Banner top

Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

Giải VVĐT 2018–Đường thẳng vẽ bằng nét cong


Mã số: 18-007

Ba mươi tuổi, anh là trưởng phòng kinh doanh của một công ty vận tải lớn ở thành phố biển Nha Trang xinh đẹp. Ở cái tuổi tam thập nhi lập, địa vị xã hội ổn định, thành công trong công việc, anh là mẫu người lý tưởng của nhiều cô gái cùng cơ quan.





Anh là con đầu trong một gia đình có bố là giáo viên toán cấp ba đồng thời là Chủ tịch HĐGX ba nhiệm kì liền, mẹ là giáo viên văn cấp hai cũng là một thành viên nhiệt tình của hội Hiền Mẫu. Đứa em kề đang học năm thứ 3 thần học của Đại chủng viện Sao Biển. Nhìn vào gia đình anh, ai cũng ao ước, mấy cô trong giáo xứ hay trêu anh sao mà băm rồi vẫn chưa chịu lập gia đình? Có cô còn nói để giới thiệu con gái cho. Anh chỉ biết cười trừ. Ba mẹ cũng mong anh sớm yên bề gia thất, nhưng biết sao được, anh chỉ biết cười rồi trả lời bằng câu cửa miệng: “Ý Chúa chưa cho”.


Thật ra nói anh không yêu ai hay chưa yêu là không đúng. Nói cho đúng là anh chẳng dám yêu. Anh đè nén, che giấu tình cảm của mình vì anh không dám, anh không muốn đối diện với tình yêu, anh không dám đối diện với sự thật bao lâu nay anh che giấu: Anh đang có cảm tình đặc biệt với một anh cùng cơ quan (dĩ nhiên là đơn phương). Làm sao anh có thể nói ra sự thật này? Làm sao ba mẹ, gia đình, giáo xứ có thể chấp nhận sự trái tự nhiên này? Nếu nói ra, anh và gia đình có đủ dũng khí để đối mặt với hàng xóm, với mọi người? Những tiếng xầm xì có thể chôn sống gia đình anh. Còn danh dự của gia đình? Của ba mẹ? Của đứa em? Giáo xứ, cha xứ sẽ nói gì? Là một người có học thức, được đào tạo về văn hóa và giáo lý, anh biết rằng: “Các hành vi đồng tính luyến ái tự bản chất là vô trật tự” (x. Tuyên ngôn Persona Humana, Thánh Bộ Giáo Lý - Đức Tin, số 8). Chính anh còn không chấp nhận mình thì làm sao người khác, làm sao xã hội, làm sao Giáo hội chấp nhận anh được? Anh chỉ còn biết gửi những tâm sự của mình vào những trang nhật kí được giấu kĩ trong ngăn bàn.

Anh chỉ có thể tâm sự với những trang giấy vô tri, anh sợ con người, anh sợ vì có triết gia nào đó đã từng nói con người ngày nay đang tự đào mồ chôn nhau bằng chính cái miệng của họ. Anh lo sợ có lý, có gì đáng sợ hơn bia miệng? Chẳng phải ông bà vẫn nói trăm năm bia đá cũng mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ đó sao? Chính vì vậy anh tự hứa với lòng mình sẽ mãi mãi chôn sâu bí mật này, mãi mãi chôn sâu sự vô trật tự oái ăm này.

Cuộc sống vẫn thế, cứ bình lặng trôi đi, cuốn nhật kí ngày một dày hơn. Cảm ơn mày! Nhờ mày mà mỗi đêm tao chợp mắt được chút ít, nhờ mày mà lòng tao nhẹ hơn… Nó như người bạn bất khả chia lìa của anh. Cho đến một ngày…

Hôm đó anh trở về nhà sau một ngày làm việc khá mệt mỏi. Vừa vào nhà, anh gặp ba mẹ đang ngồi ở phòng khách. Quái! Sao giờ này ba lại ở nhà? Hôm nay ba đi dạy mà ta? Anh lấy làm lạ. Nhìn kĩ, anh thấy mắt mẹ đỏ hoe, còn ba nhìn anh giận dữ… Cuốn nhât kí… nằm trên bàn. Anh nhào tới, chụp lấy cuốn sổ.

- Ba…mẹ…! Sao ba mẹ lại lục đồ của con?- Anh thét lên.
Sáng nay mẹ dọn phòng cho anh vì đêm qua anh đi tiệc tùng với đám bạn tới khuya mới về, sáng lại đi làm sớm nên căn phòng hơi bừa bộn. Mẹ anh vô tình thấy cuốn sổ nhét trong ngăn bàn, mà tính anh vốn cẩn thận nên bà nghĩ chắc anh bỏ quên. Bà lấy ra định để lên giá sách… thì tấm hình một người con trai rơi ra… Không phải anh, là một người cùng công ty mà có mấy lần theo anh về nhà chơi. Tò mò, lần giở từng trang nhật kí, bà ngã quỵ xuống giường, hồi lâu mới tỉnh lại. Bà gọi cho ba.
Mẹ anh bồi hồi nhớ lại, lúc bé mẹ hay mua đồ chơi cho anh, nhưng những thanh kiếm nhựa, những khẩu súng giả đều bị anh vất lăn lóc qua một bên. Anh năn nỉ mẹ mua cho anh những con búp bê, anh thích thú lạ. Quần áo anh lựa luôn có gam màu hết sức nhẹ nhàng… Đúng rồi, chính do mẹ anh quá vô tâm nên không nhận ra sự khác lạ về tâm lý và tính cách của anh, đáng lẽ mẹ nên nhận ra từ lâu rồi mới phải.
- Ba…mẹ… Đây không phải là lỗi của con, con xin ba mẹ…- Anh quỳ mọp dưới đất.
- Mày im đi…đồ hư đốn…đồ kinh tởm!- Ba anh gào lên.- Mày làm ô nhục cái gia đình này.
- Ba… Con xin ba… Ba đừng nói vậy…
- Im đi!- Ông quát to.

Anh vẫn quỳ đó, gánh chịu cơn giận của ba. Mẹ anh chỉ biết khóc. Mẹ khóc vì thương anh hay vì… anh không biết, nhưng anh biết một điều là từ nay anh sẽ không sống yên ổn trong nhà được nữa.

Anh lặng lẽ ôm cuốn nhật kí lên phòng. Anh tự hỏi anh có làm gì đâu mà ô nhục? Anh có đòi yêu ai đâu? Anh có đòi sống chung với người cùng giới đâu. Vì không muốn gia đình bị đàm tiếu nên bấy lâu nay anh im lặng. Trong thinh lặng, anh chiến đấu với những cảm xúc, những nhu cầu sai trái… Ba mẹ có biết con phải chiến đấu với nó hằng ngày không? Ba mẹ có hiểu được cảm giác của con không? Ba mẹ có biết con đau khổ như thế nào không? Ba mẹ có biết hằng đêm con phải chiến đấu với những đòi hỏi xác thịt ghê gớm tới mức nào không?…

Cuộc sống nặng nề trôi qua. Ba anh xin ra khỏi HĐGX sau khi bị cha sở gọi lên quạt cho một trận. Có ai đó đã nghe cuộc cãi vã của gia đình anh. Sự việc nhanh chóng lan đi. Thế là kì thị. Thế là dòm ngó. Thế là đồn thổi. Thế là cô lập.

Anh giam mình trong bốn bức tường. Anh cô độc trong chính ngôi nhà của mình. Lặng lẽ như một cái bóng, anh âm thầm chịu đựng… Chúa ơi! Có phải lỗi của con không. Con đã cố gắng sống khiết tịnh, con đã cố gắng sống theo lời Hội thánh dạy, con muốn được nên trọn lành (x. GLHTCG 2359), dù xuất phát điểm của con thật tệ. Con đã tin Chúa sẽ vẽ đường thẳng bằng những nét cong… Nhưng Chúa ơi…Chúa ơi… Con đang thất vọng… Sức con có hạn mà Chúa!

***

Đợt thuyên chuyển linh mục vừa rồi, cha Nam - một linh mục vừa du học về - được Đức Cha sai về coi một xứ trong thành phố Nha Trang. Cha là một linh mục đạo đức, thánh thiện và hết lòng yêu thương giáo dân.

Ở xứ được vài tuần, cha thấy có một chuyện khá lạ. Thường thì ông bà cố của các thầy thường xuyên đi lễ, thường xuyên tới nhà xứ lắm, mà đằng này ông bà cố của thầy Tân chẳng thấy hiện diện, dù ông cố là chủ tịch HĐGX khóa trước.

Để tâm tìm hiểu trường hợp lạ thường này, cha dần tìm ra nguyên nhân. Sau khi tìm hiểu cặn kẽ, kĩ lưỡng, cha lấy làm lạ là tại sao một xứ nằm ngay thành phố mà lại chưa cập nhật những tư tưởng của Giáo hội về vấn đề đồng tính? Sao lại kì thị những người như vậy? Sao lại lên án họ? Sao lại cô lập họ? Sao lại đàm tiếu gia đình họ? Những vấn nạn của gia đình ngày nay chưa đủ nhiều hay sao mà lại còn chất thêm lên lưng họ sự kì thị này nữa. Lòng cha đau lắm. Lỗi do ai? Chủ chăn hay đàn chiên? Dĩ nhiên không phải do anh hay do gia đình. Gia đình anh chỉ là nạn nhân, nạn nhân của sự lười biếng. Chủ chăn không nói cho người dân biết những lời dạy của Mẹ Giáo hội về trường hợp đồng tính. Giáo dân lười biếng tìm hiểu những tư tưởng của Giáo hội, nhưng lại siêng năng đưa ra những nhận định mang nặng tính bài trừ, dè bỉu của mình. Tội cho gia đình ông bà cố. Tội cho anh. Cha thấy mình cần phải lao đầu vào việc. Cha phải là chiếc cầu nối để nối Thiên Chúa với con người, giữa con người với con người (x. Tông huấn Pastores Dabo Vobis số 43).

Chiều đó trên chiếc xe đạp cũ, cha hòa mình vào dòng người đang hối hả trong giờ tan tầm. Dừng xe trước một ngôi nhà nhỏ trong một con hẻm, cha nhấn chuông. Một người phụ nữ trạc tuổi cha ra mở cổng. Thấy khách tới là cha xứ, mẹ anh ngỡ ngàng, bà vội vàng mở cửa.
- Con chào cha… Cha tới…
- Em chào chị!- Cha ngắt lời mẹ anh.
- Em tới xin anh chị bữa cơm chiều.- Cha mỉm cười nói tiếp.
- Dạ… Dạ…- Có lẽ hơi bất ngờ nên mẹ anh không biết nói gì.
- Sao?... Có cho em ăn ké không?
- Dạ…dạ… Con mời cha vào nhà.
Vượt qua ánh mắt soi mói của hàng xóm, bỏ đi những lời xầm xì chung quanh, cha vào nhà anh.
- Em chào anh!- Cha mở lời vui vẻ khi thấy ba anh từ trên lầu đi xuống.
- Dạ con chào cha, quý quá, sao cha biết nhà con mà tới?- Ba anh vồn vã.
- Dạ em hỏi thăm…
- Hân hạnh cho gia đình con quá…- Vừa nói ba anh vừa đảo mắt ra ngoài cửa. Ngoài đó cũng có những ánh mắt đang soi mói nhìn vào.

Câu chuyện sôi nổi bên mâm cơm. Từ chuyện đông tây kim cổ đến chuyện giáo dục, chuyện đời thường, chuyện nhà đạo… Cha thấy đã đến lúc cần thoa thuốc vào vết thương cho gia đình.
- Anh Tư nè (ba anh thứ tư), em nghe nói dạo trước anh siêng năng đi lễ lắm, siêng năng làm việc nhà Chúa lắm, sao từ dạo em về, em không thấy anh nữa ta?- Cha ôn tồn, vừa gắp thức ăn vừa nói.
Mẹ anh nghe tới đó, bà buông đũa, đưa mắt nhìn ba. Mắt ba nhíu lại, nhìn xa xăm, lặng lẽ rít điếu thuốc. Cha biết vết thương đang xót, phải thêm thuốc oxy già để sát trùng luôn.

- Có phải vì chuyện thằng Phú không?
Đến lúc này thì không gian trở nên yên ắng lạ lùng. Nãy giờ nấp trên lầu, anh nghe tất cả. Hồi hộp. Anh chờ… Nhưng chờ gì nhỉ? Chẳng phải cha sở trước đã rao trên bục giảng là gia đình anh làm gương mù gương xấu sao. Anh còn chờ gì nữa?

Vết thương bắt đầu xót, xót kinh khủng. Cha tiếp:
- Anh Tư nè! Nói thiệt, em thấy trường hợp của thằng Phú nhà mình, nó đáng được gọi là một… anh hùng.
Anh hùng? Anh là anh hùng? Ánh mắt ngơ ngác của mẹ nhìn ba. Ánh mắt khó hiểu của ba nhìn mẹ. Thuốc đang có tác dụng.
- Anh chị không thấy sao, bao nhiêu năm nay nó đã sống theo lời Hội thánh dạy: “Những người đồng tính luyến ái được kêu gọi sống khiết tịnh… tiến tới sự trọn hảo Kitô giáo” (x. GLHTCG 2359).
- Thưa cha!! Chứ không phải Giáo hội luôn lên án những người đồng tính sao?
- Sai! Anh hiểu như vậy là sai. Giáo hội chỉ lên án những hành vi đồng tính luyến ái, còn những người đồng tính, Giáo hội luôn đón nhận với sự tôn trọng, cảm thông và tế nhị (x. GLHTCG 2358).
- Như vậy… như vậy… sao cha sở…

Nói tới đó, ba anh bưng mặt khóc. Thuốc đang có tác dụng tốt.
- Anh chị phải biết rằng Chúa có cách của Chúa, Ngài có thể vẽ đường thẳng bằng những nét cong. Thằng Phú bao năm nay đã sống quá tốt lành, chúng ta có lỗi với nó… Từ giờ phải yêu thương giúp đỡ nó. Anh chị hiểu và đồng ý với em không?

- Dạ con biết mình sai rồi.- Ba anh nghẹn ngào trong nước mắt. Hạnh phúc vỡ òa. Nhà ngục luân lý bao nhiêu năm qua nay bị phá bỏ.
Từ trên lầu, anh chạy xuống ôm lấy cha. Anh khóc như một đứa trẻ, những cảm xúc lâu ngày dồn nén… Chúa ơi… giờ đã có người hiểu được những cố gắng của con rồi… Con không cô độc, con luôn có Chúa… có gia đình, có Giáo hội đồng hành… Ôi Chúa… đường thẳng… nét cong.


Đăng nhận xét

0 Nhận xét