ còn nghe tiếng cười vui rộn rã của trẻ con lẫn vào tiếng khóc hạnh phúc của người phụ nữ bên cạnh ông.

4.


Bảy Nhỏ cười vang trong giấc ngủ và giật mình thức dậy khi nghe tiếng gà gáy canh ba. Ông mở mắt và chăm chú nghe tiếng gà gáy đến mấy lượt. Ôi, sao trong sáng và hay đến thế! Ông còn đang miên man cảm nếm hạnh phúc đã bấy lâu ông bỏ quên thì tiếng chuông nhà thờ đổ vang. Ông giật mình, nghe nhoi nhói trong lòng một cảm giác đau đớn nhưng sao vô cùng dễ chịu. Đã bao nhiêu lần tiếng chuông nhà thờ đổ mỗi sớm mỗi chiều mà nay ông mới nghe. Tiếng chuông cảnh thức ấy giúp ông ôn lại bao nhiêu chuyện đã xảy ra trong quá khứ. Ông đã trách Chúa oan uổng sau cái chết của vợ con ông. Bởi trước sự mất mát, ông chỉ thấy đau khổ của ông mà chẳng thấy đau khổ của người khác. Năm đó, cả làng bị dịch, nhà nào cũng có người chết chứ đâu có riêng nhà ông. Ông lại chẳng thấy những ơn lành Chúa đã ban cho gia đình ông kể từ khi lập nghiệp tại vùng đất này. Ông đã để cho đau khổ choán hết chỗ của Chúa trong cõi lòng mình. Thế là tiếng chuông nhà thờ đã không còn vang lên trong lòng ông nữa mãi cho đến nay.
- Tiếng chuông hôm nay sao giòn giã và vui thế nhỉ? Tiếng chuông lòng ta sao!


Bỗng dưng, Bảy Nhỏ sực nhớ hôm nay là Chúa Nhật. Ừ phải! Tiếng chuông hôm nay to và giòn giã hơn ngày thường nhiều. Tiếng chuông Chúa gọi con cái của mình đi thờ phượng và cầu mong hạnh phúc. Tiếng chuông thức tỉnh bao tâm hồn đen tối ngu muội. Tiếng chuông xóa tan bóng đêm của ma quỷ, thế gian và xác thịt.
- Thật âm vang và ấm lòng con quá, Chúa ơi!


Chúa Nhật, Chúa Nhật phải đi lễ, phải nghỉ việc xác. Ông đã quên điều này từ bao nhiêu năm qua. Nay lòng ông lại xôn xao như những ngày đầu được rước Chúa vào lòng. Ông đứng dậy, muốn đi đến nhà thờ để nối lại các mối quan hệ đã bỏ quên từ lâu. Ông muốn đi lễ, muốn được xưng tội rước lễ như mọi người. Ông phải tự đi, không cần ai khuyên nhủ dẫn dắt. Ông đã đủ thấm cái khổ nhục khi bỏ Chúa. Ông đưa tay với lấy cái khăn, bước ra lu nước sau nhà, rửa mặt và tắm gội. Ông vận quần áo đẹp nhất. Ông thấy mình đĩnh đạc, đẹp đẽ như thời trai trẻ. Ông hét lên.
- Bảy Đồng! Phaolô Nguyễn Thành Đồng! Nào đứng lên đi gặp Chúa! Nào chúng ta cùng đi lễ!...


Ông hớn hở bước ra đường, vui mừng đi đến nhà thờ.
Đường càng lúc càng đầy người và trời càng lúc càng sáng dần.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét